TTCT - Những năm gần đây, một số nhà lý luận - phê bình cho rằng điện ảnh VN đang lạc bước vào con đường nghiệp dư. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này, nhưng lỗi trực tiếp là từ phía những người làm ra bộ phim hay tác phẩm văn hóa nghệ thuật.

Có những lỗ hổng không biết khi nào mới được lấp

Một buổi học của sinh viên năm 2 khoa đạo diễn Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Để có một bộ phim ra mắt người xem cần phải có sự đóng góp của nhiều thành phần: tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, âm thanh, ánh sáng... đi kèm các điều kiện vật chất, thiết bị, kỹ thuật…

Điện ảnh VN muốn phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại và hội nhập, mang đậm bản sắc dân tộc thì việc quan trọng trước tiên là đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ ở các chuyên ngành của hai trường đại học sân khấu - điện ảnh Hà Nội và TP.HCM.

Hiện nay, lực lượng giảng dạy chính ở cả hai trường trên là thầy cô đoạt giải thưởng nhà nước, NSND, NSƯT… Họ là những giảng viên được mời thỉnh giảng, vì có những thành tích và kinh nghiệm thực tế trong quá trình hoạt động nghệ thuật. Đa số họ dạy theo cách thức truyền nghề. Nhưng đào tạo nghề dù là nghề nghệ thuật thì cũng không thể vươn lên tầm mức giáo dục đại học nếu không có hoạt động nghiên cứu khoa học được thực hiện/hướng dẫn thực hiện bởi những thạc sĩ, tiến sĩ.

Việc đào tạo nghệ thuật ở các trường chuyên nghiệp đòi hỏi song song hai mặt: một là kỹ năng, kỹ xảo; hai là lý thuyết. Phần kỹ năng mang tính truyền nghề, phần lý thuyết hướng tới tư duy. Việc kết hợp hai yếu tố này giúp sinh viên đại học “thấy” bằng trực giác và “hiểu” bằng tư duy, giúp sự nhận thức trở nên sâu sắc hơn nhiều, có khi còn gợi mở sự liên tưởng, tưởng tượng, tăng cường khả năng sáng tạo sau này.

Như vậy, trong mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục - đào tạo có lý khi cảnh báo các trường khối văn hóa nghệ thuật trong tương lai phải đáp ứng đủ cơ số giảng viên cơ hữu có học vị thạc sĩ, tiến sĩ.

Thực tế tại hai trường sân khấu - điện ảnh Hà Nội và TP.HCM thì trong ba năm nữa (tới năm 2017) chắc chắn cũng không có thạc sĩ, tiến sĩ là đạo diễn, quay phim… Mặt khác, bằng cấp, học vị có trường hợp chưa phản ảnh đúng khả năng chuyên môn của người được cấp, ngược lại, người có khả năng và uy tín nghề nghiệp lại không có học vị cao. Chúng ta phải mất một thời gian dài nữa để khắc phục những bất cập này.

Về trang thiết bị phục vụ giảng dạy và thực hành, cả hai cơ sở đào tạo đều đầu tư khá đủ. Tuy nhiên, các thiết bị kỹ thuật này dù hiện đại tới đâu cũng rất nhanh chóng bị lạc hậu. Cho nên, ngay cả những hãng phim lớn ở nước ta cũng không đầu tư theo kịp mà chọn giải pháp đi thuê khi có nhu cầu. Suy cho cùng, giá trị nghệ thuật của một tác phẩm điện ảnh không hoàn toàn phụ thuộc vào số tiền đầu tư hay sự hiện diện của thiết bị kỹ thuật.

Trong xu hướng toàn cầu hóa, việc xác định giá trị nghệ thuật của tác phẩm điện ảnh nhiều khi không bằng sự so sánh hơn kém mà bằng sự khác biệt. Mỗi dân tộc đều có tính cách và ký ức văn hóa riêng. Khai thác những yếu tố bản sắc văn hóa dân tộc sẽ là điều kiện thuận lợi để các thành phần sáng tạo đạt được thành công khi làm phim về VN.

Chính vì thế, việc giảng dạy tại các trường cần tăng cường về phương diện lý thuyết, đầu tư việc nghiên cứu khoa học giúp sinh viên có khả năng toàn diện để độc lập sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận