Nhạt nhòa sơn mài

VÕ XUÂN HUY 02/04/2014 22:04 GMT+7

TTCT - Thiếu một chiến lược bảo tồn và phát triển ngành sơn Việt Nam bao quát từ khâu quy hoạch, trồng trọt đến triển lãm, bảo tàng; sơn mài đang rơi vào tình cảnh như hiện nay là phổ cập về lượng nhưng nhạt nhòa về chất.

Chạm giữa rừng sơn
“Màu xưa” bóng lộng và dự cảm

Vườn xuân Trung Nam Bắc, sơn mài truyền thống của Nguyễn Gia Trí

Ra đời kể từ khi các sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội) tiến hành thể nghiệm sơn ta vào sáng tác tranh theo phương pháp tạo hình châu Âu (trong khoảng năm 1930-1931), sơn mài là sự kết hợp giữa chất liệu sơn ta với phương pháp tạo hình mà trong quá trình thực hiện có việc mài nhiều lần với nước để tạo các lớp màu, lấy mặt phẳng; nhựa sơn chín được pha thêm nhựa thông nhằm tạo độ giòn để có thể mài.

Sơn ta là sơn được điều chế từ nhựa cây sơn (Rhus succedanea) mọc chủ yếu ở Phú Thọ dùng để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, tượng thờ, hoành phi, câu đối, trang trí đình chùa, cung điện.

Trong bài thuyết trình trước Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 19-7-1948 (Việt Bắc), họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906-1954) cho rằng:

“...Sơn ta có sắc phẩm, có phẩm chất đủ năng lực để làm tan các mâu thuẫn giữa hình, sắc, chất, mâu thuẫn đã có từ non một thế kỷ. Sơn mài, một ngành hội họa mới do tay người Việt Nam dựng lên, sẽ đem lại cho thế giới hội họa hình, sắc, chất đang mong đợi và sự điều hòa những khuynh hướng trái ngược nhau” và “Không những sơn mài đã là một ngành hội họa, sơn mài còn là một ngành hội họa đủ năng lực cách mạng hội họa thế giới hiện nay đang mắc nghẽn trong một con đường cụt không có lối thoát”.

Quả thật vào giai đoạn đó những sáng tác sơn mài sáng chói của Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Văn Cẩn... đáng để Tô Ngọc Vân ca ngợi và dự báo về tương lai của sơn mài Việt Nam. Nhưng hiện nay sơn mài có đúng như kỳ vọng của cố danh họa hay không?

Mới đây J.F.Hubert - chuyên gia về nghệ thuật Việt Nam - còn nhận định sơn mài có sự đi xuống, thay đổi chất liệu và rút ngắn các công đoạn trong quá trình sáng tác (Tuổi Trẻ Cuối Tuần, số đề ngày 17-4-2013).

Thu hẹp rừng sơn, làng nghề chuyển hướng

Sự ra đời của nhóm họa sĩ sơn ta (Hà Nội) thật đáng khích lệ, nhưng cũng chỉ là con số ít ỏi (38 người) trong đội ngũ đông đảo các họa sĩ vẽ sơn mài công nghiệp hiện nay. Tại TP Huế và TP.HCM, số họa sĩ vẽ sơn ta chuyên nghiệp cũng chỉ đếm được trên đầu bàn tay.

Có thể thấy đến nay, nhờ sự sáng tác đông đảo của các họa sĩ chuyên, không chuyên về sơn mài, đặc biệt là truyền thông đa phương tiện đã khiến sơn mài ngày càng phổ biến rộng rãi, song cũng chính vì thế thuật ngữ này dễ bị lạm dụng và trong nhiều trường hợp làm mất đi giá trị đích thực của sơn mài.

Chính vì sự đa dạng đó mà có nhiều thuật ngữ khác nhau ra đời như sơn ta, sơn truyền thống để chỉ sơn mài được làm từ sơn ta; sơn mài mới, sơn mài Nhật, sơn mài hạt điều để chỉ các loại tranh sáng tác từ sơn công nghiệp, sơn hạt điều, mực in.

Hiện nay về cơ bản có thể nói sơn mài công nghiệp đang thay thế dần sơn mài ta trên mọi lĩnh vực từ sáng tác tranh đến trùng tu, phục chế. Cho dù chúng ta đã có hai hội thảo về sơn ta, sơn mài, nhưng phần lớn là ca ngợi vẻ đẹp lộng lẫy vàng son của chất liệu, lịch sử về các làng nghề và nghệ nhân chứ chưa đi vào phân tích thực trạng sơn mài hiện nay và định hướng phát triển.

Sơn ta vừa có thể dùng để chế tác sản phẩm mỹ nghệ, sản phẩm trang trí ứng dụng, lại vừa có thể dùng làm chất liệu sáng tác hội họa. Thật là một chất liệu kỳ diệu, phù hợp với xu thế “mix technique” hiện nay. Đáng tiếc là nguồn sơn hiện nay ngày càng giảm cả về số lượng và chất lượng.

Khảo sát thực địa, chúng tôi nhận thấy nhiều rừng sơn đã bị thu hẹp về diện tích hoặc chuyển qua sử dụng cho mục đích khác. Sự suy giảm này có mối liên hệ với chuyển hướng các làng nghề từ sử dụng sơn ta sang sử dụng sơn hạt điều, sơn công nghiệp khác như làng Hạ Thái, Chuyên Mỹ (Hà Nội), Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), đồ nét và cuống ghép nứa Cát Đằng (Nam Định), hàng tráp quả chợ Bằng (Hà Đông, Hà Nội) đồ khảm làng Chuôn, làng Tre (Phú Xuyên, Hà Nội)...

Các làng nghề này xưa là quê hương nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển tinh hoa kỹ thuật và thẩm mỹ dân tộc, nay đã cơ bản từ bỏ sơn ta truyền thống và chuyển qua sơn công nghiệp với công nghệ mài, phun, xịt, phủ bóng bằng máy.

Sinh viên học chuyên ngành sơn mài tại các trường mỹ thuật trong cả nước ở bậc đại học đều có học về quy trình điều chế sơn, song do vật tư đắt đỏ và lại phụ thuộc vào nguồn cung cấp duy nhất từ Hà Nội nên đa số chỉ được học lý thuyết, hiếm khi thực hành. Các học phần vẽ sáng tác, thiết kế về sau đều dùng sơn đã được chế biến.

Điều mà giáo viên và sinh viên quan tâm nhất chỉ là bố cục và chủ đề tác phẩm. Sinh viên đi thực tế thì chủ yếu là theo đề tài sáng tác. Thường họ theo những đề tài nông thôn, miền núi, ngư nghiệp, công nghiệp, chợ... Thiếu hẳn mảng thực tế điền dã về các vùng nguyên liệu, các làng nghề sơn mài, các công trình mỹ thuật cổ có nhiều dấu ấn sơn ta.

Khi đã ra trường thành họa sĩ tự do thì vì lý do thời gian, sự tiện dụng hoặc sự khó khăn trong khâu điều chế nên họ hầu như phụ thuộc vào sơn thành phẩm trên thị trường, phó thác chất lượng sơn hoàn toàn cho nhà cung cấp. Họ coi nhựa sơn đã pha chế như nó đã vốn vậy, không quan tâm nó từ đâu đến, nó được pha chế như thế nào và hiện trạng nó hiện nay ra sao.

Sơn sống, chín (cánh gián, sơn then) phục vụ cho sáng tác sơn mài, hiện nay chỉ bày bán chủ yếu ở Hà Nội và một vài địa chỉ nhỏ lẻ không đáng kể khác. Các địa chỉ cung cấp trong cả nước, nếu có, đều là trung gian ở các địa chỉ này. Chất lượng sơn hoàn toàn phụ thuộc vào cảm quan, may nhờ rủi chịu, không có bất cứ tiêu chí nào.

Múa vòng - 1980 của Nguyễn Sáng

Phóng to
Thiếu nữ với mùa xuân - 1975 của Nguyễn Tiến Chung

Manh mún ngành sơn

Một thực tế là phần lớn các họa sĩ ba miền hiện nay đều không dùng sơn ta để vẽ tranh sơn mài mà thay vào đó là sơn điều, sơn công nghiệp từ Nhật Bản quen gọi là “sơn Nhật”, mực in lưới (in lụa). Quy trình tạo hình giống với sơn ta nhưng đã giản lược một số công đoạn.

Sơn điều kết hợp với bột đá dùng để làm vóc, “sơn Nhật”, mực in dùng để vẽ. Một số khác dùng kết hợp giữa sơn ta và sơn công nghiệp theo từng công đoạn. Vóc làm bằng sơn ta hiện nay gần như không có, trừ phi là họa sĩ tự làm hoặc đặt làm. Vì thế, hiện nay rất hiếm họa sĩ vẽ tranh bằng chất liệu sơn ta hoàn toàn.

Nhìn tổng thể ngành sơn (sơn ta, sơn mài) Việt Nam cũng khá đủ các khâu, các nhân tố như khai thác nhựa từ cây sơn, trồng cây sơn, người thợ làm sơn, giảng dạy, sáng tác, triển lãm. Song sự đồng bộ và phát triển toàn diện mang tính hệ thống thì không.

Có thể nói về sự manh mún, đứt đoạn, thiếu mối liên hệ qua lại. Việc nghiên cứu cây sơn, nhựa sơn còn quá sơ sài, đến nay chủ yếu dựa vào các tài tiệu của người Pháp để lại từ đầu thế kỷ 20. Khai thác và chế biến về cơ bản vẫn như từ trước đến nay, song chất lượng nhựa sơn kém hơn do cây sơn đã bị thoái hóa, đất bạc màu, khai thác không đúng tuổi, quá tuổi.

Thiếu một chiến lược bảo tồn và phát triển ngành sơn Việt Nam bao quát từ khâu quy hoạch, trồng trọt đến triển lãm, bảo tàng; sơn mài đang rơi vào tình cảnh như hiện nay là phổ cập về lượng nhưng nhạt nhòa về chất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận