Ký ức ở những đồ vô tri

LÊ THIẾT CƯƠNG 30/11/2013 00:11 GMT+7

TTO - Lẽ thường đã sinh ra thì sẽ có ngày mất đi, có bắt đầu thì có kết thúc, có sinh thì có tử. Ấy thế nhưng không phải là không có ngoại lệ.

Phóng to
Bát chiết yêu

Phóng to
Đĩa than

Phóng to
Tăng âm Fisher

Phóng to
Bàn trang sen

Phóng to
Quạt tai voi

Anh T. bạn tôi có một bộ sưu tập hơn trăm cái bát chiết yêu, hôm rồi anh tặng tôi một đôi. Miệng bát xòe rộng, chân nhỏ, ngắn, điểm khác biệt với các dáng bát khác là có ngấn, thắt lại ở phần eo chia bát làm hai phần rõ rệt nên gọi là bát chiết yêu. Men áo là men búp dong, hơi xanh, làm bằng tro bếp pha nước vôi, vẽ lam dưới men.

Thời trước, cỗ quê một mâm gồm năm đĩa hai bát là dùng bát chiết yêu. Cỗ nhà giàu, hết bát này múc thêm bát khác, cỗ nhà nghèo chỉ một bát. Dáng bát chiết yêu như vậy nên không chứa được nhiều thức ăn nhưng trông vẫn đầy đặn, no đủ, ít nhất thì cũng no mắt, đủ mắt.

Những cái bát chiết yêu đã đi qua bao gia đình, đi qua bao bữa cơm sáng trưa chiều tối. Ai đã vuốt ra cái bát này, ai vẽ, ai vào lò ra lò? Ai đã nung cái bát này? Tại sao lại bát ăn bát để, tại sao lại ăn ở đầy vơi như bát, tại sao lại tham bát bỏ mâm, nhà sạch bát sạch, ăn cháo đá bát? Tại sao chết thì lại gối đầu lên bát sẽ “ngủ” yên hơn?

Chuyện bát cũng là chuyện người, chuyện ăn uống cũng là chuyện người. Người Việt có nhiều loại thức ăn nước hơn thức ăn khô: canh, cháo, phở, bún, miến... nên bát dùng nhiều hơn đĩa, có nhiều dáng bát lạ, đẹp, điển hình là bát chiết yêu.

Năm ngoái, chị bạn tôi rủ về Ninh Hiệp - quê chị, dự hội làng. Ở ngay gian giữa nhà chị có một chi tiết trang trí làm tôi chú ý. Đó là cái bàn trang treo trên tường bên phải cửa ra vào. Nó là một nông cụ rất phổ thông dựng đầy bờ hè, cuối hiên nhà ngang ở các vùng quê Bắc bộ. Bàn trang dùng khi phơi thóc, để dàn ra, vun lại, để đảo thóc cho khô đều.

Nhưng cái bàn trang này không phải là bàn trang thóc mà là bàn trang sen. Nó còn hơn một kỷ vật. Nó đã thành của gia bảo. Hơn thế, nó là biểu tượng của một nghề, một làng nghề, biểu tượng của một dòng họ lớn. Làng Ninh Hiệp, một làng cổ ở ngoại thành Hà Nội, ra đời từ thời Lý. Làng có nghề truyền thống chế biến đông nam dược.

Ninh Hiệp là tên chữ, còn dân gian vẫn quen gọi là Kẻ Nành. Cứ vào cữ cuối hè đầu thu, bà ngoại của bạn tôi lại đi các vùng lân cận, gần thì ngay phủ Từ Sơn, xa hơn là bên Vân Hà, Phù Khê để mua hạt sen tươi. Cả một đời bà ngoại, cả một đời mẹ, đến đời chị ấy vẫn dùng cái bàn trang này.

Một ngàn năm trôi đi kể từ ngày có làng, có nghề. Một ngàn mùa thu qua đi, những người đàn bà Kẻ Nành lặng lẽ ngồi dưới hiên nhà, chặt sen để tách vỏ khỏi hạt, rồi cho vào nong mang phơi ngoài sân gạch. Một tấn hạt tươi sau khi chế biến, phơi khô chỉ còn già nửa. Sen là vị chủ trong các thang an thần. Chẳng cứ thời nào, bất luận bình hay loạn, chẳng cứ hạng người nào, tiểu nhân hay quân tử, vị thuốc hạt sen này bao giờ cũng mua may bán đắt.

Nhưng cái bàn trang sen của gia đình ấy qua bao đời sử dụng mà vẫn có cảm giác nó không thể mòn hơn được nữa, thậm chí còn dày lên bởi lớp phấn sen mỗi ngày lại bám thêm vào. Như thể một thứ đạo đức của tự nhiên, được mất, mất được luôn đắp đổi cho nhau.

Tôi hay uống với bạn bè ở một quán lấy tên là “Hợp tác xã”. Tông chủ đạo của quán là màu xanh lá cây nhạt. Từ tường, trần nhà, cửa, bàn ghế, kệ, giá thống nhất theo không khí thời bao cấp. Cái xe đạp Mifa gỉ từ thời CHDC Đức dựng ở cửa, mấy cuốn sổ đăng ký mua lương thực bìa màu cháo lòng lồng khung kính treo trên tường, cái đài Hồng Đăng, máy khâu con bướm...

Những đồ vật vô tri, cũ kỹ, ít tiền, đồng nát đó được chủ quán tha về, lau chùi, sắp đặt chúng cạnh nhau trong cái quán nhỏ này. Anh đã làm cho chúng cất tiếng. Ở một góc quán có bộ máy nghe nhạc, loa AR3, tăng âm Fisher-500TX, logo hình con chim én bay bay. Bộ máy này chẳng còn nghe được nữa, chủ quán không sửa tí gì, chỉ bày để ngắm chơi. Những gì đã qua thì hay, qua được đều hay, những gì hay thì đã qua?

Thỉnh thoảng trà dư tửu hậu với bạn bè, tôi hay đùa AR3 với Fisher nổi tiếng vì chúng chẳng có tiếng gì. Nhưng không có nghĩa là chúng câm lặng. Chúng vẫn có thể kể những câu chuyện về một thời chưa xa nếu người nghe biết khơi gợi, biết nghe.

Chẳng ngờ được cái ampli hoen gỉ, đôi loa có mặt bằng vải thô (màu nước trà đặc trưng) thủng lỗ chỗ lại có thể gọi về bao kỷ niệm, “kỷ - niệm - mưa - dầm lên tiếng gọi” (Trần Dần).

Trên nóc loa có mấy cái đĩa than cũng bày để nhìn, như cái đĩa bà Quách Thị Hồ hát Tỳ bà hành, đàn đáy Nguyễn Văn Phượng do Nhà xuất bản Mỹ Thuật Và Âm Nhạc Hà Nội phát hành hồi thập niên 1970. Cứ cho rằng chất lượng đĩa còn tốt đi chăng nữa thì cũng không nghe được, đĩa này tốc độ 78 vòng phút là tốc độ mà các máy đời mới đã bỏ. Nhưng nghe được hay không nghe được có quan trọng gì?

Những đồ vật ấy chả còn dùng nữa, đã nghỉ ngơi rồi, đã “vô dụng” rồi, từ cái bát chiết yêu, cái bàn trang sen đến những đồ dùng quen thuộc hằng ngày thời bao cấp. Nhưng chúng không chết, chúng vẫn sống, sống một đời sống khác. Bởi vì chúng đang lưu giữ ký ức, lưu giữ những câu chuyện vui buồn, lưu giữ văn hóa, lưu giữ hôm qua cho những người đang sống hôm nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận