Thiền định "ao ta"

HOÀNG HỒNG MINH 27/02/2013 09:02 GMT+7

TTCT - Thỉnh thoảng lại rộ lên những câu chuyện “ta về ta tắm ao ta”. Những câu chuyện chân tình, cảm động: “người ta” đi xa, dõi về “ao ta”.

Phóng to
Tranh: Lê Thiết Cương

“Ao ta” mở lòng, nhủ gọi “người ta” xa vắng. Trong những lời nhủ mời thỉnh thoảng có cả giận hờn trách móc. Trong những “người ta” chân tình cảm động đôi khi có cả những giấc mộng săn khoe. Tất cả những câu chuyện ấy bình thường như chính cuộc đời...

Khi nghe những chuyện này, tôi thích nghĩ đến một người từng thật gắn bó và làm được những công việc tuyệt vời cho “ao ta”: huấn luyện viên trưởng của đội tuyển bóng đá xứ Việt vô địch Đông Nam Á ngày nào chưa xa. Ông này không phải là “người ta”, nhưng làm nên “ao ta”. Ông là người của xứ sở “Vinho do Porto”, xứ Bồ - nơi đã cho chúng ta phụ âm “nh” trong chữ viết tiếng Việt hiện đại.

Chính đây mới là một câu chuyện lớn. Nó đặt cược lại toàn bộ nền suy tư đa cảm nhưng tủn mủn, đầy yêu thương nhưng quánh đục tù. Trong cái biển cả mênh mông của yêu thương giận hờn, phải nhắm thấy cái đích căn bản để mà bơi đến. Cái đích căn bản nhất ấy không phải là chuyện mấy “người ta” ở gần ở xa như thế nào. Cái đích căn bản lại chính là cái... “ao ta”.

Ao hồ nối kết

Một từ có lịch sử chưa lâu, nhưng hôm nay đã hết cả mode, vì nó đã bắt chúng ta phải nghe nó đến đau tai (dù không một ai, chính tôi cũng vậy, có thể thấm thấu nó được ngay), đơn giản vì tất cả mới chỉ là bắt đầu: “toàn cầu hóa”.

Nhiều năm ở Pháp, chúng tôi đã may mắn có dịp tham gia dàn dựng vài hoạt động âm nhạc nghệ thuật giản dị, được các trường nhạc, các nhà văn hóa, các chính quyền ở vài thành phố nhỏ tổ chức và trợ giúp. Một điều có thể rất kỳ lạ đối với đầu óc người Việt chúng ta là chưa bao giờ ở các nơi đây người ta đưa ra một đòi hỏi về cái “bản sắc dân tộc Pháp” trong các hoạt động này! Ngược lại, ai cũng đi tìm nguồn cảm hứng trong các nền văn hóa trên thế giới.

Tôi thỉnh thoảng được người ta hỏi liệu có thể đóng góp những nét nhạc Việt gì được không, kể cả giọng nói Việt, như một biểu cảm về âm thanh, một “nhạc cụ”. Để ví dụ, chúng tôi làm một đoạn nhạc nền có chất dân ca Việt hòa cùng với lời nói bằng tiếng Việt thật mơ hồ trong đó, để tạo cảm hứng như một tiếng gọi mời của một miền đất xa thẳm trong một vở spectacle nhạc. Các bài hát bằng các ngôn ngữ khác nhau đều được hoan nghênh, trong đó kể cả các bài hát bằng... tiếng Pháp. Chỉ có cái thứ này là làm mọi người kinh hãi nhất: sự diễn trò rập khuôn phi sáng tạo.

Tại các công sở ở nơi đây, công cộng hay tư nhân, các bạn dễ gặp đủ loại người, đủ quốc tịch, các giọng đủ ngữ điệu của năm châu bốn biển. Thế mà mọi chuyện cứ trôi chảy, các ngày hội vẫn thiêng liêng, ấm tình người, mỗi năm một vẻ, đầy cảm hứng. Có năm người ta sáng tạo ra cả một “ngày picnic” giữa một chủ nhật mùa hè đẹp trời.

Ngày ấy, vì không có sẵn hội loa phường như ở xứ “ao ta”, hội vài chiếc xe chạy rông dài nối nhau qua mấy phố gọi loa một vòng mời mọi người buổi trưa mang đồ ăn ra mấy công viên thành phố để... ăn vui chung! Ở các công viên, người ta đã trải sẵn các thảm đỏ chạy vòng khắp các bãi cỏ xanh đẹp ngút ngát. Bạn tới, mở đồ ăn của bạn ra, bày tiếp vào những thảm đó, làm quen và ăn uống chuyện trò vui chung cùng những người đã, và rồi đang đến dần.

Trước buổi này, tôi thật sự chưa bao giờ được thấy cái mâm cỗ dài cả hàng cây số tuyệt đẹp như thế, giản dị như thế, tự nhiên và sáng tạo như thế!

Vậy nên “ao ta” là một khái niệm. “Ao ta” là một “kỷ vật” của đời sống xã hội, của quá khứ yêu thương. Cái này có vẻ hiển nhiên. “Ao ta” là một lý tưởng, một năng lực tổ chức đời sống cộng đồng. Và cũng là một khế ước, một hợp đồng xã hội. Cuối cùng nhưng thật ra là quan trọng nhất, “ao ta” là một dự phóng, một dự án đời sống. Chỉ một khi “ao ta” thể hiện rõ được lòng khát khao cởi mở để tổ chức được một đời sống tốt đẹp, nhân hậu, tự do cho mỗi con người của cộng đồng, nó sẽ bắt đầu được một cuộc tiến hóa tự thân. Bằng không mọi sự sẽ rã rời dần, bất chấp mọi thương nhớ ngàn năm.

Khi cuộc toàn cầu hóa thế giới mở ra, mỗi người rồi sẽ nhận ra phía trước mình không chỉ là một “ao ta” nữa, mà là một hệ thống các ao hồ lưu thông. Sự lưu chuyển giữa các ao hồ trở nên không chỉ là có thể, mà ngày càng tăng cường. Bạn vào làm việc ở một công sở đa quốc gia, có thể rồi bạn sẽ phải chạy quanh các ao ta, ao ngoài suốt cả tuần, cả tháng. Đời sống đã làm cho những triết lý bọc thép đanh chắc nhất về đời sống, từng được rèn kết qua hàng ngàn năm phải bị đổi thay. Từ “an cư lạc nghiệp”, con người đang chuyển dần sang “lạc nghiệp an cư”.

Gọi “ao ta” chung cho cộng đồng rộng lớn, gọi “ao nhà” cho mỗi chốn gần gụi, riêng tư, thiêng liêng. Hãy ngắm dòng đông đảo bà con chúng ta vất vả bon chen ngày tết từ các thành phố đổ về các miền quê hôm nay. Ao nhà thân thương đến là thế, mà cuối cùng thì thời gian vật chất về với ao nhà cũng chỉ chiếm được khoảng mười ngày đến hai mươi ngày trên ba trăm sáu mươi lăm ngày trong một năm, nghĩa là từ 2,7% đến 5,4% tổng số thời gian trong năm của những người miền quê đã phải ra thành phố dựng đời. Và những ai ở thành phố càng lâu, tỉ trọng thời gian để về với ao nhà xưa của họ rồi sẽ ngày càng nhỏ bé đi.

Mấy hiền sĩ Việt ở chân trời xa xăm nào quả là vốn quý. Nhưng họ không phải là điều quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất là chính bản thân cái “ao ta”. “Ao ta” nghĩ gì, muốn gì, quyết gì? Các nguồn lực của “ao ta” hôm nay chính là các nguồn lực của toàn thế giới. Nếu trở thành một sân chơi hấp dẫn, thú vị, nó sẽ hút các nguồn lực của các “ao ngoài” mà kích hoạt được đủ các nguồn lực ở ngay trong chính nó. Sẽ luôn luôn có đủ các loại hiền sĩ ao ngoài cho ao ta dùng. Cứ nhìn mấy xứ sở tí hon như Hong Kong, Singapore, Luxembourg, Thụy Sĩ... nguồn lực từ ao đâu mà đến vậy?

Thế giới toàn cầu hóa, sự luân chuyển là thường xuyên, là mọi chiều. Người Việt ra ao ngoài kiếm sống, người ngoài nhảy vào ao ta dựng đời. Tất cả sẽ diễn ra thật sự, tự nhiên, không tuồng chẳng chèo. Tất cả thành một cõi đi về vĩ đại. Ông Obama rồi có thể sẽ làm chuyên gia cải cách hành chính ở ao ta. Bà Nguyễn Vị Ngon rồi có thể sẽ ra mở được dãy hàng ăn của mình trên hàng loạt ao ngoài. Sao lại không?

Thế còn văn hóa, toàn cầu hóa thì mất hết văn hóa à? Không phải thế. Với trẻ em ở Pháp, môn tiếng Pháp là một trong những môn học ngặt nghèo nhất. Vở sạch chữ đẹp là quý hóa, nhưng không quá quan trọng. Quan trọng là khả năng sử dụng tiếng Pháp điêu luyện, suy nghĩ mạch lạc, giao tiếp ngôn ngữ trôi chảy, phán xét duy lý, tinh thần tự do, tính cách trách nhiệm. Ở tầm rộng lớn hơn, các di sản vật thể của xã hội như các kiến trúc thành phố, làng mạc, các lâu đài, các tác phẩm nghệ thuật, các khu bảo tồn thiên nhiên... được gìn giữ trau chuốt.

Hơn thế nữa, những nền tảng tinh thần vô cùng vĩ đại về tự do, nhân hậu, bình quyền được bảo dưỡng không thỏa hiệp, không mệt mỏi.

Những lựa chọn tự do trong lối sống, cách sống cũng tự nó làm nên bản sắc: gần 3.500 loại rượu vang, hơn 350 loại phô mai, từ năm đến mười tuần nghỉ tùy theo các thể hợp đồng lao động, ngày chủ nhật cấm hoạt động kinh doanh trừ những ngoại lệ hãn hữu được duyệt phép nhưng doanh nghiệp phải trả lương cao cùng nộp thuế cao... là những lựa chọn lối sống tuy không say sưa lao động, không nhăm nhe hiệu suất nhưng đã được người dân coi đó là bản sắc và họ cố giữ lấy chúng dù việc này sẽ ngày càng khó khăn hơn trong một thế giới đang toàn cầu hóa đầy cạnh tranh. Văn hóa cuối cùng là lưu thông và tinh chắt.

Trở về “ao ta”

Những câu chuyện đã bàn trên kia, kể cả chuyện ao ngoài, thì cũng là những chuyện cho “ao ta” mà thôi. Các ao hồ toàn cầu hóa đã khả thông. “Ao ta” nay là tất thảy mọi người, cùng tất cả các phương thức tổ chức của đời sống xã hội. Nền hành chính của xã hội cổ truyền xưa kia được mê hoặc thần thánh, như một thực thể thay trời hành đạo, muốn làm gì cũng được, vô giới hạn, nói chữ là nền lộng hành. Ông vua ở ao to, ông quan ở ao nhỏ xưa kia nắm lấy mọi việc, cúng tế thần, cầm binh đao, xử án, thu giữ kho tàng, phát chẩn bổng lộc...

Nền hành chính của xã hội hôm nay đã khác, được hiểu rõ rằng nó chỉ là một trong những cấu trúc được chính xã hội thế tục tạo ra, để thực hiện một dịch vụ xã hội đặc thù. Xã hội thế tục trao cho nó những quyền hạn chuyên môn có giới hạn, trong luật định, bị kiểm soát kiềm chế và tồn tại theo nhiệm kỳ. Tất cả những công việc còn lại để tổ chức và vận hành đời sống, “ao ta” phải vào việc, không thể chỉ lười nhác thoái thác, thụ động chờ đợi, phải tham gia vào việc làm sao vận hành để “ao ta” rộng và tiến hóa hơn.

Xuân vừa đến, hãy cùng dành ít phút để nghĩ về “ao ta” của một năm chỉ mới vừa bắt đầu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận