Bao giờ lên khỏi miệng hố rồi hẵng tính!

CÁT KHUÊ 18/09/2012 23:09 GMT+7

TTCT - Sự kiện đạo diễn Kim Ki Duk của Hàn Quốc nhận được giải vàng ở Liên hoan phim (LHP) Venice chắc chắn là dấu son cho điện ảnh châu Á, khi một lần nữa được thừa nhận ở một trong những LHP danh giá nhất thế giới.

TTCT trò chuyện với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (Sống trong sợ hãi, Chơi vơi, Lời nguyền huyết ngải...) - người cũng từng giành giải FIPRESCI tại LHP Venice 2009 với Chơi vơi - để biết thêm cái nhìn của người trong cuộc.

Bao giờ lên khỏi miệng hố rồi hẵng tính! - Ảnh 1.

Đại diễn Thạc Chuyên (Ảnh: NVCC)

"Phim của Kim thường rất bạo lực"

Pieta của Kim Ki Duk vừa được vinh danh ở LHP Venice có khiến anh - một người cũng từng đem phim đến Venice - xao động không?

- Không hiểu sao, vào thời điểm này tôi cảm thấy cuộc chơi điện ảnh của thế giới trở nên xa cách với những đạo diễn Việt đến như thế, thậm chí là xa cách hơn nhiều so với cách đây mấy năm Chơi vơi được đến Venice. 

Thời đấy tôi còn có thể tìm được tiền cho phim ở quỹ này quỹ nọ, ở mạnh thường quân này mạnh thường quân khác. Bây giờ kinh tế suy thoái, chẳng ai còn tiền để cho phim tác giả nữa. Tôi biết có một vài (rất ít) đạo diễn trẻ đang vật lộn với dự án phim nghệ thuật của mình và hầu như không thấy lối ra. Nên tôi thấy ở dưới hố và không biết gì về Venice đang diễn ra cũng hay. Biết chỉ thêm buồn.

Ðiện ảnh Hàn Quốc và Kim Ki Duk trong cái nhìn của anh ra sao?

- Hàn Quốc có một nền điện ảnh kinh khủng. Mạnh mẽ, tự do, giàu có và không kém phần sâu sắc. Tôi từng được xem nhiều phim tuyệt vời của điện ảnh Hàn Quốc tại các LHP lớn trên thế giới. Khán giả ở những LHP tôi tham dự đều coi những bộ phim của Hàn Quốc là những bộ phim đáng xem nhất. Những buổi chiếu phim của các đạo diễn Hàn Quốc thường kín khán giả. Tôi chẳng ngạc nhiên khi phim của họ đoạt giải tại các LHP lớn của thế giới. Cũng đáng thôi. Đất nước ấy coi trọng văn hóa, coi trọng điện ảnh. Từng có một bộ trưởng văn hóa của Hàn Quốc là đạo diễn điện ảnh.

Nhận định về phim Pieta của Kim Ki Duk, một trang báo viết: "Ðây là một bộ phim đặc biệt về nhân loại trong tình cảnh cuộc khủng hoảng sâu sắc của chủ nghĩa tư bản, như lời của đạo diễn Kim, phim có ba nhân vật, hai là diễn viên và một là đồng tiền". Anh nói gì về tầm toàn cầu của bộ phim này?

- Tôi biết phim của Kim rất bạo lực, bạo lực đến mức khủng khiếp. Chúng ta khoan nói đến tác hại của bạo lực hay là tính giáo dục, vì ở VN chắc chắn đó là những điều mà mọi người nói đến trước tiên khi xem một phim bạo lực. Tôi chỉ muốn nhắc lại kinh nghiệm lớn thứ 3 của điện ảnh Hàn Quốc: nghệ thuật cần phải được tự do. Tự do đúng với khái niệm và nội hàm của từ này. Tự do với nghệ thuật như là không khí để thở vậy. Không có tự do sáng tác thì nghệ thuật sẽ chết. Đừng trách những nghệ sĩ VN không dám đi đến cùng một vấn đề nào đó.

Ðiện ảnh Hàn Quốc đã có những bước đi vững chắc với mùi vị riêng để hơn 10 năm gần đây họ liên tục được thừa nhận trên thế giới qua các giải thưởng danh giá. Có sự chạnh lòng nào cho các nhà làm phim Việt khi chứng kiến những thành công này không?

- Cũng lâu rồi, khoảng năm 2004 gì đó, trong một cuộc gặp gỡ giữa những đại diện điện ảnh Hàn Quốc và điện ảnh VN, người trưởng đoàn điện ảnh Hàn Quốc nói: Năm 1986, điện ảnh Hàn Quốc cũng giống điện ảnh VN bây giờ (tức là ông ấy nói đến tình hình điện ảnh VN thời điểm đó với việc các rạp chiếu phim đang biến mất, khán giả quay lưng với điện ảnh, các bộ phim làm ra chỉ để "cúng cụ" và cất vào kho...). Điện ảnh Hàn Quốc bắt đầu cải tổ và mất 10 năm để lên khỏi miệng hố vào năm 1996, mất thêm nhiều năm nữa để cất cánh.

Ông nhấn mạnh ba bài học kinh nghiệm lớn là khởi nguồn mọi thành công của điện ảnh Hàn Quốc.

Một - Năm 1986, Hàn Quốc bắt đầu khuyến khích xây rạp chiếu bóng, ra chính sách bảo vệ nền điện ảnh trong nước và lôi kéo khán giả đến rạp.

Hai - họ có chiến lược đầu tư cho tương lai bằng việc cử 300 kỹ thuật viên đi học ở Mỹ. Đến năm 1996, họ lên khỏi miệng hố, có nghĩa là điện ảnh Hàn Quốc đã vững mạnh ở thị trường trong nước, chiếm tỉ lệ 60-70% phim Hàn được phát hành ngoài rạp. Nhưng năm đó có một điều lớn thứ 3 quan trọng để họ cất cánh trong những năm sau đó.

Ba - Năm 1996, tòa án Hàn Quốc ra quyết định bãi bỏ kiểm duyệt phim vì coi kiểm duyệt phim là vi hiến. Các đạo diễn Hàn Quốc được tự do và mấy năm sau phim của họ được vào Cannes. Tôi nhớ buổi trò chuyện với các nhà điện ảnh Hàn năm đó có nhiều quan chức ngành điện ảnh VN tham dự. Tôi không biết những bài học của điện ảnh Hàn có được các lãnh đạo điện ảnh VN ghi nhận hay không? Nhưng kết quả của sự rút kinh nghiệm đó như thế nào thì mọi người đều biết.

Sức mạnh của nền điện ảnh không vay mượn

Kim Ki Duk đã làm phim trong điều kiện vừa ít tiền vừa thất bại về doanh thu phòng vé ở thị trường Hàn. Có mẫu số chung nào từ hiện tượng này với các nhà làm phim Việt không, thưa anh?

- Có một mẫu số chung là sự dũng cảm của những nhà làm phim dám lựa chọn đi con đường của riêng mình, bất chấp con đường đó có thể không giàu có, không có nhiều người tung hô, ca tụng và luôn đối mặt với nguy cơ thất bại. Vì sáng tạo thật sự ở đâu cũng khó khăn, dù là ở Mỹ, Hàn hay châu Âu. Và để hiểu, đánh giá đúng những sáng tạo của nghệ sĩ cũng khó khăn không kém. Ban nhạc lừng danh The Beatles lần đầu sang Pháp biểu diễn còn bị ném cà chua trứng thối kia mà. Kim Ki Duk cũng từng làm nhiều phim dở tệ.

Ở VN, tôi biết cũng có những đạo diễn đang lựa chọn con đường khó khăn đó để đi và họ thật sự dũng cảm.

Nhưng dù thế, nhờ được biết đến và thừa nhận ở châu Âu mà Kim Ki Duk vẫn có một vị trí trong nền điện ảnh Hàn Quốc, sự ảnh hưởng ngược từ những thừa nhận nói trên đã khiến giá trị điện ảnh Kim Ki Duk ngày càng lớn hơn tại chính quê hương ông. Có bài học nào áp dụng được với VN không, theo anh?

- Tôi nghĩ điều khác biệt giữa VN và Hàn Quốc ở chỗ trong trường hợp của Kim Ki Duk, những bộ phim của ông đã được đánh giá và thừa nhận đúng ở trong nước, không cần phải chờ đợi những sự đánh giá từ Cannes hay Venice. Một nền điện ảnh độc lập có sức mạnh là một nền điện ảnh có nội lực từ trong nước chứ không phải vay mượn ở nước ngoài. Người làm phim thật sự không quan tâm nhiều đến giải thưởng. Anh ta làm đúng thiên chức của bản thân là sáng tạo không có giới hạn và xã hội muốn có sự tốt đẹp từ những thành quả sáng tạo của anh ta cần phải biết dành sự tôn trọng cho tự do sáng tạo của anh ấy.

Điều này thật khác biệt ở VN, nền điện ảnh thiếu chính kiến, sợ "Tây" và quá quan trọng việc tiếng tăm giải thưởng, do đó tạo ra vô số nhà làm phim uốn éo cơ hội, cố gắng nặn ra những giải thưởng chẳng có giá trị gì ở nước ngoài về lòe bịp làm oai tại quê hương mình. Cũng trên tinh thần ấy, có những tác phẩm của VN được công nhận ở nước ngoài nhưng hoàn toàn vô nghĩa với sự đánh giá của nền điện ảnh trong nước. Vậy muốn áp dụng bài học Kim Ki Duk ở VN? Hãy tự hỏi chúng ta đang ở trong hệ thống nào và thang giá trị thật sự của chúng ta đang ở đâu?

Trong phim của Kim Ki Duk, dễ dàng nhận thấy mọi trạng thái và tình huống của nhân tính thường được đẩy đến tận cùng, đặc biệt là đối với cái ác. Anh thấy gì trong sự lựa chọn này?

- Tôi nghĩ đạo diễn Kim cũng như nhiều nhà sáng tạo nghệ thuật khác mong muốn khai thác đến tận cùng những xúc cảm nhân tính. Kim thích khám phá những trạng huống về cái ác. Bản chất của sự sáng tạo nghệ thuật là tự do. Ai đó có thể nói ông cực đoan nhưng muốn đi đến tận cùng của sự khám phá những giá trị nghệ thuật luôn cần sự cực đoan. Nếu như chúng ta cấm đoán sự cực đoan của nghệ sĩ, muốn anh ta phải "đúng mực", đồng nghĩa với việc bóp chết sự sáng tạo của anh ấy. Bản chất của sự cực đoan trong sáng tạo nghệ thuật là mong muốn khám phá đến tận cùng thế giới tâm hồn cũng như nhân tính của con người.

Là một đạo diễn khá hiếm hoi vừa đi trên con đường làm phim nghệ thuật vừa không coi thường phim thương mại, anh nghĩ gì về điện ảnh Việt hiện tại, cách nào để như điện ảnh Hàn, phim thương mại, phim truyền hình vẫn phát triển và bên cạnh đó dòng phim tác giả vẫn có giá trị riêng của nó, nhất là khi "đem chuông đi đánh xứ người"?

- Tôi cùng với những đồng nghiệp đang vật lộn "dưới hố" nên có lẽ bàn về yếu tố thương mại hay nghệ thuật hoặc các giá trị chân chính của nghệ thuật nghe có vẻ phù phiếm quá. Bao giờ lên khỏi miệng hố rồi hẵng nói chuyện. Khi làm phim thương mại, tôi học được 2 điều: 1. Khách hàng luôn luôn đúng. 2. Nếu khán giả sai thì xem lại điều 1.

* Cảm ơn anh.


Kim Ki Duk - người thích mê, kẻ xem thường!

Việc Kim Ki Duk giành Sư tử vàng năm nay tại Venice chẳng gây ngạc nhiên gì đáng kể đối với giới điện ảnh châu Âu. Tên ông và cả nền điện ảnh (Hàn Quốc) đã quá quen thuộc tại đây đến mức sẽ bất thường nếu một năm nào đó cả ba LHP hàng đầu châu Âu: Cannes, Berlin, Venice không có bóng dáng phim Hàn.

Bản thân Kim, trước khi giơ cao sư tử vàng lần này, đã thắng giải Sư tử bạc đạo diễn xuất sắc nhất LHP Venice 2004 cho phim 3-Iron. Cùng năm này, ông giành luôn giải Gấu bạc đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Berlin cho phim Samarital Girl. Và tại Cannes mới năm ngoái thôi, ông cũng giành giải cao nhất hạng mục Uncertain Regard cho phim Arirang.

photo-1

Kim Ki Duk giơ cao Sư tử vàng tại Venice hôm 9-9 - Ảnh: Yonhap

Vinh quang dồn dập như vậy nhưng Kim chưa hề học qua trường điện ảnh nào. 20 tuổi đăng lính hải quân, ngoài 30 tuổi Kim mới sang Paris học hội họa và vật vờ ở đó như một họa sĩ vô danh. Về lại Hàn Quốc, ông khởi nghiệp điện ảnh với vai trò biên kịch, năm 36 tuổi đạo diễn phim đầu tay Cá sấu (năm 1996) và nhanh chóng thành công. Dù từng đoạt giải đạo diễn xuất sắc tại cả Venice và Berlin, nhưng các phim của Kim đến nay vẫn gây chia rẽ sâu sắc khán giả lẫn giới phê bình. Người thích mê, người ghê tởm. Ngay tại Hàn Quốc, phim của Kim cũng không được chào đón nồng nhiệt.

Kim được biết đến ở Việt Nam nhiều nhất qua 2 phim Xuân, hạ, thu đông rồi lại xuân, Cánh cung... nhưng từ năm 1996 đến nay, ông đã đạo diễn 18 phim. Làm được nhiều phim như vậy dù không thành công ở phòng vé là vì ông biết cách quay phim với kinh phí tối thiểu mà vẫn đẩy bộ phim đi xa được tối đa, chí ít là tại các LHP. Ông thuộc hàng quán quân tại Hàn Quốc vì số giải thưởng quốc tế đã nhận.

Kim đặc biệt hứng thú với những câu chuyện dị thường tràn ngập bạo lực, trong đó nhân vật chính bị cô lập hay tự cô lập mình khỏi xã hội để mặc sức theo đuổi dục vọng, tội ác, thù hận như một quán tính. Kim không ngại đẩy quan điểm hay các trạng huống trong phim của mình lên đến cực điểm, bất chấp việc nó có thể bị la ó hay "ném đá". Trong phim của Kim, cái ác (cũng như cái thiện) là một thực thể sống và như mọi thực thể sống khác, nó sẽ trải qua một chu trình được sinh ra, phát triển, bị hủy diệt rồi lại sinh ra... Với Kim, không thể triệt tiêu cái ác nhưng cũng không vì thế sợ nó sẽ lan tràn, vì trong nó luôn sẵn có một lực để tự hủy diệt từ khi mới sinh ra rồi.

Ðạo diễn PHAN ĐĂNG DI




Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận