Mưa miền biên giới

HOÀNG THỊ GIANG 11/07/2011 03:07 GMT+7

TTCT - Lúc đang ngồi trên xuồng ba lá chạy xuôi dòng Vàm Cỏ Tây về lại bến đò Hồng Đức thì người lái đò nhìn tôi như ái ngại, nếu về Mộc Hóa may ra còn kịp chứ về thành phố chắc sẽ mưa mất, mà mưa ở Đồng Tháp Mười khủng khiếp lắm, không chạy xe được đâu.

Phóng to
Minh họa: Đỗ Trung Quân

Vừa nói, anh vừa nhìn cái dáng vẻ mỏng manh của tôi một cách đầy ái ngại. Có lẽ anh nói đúng, giờ chạy về thành phố chắc không kịp vì trời đã sầm sì mây đen, gió lạnh từ những cây tràm gió đặc trưng của vùng nước phèn mặn này thổi vào mặt tới tấp.

Mưa. Đúng là mưa miền biên giới ào ạt và hoang dã hơn rất nhiều so với mưa ở thành phố. Tôi ngồi nép vào một quán nước bên đường, sau lưng chỉ có dăm chiếc ghế nhựa và mấy cái võng dành cho khách chạy đường xa dừng chân. Bà cụ chủ quán người nhỏ nhắn phúc hậu đang lặt rau chuẩn bị bữa cơm chiều. Chắc nhà neo người vì tôi chỉ thấy mấy bông súng và ít điên điển trong chiếc rá nhựa cũ màu xanh thủng lỗ chỗ. Con chó có bộ lông màu mỡ gà nằm phục ngoan hiền như con mèo bên chân bà chủ, đầu gác lên đùi thỉnh thoảng mở mắt nhìn tôi lim dim.

Phía bên kia đường, một tiệm sửa xe đạp với những chiếc vỏ xe mòn vẹt treo toòng teng trên tấm lợp làm bằng lá dừa nước. Mưa theo những mái lá nhỏ long tong chảy thành vệt dài tới chỗ chậu nước dùng để tìm vết vá ruột xe cho khách. Sâu bên trong tiệm, ông lão sửa xe ngồi trên chiếc ghế gỗ mòn vẹt màu tháng năm nhìn lơ đãng sang bên này đường. Có lẽ, đôi mắt ấy vẫn còn ẩn chứa những băn khoăn của một mối tình câm lặng từ mấy mươi năm trước? Hay chỉ có mưa và con đường quốc lộ 62 trải nhựa dài tít tắp tới tận biên giới Campuchia.

Trong quán, phía bên kia là hai vợ chồng người Campuchia sang Việt Nam lấy hàng lặt vặt về buôn bán. Nhìn những túi nilông cũ xỉn đủ màu đựng những rau quả hoa trái in hằn lên lớp vỏ mới thấy hết những nhọc nhằn của kiếp người mưu sinh vùng biên giới. Họ xì xào với nhau bằng tiếng địa phương nên tôi nghe không hiểu lắm nhưng qua cử chỉ đôi tay, tôi biết quãng đường về còn xa và chỉ có mưa trong ánh mắt của người vợ lam lũ ngoài ba mươi ấy cùng trong ánh nhìn buồn bã của bác xe thồ ngoài ngã ba đường cũng vào đây trú mưa.

Ngay gần chỗ tôi ngồi là cô bé học sinh với đồng phục màu trắng tinh khôi đứng nép sát vào chiếc xe đạp mini. Cái cặp sách màu đen được cô bé ôm cẩn thận trước ngực nhìn vừa quen vừa lạ, cặp mắt mở to nhìn mưa và những chấm bong bóng nổi lềnh bềnh mà thở dài khe khẽ. Tự nhiên thấy cảnh vật cũng nao nao buồn nhưng êm ả đến lạ lùng.

Mưa vẫn thế, nghĩa là nước vẫn nhỏ đều đều trên mái dừa xuống từng hàng dài bất tận như từ tiền kiếp xa xôi. Mấy chiếc lá trứng cá màu xanh rụng tả tơi xuôi theo dòng nước chảy lênh láng cùng hoa màu trắng li ti đọng thành vũng phía trước quán. Bỗng nhận ra rằng ngoài mưa thì chỉ có một thứ duy nhất ở đây, đó là màu xanh của cây cối. Phải chăng, đó là gam màu chủ đạo của bức tranh mưa miền biên giới chiều nay?

Hình như trời sắp tạnh, vậy là mưa Đồng Tháp Mười cũng không đáng sợ lắm như anh lái đò vừa mới “dọa” mình. Ngó đồng hồ mới thấy kim giờ chỉ đến số 3, chạy về thành phố vẫn còn kịp. Vậy nhưng không hiểu sao tôi muốn dừng lại, như một lữ khách tha phương đã quá mỏi gối trường chinh, muốn nằm đại ở một gác trọ yên ắng để chìm trong giấc ngủ lãng quên.

Gọi mãi mới thấy bà chủ chạy ra tính tiền, ngoảnh lại thì đôi vợ chồng người Campuchia đã đi tự lúc nào, bác xe thồ cũng trở về nơi góc đường quen thuộc. Tính tiền xong mới thấy quá rẻ, không phải vì giá của chai nước trà xanh mà bởi vì chỉ mấy ngàn đồng tôi đã được tận hưởng một buổi chiều mưa biên giới đáng nhớ trong đời.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận