Như đường chân trời

NGUYỄN QUANG THIỀU 01/04/2011 00:03 GMT+7

TTCT - Cho đến năm 28 tuổi tôi mới được nghe nhạc Trịnh Công Sơn một cách chính thức. Đó là năm 1985. Nghĩa là mười năm sau khi cuộc chiến tranh kết thúc. Nhưng như thế lại tốt hơn nếu tôi nghe nhạc của ông ngay sau năm 1975 và khi tuổi còn quá trẻ.

LTS: Nhân kỷ niệm mười năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ trần, hai nhà văn Nguyễn Quang Thiều và Bảo Ninh đã gửi bài viết mới của hai ông để in trong tập sách Trịnh Công Sơn - tôi là ai, là ai do NXB Trẻ ấn hành (*). TTCT giới thiệu cùng bạn đọc.

Phóng to
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong đêm hát và giao lưu với công nhân xây dựng Nhà máy thủy điện Trị An (do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào tháng 4-1984 nhân kỷ niệm chín năm thành lập báo) - Ảnh tư liệu báo Tuổi Trẻ

Một buổi tối, trên tầng 18 của tòa nhà cư xá sinh viên Đại học Havana (Cuba), một lưu học sinh VN mang đến cho tôi một băng cassette và nói: “Sơn ca 7. Nghe chưa?”. Và đêm đó tôi đã nghe đi nghe lại băng nhạc cho tới gần sáng.

Tại sao tôi lại nghe nhạc Trịnh Công Sơn muộn thế? Rất nhiều lý do. Nhưng bây giờ tôi cũng không cần nói lại những lý do đó nữa. Chỉ biết tôi đã nghe hầu hết ca khúc của Trịnh Công Sơn và tôi chọn ông là nhạc sĩ VN lớn nhất của tôi.

Có những nhạc sĩ VN tôi đã nghe ca khúc của họ trong những giai đoạn khác nhau của tuổi đời mình. Nhưng cho đến bây giờ, khi đã 50 tuổi, tôi thấy có lẽ không cần phải nghe lại nữa. Nhưng với Trịnh Công Sơn, tôi phải thừa nhận rằng tôi có nhu cầu nghe ông có lẽ hết đời.

Điều gì đã làm những bài hát của ông sống mãi trong tôi? Tính phản chiến chăng? Không. Yếu tố này đối với tôi chỉ để biết một lần chứ không đóng vai trò gì tạo nên thế giới âm nhạc của ông cả. Ca từ đầy chất thơ chăng? Cũng không. Tôi đặt câu hỏi vậy vì lâu nay người ta hay nói và viết về ca từ trong các ca khúc của ông. Nhưng vì sao ca từ đầy chất thơ của ông như người ta nhận xét lại không phải là điều quyến rũ tôi? Vì đơn giản tôi là một nhà thơ, bởi thế ca từ của ông rất đẹp nhưng chỉ vậy thôi thì chưa đủ quyền lực đối với tôi. Vậy là cái gì? Đó chính là giai điệu.

Âm nhạc là giai điệu. Không gì khác có thể tạo nên quyền lực của một tác phẩm âm nhạc. Tôi không còn cách gọi nào khác đối với Trịnh Công Sơn ngoài danh từ thiên tài. Ông đã tạo nên những giai điệu kỳ diệu. Tất nhiên, dù không coi ca từ của Trịnh Công Sơn là một quyền lực thì tôi vẫn phải nói rằng ca từ của ông đã thuộc về những giai điệu kỳ diệu ấy. Nó tôn vinh giai điệu.

Giai điệu ấy đã lan tỏa và đánh thức những miền thẳm sâu trong tâm hồn con người. Tôi đã nghe những ca khúc của ông biết bao lần trong hơn 20 năm qua. Nhưng cho tới bây giờ, tôi cũng không thuộc trọn vẹn bất cứ ca khúc nào của ông. Tôi không để ý đến việc nhập tâm ca từ của những bài hát đó. Tôi nghe ông trong một trạng thái giống như người ta nghe thấy những tiếng gì đó trong giấc mơ.

Âm nhạc của ông đã dựng lên những vẻ đẹp và nỗi buồn của kiếp người. Âm nhạc của ông đẩy người nghe đi xa mãi, xa mãi trong thế giới nội tâm của chính họ. Đối với những ca khúc của nhiều nhạc sĩ danh tiếng VN, tôi luôn hình dung được nơi chốn dừng lại của cảm xúc. Nhưng ca khúc của Trịnh Công Sơn mở cảm xúc ra bất tận với nhiều vẻ đẹp lạ lùng. Và cuối cùng, tôi phát hiện cho riêng tôi là: âm nhạc Trịnh Công Sơn giống như đường chân trời. Chúng ta nhìn thấy đấy nhưng không khu hạn được.

Khoảng mươi năm trở lại đây, tôi không còn nghe nhạc Trịnh Công Sơn như trước kia nữa. Nghĩa là tôi không ngồi xuống, mở máy nghe nhạc, đặt một CD vào và nghe. Bây giờ, tôi nghe ông bằng ký ức và cảm xúc của mình. Tôi tràn ngập những giai điệu của ông khi ngồi một mình ở một chốn xa xôi, khi đi qua một buổi chiều, khi nhìn một cơn mưa ngoài cửa sổ, khi ly biệt một ai đó, khi bay trong một vùng trời, khi men theo một hè phố lát gạch, khi nhìn thấy tháp chuông một thánh đường, khi uống cà phê trong im lặng với một người bạn...

Đấy chính là ma lực và sự kỳ diệu trong những giai điệu của ca khúc Trịnh Công Sơn. Tôi đã rất cẩn trọng theo dõi những biến động trong tâm hồn mình khi nghe nhạc Trịnh Công Sơn ở những khoảnh khắc đó. Để cuối cùng tôi tự tin đặt bút viết rằng: ông là người được chọn lựa để dựng lên thế giới tâm hồn người Việt trong âm nhạc hiện đại.

__________

Chỉ trừ cái chết của chính bản thân mình còn thì mọi sự trong đời người ta đều có lần đầu tiên. Mặt biển lần đầu tiên mở ra trước mắt. Dòng sông, đồng ruộng lần đầu tiên được thấy. Ngày đầu tiên tựu trường. Chén rượu đầu tiên, điếu thuốc đầu tiên. Loạt đạn đầu tiên... Nhưng nhiều người không nhớ nổi những sự thoạt tiên đó hoặc chỉ nhớ láng máng. Có tay thậm chí quên bẵng cả người đàn bà đầu tiên, quên bẵng cảm giác của lần đầu tiên gần gũi.

Tôi thì ngược lại. Trí nhớ chẳng hơn ai, chuyện mới hôm qua có khi chỉ vừa cách vài tiếng đã bị xóa trắng, vậy mà lại lưu giữ rất đậm trong ký ức những sự kiện và ấn tượng tự bao giở bao giờ xa tít mù tắp ở phía đầu đời.

Tôi nhớ chính xác ngày tháng, địa điểm của lần đầu tiên nghe thấy âm vang lên tiếng hát một bài ca Trịnh Công Sơn. Ấy là buổi rạng mai ngày 25-10-1972. Ở đầu thôn 2, làng Diên Bình, thuộc huyện 80 Kon Tum, bên bờ nam sông Đắk Psi. Chiều hôm trước đó tiểu đoàn chúng tôi từ vùng chiến Võ Định theo đường 14 lui về làng Diên Bình vừa được giải phóng hồi tháng 4 trong chiến dịch Đắk Tô - Tân Cảnh. Các trung đội rải ra bên bờ sông nghỉ ngơi dưỡng quân chuẩn bị bước vào chiến dịch mùa khô tấn công thị xã Kon Tum.

Tiếng hát cất lên từ mạn nhà thờ thôn 1 Diên Bình bên bờ bắc.

Tôi vui chơi giữa đời... ới a biết đâu nguồn cội
Tôi xin làm quán đợi buồn chân em ghé chơi...

Cả trung đội chúng tôi rời khỏi võng, lặng người lắng nghe. Khi đó là giờ của rạng đông yên tĩnh với ngôi sao Mai miền thảo nguyên to lạ lùng tỏa ánh biếc trên tầng không quang mây đang tảng sáng. Vào giờ đó đại bác của cả đôi bên đều đang ngái ngủ. Mặt trời chưa mọc nhưng trên đồng cỏ bóng tối và sương mù đang nhẹ tách khỏi nhau, đang tan.

Mặt sông bốc hơi nghi ngút. Gió sang sông mang theo tiếng hát. Giai điệu của bài ca như đụng khẽ vào trái tim tôi. Trong trẻo và sáng rõ như được tắm gội trong khí mát ban mai, nhưng càng lan xa bài ca càng ngấm sâu và rung ngân lên nỗi buồn, một nỗi buồn vời vợi và vô bờ. Dường như tiếng hát ấy chính là tiếng lòng của miền cao nguyên. Cao nguyên tự do, mênh mông vô tận, chạy hút về phương trời xa, không biết đến các tuyến tiền duyên, không màng tới trận mạc, bom pháo, giết chóc.

Tôi vui chơi giữa đời...

Cùng với ngày mới tiếng hát lan rộng ra, vừa sâu trầm vừa vút cao, tự thoát đi trở thành âm thanh vô chủ, ngân lên hoang dã trở thành khúc du ca của đất trời.

Vào lúc đó, lần đầu tiên ấy, tôi cũng như anh em trong đơn vị không biết bài hát tên gì và của ai. Dĩ nhiên không phải bài hát của “quân ta”. Nhưng cũng hoàn toàn không phải của “quân địch”, loại nhạc não nùng ướt rượt vẫn thường nghe phát ra từ loa tâm lý chiến gắn trên máy bay L19.

Còn người hát thì chúng tôi biết tuy chưa thấy mặt, chỉ nghe đồn thổi. Đấy là một cô gái tên Diệu mà nhiều người còn gọi là Diệu Nương. Người ta đồn rằng Diệu vốn là ca sĩ của một ban nhạc Sài Gòn. Ban nhạc của cô theo trực thăng lên biểu diễn phục vụ một tuần cho binh sĩ trung đoàn 42 đồn trú tại căn cứ Tân Cảnh. Suất diễn cuối cùng rủi thay lại trùng với giờ N mở màn mùa hè đỏ lửa.

Xe tăng và bộ binh quân giải phóng tràn ngập căn cứ, tuyến phòng thủ vỡ, ban nhạc tan tác. Diệu theo dòng người di tản chạy về thị xã. Nhưng tới Đăk Hrinh thì cùng đường, bị bom đạn đẩy lùi về Diên Bình. Từ đấy Diệu cùng với tất cả mọi người đi vào cuộc đổi đời, trở thành “đồng bào vùng mới giải phóng”. Cũng như mọi người, cô ca sĩ một thời ngày lại ngày đổ mồ hôi trên nương sắn, rẫy lúa tăng gia sản xuất tự túc nuôi thân.

Đời sống kham khổ, cày cuốc cực nhọc nhưng vào những ban mai, bản năng xướng ca - người ta bảo thế - lại thúc bách Diệu cất tiếng hát. Giọng ca tuyệt vời song thảng thốt như cơn gió dại lướt xiên qua các trảng cỏ tranh trong ánh nhá nhem buồn thảm của mỗi ngày. Người ta luận rằng trong lời ca của Diệu Nương đau thắt nỗi nhớ quê nhà, nhớ đời nghệ sĩ, nhớ sàn diễn, nhớ khán giả, sắc đẹp và tuổi thanh xuân đã khuất chìm nơi xa lắc xa lơ ở bờ bên kia không thể vượt qua được của chiến tranh. Chẳng hiểu là có đúng thế không? Tôi chẳng biết.

... trăng ơi trăng rất tệ...

Thật ra ngày đó lời của bài hát ấy tôi không nhớ. Nhưng giai điệu và giọng ca thì mãi không quên, chỉ cần nhắm mắt là nghe văng vẳng trong tâm trí. Ngày đó là 25-10-1972.

Mãi tới gần ba năm sau tôi mới lần đầu nghe nói tới tên tuổi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ấy là ngày đầu tháng 4-1975, buổi chiều tiến quân vào Nha Trang. Dân chúng, nhất là thanh niên, đổ ra lộ đón bộ đội cùng nhau hát vang một bài ca. Một bài ca rất lạ. Vang dội, song không phải hành khúc. Có vẻ như hùng tráng, nhưng không hẳn, lời và giai điệu khiến người ta xúc động, mừng vui ngây ngất song tôi nghe thấy có cả mênh mang một nỗi buồn. Bài gì vậy? - Dạ thưa, Nối vòng tay lớn. Của nhạc sĩ nào? - Dạ, Trịnh Công Sơn!

Chiều và tối 30-4-1975 ấy ở Sài Gòn tôi lại nghe vang dội Nối vòng tay lớn. Bài hát đó của Trịnh Công Sơn được phát cả trên đài phát thanh, đài truyền hình và loa phóng thanh phường xóm. Nhưng chỉ bài đó. Vì vậy, là kẻ không sành ca nhạc, mãi tới sau đổi mới 1987 tôi mới biết Diệu Nương ngày ấy bên sông Đắk Psi đã cất cao giọng hát cho chúng tôi được nghe giữa đất trời cao nguyên thời lửa đạn chiến tranh tàn bạo một bài ca say đắm nỗi buồn thương và tình yêu cuộc sống của Trịnh Công Sơn.

Tôi chỉ được gặp ông duy nhất một lần năm 1992. Rất muốn kể câu chuyện Diệu Nương, tôi tin là ông sẽ thích, đồng thời cũng cả thầm hi vọng ông từng nghe nói về cô và có thể biết đâu chừng ông biết được gì đó về số phận của cô những năm sau chiến tranh. Nhưng đấy là tại bữa cơm khách khá đông người nên tôi đã chẳng có cơ hội chuyện riêng được với ông. Trong lòng cứ tiếc mãi.

__________

(*) Sẽ phát hành vào đầu tháng 4-2011 cùng với tập Trịnh Công Sơn - thư tình gửi một người và tập Trịnh Công Sơn - ngôn ngữ và ám ảnh nghệ thuật của Bùi Vĩnh Phúc (sách tái bản).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận