Chuyện bên rạch Cái Tôm

TTCT - 1. Mỗi chiều, thím Hai thường qua nhà tôi ngồi bắt chí cho mấy đứa nhỏ. Thím có một sở thích kỳ dị là bắt những con chí thả xuống nền ximăng cho chúng ngo ngoe bò một hồi rồi dùng móng tay cái đè lên từng con, từng con kêu bụp bụp.

Phóng to
Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN
TTCT - 1. Mỗi chiều, thím Hai thường qua nhà tôi ngồi bắt chí cho mấy đứa nhỏ. Thím có một sở thích kỳ dị là bắt những con chí thả xuống nền ximăng cho chúng ngo ngoe bò một hồi rồi dùng móng tay cái đè lên từng con, từng con kêu bụp bụp.

Tụi nhỏ con thím khoái chí cười khé lên trong khi tôi sợ hãi lánh đi nơi khác. Con Chấm, con của thím, lớn hơn tôi hai tuổi, rất thích đọc truyện với tôi nhưng nó không tự hiểu được câu chuyện mà phải nhờ tôi giải thích. Mỗi khi má nó bắt chí cho em nó, biết tôi không thích nên con Chấm thường rủ tôi đọc truyện.

Không phải địa danh nào cũng có sức gợi. Không phải vì cái tên nó lạ hay nó đẹp mà vì hương vị của lịch sử. Động tới mấy từ Cao Lãnh đã nghe rưng rưng thơm, thơm mùi nắng gió sông Tiền và thơm mùi thuốc giồng thuốc gò, nó thơm từ trong quá khứ thơm ra.

Tác giả mới, cái tên Bùi Thị Cao Nguyên (*), có vẻ liên quan đến chỗ nào đó của đất bazan nhưng giọng văn thì miền Tây rặt. Truyện đọc lên thấy buồn, buồn om, ai đang vui mà đi viết văn bao giờ! Người viết viết từ gan ruột buồn viết ra, nhân vật loáng thoáng vì đông đúc nhưng hình ảnh cây thuốc thì đậm, chưa thấy ai yêu cây thuốc lá như vậy cả.

Có lẽ nó sống vì nó đã chết, nghề thuốc, cây thuốc, mùi thuốc và cả những tập quán làm nên hương sắc một thời. Có cảm giác tác giả khuân về tận thềm nhà mình một cái lõi cây, như vừa khai quật được, cái công ấy thật đáng ghi nhận, một sự phát hiện tâm huyết. Và không phụ lòng người, cái cây ấy đã cho lại những thứ mà nó có, giản dị, thơm tơi, nồng nồng và dĩ nhiên nó bùi ngùi, day dứt.

DẠ NGÂN

(*) Bùi Thị Cao Nguyên là giáo viên Anh văn của Trường THPT thị xã Cao Lãnh, Đồng Tháp. Đã từng có truyện dịch được đăng báo lúc còn là sinh viên Trường ĐH Cần Thơ. Chuyện bên rạch Cái Tôm được chọn in trong tuyển tập thơ văn kỷ niệm 20 năm thành lập thị xã Cao Lãnh. Không chỉ viết truyện ngắn, chị còn làm thơ.

Đôi khi, trong lúc chúng tôi chụm đầu đọc sách, chí từ đầu nó bò sang đầu tôi và mẹ tôi phải cực khổ mua thuốc về diệt chí cho tôi. Lúc đó tôi ngạc nhiên hỏi mẹ tại sao thím Hai không mua thuốc về trị cho tụi nhỏ mà cứ ngồi bắt chí mỗi chiều làm chi cho cực vậy. Mẹ tôi bặm môi nói con nít biết gì mà nhiều chuyện. Mãi sau này tôi mới hiểu, thím nghèo quá, tiền mua một bịch thuốc trị chí gần bằng ba lít gạo - một ngày ăn của tụi nhỏ.

2. Rạch Cái Tôm nằm giữa hai xã Hòa An và Tân Thuận Đông. Mỗi khi nước ròng thì con rạch cũng là nơi chúng tôi tụ họp bắt hến, xúc tép hoặc tát cá. Con rạch Cái Tôm đổ ra ngoài sông Tiền nhờ một con kênh nhỏ. Trường học nằm bên bờ sông Tiền, mỗi ngày chúng tôi men theo con kênh nhỏ để tới trường. Sông Tiền từng làm chúng tôi tranh cãi hàng tuần.

Thằng Láy nói đó là sông Cái, con Chấm nói đó là sông Cửu Long, thằng Minh nói đó là sông Mêkông, tôi thì nói đó là sông Tiền. Đứa nào cũng có cái lý của mình. Tôi là đứa cãi hăng nhất bởi vì bữa nọ cô Thanh có nhờ tôi đọc thơ của chú Lói, đầu thơ chú viết “Sông Tiền đêm trăng” rõ ràng. Chú Lói đã học lớp 12, hổng lẽ chú viết sai? Mà cũng khổ, tôi đã hứa với cô Thanh là sẽ không kể cho ai biết chuyện chú Lói viết thơ cho cô, thành ra tôi không có cách gì làm cho tụi nó tin tôi. Tới khi hỏi bà tôi thì bà cười: đứa nào cũng đúng hết.

Cao Lãnh là nơi trồng thuốc rê ngon nổi tiếng, ở xóm rạch Cái Tôm nhà nào cũng trồng thuốc rê. Hết mùa thuốc, người ta chỉ bán thuốc cái, thuốc chồi, còn thuốc kèo thì ai cũng cố giữ lại. Có thuốc kèo trong nhà như có con gái đẹp, bà nội tôi thường nói như vậy. Mà đúng như vậy thật, có thuốc kèo ngon trong nhà vừa mừng vừa lo, lúc được giá thì mấy người lái thuốc cứ tới lui nườm nượp, chủ nhà tha hồ làm giá, tới lúc nó mất giá thì ai cũng than vắn thở dài vì tiếc.

Tuổi thơ tôi trôi dần cùng những ngày đi vét lá chưn khô - lá thuốc khô ở tầng thấp nhất của cây thuốc lá. Người ta thường cho con nít vét lá chưn khô để bán lấy tiền ăn bánh khi tới trường. Những đêm xắt thuốc thật sự thu hút tụi nhóc con chúng tôi. Bao nhiêu là câu đố tục giảng thanh rồi thanh giảng tục.

Bao nhiêu câu chuyện đời xưa được kể, và bao nhiêu câu chuyện tình đã nảy sinh từ những đêm xắt thuốc mà tôi còn quá nhỏ để biết những chuyện đó. Mẹ tôi vốn không phải dân xứ này nên cũng không đậm đà mấy với những đêm xắt thuốc, mẹ chỉ phụ bà nội những công việc trong bếp và mẹ còn sợ bị làm thợ phơi bất đắc dĩ những lúc thiếu người. Mẹ là cô giáo chứ không phải là nông dân như phần lớn các cô, thím ở đây.Tôi thỉnh thoảng lén mẹ chạy ra tập làm thợ phơi với mấy cô, mấy chị. Mẹ tôi khó chịu về chuyện này lắm, mẹ sợ tôi mê làm thợ phơi hơn làm cô giáo.

3. Tháng ngày trôi qua nhanh chóng, tôi ra nhà ngoại ở để học lớp sáu ngoài thị xã, cuối tuần mới về thăm nhà một lần. Rồi tôi lên cấp ba, vào lớp chuyên toán. Đây là một sự kiện to tát ở quê tôi vì suốt cả con đường gần chục cây số có mỗi mình tôi được học lớp chuyên. Tôi học như điên để theo kịp mấy đứa bạn ngoài đó. Tôi không còn thời gian đi “dan thuốc” - rải những cây thuốc con lên liếp cho người lớn trồng, “măng thuốc” - vô chưn cây thuốc, hoặc lẩy chồi...

Tôi ít ca vọng cổ hơn và bắt đầu tập tành vài bài tân nhạc, đặc biệt hơn là tôi còn biết mấy bài hát tiếng Anh do ông ngoại dạy. Thỉnh thoảng tôi về nhà và dạy cho tụi nhỏ vài câu tiếng Anh giả cầy khiến chúng mê tít. Thuốc rê ngày càng mất giá, người ta không còn trồng thuốc rê nữa, tôi cũng không thường về quê để coi người ta xắt thuốc như trước, tôi xa dần tụi nhỏ trong xóm, và tôi cũng quên mất là thím Hai đã không còn qua nhà tôi bắt chí cho tụi nhỏ nữa. Tôi đi học đại học.

4. Đám cưới con Chấm, nó viết cho tôi mấy hàng “chị ráng về ăn đám cưới em, hổng có vui đâu, nhưng mà em muốn chị về”. Hổng vui thì cưới làm gì, chú rể có phải là thằng Đơ con chú Bảy Tre không hổng biết. Tôi vội vã về. Hóa ra chú rể là một thằng cha lạ hoắc ở ngoài chợ Cao Lãnh, già hơn con Chấm chừng mười mấy tuổi. Tôi chưng hửng, còn thằng Đơ? Nó rưng rưng nước mắt, thôi chị ơi, người ta cũng nghèo như mình mà chảnh lắm. Em sẽ giàu, giàu nhanh nữa cho họ biết. Trời ơi, chỉ vậy thôi mà nó dám quyết định một chuyện quan trọng cả đời, quá muộn rồi làm sao tôi can nó?

Con Chấm cho tôi coi những đồ sính lễ của nhà trai. Nhiều quá, vòng vàng đỏ ối, áo quần toàn bằng vải xoa xít bóng. Tôi yên lặng không nói gì thêm, còn nói gì khi nó đã quyết định xong hết rồi, còn đâu mối tình quê chân chất ngày xưa đó? Tôi ra sau hè nhìn rẫy thuốc lá mà lòng buồn rười rượi, nơi tụi nó hẹn hò mỗi ngày vẫn còn đây.

Tôi nhớ như in cái lần thằng Đơ ngân nga: Thuốc rê Cao Lãnh thơm nồng, con gái Cao Lãnh má hồng thấy thương, rồi con Chấm mắc cỡ không lẩy chồi mà bẻ trụi cả cây thuốc lá, rồi tôi và mấy đứa nhóc nữa đứng núp sau hàng thuốc cười hí hí...

Rồi những đêm xắt thuốc vui nhộn, con Chấm làm thợ phơi còn thằng Đơ làm thợ xắt, ai ai cũng khen hai đứa nó xứng đôi. Mỗi đêm xắt thuốc, sau khi ăn cơm khuya xong, mọi người lại nghe hai đứa nó hát bài Hoa tím bằng lăng trước khi trở lại làm việc. Con Chấm thường sửa lời bài hát, thay vì hát con rạch Cái Thia chảy dìa Tắc Cậu, nó lại hát con rạch Cái Tôm chảy xuôi dìa Tân Thuận. Mà giờ này tụi nó có đang nhớ những kỷ niệm đó không?

Tối. Con Chấm lạy xuất giá. Nó khóc như mưa. Người ta hay nói khóc như con gái sắp về nhà chồng. Nó khóc vì thương cha mẹ già và đàn em thơ dại hay là nó đang khóc cho mối tình đầu dang dở của mình? Như những đám cưới nhà quê khác, hàng xóm cùng tới hát giúp vui. Mà kìa, thằng Đơ đang đóng vai anh chàng Áo Vũ Cơ Hàn, nó hát, lời hát nghe buồn da diết Loan cô nương ơi, trả áo em là trả luôn tình đầu tiên, đường đôi ngả ly tan, tình mộng vẫn vương mang, đang xúc động âm thầm, rồi em đi lấy chồng, ta ngậm ngùi trông theo áo ai, xác pháo rơi đỏ trên đường đi...

Ông Ba Trái đang ngồi đờn say mê, ông không biết có nhiều người đang đau lòng. Tôi đi vô buồng con Chấm. Mắt nó đỏ hoe. Tôi hối nó đi ngủ sớm để khuya còn đi chải tóc. Thím Hai đang ngồi đếm tiền với chú Hai sau bếp. Con Nốt ngồi mơ màng bên bếp lửa, nó nghĩ gì? Thằng Út Mót cười hăng hắc, nó vui vì nhà đông người và nó được ăn thịt đã đời.

5. Tới cô Thanh lấy chồng, cô không biết viết thơ nên biểu thằng Láy viết cho tôi: “Cô đi lấy chồng, mày có rảnh về chơi, cô cho đưa dâu lên thành phố”. Tôi suýt nhảy dựng. Trời, còn chú Lói? Vậy là rã đám thêm một cặp nữa. Tôi không về được vì bận thi học kỳ. Hè về, tụi nhóc kể lại cô Thanh khóc còn nhiều hơn chị Chấm. Chú Lói không về ăn cưới cô Thanh, chú ở luôn trên Xuân Lộc. Nghe nói chú mua đất lập nghiệp ở trển luôn.

Cô Thanh mua cho ông bà Ba cái truyền hình hai mươi bốn inh, cái truyền hình bự nhứt xóm. Cô không muốn thấy tụi em, cháu của cô chiều chiều qua nhà hàng xóm giành chỗ với mấy đứa nhỏ trong xóm. Tôi không biết mặt chồng cô nhưng nghe nói dượng bị thọt một chân, trắng hơn cô Thanh mà buôn bán giỏi lắm.

6. Tôi tốt nghiệp ra trường, cũng muốn ra đi làm giàu nơi đất lạ. Có một việc làm tốt ở thành phố và tôi đã phỏng vấn xong. Tôi định về nhà chơi vài bữa rồi đi. Tối hôm đó tôi qua nhà thím Hai chơi với tụi nhỏ. Ông Ba Trái đang ngồi đờn bên nhà, ông hát điệu Lưu thủy hành vân, giọng ông sao mà buồn da diết, y như thằng Đơ hát hồi đám cưới con Chấm. Sương trắng nhuộm rừng phong vấn vương, đưa tiễn em lên đường, Nam Sơn đây chốn chia tay phản hồi gia trung, hoa lá bay rơi rụng theo dòng... Tôi đâu có chia tay ai để về nhà, tôi sắp xa nhà kia mà, vậy mà sao tôi buồn quá.

Tôi ra chợ thăm con Chấm. Nó mập ú ù u, có ba đứa con rồi. Nó để chồng coi tiệm, còn nó dẫn tôi về nhà. Chồng nó coi bộ cũng hiền. Nó khoe tôi hàng chục đôi bông tai đủ kiểu. Tôi mới nhớ hồi xưa nó ngồi hàng giờ ngắm nghía những đôi bông của chị Lộc bên nhà bác Tư. Bây giờ mọi việc dường như tạm ổn với nó.

Những ước mơ thời con gái giờ đã thực hiện xong, nó cười một nụ cười mãn nguyện. Chuyện thằng Đơ giờ coi như không có và chưa bao giờ xảy ra trong ký ức của nó. Người ta có thể quên quá khứ mau vậy sao? Tôi lặng nhìn nó yên ấm hạnh phúc mà không báo cho nó biết là thằng Đơ vừa bị tai nạn lao động ngoài công trường xây dựng.

7. Bao đứa trẻ ngày xưa giờ thành người lớn và đi tới xứ người lập nghiệp. Ai nghèo, ai giàu, ai nên danh nên phận? Tôi không biết, có điều là sao tôi nghe trong lòng nhớ tiếc. Xóm rạch giờ mọc lên nhiều nhiều ngôi nhà mới. Nhà thím Hai mới xây khang trang, lót gạch Đồng Tâm láng coóng. Thím Hai cũng không còn qua nhà tôi bắt chí cho tụi nhỏ.

Thím Hai cười móm mém “giờ có thuốc trị chí Oshin rồi con ơi!”. Những thợ phơi, thợ xắt ngày xưa rồi cũng chìm sâu vào quên lãng trong ký ức của nhiều người. Thuốc rê Cao Lãnh giờ chắc chỉ còn trong nỗi nhớ của vài người trong số chúng tôi.

Rồi đây tôi cũng sẽ hòa vào dòng người nhộn nhịp nơi thành phố, có ngày nào đó chợt nhớ về quê cũ, tôi sẽ lại nhớ mùi thuốc lá chưn hăng hăng trong những sáng tinh sương ngoài rẫy thuốc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận