Tạp bút: Những cây cầu không chỉ bắc qua sông

TƯỜNG MINH 06/06/2004 22:06 GMT+7

TTCN - Xe chạy đã cả ngàn cây số, đến cầu Hiền Lương rồi! Không thể không dừng lại, đi thật chậm để cảm nhận cái cảm giác bước nối qua đường biên giới từng phân chia đất nước.

Phóng to
Cầu Hiền Lương đêm giao thừa 2004
TTCN - Xe chạy đã cả ngàn cây số, đến cầu Hiền Lương rồi! Không thể không dừng lại, đi thật chậm để cảm nhận cái cảm giác bước nối qua đường biên giới từng phân chia đất nước.

Thật lạ, bao nhiêu bài học lịch sử trong sách vở cũng không bằng một lần chân bước qua, cho dù chỉ bước qua một ranh giới hình dung chứ không phải bước trên những tấm ván hữu hình. Vì để bảo quản, cầu Hiền Lương di tích đã được bít hai đầu. Không sao, cầu mới chạy song song cách đó chỉ vài mét cũng đủ để cảm nhận bờ nối bờ.

Cây cầu nhỏ bé, đơn giản, yên ả một di tích.

Nhìn dòng Bến Hải xanh mát giữa nắng cháy mùa hè Quảng Trị, tự nhiên có một ước muốn thật trẻ con: đi ngược dòng về thượng nguồn để nghe hết tiếng dòng sông không thể chia cắt được. Bờ bên này có thể cách xa bờ bên kia một con sông nhưng dòng nước thì làm sao kẻ đường ranh giới? Làm sao biết giọt nước nào ở phía bên nào trong một dòng chảy duy nhất từ khi nó được sinh ra ở một nơi xa tắp từ dãy Trường Sơn?

Hình như không có tour du lịch nào đi ngược dòng theo cái kiểu con trẻ ấy được, dù đến nay đã có khá nhiều tour DMZ (du lịch khu phi quân sự). Thôi, đi đường bộ vậy. Vậy là đến Bến Tắc, một chiếc cầu treo bắc qua sông phía thượng nguồn, rất gần nghĩa trang Trường Sơn. Những sợi cáp to như cẳng chân. Cây cầu được sinh ra khi vùng thượng nguồn đã giải phóng vì thế sứ mạng của nó là nối liền sơn đạo vạn lý vào Nam. Nó rắn chắc vươn mình từ bờ này qua bờ kia vững vàng, hết mình và mãnh liệt, song vẫn thơ mộng giữa núi đồi. Lòng sông hẹp hơn, cạn và lởm chởm lòng, như cố đi thật nhanh về xuôi. Nhìn cái màu quặn đỏ của đất núi tưởng như nó cố đi thật nhanh làm nên một mùa xuân phía trước.

Nếu Hiền Lương di tích giờ nghỉ ngơi làm một trang sử sống động thì Bến Tắc vẫn mở lòng đón những bước chân qua vì khi nó sinh ra vùng đất ấy không còn giới tuyến. Mà trên đời này không có cây cầu nào sinh ra để làm vật chia cắt. Hễ có cầu là bờ đã nối, dù có phải chờ đợi lâu đến mấy.

Chợt thấy cả hai cây cầu - dù kẻ vươn mình làm di tích, người sừng sững đón đưa - vẫn chung nhau là chứng nhân lịch sử, khoác áo thời gian. Bỗng nhiên nhận ra những cây cầu không chỉ bắc qua sông! Nó bắc qua dòng chảy của lịch sử, nối xưa - sau mãi mãi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận