Siddhartha

 NGUYỄN TƯỜNG BÁCH 06/10/2009 21:10 GMT+7

TTCT - Tôi nhớ, rất nhớ, cuốn sách đầu tiên của Hermann Hesse mà tôi đã đọc. Tất nhiên, đó là cuốn Sói đồng hoang. Kỷ lục về in ấn. Wikipedia cho biết đã có hơn 100 triệu bản Sói đồng hoang bán trên khắp thế giới và có thể tôi đã ngẫu nhiên cầm được một trong 100 triệu bản ấy. Đọc ngốn ngấu và ngơ ngác mấy ngày.

Siddhartha

TTCT - Tôi nhớ, rất nhớ, cuốn sách đầu tiên của Hermann Hesse mà tôi đã đọc. Tất nhiên, đó là cuốn Sói đồng hoang. Kỷ lục về in ấn. Wikipedia cho biết đã có hơn 100 triệu bản Sói đồng hoang bán trên khắp thế giới và có thể tôi đã ngẫu nhiên cầm được một trong 100 triệu bản ấy. Đọc ngốn ngấu và ngơ ngác mấy ngày.

Rồi với Sói đồng hoang, ám ảnh vết cắn trên ngực, sự hoang mang rỉ máu, tôi đi tìm những cuốn mà tên tác giả là Hermann Hesse. Đầu thập niên 1980, những người trẻ đều đi tìm cái gì đó cho mình, một cách cá nhân, với một ý thức mới. Một cái tên tác giả hay một cuốn sách đều giống như một gợi ý. Mà Hermann Hesse lại là nhà văn viết cho những băn khoăn của tuổi trẻ trong một xã hội ngày càng khô cằn bởi lý tính và nền công nghiệp hóa.

Một ngày rất xa ở một quán sách cũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, tôi tìm thấy Siddhartha bây giờ (cuốn sách vừa được in qua bản dịch tiếng Đức của Lê Chu Cầu), với tên gọi khác là Câu chuyện dòng sông. Bản dịch ngày xưa rất hay, nữ dịch giả Phùng Khánh chuyển ngữ từ tiếng Anh năm 1965. Cuốn sách bìa một không còn, bìa hai chỉ đơn giản dòng chữ Câu chuyện dòng sông trên nền vàng sạm giấy cũ.

Tôi đọc mãi, đọc mãi... rồi từ lúc nào thấy mình đã nhập vào hành trình cùng với chàng tín đồ Bà La Môn trẻ tuổi tên Tất Đạt, bắt đầu rời bỏ gia đình, nhập vào nhóm những nhà sư khổ hạnh..., lăn lóc trong cuộc đời, vướng vào đàn bà đẹp, tham gia chuyện buôn bán - lúc đầu mọi thứ trôi chảy nhưng sau sụp đổ hoàn toàn. Đến lúc tuyệt vọng, toan tự tử bên sông chợt nghe được lời sông mách bảo trong lòng mình mà giác ngộ chân lý, trở thành một lão chèo đò ngày ngày đưa khách sang sông!

Dạo ấy tôi cũng chưa hiểu khi mình thầm khấn “Om mani padme hum”, hoa sen sẽ nở trong lòng. Nhưng đọc xong Câu chuyện dòng sông thì biết mình đã trưởng thành hơn một chút, lờ mờ hiểu nên học yêu thương thế giới như nó là chính nó, để thôi không so sánh nó với thế giới nào khác trong tưởng tượng.

Có lẽ không có nhiều tác phẩm mà sau rất nhiều năm đọc lại thấy như mình vẫn còn cảm xúc ban đầu. Siddhartha được Lê Chu Cầu dịch từ nguyên bản tiếng Đức, đó đã là một ưu thế so với bản dịch từ tiếng Anh. Và ngay câu mở đầu: Như chim ưng non, Siddhartha, con trai khôi ngô của một người Bà La Môn, lớn lên dưới mái gia đình êm ấm, trong ánh nắng chói chang ở bến đò, trong bóng rừng cây Sal, dưới bóng cây vả, cùng với Govinda, bạn anh... tôi đã cảm thấy độ tinh tế hơn: Cạnh những con thuyền, dưới ánh nắng ven sông, trong bóng cây cổ thụ và trong khu rừng vàng nhạt, Tất Đạt, người con trai Bà La Môn đĩnh ngộ ấy đang lớn lên cùng bạn chàng là Thiện Hữu...

Có thể do năm tháng nên tôi không còn hồi hộp khi cầm lên tay cuốn Siddhartha, nhưng với một bản dịch cao nhã như vậy tôi đã đọc lại đến tận trang cuối. Và lại nhận ra một điều đã cũ là tôi học được trong cuốn sách này cách nhận biết kỹ xảo tự lừa mình, một kỹ xảo đơn giản đi cùng giọt nước mắt trong veo. Tôi cũng không rõ có phải mình đi tìm một giáo lý để được chứng nghiệm sự giác ngộ và giải thoát hay không, nhưng quả thật Siddhartha cho tôi nhiều hơn những lời thuyết giảng đã từng nghe đâu đó.

Và tôi lại muốn cầm Siddhartha trên tay như trong một buổi chiều rất xưa ở hiệu sách cũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, khi đang trẻ và lạ lẫm, bây giờ.

Trong các tác phẩm của Hermann Hesse, có lẽ Siddhartha là tác phẩm nổi tiếng nhất. Câu chuyện lấy thời điểm Đức Phật còn tại thế, nói về một chàng thanh niên rời gia đình đi tìm giác ngộ. Dù được gặp Phật, dù bạn đồng hành đã gia nhập tăng đoàn, nhưng chàng thanh niên Siddhartha nhất quyết đi theo con đường của mình.

Cuối cùng, sau khi trải nghiệm hết tất cả niềm vui và nỗi khổ của cuộc sống thế gian, chàng thanh niên Siddhartha đã giác ngộ được chân lý bên cạnh một dòng sông. Chàng đã lắng nghe dòng sông và tìm thấy ở nơi đó mọi dạng hình của đời sống. Chàng đã thấy “pháp giới” trong dòng sông và ngộ được tính nhất thể của vạn sự.

Hermann Hesse cho ta thấy muốn thấu hiểu bản chất của đời sống, con người cần phải trải nghiệm tận cùng mọi ngõ ngách của nó. Sự sống đang diễn ra trong mọi hình thái trong vũ trụ cũng chỉ vì nó cần trải nghiệm hết chính bản thân mình. “Sự sống” đó là “dòng sông” của Siddhartha mà chàng đã biết lắng nghe.

Cuối cùng Siddhartha đã ngộ ra rằng “sự thật nào cũng có đối nghịch của nó và điều đối nghịch này cũng thật không kém”. Khi đã trải nghiệm và biết lắng nghe mọi hình thái của sự sống, chàng đã tự siêu việt chính mình, vượt lên thiện - ác, tốt - xấu. Đó là tư tưởng Bát nhã, nói theo cách của Hermann Hesse.

 NGUYỄN TƯỜNG BÁCH

PHẠM THANH HÀ

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận