Một việc cấp thiết

TS LƯƠNG HOÀI NAM 13/05/2014 03:05 GMT+7

TTCT - Quyết định rút lại đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho giới chuyên môn và người dân niềm hi vọng là sẽ có một đề án chuyên nghiệp hơn.

Người dân phản ứng đề án lần này không phải vì tiếc tiền chi cho giáo dục. Dù việc này có tốn 100 tỉ, 5.000 tỉ hay 34.000 tỉ đồng, con số cao nhất 34.000 tỉ đồng cũng chưa bằng số tiền mỗi năm các gia đình đang chi cho 60.000 học sinh Việt Nam học ở nước ngoài (số liệu thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT). Dân ta không tiếc tiền cho việc học hành của con cái. Họ muốn con cái được thụ hưởng nền giáo dục có chất lượng tốt.

Lý do mà giới chuyên môn và người dân phản ứng đề án của Bộ GD-ĐT có lẽ bởi vì họ không tin cách làm vừa qua của Bộ GD-ĐT sẽ mang lại một nền giáo dục mới có chất lượng tốt. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là phải tạo ra một nền giáo dục mới, khác biệt và tiến bộ rõ rệt về hệ triết lý giáo dục, mô hình giáo dục, phương pháp giảng dạy, hệ thống các kỳ thi, cách phân luồng đào tạo và nhiều cấu thành khác.

Đổi mới sách giáo khoa không thể tách biệt khỏi việc đổi mới các nội dung này. Đúng hơn, đổi mới sách giáo khoa phải là hệ quả của những đổi mới có tính cốt lõi về giáo dục.

Riêng về sách giáo khoa, GS Nguyễn Xuân Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng “nếu vẫn con người cũ, cách làm cũ thì có đầu tư đến 34 tỉ USD (thay vì 34.000 tỉ đồng) cũng không làm được vì đến nay vẫn chưa có tổng chỉ huy về mặt học thuật, nhận thức tính khoa học của công việc này còn nhiều bất cập”.

Làm sao nói được về “mặt học thuật”, “tính khoa học” khi đề án chưa nêu ra được các cơ sở triết học giáo dục, phương pháp giáo dục để giới chuyên môn và người dân thấy rõ trong lần đổi mới này chúng ta sẽ ứng dụng và cụ thể hóa các học thuyết, trào lưu, mô hình giáo dục tiên tiến nào của thế giới, qua đó sẽ tạo ra những sự khác biệt đáng kể nào so với nền giáo dục hiện tại?

Có lẽ không nên hi vọng nhiều vào sự xuất hiện của một vị “tổng chỉ huy” như ý GS Hãn. Nên chấp nhận là tại thời điểm này, vì lý do này khác, nước ta chưa có người như thế. Giải pháp hợp lý và khả thi hơn nhiều là xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa, cho phép xuất bản nhiều bộ sách giáo khoa, tạo sự cạnh tranh giữa các tác giả, các nhà xuất bản sách giáo dục để từng bước nâng cao chất lượng sách giáo khoa.

Đề xuất có nhiều bộ sách giáo khoa không có gì mới so với cách làm hàng chục năm nay của các nước có nền giáo dục tốt. Ngược lại, đây là cách làm rất phổ biến ở nhiều nước, thông qua “Danh sách sách giáo khoa được phê duyệt” (“Approved textbook list”, sau đây viết tắt là “ATL”).

ATL là danh sách các sách giáo khoa, sách bài tập của các nhà xuất bản (NXB) khác nhau được bộ giáo dục các nước phê duyệt để các nhà trường và giáo viên lựa chọn từ đó cho từng môn học. Thời hạn sử dụng mỗi sách giáo khoa thường là năm năm, sau đó bộ giáo dục sẽ đánh giá, phê duyệt lại.

Có thể xem ATL của Singapore tại trang https://atl.moe.gov.sg. Ví dụ, môn vật lý trung học năm thứ 3 (S3), thứ 4 (S4) trong giai đoạn 2013-2017 có thể sử dụng sách giáo khoa của NXB Pearson Education South Asia Pte Ltd (các tác giả Loo Kwok Wai và Loo Wan Yong), hoặc của NXB Marshall Cavendish International (Singapore) (các tác giả Charles Chew Ming Kheng, Chow Siew Foong, Ho Boon Tiong, Tan Peng Yeon). Môn toán cao cấp có các bộ sách giáo khoa của các NXB Marshall Cavendish, Star Publishing và Shing Lee Publishers. Tất cả đều là NXB tư nhân.

Tại Singapore, Bộ Giáo dục phê duyệt ATL, khuyến cáo nhà trường, giáo viên sử dụng các sách giáo khoa trong ATL nhưng không bắt buộc phải theo danh mục này. Lý do là bên cạnh các trường công lập, ở Singapore còn có các trường tư thục, các trường này có thể dạy theo chương trình của nhà nước hoặc theo chương trình riêng.

Khi trường tư thục dạy theo chương trình riêng, họ có thể chọn bộ sách giáo khoa nằm ngoài danh sách ATL. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy ATL chi tiết hằng năm của các nước có nền giáo dục tiên tiến, thậm chí ATL của những nước nhỏ như Jamaica. Do vậy, có thể yên tâm rằng việc xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa ở Việt Nam lúc này không có gì ngược với xu thế chung của thế giới, mà là việc cấp thiết phải làm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận