Điều gì đang xảy ra ở Ukraine?

DANH ĐỨC 01/03/2014 23:03 GMT+7

TTCT - Tháng 9 năm ngoái, đúng vào lúc mà Mỹ “lên giọng” nhất với ông Assad ở Syria, bất ngờ Nga xen vào cứu ông Assad khỏi một “chuyến tàu suốt”, đồng thời “thu hoạch” được cả Syria lẫn sự quay lại Địa Trung Hải.

Ukraine: nội các mới là những nhân vật thân phương Tây
Ukraine công bố nội các mới
Dấu hiệu li khai nghiêm trọng ở Ukraine

Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski (giữa), Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier (trái) cùng các lãnh đạo đối lập ở Ukraine sau khi ký thỏa ước với Tổng thống Yanukovych ngày 21-2 tại Kiev - Ảnh: Reuters

Sang năm nay, Nga tưởng đã nắm chắc trong tay sự quay đầu của ông Viktor Yanukovych thì bỗng dưng tất cả tan như bong bóng hôm thứ bảy 22-2!

Tối chủ nhật 23-2, trên Đài NBC, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice nhắn Nga chớ gửi quân vào Ukraine mà bà này cảnh cáo “sẽ là một sai lầm nghiêm trọng”. Bộ trưởng ngoại giao Anh William Hague phát biểu trên truyền hình BBC cũng đưa ra những nhận xét mà chính thông tấn xã Reuters của Anh cho là “có thể khiến Nga nổi giận” như: “...Quan trọng là Nga đừng làm bất cứ điều gì để phá hoại gói hỗ trợ kinh tế, ráng cộng tác”.

Quả là những phát biểu trên đã “chọc giận” Nga thật. Câu trả lời của Nga có ngay. Bộ Ngoại giao Nga trong một tuyên bố đăng trên trang web của bộ này (www.mid.ru.) kêu gọi “tất cả những ai can dự đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine hãy tỏ ra có tinh thần trách nhiệm tối đa, tiến hành những biện pháp ngăn suy thoái tình hình hơn nữa, đưa đất nước này trở lại khuôn khổ luật pháp lý và triệt hạ những kẻ cực đoan đang cố giành lấy quyền lực”.

Trong khi đó, hãng tin quốc tế của chính quyền Nga RT phản ứng bà Susan Rice trong bài viết “Lời khuyên hay nhưng sai địa chỉ”, dẫn lời một nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga mai mỉa: “Đánh giá của bà Rice là dựa trên những trường hợp quân Mỹ được gửi đi khắp nơi trên thế giới, tới những nơi mà nhà cầm quyền Mỹ tin rằng các chuẩn mực của dân chủ phương Tây đang bị đe dọa, hay những nơi mà chính quyền địa phương thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ”.

Tuy Bộ Ngoại giao Nga không nêu đích danh ai “can dự đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine”, ai là “những kẻ cực đoan đang cố giành lấy quyền lực”, song không khó đoán ra đó là ai. Rõ ràng, Matxcơva muốn đề cập đến việc truất phế đồng minh Viktor Yanukovych bởi Rada tối cao (Quốc hội Ukraine) hôm thứ bảy 22-2, chỉ một ngày ngay sau thỏa hiệp hôm thứ sáu 21-2 giữa ông này với phe đối lập, và thỏa thuận giữa các cường quốc trong “cánh gà”.

Thỏa hiệp 21-2 vắn số

Không chỉ Mỹ và EU tính đến một chính phủ liên hiệp ở Ukraine, mà cả Nga cho dù muộn hơn.

Thông tấn xã RIA-Novosti của Bộ Truyền thông đại chúng Nga hôm thứ sáu 21-2 đưa tin: “Vụ Báo chí phủ tổng thống Ukraine hôm thứ sáu đã chính thức xác nhận việc ký kết thỏa hiệp ra khỏi khủng hoảng ở Ukraine giữa nhà chức trách và phe đối lập. Văn kiện được ký bởi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, lãnh đạo các đảng đối lập Oudar, Batkivchtchina và Svoboda, Vitali Klitschko, Arseni Iatseniouk và Oleg Tiagnibok...

Thỏa hiệp này đã được đưa ra sáng thứ sáu từ cuộc đàm phán quy tụ các lãnh đạo của phe đối lập, Tổng thống Viktor Yanukovych, các lãnh đạo ngoại giao Đức, Pháp và Ba Lan, cũng như đại diện Nga đặc trách nhân quyền.

Đến buổi chiều, người đứng đầu Nhà nước Ukraine loan báo ông sẽ đưa ra những thủ tục nhằm tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống sớm, thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia, quay lại với bản hiến pháp năm 2004, theo đó sẽ quay lại chế độ nghị viện ở Ukraine”.

Nội dung mẩu tin trên không chứa bất kỳ chi tiết nào cho phép dự báo rằng đây sẽ là một trong những mẩu tin cuối cùng của RIA-Novosti về ông Viktor Yanukovych trong cương vị tổng thống Ukraine. Trái lại, các chi tiết như sẽ “tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống sớm, thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia, quay lại với bản hiến pháp năm 2004, theo đó sẽ quay lại chế độ nghị viện ở Ukraine” cho thấy ông này đã nhượng bộ tối đa phe đối lập, đồng thời hứa hẹn một lộ trình kết thúc cuộc khủng hoảng bạo lực như đã tóm tắt ở đoạn cuối trong êm thắm.

Hai ngày sau, 23-2, khi mọi chuyện đã “sang trang” ở Kiev, RIA-Novosti thuật lại tình hình như sau: “Hôm thứ bảy, không buồn chờ cho tổng thống ký văn kiện quay lại với bản hiến pháp 2004, Quốc hội Ukraine đã sửa đổi hiến pháp và chỉ định một chủ tịch quốc hội mới, một bộ trưởng nội vụ mới...”.

Về số phận ông Viktor Yanukovych, trong một đoạn băng được kênh truyền hình Nga Rossiya 24 phát đi hôm 22-2 (1), ông Yanukovych tố cáo “đây là một cuộc đảo chính do nước ngoài chỉ đạo”, cho hay “các trung gian quốc tế đã hứa đảm bảo an ninh cá nhân” cho ông nhưng khi mọi việc vẫn chưa ngả ngũ thì ôtô của ông bị bắn.

Ông Yanukovych cũng khẳng định “các quyết định của quốc hội không có tính pháp lý vì các đại biểu làm việc dưới áp lực khủng bố và bị đe dọa”. Hiểu ngầm là, theo nguồn tin chính thức Nga, ông Viktor Yanukovych vẫn cứ còn là tổng thống Ukraine (tối thiểu cho đến mẩu tin ngày 22-2 đó).

Ông Yanukovych tố cáo “đây là một cuộc đảo chính do nước ngoài chỉ đạo” trên kênh truyền hình Nga Rossiya 24 - Ảnh: YouTube

Các "sếp lớn" trong hậu trường

Chi tiết về việc các bộ trưởng ngoại giao Đức, Pháp và Ba Lan, cũng như đại diện Nga đặc trách nhân quyền cùng tham gia đàm phán được RIA-Novosti 21-2 đề cập đến cho phép hiểu ngầm rằng đây không chỉ là thỏa thuận giữa các bên ở Ukraine, mà còn là thỏa hiệp giữa các nước chủ chốt của EU với Nga, cho dù Nga không cử Bộ trưởng ngoại giao Lavrov mà chỉ một đại diện đến (là ông Lurkin đặc trách nhân quyền).

Bài bình luận mang tựa đề “Ukraine: sự cạnh tranh địa chính trị lớn hơn là dự kiến” của RIA-Novosti 21-2 giải thích phần nào cái nhìn thực tế sau này của Nga: “Các chính khách, cả Nga lẫn châu Âu, đều đã sai lầm trong tính toán. EU thì đánh giá quá cao tính hấp dẫn của mình. Nga thì tin rằng ông Yanukovych có thể giải quyết cuộc xung đột bằng vũ lực”.

Quả thật ông Putin đã đánh giá EU quá cao, đồng hóa EU vốn là một cộng đồng “dân sự” và kinh tế với một NATO vốn là một liên minh quân sự bao gồm cả Mỹ, nhất là khi EU đang vỡ nợ lo thân mình chưa xong, nên đã ra sức kéo ông Yanukovych thôi “đi với” EU mà quay lại phía Nga, làm tăng làn sóng chống đối ông Yanukovych và đối kháng Nga, dẫn đến việc hoàn toàn mất kiểm soát tình hình và sập bẫy đàn áp đối lập, phản dân chủ.

RIA-Novosti khi trích lời nhà chính trị học Alexeï Makarkine cũng phần nào cho thấy nay Nga đã điều chỉnh cách đánh giá EU như thế nào: “EU đã nghĩ ngợi quá lâu về một sự hỗ trợ tài chính cho Ukraine, vừa do EU không khéo léo vừa do việc người dân đóng thuế không chịu tiêu tiền cho những mục tiêu mù mờ. Sự trễ nải của EU đã buộc EU chọn một lập trường rõ rệt hậu thuẫn phe đối lập, khiến tổng thống Yanukovych không xem các nhà thương thuyết của châu Âu như là những nhà trung gian thật sự”.

Quả thật là do đang quá khó khăn tài chính nên EU đã không khiến ông này vững tin sẽ được EU tiếp sức một khi ký tham gia liên kết với EU, để rồi cuối cùng khước từ và rơi “vào tay” Nga với lời hứa 15 tỉ USD của ông Putin. Đó là lý do mà trợ lý ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland đã buột miệng chửi thề “...bọn EU” khi điện thoại với đại sứ Mỹ tại Ukraine, bị Nga tung lên YouTube!

Trong cuộc họp báo ngày 7-2 ở Kiev, bà Nuland không ngần ngại tiết lộ những gì bà đang thu xếp là “hậu thuẫn những ai đang cộng tác trong việc cải cách hiến pháp và bầu cử vốn sẽ là cần thiết để có được một chính phủ đoàn kết quốc gia, một chính phủ chuyên gia mà cộng đồng quốc tế có thể cộng tác, mà IMF có thể cộng tác, mà chúng tôi có thể làm việc với họ...”.

Không chỉ Mỹ và EU tính đến một chính phủ liên hiệp ở Ukraine, mà cả Nga cho dù muộn hơn. RIA-Novosti tiếp tục nhận xét: “Người dân Ukraine cũng ngày càng ít ủng hộ Yanukovych. Những người ủng hộ ông ta trong Đảng “Các khu vực” cũng bắt đầu buông ông ta, họ còn có tương lai chính trị của họ - miền đông Ukraine sẽ bỏ phiếu cho chính mình mà không có Yanukovych”.

Để kết luận, RIA-Novosti phác họa kịch bản: “... Phe đối lập cùng những người thoát ly khỏi Đảng “Các khu vực” thành lập một chính phủ hợp pháp sẽ đàm phán với EU, sửa đổi hiến pháp và tổ chức bầu cử tổng thống”.

Không khác gì lắm hai kịch bản của Mỹ và EU với của Nga. Bất ngờ là thỏa thuận ngày 21-2 quá “vắn số”. Quốc hội Ukraine đã truất phế ngay ông Yanukovych. Mẩu tin sau của RIA-Novosti ngày 23-2 “Matxcơva kêu gọi tôn trọng các thỏa thuận ra khỏi khủng hoảng” trích phát biểu của Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergueï Lavrov với Ngoại trưởng Mỹ Kerry: “Phía chúng tôi đã nhấn mạnh rằng nay nhất thiết phải tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận ngày 21-2, điều mà phe đối lập Ukraine, đã giành quyền lực ở Kiev, tránh làm...

Phe đối lập từ khước hạ vũ khí và tiếp tục dựa trên bạo lực. Đại hội đại biểu các khu vực đông - nam Ukraine đã đặt dấu hỏi về tính hợp pháp chính đáng của các động thái này, nhất quyết bảo vệ trật tự hiến định trong lãnh thổ của mình”.

Có vẻ như nếu trật tự không nhanh chóng vãn hồi và “phe đối lập tiếp tục dựa trên bạo lực” thì khu vực đông - nam Ukraine (nói tiếng Nga) đang trên đà thoát ly với Kiev. Tình hình đáng lo âu hơn khi xu hướng cực đoan ngày càng lộ rõ: theo Hãng tin Utro.ru, sáng 24-2, nhà của chủ tịch Đảng Cộng sản Ukraine Petr Simonenko ở làng Gostomel (Kiev) đã bị những kẻ lạ mặt tấn công và phóng hỏa (2)!

(1): http://www.youtube.com/watch?v=ld1b9yVkIdQ
(2): http://www.utro.ru/articles/2014/02/25/1178072.shtml

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận