Câu chuyện xuất nhập khẩu: bất lợi vẫn rơi về phía nông dân

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH 06/01/2014 22:01 GMT+7

TTCT - Xét trên việc đạt được mục tiêu thì với tất cả mục tiêu đạt và vượt, câu chuyện xuất nhập khẩu của Việt Nam năm rồi là một bức tranh sáng.

Nhưng xét trên tổng thể, trong những mặt hàng chủ yếu có số liệu thống kê về lượng và giá trị xuất nhập khẩu hiện nay, tính chung khoản thiệt về giá vẫn là những con số tỉ USD xót xa.

Phóng to
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty Cafatex, Hậu Giang - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Với các số liệu vừa được công bố, năm 2013 hoạt động xuất nhập khẩu đã đạt được thành tựu “kép”: với gần 132,2 tỉ USD, xuất khẩu năm này đã tăng 15,4% - nhịp độ tăng cao hơn gấp rưỡi mục tiêu (10%). Nếu xét theo mức tuyệt đối, xuất khẩu đã vượt mục tiêu 6,2 tỉ USD.

Hào hứng ban đầu

Còn nhớ chiến lược xuất nhập khẩu thời kỳ 2011-2020 từng đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu cho năm 2015 và 2016 là 127,3 và 141,3 tỉ USD. Cứ so với mức mong muốn này thì “đoàn tàu xuất khẩu” đã về đích sớm hơn hai năm. Mọi chuyện tưởng sẽ hoàn hảo, nếu không có tình trạng giảm giá của một loạt mặt hàng xuất khẩu.

Cao su chẳng hạn, là loại hàng điển hình trong câu chuyện giảm giá, với độ rơi tự do từ 3.961 USD/tấn xuống 2.315 USD/tấn, giảm kỷ lục tới 41,6%. Vì vậy, dù lượng xuất khẩu được “phấn khởi báo cáo” là tăng liên tục, nhưng tính toán lại thì kim ngạch đã liên tục “co lại” rất nhiều: từ hơn 3,2 tỉ USD lần lượt giảm chỉ còn gần 2,9 tỉ USD và 2,5 tỉ USD. Than đá chung số phận khi cũng là mặt hàng giảm giá mạnh liên tiếp trong hai năm vừa qua. Giá hạt điều nhân cũng không khá hơn...

Có lẽ câu chuyện kim ngạch xuất khẩu chỉ của riêng mặt hàng điện thoại di động và linh kiện đã đạt 21,5 tỉ USD, không thua kém bao nhiêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu gần 25,6 tỉ USD của 11 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực là ví dụ tiêu biểu nhất của “hai cực đối lập” trong bức tranh xuất nhập khẩu Việt Nam hiện nay. Nó cho thấy việc bắt được xu thế phát triển của thị trường và nắm được công nghệ là chìa khóa để xoay chuyển tình thế.

Xét trên tổng thể, trong 15 mặt hàng chủ yếu có số liệu thống kê về lượng và giá trị xuất khẩu hiện nay (tuy cũng có mặt hàng như chè, hạt tiêu tăng giá, nhưng không phải là hiện tượng phổ biến, mức tăng cũng không nhiều), tính chung thì khoản thiệt về giá lên tới gần 3,5 tỉ USD.

Trong khi ấy nhập khẩu được kiềm chế ở mức thấp hơn nhiều so với mục tiêu. Nếu muốn đạt được mục tiêu kiềm chế nhập siêu dưới 8% thì “hạn ngạch” nhập khẩu phải được giới hạn ở mức 136,2 tỉ USD. Thế nhưng với 131,3 tỉ USD, nhập khẩu đã thấp hơn mục tiêu 4,87 tỉ USD. Nếu lại so với mục tiêu mà chiến lược xuất nhập khẩu thời kỳ 2011-2020 đặt ra thì “đoàn tàu nhập khẩu” đã lùi so với đích hơn một năm (mục tiêu đề ra là 126,5 tỉ USD năm 2014 và 139,8 tỉ USD năm 2015).

Cũng giống như trong xuất khẩu, 2013 cũng là năm chúng ta được chứng kiến tình trạng cả giảm lẫn tăng giá ở hầu như tất cả mặt hàng nhập khẩu. Đó là giá bông giảm kỷ lục 1.202 USD/tấn, giá hạt điều giảm 507 USD/tấn, trong khi đậu tương, giá xăng dầu và khí đốt hóa lỏng đều tăng... Nếu tính chung 17 mặt hàng chủ yếu có số liệu thống kê về lượng và giá trị nhập khẩu hiện nay thì khoản thua thiệt về giá cũng lên tới gần 3,5 tỉ USD.

Chính vì cả xuất và nhập khẩu đều cách xa dự kiến như vậy nên thay vì vẫn sẽ phải nhập siêu tới 10,2 tỉ USD như dự liệu, năm nay đã là năm thứ hai nền kinh tế Việt Nam chuyển sang xuất siêu, tuy kim ngạch vẫn còn rất khiêm tốn (năm 2012 đạt 749 triệu USD, năm 2013 đạt 863 triệu USD, tỉ lệ đều chừng 0,7%).

Có lẽ ngay cả các nhà hoạch định chiến lược xuất nhập khẩu nước ta cũng không thể ngờ tới kết quả này. Bởi từ khi bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới đến hết thập kỷ vừa qua, nhập siêu là “căn bệnh kinh niên” của nền kinh tế. Hiếm hoi lắm, chỉ có năm 1992 ta xuất siêu được vỏn vẹn 40 triệu USD, còn nhập siêu bình quân trong thập kỷ vừa qua vẫn còn là 3,84 tỉ USD, chiếm tỉ lệ tới 9,8%.

Bởi vậy khi bàn về chiến lược xuất nhập khẩu thời kỳ 2011-2020, các chuyên gia tư vấn hoạch định chính sách cho rằng phải đến năm 2020, nền kinh tế nước ta mới cân bằng được cán cân ngoại thương và thập kỷ sau đó mới có thể chuyển sang xuất siêu.

Ai về đích trước?

Xuất khẩu tăng ngoài sức tưởng tượng như vậy, đặc biệt là việc nền kinh tế chuyển sang xuất siêu sớm hơn dự liệu, chính là từ sự vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI), trong khi tình hình xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước vẫn rất bết bát.

Liên tục trong ba năm qua, nhịp độ tăng xuất khẩu bình quân của các doanh nghiệp FDI đạt rất cao, tới 31,2%/năm, cao gấp hơn ba lần so với chỉ có 9,8%/năm của các doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, nhịp độ tăng nhập khẩu bình quân của các doanh nghiệp FDI đạt 26,3%/năm, còn của các doanh nghiệp trong nước chỉ đạt 5,9%/năm.

Với sự chênh lệch quá lớn này, đương nhiên các doanh nghiệp FDI đóng vai trò “đầu tàu” kéo nền kinh tế chuyển sang xuất siêu. Trong nhịp độ tăng trưởng đó, khu vực này đạt kim ngạch xuất siêu gần 14 tỉ USD, tỉ lệ xuất siêu cũng đã lên tới 18,7%. Còn các doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu trên 13 tỉ USD theo một tỉ lệ cao ngất ngưởng (29,9%).

Nhìn từ góc độ dài hạn cũng có thể thấy vai trò ngày càng quan trọng của doanh nghiệp FDI trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu. Trong vòng 18 năm qua, mức chênh lệch về nhịp độ tăng xuất khẩu bình quân giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước lên tới trên 11% (tức doanh nghiệp FDI tăng 25,5%/năm mà doanh nghiệp trong nước chỉ tăng được 14,3%/năm).

Với sự chênh lệch quá lớn này, ngôi vị của hai khu vực doanh nghiệp này đã hoán đổi chóng mặt: năm 1995, các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 27% trong “rổ hàng xuất khẩu” thì nay đã “trỗi dậy” để ôm tới gần 70%. Khu vực doanh nghiệp trong nước co lại hơn phân nửa (từ 73% nay chỉ còn chiếm 33,1%).

Ở phía đầu vào nhập khẩu cũng theo hướng tương tự dù nhịp độ tăng thấp hơn, vai trò của hai loại doanh nghiệp này cũng đã bị đảo ngược: nhịp độ tăng nhập khẩu bình quân của các doanh nghiệp FDI là 24,4%/năm, nhưng tỉ trọng trong “rổ hàng nhập khẩu” cũng chỉ tăng từ 18% lên 56,7%. Trong khi đó, nhịp độ tăng bình quân của các doanh nghiệp trong nước tuy chỉ là 12,6%/năm, nhưng tỉ lệ trong “rổ hàng nhập khẩu” vẫn còn tới 43,3%.

Doanh nghiệp FDI nhập khẩu lớn, giá trị xuất khẩu cũng lớn, chủ yếu là vì nhập nguyên liệu về để sản xuất xuất khẩu, trong khi doanh nghiệp trong nước nhập hàng về để tiêu thụ nội địa thay vì sản xuất là một khuynh hướng cần lưu ý. Theo nhiều doanh nghiệp, nhập khẩu về bán kiếm lời dễ hơn cả!

Do cộng hưởng của những biến động trên thị trường thế giới và những yếu kém trong hệ thống tổ chức sản xuất và phân phối trong chính nền kinh tế nước ta, tình trạng hàng nông sản xuất khẩu liên tục mất giá quá lớn. Hàng nông sản và vật tư nông nghiệp nhập khẩu nói chung tuy cũng giảm giá nhưng mức được hưởng lợi không tương ứng, người dân ở khu vực nông nghiệp bị thiệt “kép” rất nặng nề.

Trong xuất khẩu bảy mặt hàng nông sản chủ yếu, nếu quy về giá năm 2011, khoản thua thiệt tới hơn 2,8 tỉ USD, bằng 23,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngược lại, trong nhập khẩu cũng bảy mặt hàng có số liệu thống kê về lượng và giá trị, khoản được hưởng lợi do giá giảm tuy cũng là 23,2%, nhưng giá trị chỉ là 1,4 tỉ USD.

Người chăn nuôi chính là những người chịu thiệt “kép” lớn nhất do giá đậu nành, giá khô đậu nành liên tục tăng, giá bắp tuy có giảm nhưng vẫn cao ngất ngưởng. Sự sa sút của ngành chăn nuôi trong những năm gần đây đủ cho thấy tác động rất lớn này.

Điều đặc biệt đáng quan ngại là đã xuất hiện tình trạng đồng loạt giảm mạnh lượng hàng nông sản chủ lực xuất khẩu như gạo, cà phê, sắn và sản phẩm sắn - một điều chưa từng có trong tám năm trở lại đây. Đây chính là nguyên nhân khiến tỉ trọng của khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản trong “rổ GDP” năm nay bị “co lại” quá nhiều, đặc biệt là ngành nông nghiệp.

Những bất lợi này trực tiếp “giáng” xuống bộ phận dân cư hiện vẫn còn chiếm hơn 2/3 dân số cả nước này, thu nhập của họ tăng chậm lại, dẫn đến sức mua của thị trường trong nước cũng tăng chậm theo, nên công nghiệp và dịch vụ thiếu thị trường để phát triển. Có thể nói đây là nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến việc phục hồi nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế nước ta trong những năm qua khó khăn đến như vậy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận