Tổ chức và quản lý khác đi, chứ không cần nhiều tiền hơn

HƯƠNG GIANG thực hiện 18/12/2013 18:12 GMT+7

TTCT - “Tôi xin chúc mừng người dân Việt Nam vì tham vọng muốn thấy hệ thống giáo dục cải thiện nhanh hơn nhằm trao cho các thế hệ tiếp theo những cơ hội mà họ xứng đáng để thành công và đưa đất nước phát triển”.

Ông Christian Bodewig, người đứng đầu nhóm tác giả của Báo cáo phát triển Việt Nam mà Ngân hàng Thế giới vừa công bố cuối tháng 11, trao đổi với TTCT.

Phóng to
Khi ngày càng có ít người tham gia thị trường lao động, Việt Nam càng cần quan tâm vấn đề năng suất lao động - Ảnh: Thuận Thắng

* Liệu các doanh nghiệp có sẵn lòng trả công nhiều hơn cho lực lượng lao động kỹ năng cao hơn khi trên thực tế rất nhiều nhà đầu tư chỉ chạy theo lao động giá rẻ?

- Ông Christian Bodewig: Các doanh nghiệp quốc tế sẽ không đến Việt Nam nếu Việt Nam không có dân số có kỹ năng cơ bản như đọc, viết tốt. Đây là yếu tố quan trọng và là lý do tại sao Việt Nam là một điểm đầu tư yêu thích - người dân chăm chỉ và có các kỹ năng cơ bản. Nhưng khi nhìn về phía trước, nếu Việt Nam muốn tiếp tục tăng trưởng và có năng suất cao hơn, các bạn cần phải đảm bảo mình tiến được lên nấc cao hơn của chuỗi giá trị.

Khi có lực lượng lao động tốt hơn cả về kỹ năng kỹ thuật lẫn kỹ năng nhận thức, hành vi, Việt Nam còn có thể nắm bắt được nhiều giá trị hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu và trở thành một nơi tạo ra đổi mới, chứ không chỉ là nơi lắp các thứ lại với nhau. Việt Nam có thể tận dụng thực tế là nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới đã có mặt ở đây, để chứng minh được là có thể nâng cao kỹ năng cho số dân trong độ tuổi lao động.

* Như vậy lo ngại về việc các nhà đầu tư quốc tế rời Việt Nam để đến các nơi có lao động rẻ hơn là không thích hợp?

- Nếu tiền lương tăng lên mà năng suất, kỹ năng không tăng theo thì đúng là Việt Nam sẽ không còn là lựa chọn của các doanh nghiệp quốc tế. Nhưng chính vì thế mà chúng ta đang thảo luận việc Việt Nam tăng cường hệ thống phát triển kỹ năng với cách tiếp cận theo vòng đời của mỗi người để có thể tiếp tục thu hút đầu tư và tiến lên nấc thang chuỗi giá trị.

Báo cáo của chúng tôi cho thấy những lao động có kỹ năng nhất định, cho dù đó là kỹ năng về hành vi hay giao tiếp, thường yêu cầu mức lương cao hơn.

Tôi không nghĩ Việt Nam muốn là nước ở cuối chuỗi sản xuất. Tôi nghĩ toàn bộ logic của cải cách phản ánh trong nghị quyết T.Ư 8 về đổi mới giáo dục là đầu tư và tăng cường nguồn nhân lực theo hướng tăng năng suất và nhờ đó tăng thu nhập cho người lao động.

Đừng bỏ mặc con cái cho trường học

“Việt Nam là một đất nước đầy tham vọng và khu vực chính sách được quan tâm nhiều nhất là giáo dục. Đây là lĩnh vực mà người dân muốn nhìn thấy có thay đổi nhanh nhất và cải thiện nhiều nhất. Điều đó rất tốt bởi vì tạo ra áp lực cho Chính phủ cũng phải tham vọng giống như dân chúng. Tôi nghĩ chính phủ đang phản hồi mong muốn của người dân về những thay đổi mau chóng đó” - Christian Bodewig

* Liệu có thể kỳ vọng trường học sẽ trang bị các kỹ năng ứng xử, xã hội...?

- Đây là một lĩnh vực nóng của nghiên cứu này. Trước đây, chúng ta chỉ xem người nào có bằng trung học hay không để đánh giá họ có kỹ năng hay không. Nhưng việc một người có bằng trung học không có nghĩa là họ có đầy đủ kỹ năng mà thị trường lao động cần. Nghiên cứu của chúng tôi đã đi tìm hiểu đâu là những yếu tố khác nhau của bộ kỹ năng giúp người lao động được chào đón trong thị trường lao động.

Kết quả là có một vài điều khác nhau để dẫn tới thành công: kỹ năng ứng xử và nhận thức được hình thành từ rất sớm trong đời, giai đoạn then chốt để xây dựng các kỹ năng đó là thậm chí từ trước khi sinh ra, bởi vì nó liên quan đến sức khỏe người mẹ, sức khỏe cuộc hôn nhân của cha mẹ đứa trẻ và kéo dài cho tới thời tiểu học, trung học cơ sở. Nền tảng của kỹ năng nhận thức đã hoàn thành ở thời điểm này.

Bạn có thể tác động tới kỹ năng ứng xử sau này nhưng sẽ khó hơn rất nhiều vì việc hình thành kỹ năng ứng xử cho một đứa trẻ dễ hơn nhiều ở người lớn. Đó là lý do tại sao chiến lược xây dựng kỹ năng của Việt Nam không phải là xem xét đại học hay trường dạy nghề, suy nghĩ làm sao để dân số trẻ được đào tạo... mà phải tính tới nhiều năm trước đó.

Ví dụ, thực tế các bạn có rất nhiều trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi (1) - một vấn đề quan trọng cần giải quyết - vì có tác động lớn đến kỹ năng nhận thức. Bởi vậy, một phần của chương trình nghị sự (nhằm cải thiện kỹ năng) còn là xem xét vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ vì đó chính là nền tảng của xây dựng kỹ năng.

Điều quan trọng là không thể để mặc trường học trong việc hình thành kỹ năng. Chúng ta đạt được các kỹ năng thông qua việc tương tác với cộng đồng, cha mẹ và bạn bè. Chính gia đình và cha mẹ phải có trách nhiệm tạo ra một môi trường quan tâm ở nhà, nuôi dưỡng trẻ để chúng được lớn lên trong sự bảo vệ lẫn thử thách.

Phát triển kỹ năng cho con mình không đồng nghĩa với việc đưa con vào một trường tốt rồi để trường tự giải quyết, mà phải quan tâm đến những gì xảy ra tại gia đình. Đó là lý do tại sao chúng tôi khuyến nghị cha mẹ tham gia nhiều hơn vào việc học hành của con, nhà trường cởi mở, hòa nhập hơn với phụ huynh để đảm bảo những gì diễn ra ở trường học nhất quán với những gì xảy ra ở nhà.

Có những cải cách không tốn thêm tiền

* Trong quá trình nghiên cứu, ông thấy điều đó đang diễn ra như thế nào ở Việt Nam?

- Từ số liệu của Tổng cục Thống kê, chúng tôi thấy dân số trẻ của Việt Nam đã tăng rất nhanh nhưng điều đó sẽ thay đổi. Quy mô của nhóm dân số trẻ nhất (dưới 15 tuổi) đã giảm đáng kể về số lượng tuyệt đối trong giai đoạn 1999-2009, nghĩa là sẽ có ít người tốt nghiệp đại học và cao đẳng hơn.

Cho dù về trung hạn con số tuyệt đối có thể gia tăng vì mạng lưới các trường đại học - cao đẳng vẫn đang mở rộng, nhưng chắc chắn sẽ giảm đáng kể số người được sinh ra, đào tạo và tham gia thị trường lao động. Cộng với gần 1/4 trẻ bị thấp còi, điều đó có tác động rất lớn. Các bạn không thể cho rằng vì đằng nào cũng có số dân lớn nên như vậy cũng không ảnh hưởng gì.

Suy cho cùng, Việt Nam không thể gánh được một lượng lớn những người bị yếu thế, vì chính người trẻ sẽ lao động để hỗ trợ thu nhập của người già. Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều người già, ngày càng ít người trẻ. Đồng thời, khi càng có ít người gia nhập thị trường lao động, ta càng phải đảm bảo họ năng suất hơn mới duy trì và gia tăng được sản lượng của cả nước. Như vậy càng phải tối đa hóa cơ hội cho mỗi người thông qua việc phát triển kỹ năng.

Sự chuyển đổi về dân số như vậy cũng mang lại cơ hội vì nếu đủ thông minh, chúng ta có thể tiết kiệm nhiều khoản để tái đầu tư vào giáo dục, như sáp nhập các trường học. Tôi đã nghe một số người ở Thanh Hóa cho biết trường học của họ không có đủ học sinh. Trong tương lai, Việt Nam phải tính đến việc hợp nhất các trường để giảm chi phí, dùng những khoản tiết kiệm được cho các biện pháp nâng cao chất lượng.

Điều quan trọng là việc nâng số lượng trẻ theo học ở cấp trung học cơ sở, học cả ngày ở trường... không có nghĩa là sẽ tiêu tốn tiền ngân sách hơn. Có những cách tổ chức hệ thống theo hướng tiết kiệm những nơi có thể, và đầu tư vào những nơi mà hệ thống có thể mở rộng.

* Đâu là những nhân tố quan trọng nhất giúp nâng cao kỹ năng toàn diện cho người lao động?

- Tôi muốn xét đến từng bước đi. Bước đi đầu tiên quan trọng nhất là giải quyết suy dinh dưỡng cho những em nhỏ tuổi nhất. Về giáo dục phổ thông, cần phải thay đổi những gì đang xảy ra ở lớp học qua thực hiện đồng thời ba việc: giáo trình, đào tạo giáo viên có khả năng dạy giáo trình mới và thay đổi cách đánh giá.

Với giáo dục bậc cao, cần phải tạo ra những khuyến khích và hỗ trợ thích hợp để các trường đại học được tự chủ hơn và dùng các công cụ điều tiết để đảm bảo đại học vươn tới các đối tác khác nhau.

Tóm lại là phải dùng hỗ trợ tài chính một cách thông minh để tạo động lực cho việc thay đổi hành vi của các bên liên quan.

Mặc dù đồng ý với những khuyến nghị của báo cáo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nói rằng có thể cần những điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam (2). Ông có cho rằng có khuyến nghị nào đó trong báo cáo chưa khả thi trong điều kiện của Việt Nam?

- Tôi nghĩ giữa thông điệp của báo cáo và chính sách của Chính phủ Việt Nam có rất nhiều điểm nhất quán. Có rất nhiều khuyến nghị trong báo cáo đã được Bộ GD-ĐT khởi động thực hiện. Ví dụ như việc cải cách chương trình phổ thông, đào tạo giáo viên, mở rộng quyền tự chủ của các cơ sở đại học. Thực tế điều này phản ánh Việt Nam rất tham vọng, đang đặt ra những câu hỏi đúng đắn và xem xét những giải pháp đúng đắn.

Thường khi nói đến cải cách, nhiều người nghĩ ngay đến việc cần có nhiều tiền hơn. Thực tế thì chẳng mấy khi bạn sẽ có thêm tiền và bạn buộc phải làm những gì có thể trong khuôn khổ số tiền mình có.

Bộ trưởng Luận cũng đã nói rằng một số thay đổi quan trọng đang diễn ra sẽ không tốn nhiều tiền hơn, ví dụ như cải cách hệ thống đánh giá học sinh để đảm bảo nó không phản ánh những gì các bạn học thuộc lòng, mà kiểm tra được các bạn có khả năng giải quyết vấn đề không, có thể xử lý các bài toán không quen thuộc không, hoặc có thể áp dụng nội dung đã học trong một bối cảnh khác không.

Những điều này đòi hỏi phải tổ chức, quản lý khác đi một chút chứ không cần nhiều tiền hơn. Tất cả liên quan đến chuyện vận hành trong khuôn khổ phương tiện có sẵn và đảm bảo ta tối ưu hóa những gì mình làm.

Xin cảm ơn ông.

(1): Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2010-2011 (Tổng cục Thống kê và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc).

(2): Trả lời báo Tuổi Trẻ của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại lễ công bố Báo cáo phát triển Việt Nam 2014 của Ngân hàng Thế giới, ngày 29-11 ở Hà Nội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận