Động tác "Reinvent" - đổi mới cách nhìn về đổi mới

LƯU VĨ LÂN 27/11/2013 08:11 GMT+7

TTCT - Gần đây, chúng ta thấy những thôi thúc đổi mới ngày càng lớn, không chỉ từ xã hội mà ngay cả từ những nhân vật rất am hiểu về tình hình.

Như Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng: “Đổi mới (nhấn mạnh đến đổi mới tư duy) là mệnh lệnh của thời đại”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh: “Không đổi mới sẽ tụt hậu hơn cả Campuchia, Lào”...

Phóng to
“Reinvent” (sáng tạo lại) là quá trình diễn ra thường xuyên

Xây dựng một nền văn hóa luôn tìm cách làm tươi mới mình là bí quyết của các xã hội phát triển. Đây là công việc phải được làm thường xuyên, mọi người được chỉ cho cách làm... đến mức trở thành một bản năng trong từng con người. Nói một cách nào đó, không phải đợi đến lúc gặp vấn đề nan giải rồi đợi một đợt cải cách lớn để thay đổi mọi cái cùng một lúc.

Hành động “khám phá lại“ mang tên “Reinvent”

Sáng tạo trong chừng mực nào đó chính là bằng một tầm tư duy mới, khám phá lại từng chút, từng chút những điều tưởng là biết hết rồi. Sau đó lắp ráp lại các thành tố đó thành một kết cấu mới năng động hơn, chứ không hủy hoàn toàn cái cũ để tạo ra cái mới.

Thế giới luôn đổi mới và nhìn công việc này dưới một góc nhìn giản dị nhưng hiệu quả hơn, đó là hành động được gọi là “reinvent”: khám phá lại, sáng tạo lại một việc cũ. Trong kinh doanh, chính trị, nghệ thuật... đâu đâu cũng dùng từ này và xem hành động này là sống còn.

Năm 1993, tác giả Roy L. Harmon cho ra mắt cuốn Reinventing the warehouse (Sáng tạo lại kho hàng), đưa ra một cách nhìn mới về tồn kho trong sản xuất. Năm 1996, Nhà xuất bản Pitman cho ra mắt cuốn Reinventing the influence (Sáng tạo lại ảnh hưởng và uy thế), thay đổi cách nghĩ về quyền lực và cách vận hành bộ máy trong tình hình mới.

Từ năm 1999, ý niệm này dồn dập xuất hiện trên các phương tiện truyền thông: nào là “Reinventing Sydney” khi thành phố này chuẩn bị Thế vận hội 2000, hay Bill Gates khi ở đỉnh cao nhất của Microsoft vào năm 1999 cũng nói: “Ngay cả những công ty thành công nhất cũng phải thường xuyên “tái khám phá” mình” (Even the most successful companies must constanly “reinvent” themselves).

Hay vào lúc ông Lý Hiển Long lên nắm quyền ở Singapore năm 1999 sau khủng hoảng châu Á 1997-1998, tạp chí Business Week nói rõ quyết tâm của Lý Thủ tướng là: “Người ta nói phép lạ của Singapore đã chấm dứt, nhưng ông Lý xác quyết rằng không có cuộc khủng hoảng nào chặn được sự phát triển của Singapore, nếu cần phải “reinvent” cái “Singapore Inc.” này thì ông sẽ làm như vậy”...

Vậy “reinvent” là gì? Trước hết, nó là động thái nhìn vấn đề cũ với một góc nhìn mới, tầm cao hơn, từ đó mới thấy ra hướng giải quyết mới mà cách nhìn cũ thường tắc tị! Ai cũng biết từ thế kỷ 19, đường sắt hay hỏa xa là phương tiện vận chuyển mang tính động lực thúc đẩy kinh tế Mỹ phát triển. Qua thế kỷ 20 nó suy thoái dần, lúc này nghĩ đến Mỹ ta nghĩ đến máy bay, xe hơi chứ ít ai nhớ đến đường sắt, đến nỗi ngành này rơi vào bế tắc và lúng túng.

May thay, nhà nghiên cứu Theodore Levitte của Đại học Harvard đã chỉ ra rằng: chỉ cần “reinvent” lại nhận thức, xem đây không chỉ là railroad (đường sắt) mà là transportation (vận tải) thì mọi chuyện sẽ sáng ra: nhu cầu vận tải của Mỹ tăng vùn vụt (chứ đâu có giảm) mà đường sắt là một thành phần của vận tải, nó bổ sung và kết nối với đường bộ, đường thủy, đường không, lại có những ưu thế riêng như rẻ, an toàn, không ô nhiễm, lại còn là du lịch, văn hóa, phương tiện vận chuyển kỳ thú... Sau nhận thức này, ngành đường sắt Mỹ cải tổ và hồi phục.

Cũng vậy đối với kỹ nghệ điện ảnh, những năm 70 của thế kỷ trước nó bị sự ra đời của truyền hình đe dọa, sợ người ta ngồi nhà xem tivi không đến rạp xem phim, điện ảnh chống đối truyền hình dữ dội. Nhưng sau đó họ khôn hơn, “reinvent” lại mình và nhận ra: ủa, mình đâu chỉ là “điện ảnh”, mình là “giải trí” mà, mình có thể sản xuất phim và nhiều chương trình khác để chiếu trên truyền hình mà!

Khi có cách nhìn mới ấy, truyền hình từ là đối thủ đã trở thành đồng minh, một phương tiện nối dài của điện ảnh. Và điện ảnh tiếp tục phát triển mạnh đến nay song song với truyền hình.

Thời bao cấp, trọng sản xuất, nông nghiệp, coi thường mua bán, gọi tiểu thương là “con phe” làm sản xuất không có lưu thông phân phối hỗ trợ, kinh tế trì trệ. Khi nhìn nhận lại về vai trò của thương mại, đánh giá đúng về buôn bán, xem lưu thông là sáng tạo giá trị mới thì các trì trệ được tháo gỡ ngay.

Nói như Einstein: “Những vấn đề nghiêm trọng mà ta đang gặp không thể giải quyết ở cùng mức độ tư duy như khi ta tạo ra nó”. Vậy ta cần động não suy nghĩ để nâng tầm nhận thức lên: ta phải thay đổi tầm tư duy ta dùng để nhìn sự vật thì mới “tái khám phá” bản chất mới của một sự vật cũ.

Muốn không lạc phải tìm đúng bản đồ

Khái niệm “reinvent” ra đời dựa trên ý niệm của nhà triết học Thomas Kuhn về “thay đổi khuôn mẫu nhận thức”, gọi là “paradigm shift”. Paradigm là một từ gốc Hi Lạp hàm nghĩa một khuôn mẫu, một hệ quy chiếu... Nó là cách ta nhìn thế giới: nhận thức, hiểu và diễn dịch mọi chuyện.

Tưởng tượng paradigm như một tấm bản đồ, ta muốn đến khu đô thị Phú Mỹ Hưng nhưng dùng một bản đồ Sài Gòn cũ hồi 1980 khi khu này chưa có, hoặc giả tệ hơn là dùng lộn bản đồ Hà Nội thì chẳng bao giờ tìm thấy cái đích đó cả. Ta có một paradigm sai hoặc đã lỗi thời, phải đổi lại một paradigm đúng thì mới tìm được lối ra.

Lịch sử chính trị Việt có một đột phá “reinvent” khác lạ nhưng hiệu quả dù chưa được nghiên cứu tường tận, đó là giai đoạn Vua Lê, Chúa Trịnh.

Nhìn lại quyền lực phong kiến Nho giáo nặng tính chất quân - thần (đến mức “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” tức “Vua bảo chết mà không chết là không trung”), quyền lực là vô hạn và không thể chia sẻ..., vậy mà các nhà chính trị Việt thế kỷ thứ 16 - cách nay hơn 400 năm - vẫn nghĩ ra một hình thức vượt qua mọi khuôn mẫu cũ của quyền lực phong kiến, vừa duy trì trật tự quân - thần cũ, lại vừa tạo một mô hình phù hợp với tương quan chính trị của thời đại.

Năm 1599, sau khi thu phục cả Đàng Ngoài, Chúa Trịnh Tùng đã chính thức định lệ “phân chia quyền lực” với Vua Lê: vua được thu thuế 1.000 xã, cấp cho 5.000 lính để làm quân túc vệ, ngoài ra quyền điều hành đất nước là của Chúa Trịnh, chỉ cần vua xuất hiện khi thiết triều hoặc tiếp sứ (y như vai trò nghi lễ và đối ngoại của nền quân chủ lập hiến). Chưa dám bình phẩm đúng sai về việc này nhưng ít nhiều hệ thống đó đã tạo điều kiện ổn định cho Đàng Ngoài hơn 200 năm.

Khi nghĩ đến việc duy trì quyền lực của mình, Chúa Trịnh chắc hẳn có cân nhắc đến việc phế nhà Lê, lập nhà Trịnh, vậy tại sao không phế mà lại tiếp tục “phò” Lê? Ông ta đã thay đổi cái “paradigm” của khái niệm quyền lực: quyền lực lúc này đã khác trước, không nhất thiết phải trở thành quân vương, là danh nghĩa, mà là quyền lực thật: điều nhà Trịnh đã có, nếu vì cần thêm cái danh nghĩa mà gây hỗn loạn và mang tiếng tạo phản thì chưa chắc đã cần thiết.

Đổi mới là sáng tạo

Hằng ngày đâu đâu cũng diễn ra quá trình “reinvent”. Đã có ít nhất hàng trăm cuốn sách về “sáng tạo lại”, từ “reinvent” về bản thân, về tình yêu đến “reinvent” giáo dục, “reinvent” về nhà nước, “reinvent” về lịch sử (lịch sử là điều đã xảy ra rồi, tưởng là biết hết rồi nhưng chỉ bằng một tư duy mới, nhận thức mới, lịch sử sẽ trở nên tươi rói).

Sáng tạo trong chừng mực nào đó chính là bằng một tầm tư duy mới, khám phá lại từng chút, từng chút những điều tưởng là biết hết rồi. Sau đó lắp ráp lại các thành tố đó thành một kết cấu mới năng động hơn, chứ không hủy hoàn toàn cái cũ để tạo ra cái mới.

Chẳng hạn trong kinh doanh, cách nhìn cũ dừng lại ở quan niệm: người ta mua một món hàng do cần tiện ích trực tiếp của món hàng ấy, tôi mua chiếc xe hơi vì tôi cần phương tiện đi lại.

Cách nhìn mới phân tích rõ hơn, người ta mua vì các thuộc tính của món hàng hơn là bản thân món hàng, lúc này tôi mua chiếc xe không chỉ vì vận chuyển mà còn vì đẳng cấp của tôi, vì tính thẩm mỹ hoàn hảo của nó, vì những nhu cầu tâm lý của tôi như cảm giác tự do, cảm giác tốc độ... Điều này giải thích một chiếc Mercedes đắt giá hơn vì nó tạo ra các thuộc tính đa dạng hơn là một chiếc xe thông thường.

Cách nhìn này giúp ta phân tách một sản phẩm ra thành các yếu tố riêng lẽ, sau đó tổng hợp lại theo một cách khác để tạo ra một sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu khách hàng mới hơn và bất ngờ hơn. Chẳng hạn, cách cũ nói mở một quán cà phê để bán cà phê và vài thức uống, vậy chẳng tạo ra được nhu cầu và sản phẩm mới nào.

Nhưng đối với chuỗi cà phê Coffee Bean & Tea Leaf đang được ưa chuộng hiện nay tại Sài Gòn chẳng hạn, họ đã biết kết hợp các nhu cầu khác nhau của việc đến quán cà phê để tạo ra một sản phẩm “quán cà phê” kiểu mới: thức uống mới lạ ngon, luôn ổn định, chỗ rộng rãi, yên tĩnh, có mạng WiFi, toilet sạch sẽ thích hợp cho một người luôn di chuyển bên ngoài, tất cả tạo nên một chỗ ngồi làm việc di động, tiếp khách thuận lợi, vị trí đẹp để thư giãn, gặp gỡ bạn bè...

Vào quán được chào đón nhưng không bị quan tâm quá đáng, muốn uống thì tới quầy đặt hàng, mang về bàn và chẳng ai làm bận rộn bạn nữa (ai cũng biết mình, nhưng không ai quan sát mình như một mục tiêu)... Họ tạo ra một thị trường mới thật sự.

Do đó, dường như ta phải đổi mới cách nhìn về đổi mới. Đổi mới như vậy không chỉ là thay đổi sự vật mà là thay đổi cách nhìn sự vật. Ví dụ khá hay về thay đổi cách nhìn một điều cũ mà bỗng thấy nó mới hẳn ra là cách mà Hãng dầu mỏ BP (British Petroleum) sáng tạo lại trong câu slogan của mình: họ gọi BP là... Beyond petroleum (Vượt ra khỏi dầu mỏ), hàm ý: đi ra từ dầu mỏ vốn không thân thiện với môi trường, nhưng họ đang tiến vào kỷ nguyên của nhiên liệu sạch.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận