Chúng ta sẽ sớm rõ hơn nội hàm quan hệ đối tác song phương

THANH TUẤN THỰC HIỆN 06/05/2013 20:05 GMT+7

TTCT - Đại sứ Mỹ tại VN David B. Shear có cuộc trả lời riêng với TTCT về đàm phán Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như triển vọng hợp tác, quan hệ giữa hai nước.

Phóng to
Đại sứ Mỹ David Shear trong buổi trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ ở TP.HCM hôm 26-4 - Ảnh: Thanh Tuấn

* Ngài đại sứ, ông có thông tin gì về chuyến thăm của quyền đại diện thương mại Mỹ Demetrios James Marantis gần đây? Chúng ta có tiến triển gì về đàm phán TPP sau chuyến đi?

- Nước Mỹ luôn muốn một VN phát triển mạnh, thịnh vượng. Và chúng tôi tin rằng việc VN tham gia vào TPP sẽ giúp VN đạt được điều này.

Việc đàm phán TPP giờ đã bước vào giai đoạn mới. Cuối năm ngoái, các nước cùng đồng ý với nhau là đàm phán sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Gần đây chúng ta đã đồng ý để Nhật Bản sẽ tham gia quá trình đàm phán. Việc đàm phán có nhiều tiến triển nhưng vẫn còn những vấn đề phức tạp, trong một số trường hợp là vấn đề rất khó cần giải quyết.

Vòng đàm phán tiếp theo giữa các bên sẽ diễn ra ở Lima (Peru) trong tuần đầu tiên của tháng 5. Quyền đại diện thương mại Mỹ Demetrios Marantis đến Hà Nội là để chuẩn bị cho vòng đàm phán đó. Các cuộc hội đàm của ông ở Hà Nội đều rất tốt. Ông ấy hài lòng về tiến độ hiện tại. Tuy vậy cả hai bên đều hiểu sẽ còn rất nhiều các cuộc đàm phán cam go phía trước giữa các nước TPP.

* Tôi có nói chuyện với một số nhà ngoại giao VN thì mọi người đều nói là VN rất muốn tham gia TPP nhưng lo ngại việc Mỹ có những yêu cầu ngoài kinh tế đối với quá trình đàm phán?

- Quá trình ở Mỹ là thế này: trước hết là đàm phán để đạt được thỏa thuận với các đối tác. Sau khi có thỏa thuận, chính quyền Obama sẽ phải trình thỏa thuận TPP đó cho quốc hội thông qua. Và điều rõ ràng là nếu không có tiến bộ về mặt dân chủ, nhân quyền sẽ rất khó để có được sự ủng hộ chính trị ở quốc hội để thông qua hiệp ước này. Sẽ rất nhiều người ở Quốc hội Mỹ đặt câu hỏi về vấn đề dân chủ, nhân quyền của VN khi chúng tôi trình hiệp ước đó lên. Chúng tôi không thể tránh được thực tế chính trị đó.

* Ngoại trưởng John Kerry đã nhậm chức được một thời gian và ông có một loạt chuyến đi tới châu Âu và Trung Đông. Chỉ đến gần đây ông mới công du sang châu Á. Phải chăng chính sách “chuyển trục” sang châu Á của Mỹ đã thay đổi dưới thời Ngoại trưởng Kerry?

- Ngoại trưởng Kerry tới thăm Đông Bắc Á cách đây chừng mười ngày và trong chuyến đi ông tái khẳng định cam kết của Mỹ tiếp tục gắn bó mạnh mẽ với Đông Á. Ông tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với chính sách tái cân bằng [sang châu Á - Thái Bình Dương]. Mọi người ở VN không nên lo ngại chuyện cam kết của Mỹ đối với khu vực. Chúng tôi và Ngoại trưởng Kerry vẫn rất cam kết gắn bó với khu vực. Tôi tin ông sẽ tới thăm lại khu vực trong thời gian rất sớm.

* Ngoại trưởng Hillary Clinton hồi năm 2010 từng tuyên bố biển Đông liên quan trực tiếp tới “lợi ích quốc gia” của Mỹ. Với Ngoại trưởng Kerry thì điều này vẫn còn nội hàm tương tự?

- Cho đến giờ nước Mỹ vẫn chưa hề thay đổi quan điểm đối với vấn đề biển Đông. Và cũng chưa có thay đổi trong tuyên bố của chúng tôi đối với vấn đề này.

* Trung Quốc đã tăng cường các động thái để thúc đẩy các tuyên bố về chủ quyền của mình trên cả biển Hoa Đông (với Nhật) và biển Đông. Trong trường hợp xảy ra xung đột thì Chính phủ Mỹ sẽ phản ứng thế nào?

- Đó là tình huống giả định và tôi không muốn bình luận việc đó. Một điều rõ ràng là nước Mỹ luôn rất tích cực tham gia chính sách đối ngoại ở khu vực cả về biển Đông cũng như các vấn đề khác như vấn đề sông Mekong. Chúng tôi mới có hội thảo về sáng kiến hạ sông Mekong (LMI) ở TP.HCM tuần vừa rồi.

Chúng tôi đang theo dõi rất sát những gì đang diễn ra trên biển Hoa Đông cũng như trên biển Đông. Và chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với những người đồng cấp phía VN liên quan tới vấn đề này.

* Đã có một số bản tin nói Mỹ có thể giúp đào tạo lực lượng cảnh sát biển VN. Ông có thông tin thêm gì về vấn đề này?

- Lực lượng cảnh sát biển VN mới chính thức thành lập gần đây. Họ bày tỏ quan tâm tới việc trao đổi hợp tác với phía Mỹ liên quan vấn đề xây dựng lực lượng. Chúng tôi sẵn lòng hợp tác với lực lượng cảnh sát biển VN để giúp VN xây dựng lực lượng cảnh sát biển chuyên nghiệp nhất có thể.

* Như vậy là mới chỉ có những liên lạc đầu tiên chứ chưa có hoạt động cụ thể?

- Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn thảo luận coi có thể hợp tác được gì nhưng có thể nói Mỹ rất quan tâm tới vấn đề này. Sau khi trao đổi kỹ hơn chúng tôi mới có thể công bố chi tiết các hoạt động hợp tác được.

* Về vấn đề hợp tác quân sự, chúng ta vừa có thêm một số tàu chiến Mỹ tới thăm VN. Sắp tới chúng ta có thêm hoạt động hợp tác gì nữa?

- Hợp tác quân sự của Mỹ với VN dựa trên thỏa thuận ghi nhớ mà bộ quốc phòng hai bên ký kết tháng 9-2011. Dựa trên thỏa thuận đó chúng tôi đã hợp tác trong các lĩnh vực như cứu trợ nhân đạo và thiên tai, tìm kiếm và cứu nạn, y tế, gìn giữ hòa bình và trao đổi các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo quốc phòng. Bản ghi nhớ đó rất quan trọng với cả hai bên và có rất nhiều lĩnh vực chúng ta có thể thực hiện dựa trên bản ghi nhớ đó.

Chúng tôi đang trong quá trình thảo luận thêm với Bộ Quốc phòng VN về việc triển khai thêm các hoạt động dựa trên bản thỏa thuận ghi nhớ, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo và thiên tai cùng gìn giữ hòa bình. Đây sẽ là những hoạt động quan trọng trong tổng thể hợp tác quốc phòng song phương.

* Đối với cảng Cam Ranh, Mỹ vẫn còn quan tâm tới việc sử dụng cơ sở ở đây?

- Cảng Cam Ranh là nơi rất thuận tiện cho một số tàu hải quân của Mỹ tới để sửa chữa và tiếp tế. Đó là lý do chúng tôi đang làm những gì đang làm tại Cam Ranh.

* Xin ông nói rõ hơn các hoạt động được không?

- Họ có một cơ sở ở đó và chúng tôi thấy một số hoạt động sửa chữa ở Cam Ranh là nơi tốt để thực hiện. Chất lượng tốt và giá cả phải chăng. Về cơ bản đó là trên cơ sở thương mại.

* Vậy liệu Mỹ có quan tâm tới việc sử dụng thêm các dịch vụ hay hợp tác ở đó?

- Cảng Cam Ranh là nơi tốt để sửa chữa và tiếp tế tàu. Nếu phía VN muốn thực hiện thêm các hoạt động ở đó, tôi tin phía hải quân Mỹ sẽ sẵn sàng đàm phán thêm.

* Đã có những tiến triển trong hợp tác quân sự hai nước nhưng Mỹ vẫn còn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với VN. Khả năng lệnh cấm vận này được dỡ bỏ?

- Tôi nghĩ đó là vấn đề đáng được cân nhắc. Ở Washington đã có những trao đổi công khai về vấn đề này nhưng tôi nghĩ còn rất nhiều lĩnh vực hợp tác quân sự hai bên có thể triển khai trước khi chúng ta tiến tới bước đi lớn là chấp thuận cung cấp vũ khí sát thương cho VN.

* Chúng ta đã nói nhiều về việc xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước nhưng dường như vấn đề cấm vận vũ khí đó vẫn còn cản trở?

- Thỏa thuận về quan hệ hợp tác chiến lược hay bất cứ danh hiệu nào mà chúng ta muốn gọi mối quan hệ song phương sẽ là một thỏa thuận hết sức toàn diện. Thỏa thuận đó phải đề cập tới rất nhiều lĩnh vực quan hệ giữa hai nước, bao gồm cả quan hệ kinh tế, quan hệ giữa nhân dân hai nước, quan hệ về đối ngoại và hợp tác chiến lược.

Khi chúng ta có thêm nhiều trao đổi cấp cao trong năm nay như tới Washington hoặc Hà Nội, chúng ta sẽ rõ hơn nội hàm của quan hệ đối tác song phương.

* Ông đã đề cập rằng các nước dự định kết thúc đàm phán TPP trong năm nay. Ông nghĩ liệu điều đó có đạt được không khi mà giờ chúng ta có thêm Nhật Bản và còn rất nhiều vấn đề gai góc phía trước?

- TPP là thỏa thuận cực kỳ quan trọng cho cả Mỹ và VN. Tôi tin thỏa thuận này sẽ có lợi cho cả hai phía rất nhiều. Một nhà kinh tế ở Washington nghiên cứu về lợi ích của TPP kết luận rằng trong các nước tham gia TPP thì VN sẽ là nước có lợi nhiều nhất. Ông ấy tính rằng xuất khẩu của VN sẽ tăng khoảng 28%, GDP tăng khoảng 11% nhờ TPP. Vì vậy đây là cơ hội tuyệt vời cho VN tăng trưởng xuất khẩu không chỉ là tới Mỹ, tới Nhật mà cả các thành viên TPP khác nữa.

Đây là cơ hội tuyệt vời để VN tăng thêm tính hấp dẫn của mình với các nhà đầu tư nước ngoài và là cơ hội để VN tiến lên trong chuỗi giá trị về xuất khẩu. Đây là cơ hội mà các bên đều có lợi.

Đương nhiên việc đàm phán sẽ rất cam go, các bạn đối mặt với những đối tác rất rắn. Nhưng chúng tôi tin khi hiệp ước được thông qua thì sẽ tốt cho tất cả chúng ta. Về chuyện thời điểm kết thúc đàm phán, đúng là việc Nhật Bản tham gia đàm phán TPP sẽ tạo thêm một chiều cạnh tranh mới cho đàm phán. Dẫu vậy chúng tôi vẫn quyết tâm để kết thúc đàm phán vào cuối năm nay.

* Xin cảm ơn ông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận