Giáo dục ĐH: Về tổng thể, ta vẫn đang đi xuống

THƯ HIÊN THỰC HIỆN 05/03/2013 19:03 GMT+7

TTCT - “Muốn có người học giỏi thì phải có thầy giỏi, muốn có thầy giỏi thì thầy của thầy phải giỏi”.

GS.TSKH Phùng Hồ Hải, phó viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, nói với TTCT trong cuộc trò chuyện đầu năm về con đường phát triển giáo dục đại học mà ông cho là “không thể bước vội, càng không thể chạy đua” khi mà ngay cả chất lượng tối thiểu vẫn chưa đảm bảo.

Phóng to
GS.TSKH Phùng Hồ Hải - Ảnh: Thư Hiên

GS Phùng Hồ Hải nhận xét:

- Chất lượng đào tạo đại học của mình đang rất không ổn. Riêng với ngành toán, ngành của tôi, thì có thể khẳng định là rất đáng báo động. Cách đây 10 năm, chúng tôi tưởng chúng ta chỉ thiếu tiền, thiếu điều kiện cơ sở vật chất để đào tạo cho tốt chứ không thiếu người học giỏi. Vì thế chúng tôi không ngừng tìm kiếm học bổng ở các trường đại học tốt cho sinh viên. Nhưng thực tế mà chúng tôi đang đối mặt là người học chứ không phải chỗ học ở nước ngoài.

Bây giờ, nếu có sinh viên giỏi thì người ta có thể cho chúng tôi vài ba chục suất học bổng ngay lập tức. Nhưng việc tìm được khoảng mươi em đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng để ra nước ngoài học không đơn giản.

* Phải chăng chất lượng đầu vào thấp nên đầu ra khó mà cao, thưa giáo sư?

- Nếu bảo do chất lượng đầu vào nghĩa là đổ lỗi cho người học. Không đúng! Tôi nghĩ là do chất lượng đào tạo, do chất lượng giảng viên của chúng ta thấp. Cần phải nhìn thẳng vào thực tế. Muốn có người học giỏi thì phải có thầy giỏi, muốn có thầy giỏi thì thầy của thầy phải giỏi. Thầy giỏi của chúng ta ít nên sinh viên của chúng ta chưa giỏi là phải thôi.

Giải quyết vấn đề này thế nào đây? Tôi nghĩ là mình không thể đi nhanh được, “dục tốc bất đạt”. Không thể hi vọng trong thời gian ngắn mà xoay chuyển được tình thế. Bài học của nước Đức cách đây hơn chục năm là một ví dụ. Vì cần phát triển công nghệ thông tin, thủ tướng Đức khi ấy là ông Gerhard Schröder đưa ra một quy chế mới là cấp thẻ lưu trú cho 10.000 chuyên gia công nghệ thông tin, chủ yếu để hút chuyên gia giỏi từ Ấn Độ sang. Đó là một vấn đề lớn của Đức về chính trị nhưng ông Schröder vẫn chấp nhận.

Tại sao, trong khi nước Đức có 100 trường đại học? Bởi vì ngay cả một nước phát triển như nước Đức khi phải giải quyết bài toán nhân lực cao cũng hiểu rằng 100 trường đại học của họ không dễ gì đào tạo ngay được 10.000 chuyên gia! Vậy mà nước mình đặt ra mục tiêu trong 10 năm đào tạo 20.000 tiến sĩ.

Chỉ có mươi trường đáng gọi là “University”

* Giáo sư lo rằng do nóng lòng tăng quy mô mà chất lượng không đảm bảo?

- Rõ ràng là như thế! Việc mở rộng quy mô quá nhanh mà không quan tâm tới chất lượng những năm qua giống như việc ta đổ cả lít nước vào một cốc rượu, loãng ra hết nên không còn phân biệt được giỏi, kém! Chúng ta không có cơ chế phân biệt trường tốt và trường không tốt khiến những sinh viên giỏi thua thiệt. Bằng cấp của sinh viên tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu không hơn gì một cơ sở đào tạo làng nhàng khác.

Người học bao giờ cũng nhìn vào thực tế. Nếu anh không cần học mà vẫn có hiệu quả thì mắc mớ gì anh phải học? Tuy nhiên gần đây đã có sự thay đổi theo tôi là đáng mừng từ một số nhà tuyển dụng. Họ phản ứng bằng cách cho vào sổ đen những cơ sở đào tạo kém. Nhiều nơi phản ứng, cho rằng làm như thế là trái luật. Tôi thì ủng hộ.

* Đã có rất nhiều ý kiến than phiền về chất lượng đào tạo đại học của ta, cho rằng điều khiến đại học Việt Nam không thể vượt lên được là do quá thiếu vắng nghiên cứu khoa học có chất lượng bên cạnh việc giảng dạy. Ý kiến của giáo sư về vấn đề này thế nào?

- Trường đại học theo đúng nghĩa mà tiếng Anh gọi là University thì theo tôi, ta có không quá 10 trường đáng được gọi như vậy. Nếu nhìn lại lịch sử từ những năm 1970-1980, chúng ta cũng đã có từng đó trường thôi. Đội ngũ giảng viên, đồng thời là các nhà khoa học của những trường này chủ yếu được đào tạo ở nước ngoài. Do điều kiện kinh tế - xã hội, trong một giai đoạn dài họ không phát triển được hoạt động nghiên cứu. Cái mà họ có thể duy trì được là giảng dạy, và đó đã là một cố gắng lớn của họ rồi.

Bây giờ mới là lúc chúng ta có thể nghĩ đến việc xây dựng lại nền giáo dục đại học mà trong đó hoạt động nghiên cứu khoa học thực chất là yếu tố quyết định chất lượng. Vấn đề phải thảo luận ở đây là xây dựng lại như thế nào?

Sở dĩ giảng viên đại học của chúng ta không nghiên cứu khoa học là vì họ không có điều kiện để nghiên cứu. Họ phải dạy quá nhiều. Một giáo sư ở châu Âu, nếu phải dạy một tuần chín tiết thì họ đã kêu trời rồi, vì họ cho như thế là dạy quá nhiều. Bình thường mỗi giáo sư chỉ dạy bình quân 4-6 tiết/tuần. Có thế chất lượng giảng dạy mới đảm bảo và họ mới có thời gian để nghiên cứu. Nhưng ở ta, bình quân mỗi giảng viên một học kỳ dạy 300 tiết, chia ra 15 tuần thì mỗi tuần 20 tiết...

* 20 tiết/tuần là bằng định biên của một giáo viên phổ thông...

- Đúng thế. Nhưng các anh ở Bộ Tài chính lại bảo một người bình thường làm việc 40 tiếng/tuần, các anh dạy 20 tiết thì mới bằng nửa thời gian đi làm của người ta! Chấm hết!

Làm khoa học như làm xây dựng

* Dư luận đang sốt ruột vì các nước xung quanh đều có vẻ như đang vượt lên chúng ta. Nếu cứ phát triển theo nhịp điệu trước đây thì có vẻ mãi mãi chúng ta tụt hậu...

- Tôi nghĩ cái đó chúng ta hơi tự làm khổ mình. Mình cứ nghĩ xung quanh họ vượt mình, thật ra mình đã bao giờ bằng họ đâu mà cứ lo họ vượt mình. Từ trước đến nay mình có thể so mình được với ai? Lào hay Campuchia? Trước kia tôi cũng đi nước ngoài nhiều, nhưng toàn đến những nơi mình yên tâm là chắc chắn họ hơn mình nên cũng chẳng nghĩ ngợi nhiều.

Vừa rồi khi sang Đài Loan và Hàn Quốc thì tôi thất vọng hẳn, thấy cái sự “hơn” của họ xa quá, không biết đến bao giờ mình có thể tiệm cận họ. Dường như họ đang đi bằng ôtô mà mình vẫn đi bộ, lại còn chưa biết nên đi hướng nào! Mình cứ lo mình tụt hậu trong khi mình chưa bao giờ bằng họ cả. Vì vậy nếu đưa cái lý lẽ đó để đi vội thì tôi thấy không hợp lý.

Bây giờ phải lo làm sao để mình đừng đi xuống so với chính mình. Dường như trên đà vài chục năm nay, về tổng thể, nền giáo dục của mình đang đi xuống. Có thể quy mô và các con số thành tích ảo thì đi lên, nhưng rõ ràng chất lượng đang đi xuống.

* Nhiều người cho rằng Nhà nước nên đầu tư khôn ngoan hơn cho đại học. Cũng từng đó tiền nếu ta thu hẹp quy mô đầu tư thì hiệu quả sẽ cao hơn? Giáo sư nghĩ sao?

- Nói gì thì nói, trường đại học muốn mạnh thì điều đầu tiên là phải có thầy giỏi. Anh muốn trường đại học của anh ở tầm khu vực thì người thầy của anh phải đạt tầm khu vực. Nhưng để có thầy giỏi thì trước hết phải làm sao để thầy yên tâm nghiên cứu, giảng dạy. Nếu thầy còn phải loay hoay mưu sinh thì tôi nghĩ chẳng còn cách nào để vực nền giáo dục đại học lên được.

Thứ hai, trường đại học đúng theo nghĩa thì phải có nghiên cứu. Mà nếu muốn nghiên cứu, anh không thể dạy quá nhiều được. Nhà nước quy định tỉ lệ sinh viên/giảng viên là đúng. Nhưng vì tôi tuyển ít sinh viên mà anh cấp cho tôi ít tiền thì cũng vô nghĩa.

Tôi nghĩ đầu tư cho trường đại học theo số lượng sinh viên là cái vòng luẩn quẩn: anh bảo trường này là trường trọng điểm nhưng tiền anh lại đầu tư theo số sinh viên thì tôi không hiểu trọng điểm chỗ nào? Cuối cùng các thầy lại phải tìm dự án và rồi rất bận rộn vì phải viết báo cáo, làm đề án, bảo vệ đề án, nghiệm thu đề án... Để làm gì? Để hợp thức hóa thu nhập của mình. Cuối cùng tiền vẫn rót về, thầy vẫn được nhận từng ấy, nhưng phải giải trình để nhận được số tiền đó, thời gian giải trình hết cả năm học!

* Đấy có phải là lý do mà nhiều nơi tuy nhiều giáo sư, phó giáo sư, nhiều công trình nghiên cứu nhưng chất lượng nghiên cứu vẫn bị người ta kêu?

- Chuyện một giáo sư có nghiên cứu hay không cũng do trách nhiệm của giáo sư đó nữa. Nếu nói rằng tôi mất nhiều thời gian quá để viết đề án, không còn thời gian nghiên cứu thì chỉ là ngụy biện. Nhưng mặt khác, khi thấy giáo sư A chỉ làm như thế mà ông ấy sống tốt thì giáo sư B sẽ cho rằng tại sao mình phải làm khác? Nếu anh quy trách nhiệm cho giáo sư cũng đúng nhưng nếu tất cả làm sai thì xử lý thế nào?

Đến đây, điều cần làm là nhìn lại xem chính sách của mình hợp lý hay chưa!

* Giáo sư cho là đang thiếu một chính sách quản lý, công cụ kiểm soát tốt?

- Tôi nghĩ là như thế. Thay vì một năm phải bắt bao nhiêu giáo sư đăng ký đề tài khống, đề tài ma mà kinh phí vẫn chừng đó thì anh hãy chuyển thành lương cho giáo sư! Nếu giáo sư nào làm không tốt thì anh thay, nhận người khác.

Lẽ ra chi cho lương, ràng buộc bằng trách nhiệm thì giờ đây lại quản lý mọi thứ bằng hợp đồng. Chúng tôi làm khoa học vậy mà phải ký không biết bao nhiêu cái gọi là “hợp đồng nghiên cứu”! Cái gì cũng ra hợp đồng cả, cứ như làm xây dựng. Vài ba triệu cũng phải làm cái hợp đồng rất mất thời gian mà cuối cùng vẫn là kinh phí đó.

* Nhưng thật ra tiền đầu tư cho khoa học có ít không, thưa giáo sư?

- Tôi từng phát biểu tiền đầu tư cho khoa học không hẳn là ít, mà là không hiệu quả. Tôi chẳng thấy nước nào giáo sư thuộc thành phần giàu có trong xã hội mình đang sống cả. Những người làm khoa học đều xác định nếu muốn giàu có thì đừng làm nghề này. Tuy nhiên ở ta, nếu so với mặt bằng thu nhập của người dân thì nhiều giáo sư rất giàu. Nhưng họ vẫn kêu, vì họ thấy ông giáo sư bên cạnh giàu hơn và họ tìm cách để được giàu như thế.

Cơ chế quản lý của mình bất cập ở chỗ đó, anh không cần làm khoa học đích thực mà chỉ làm cái này cái kia đã có tiền tỉ. Đề tài của ngành toán thường ít nhưng các ngành khác thì một đề tài làm trong một năm có kinh phí vài ba tỉ đồng không phải là hiếm. Nhưng cuối cùng chúng ta vẫn chẳng được mấy công trình cho ra hồn!

Đừng tự làm khổ mình

* Trong phát triển giáo dục đại học hiện nay có hai xu hướng cơ bản trái ngược nhau. Có ý kiến cho rằng phải duy trì nền đại học tinh hoa, nhưng cũng có nhiều người có quan điểm cần phải phát triển đại học đại chúng để đảm bảo tỉ lệ sinh viên/nghìn dân bằng được các nước trong khu vực...

- Đặt vấn đề dạy lớp 1 cho thật tử tế còn khó nữa là đòi hỏi tỉ lệ sinh viên/nghìn dân phải là bao nhiêu! Tỉ lệ sinh viên/ nghìn dân thấp chỉ có ý nghĩa duy nhất là bộc lộ một thực tế: dân trí của chúng ta thấp. Chúng ta không thể qua một đêm mà nâng dân trí lên được, cũng như không thể qua một đêm mà nâng tỉ lệ sinh viên lên nếu muốn có đông nhân lực trình độ đại học theo đúng nghĩa đích thực của nó.

Mình có thể mở đại học ra khắp nơi nhưng vấn đề là chất lượng như thế nào? Không có nước nào trên thế giới mà giảng viên đại học lại không phải là tiến sĩ! Vì thế mà câu chuyện mở rộng đại học phải bắt đầu bằng việc đào tạo tiến sĩ. Nhưng như tôi phân tích ở trên, câu chuyện 20.000 tiến sĩ cho đến năm 2020 là không khả thi. Vậy thì chúng ta lấy đâu ra người mà dạy đại học?

* Cho nên bàn về “đại chúng” hay “tinh hoa” trong bối cảnh này là vô nghĩa?

- Là chưa hợp lý. Mình phải đảm bảo chất lượng tối thiểu của đào tạo đại học đã. Tất nhiên số lượng cũng sẽ tạo ra chất lượng nhưng không thể qua một đêm mà có được, nhất là chuyện trồng người thì người ta vẫn dùng đến đơn vị trăm năm...

* Nhưng cá nhân giáo sư thì năm 2012 là một năm thành công đấy chứ! Thậm chí giáo sư còn được giới phóng viên giáo dục đồn thổi là người trốn báo chí thành công nhất?

- (Cười) Tôi đang so sánh giữa thế hệ này với thế hệ khác chứ không phải nói về sự phát triển của một cá nhân. Về việc báo chí cứ tìm tôi khi tôi được phong giáo sư, tôi thật sự lấy làm lạ. Tôi không nghĩ mình đáng được nhiều người quan tâm và quan tâm nhiều đến thế.

Tôi rất ngạc nhiên vì không hiểu tại sao người ta lại gán cho tôi cái danh “giáo sư trẻ”? Việc các nhà khoa học khác được phong giáo sư năm nay nhiều tuổi hơn tôi hoàn toàn chỉ là một sự tình cờ. Anh Nguyễn Quang Diệu thua tôi bốn tuổi mà được phong giáo sư trước tôi một năm. Người ta cứ muốn xoáy vào những chuyện mà tôi thấy rất lạ lùng.

Bình thường đọc những bài giáo sư trẻ nọ kia tôi đã không cảm thấy thích, giờ chính mình lại bị làm “chim mồi” thì tất nhiên là không thể chịu được rồi. Báo chí tìm đến, nói thật là tôi thấy rất khó xử. Nhiều khi tôi cũng muốn giúp các bạn nhà báo nhưng trong vụ “giáo sư trẻ” này tôi thấy mình thiệt thòi nhiều quá nên đành phải để cho mọi người thất vọng.

* Xin cảm ơn giáo sư!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận