Mùa nước nổi: xưa và nay

TTCT - Hằng năm, khoảng mồng 5 tháng 5 âm lịch, nước sông Cửu Long đang trong trở nên đục dần, người ta gọi là nước quay, nghĩa là bắt đầu mùa nước. Từ thời điểm đó, nước sông dâng lên dần, từ vài phân tới vài tấc nước mỗi ngày.

Phóng to
Người dân Đồng Tháp vất vả bảo vệ đê bao chống lũ - Ảnh: Quang Vinh

Khi nước lên tới đỉnh điểm gọi là nước phân đồng vào khoảng rằm tháng 9. Sau đó nước rút xuống từ từ tới cuối tháng 10 âm lịch là ruộng đồng khô ráo như cũ.

Thời gian nước ngập trắng đồng chừng ba bốn tháng tùy năm.

Ngày xưa...

Ngày xưa, trong mùa nước nổi người ta sạ lúa mùa. Nước lên tới đâu lúa vượt tới đó, trổ bông kết hạt trên mực nước sâu 2-3m. Khi nước rút hết thì lúa cũng chín, gặt lúa là xong mùa, khỏi làm cỏ bón phân chăm sóc gì hết. Dân miền Tây có tiếng “làm chơi ăn thiệt” là vì vậy.

Thời gian nước nổi là lúc đất nghỉ ngơi. Sau khi nước rút, ruộng đồng trở nên “tươi mới”, cỏ dại và sâu bệnh đều chết vì bị ngâm nước. Nước rút đi để lại một lớp phù sa màu mỡ, vì vậy đất luôn tốt và không bao giờ bị cằn cỗi.

Nhưng từ 15-20 năm nay nông dân vùng nước nổi không còn làm lúa mùa nữa mà chuyển sang làm lúa hai vụ. Để tăng sản lượng lúa hơn nữa, người ta đắp đê bao ngăn nước để làm lúa vụ 3 ngay trong mùa nước nổi. Bên ngoài đê nước cứ “nổi”, bên trong đê vẫn sạ lúa và sinh hoạt bình thường như trong mùa kiệt. Rất nhiều nông dân không muốn có đê bao vì chưa chắc có lợi hơn.

Làm lúa vụ 3 lời ít hơn hai vụ lúa kia, nếu giá cả bấp bênh có khi còn lỗ vốn. Thêm nữa, khi đắp đê thì trong vùng bao đê sẽ mất đi nguồn cá, đất đai mất nguồn phù sa quý giá. Cỏ dại, sâu bệnh lưu cữu trên đồng làm tăng thêm chi phí cho các vụ lúa sau. Nhưng vì đó là chủ trương của Nhà nước nên dù muốn dù không cũng phải làm theo.

Kể từ năm 2000 đến nay, ngày càng có nhiều cánh đồng có đê bao ở vùng nước nổi. Ngay cả những vùng đất thấp, rốn lũ như xã Ô Long Vĩ, Châu Phú, An Giang cũng đắp đê bao sản xuất vụ 3 cho “bằng chị bằng em”.

Trước đây, khi không có đê bao thì trước mùa nước ai cũng chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ chờ nước nổi. Ví dụ nuôi heo thì phải làm chuồng cao hơn đỉnh lũ, nếu chuồng thấp sẽ bỏ trống chuồng chờ qua mùa nước. Nuôi cá thì chuẩn bị sẵn cọc, lưới để quây hầm bảo vệ cá.

Từ khi có đê bao, người ta ỷ lại vào khả năng ngăn nước của đê nên không chuẩn bị, không đề phòng gì cả. Nhất là từ sau năm 2000, mười năm nước nổi thấp, và năm 2010 thì mực nước đặc biệt thấp, khiến người dân và chính quyền trong những vùng có đê bao càng lơ là hơn trong việc đề phòng tình huống xấu.

Cần tính toán lại

Có lẽ khi đắp đê bao người ta không để ý rằng không phải đê cao hơn đỉnh lũ lịch sử thì sẽ an toàn, mà vấn đề là cứ thêm một mét nước dâng cao thì mỗi mét vuông thân đê sẽ chịu thêm một tấn áp lực. Tuyến đê chịu được mực nước một mét không có nghĩa chịu được mực nước hai mét, ba mét (dù đê có cao bốn mét đi nữa). Khi đê bị đe dọa do mực nước lên cao, suốt tuyến đê đều yếu như nhau thì không biết phải cứu chỗ nào.

Năm nay mực nước cao gần bằng lũ lịch sử năm 2000, đê bao bể hàng loạt cho thấy các tuyến đê không được dự trù để đối phó với mức nước cao. Nông dân bị thiệt hại rất nhiều, không chỉ thiệt hại vụ lúa thu đông mà thôi. Có hầm cá sắp thu hoạch bị nước cuốn trôi toàn bộ. Có nhiều chuồng trại phải bán hết cả heo lớn heo nhỏ. Thương lái tha hồ dìm giá khi mua heo “chạy lũ”.

Nông dân vốn đã nghèo, bao đê để làm lúa, chăn nuôi trong mùa nước không khá hơn được bao nhiêu nhưng khi bị bể đê là mất sạch vốn liếng không biết bao giờ mới hồi phục nổi. Sau trận bể đê năm nay, hi vọng cả nông dân lẫn chính quyền và các ngành chức năng liên quan sẽ có nhận định sáng suốt hơn về vấn đề đắp đê bao ở vùng nước nổi. Từ đó sẽ có các giải pháp đúng đắn để giải quyết vấn đề, không để sai lầm lặp lại. Mà với sai lầm nào thì nông dân cũng là người gánh chịu hậu quả nhiều nhất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận