Giảm tải không phải là làm mỏng sách giáo khoa

THƯ HIÊN 17/09/2011 10:09 GMT+7

TTCT - Dư luận trong ngành giáo dục và xã hội nhìn chung khá “hồ hởi” với chủ trương giảm tải mà Bộ GD-ĐT đưa ra từ năm học 2011-2012. Nhưng nội hàm của hai chữ “giảm tải” lại còn quá nhiều điều chưa rõ ràng...

Ngoài lý do “bỏ chỗ nào thầy cô đỡ phải dạy chỗ đó”, nhiều giáo viên cho rằng trong chương trình - sách giáo khoa (SGK) thật sự có những nội dung “đáng bỏ”. “Chương trình được thiết kế theo vòng trôn ốc nhưng có một số bài dạy ở lớp 7, lớp 9 lại dạy, lên lớp 10 vẫn nhắc lại nên bỏ đi là hợp lý. Nhiều bài diễn đạt dài dòng, kiến thức nặng nề, không đem lại lợi ích gì cho học sinh trong cuộc sống cũng như trong kỳ thi đại học” - thầy Phạm Văn Hoan, phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội), nhận xét.

Có rất nhiều giáo viên băn khoăn không hiểu bộ căn cứ vào cơ sở khoa học nào để giảm tải. Liệu bộ đã xác định thế nào là “đúng tải”, từ đó chiếu theo chương trình từng môn mà “giảm tải”, thậm chí “tăng tải” nếu cần? Liệu có phải bộ thấy dư luận kêu ca quá tải nên giảm tải như một động thái trấn an? Chưa kể, khi bàn đến vấn đề giảm tải có giảm được áp lực học hành, các giáo viên dạy các bộ môn khác nhau đưa ra những ý kiến rất khác nhau. Số phận những môn được coi là “phụ” như thể dục, giáo dục công dân... trong “cơn say” giảm tải mới này cũng đang được định đoạt khi tâm lý học sinh thấy rằng chúng là “quá tải” trong lịch học chính khóa và học thêm dày đặc của các em.

Giảm tải: giảm áp lực thi cử và dạy tốt

Cùng quan điểm với nhiều giáo viên về việc giảm tải chưa chắc đã giảm được áp lực học thêm, PGS.TS Hà Huy Bằng, phó chủ nhiệm khoa vật lý Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng để câu chuyện giảm tải thật sự có ý nghĩa thực tế, Bộ GD-ĐT cần giảm tải đồng bộ, triệt để. “Bộ cứ bảo đề ra không khó, không nằm ngoài chương trình nhưng tôi lại thấy đề thi ĐH năm nào cũng ra ở mức độ khó, đặc biệt là môn toán. Điểm sàn 13 là minh họa sinh động nhất cho nhận định này. Nếu đề không khó, đa số học sinh phải đạt bình quân 5 điểm/môn chứ? Đằng này lấy sàn 13 điểm cả ba môn mà nhiều trường còn kêu vì tuyển sinh chật vật. Giảm tải nhưng đề thi vẫn khó, thế thì giảm tải là thừa” - PGS.TS Hà Huy Bằng nói.

Vai trò của người thầy ra sao trong quá trình xác định giảm tải và giảm tải thực? “Cách tập huấn cho giáo viên như hiện nay rất không ổn. Mời các giáo sư, tiến sĩ ở bộ về giảng lại cho giáo viên những bài họ sẽ giảng cho học sinh trên lớp thì ai nghe? Giáo viên cần có những tiết thực hành rồi cùng nhau mổ xẻ rút kinh nghiệm từ những tiết thực hành đó” - cô Hồ Thanh Diện, giáo viên môn giáo dục công dân Trường THPT dân lập Hà Nội, bức xúc.

Khi chương trình đã thiết kế chuẩn, giáo viên hiểu đúng chương trình, độ dày mỏng của cuốn SGK không còn là vấn đề. “Có lần GS Nguyễn Lân Dũng giơ trước chúng tôi một cuốn SGK lớp 11 của Nepal dày 800 trang. Những cuốn SGK của Mỹ, Pháp mà tôi và nhiều học giả khác được tiếp cận cũng có độ dày tương tự. Vì lẽ đó mà tôi cho rằng giảm tải không phải là làm mỏng SGK mà vấn đề cốt yếu nhất là giáo viên dạy như thế nào!” - GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nêu vấn đề.

“Tôi đọc trên các báo phản ánh ý kiến của một số thầy cô mà qua đó tôi nhận thấy họ không thực hiểu chương trình. Có giáo viên phàn nàn trong SGK lớp 3 đưa ra bài tập yêu cầu cao đối với học sinh: kể về một trận thi đấu thể thao mà em được xem. Giáo viên đó nói học sinh lớp 3 không hiểu biết về luật thi đấu các môn thể thao, làm sao tả lại được chính xác trận thi đấu! Nghĩa là họ không phân biệt được tả và kể. Kể thì chỉ cần 5-7 câu cũng đã thành một câu chuyện. Học sinh chỉ cần kể lại câu chuyện theo cách mà các em quan sát được và viết câu đúng ngữ pháp. Người dạy không nắm được yêu cầu của bài dạy thì quá tải là đúng.

Khi làm giảm tải, Bộ GD-ĐT cũng hỏi ý kiến tôi về những nội dung liên quan tới các môn tiếng Việt, ngữ văn. Tôi nhận thấy họ cứ hướng giảm tải vào những nội dung không trúng nên đã góp ý, nhưng việc tiếp thu hay không là quyền của họ. Chẳng hạn từ lớp 4 trở lên có một số bài tập yêu cầu học sinh kể lại chuyện đã nghe, đã đọc ở ngoài nhà trường, mục đích là khuyến khích học sinh đọc sách, hình thành văn hóa đọc trong các em, gắn giáo dục trong nhà trường với giáo dục ngoài xã hội. Nhưng nhiều thầy cô không hiểu mục tiêu này, cứ kêu là khó, rồi đề nghị để thầy cô đọc cho các em nghe rồi các em kể lại. Kỳ thực, kể lại một câu chuyện do mình đọc dễ hơn nhiều so với kể lại một câu chuyện do mình nghe người khác đọc”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận