Ý tưởng điên rồ hay thiên tài Platini?

(Theo BBC) 09/12/2012 04:12 GMT+7

TTCT - Gần như ngay lập tức sau khi công bố ý định nâng số đội tham dự Champions League lên 64 so với 32 như thường lệ, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) Michel Platini đã phải đối mặt với những chỉ trích dữ dội từ khắp nơi.

Chức vô địch Champions League mùa trước mang về cho Chelsea 78,5 triệu USD - Ảnh: uthmag.com

“UEFA nên bổ nhiệm một ai đó chỉ làm mỗi việc ngăn cản ngài chủ tịch suy nghĩ quá nhiều trong thời gian rảnh rỗi” - báo Anh Independent châm biếm. “Bóng đá đang bị đe dọa với ý tưởng này” - cây bút Iain Macintosh của trang mạng bóng đá Soccernet bình luận. 

Tuy nhiên, đề xuất của ông Platini có lẽ không phải do ông có quá nhiều thời gian rảnh rỗi như Independent mỉa mai. Gần 1,6 tỉ USD là tổng thu nhập mỗi mùa Champions League của riêng UEFA, một con số đủ để những ý tưởng điên rồ cũng có thể trở thành thiên tài, khi mà khoảng cách giữa hai điều đó rất mong manh.

Đồng tiền lên tiếng

Champions League có thể không sánh được với World Cup hay giải vô địch châu Âu về uy tín và sự tham gia rộng rãi, nhưng chắc chắn là giải đấu tập trung nhiều siêu sao nhất, nhiều đội bóng lớn nhất và giàu có nhất của thế giới bóng đá. UEFA thật ra chưa bao giờ là một nhà tổ chức giỏi các giải đấu. Trong quá khứ, mỗi thay đổi của họ đều bị phản đối.

Khi Champions League - ban đầu chỉ dành cho các nhà vô địch quốc gia đích thực - được mở rộng cho cả các đội không phải vô địch ở những giải mạnh, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích UEFA làm mất đi tinh thần và ý nghĩa đích thực tên gọi giải đấu (Champions League nghĩa đen là “Giải đấu của các nhà vô địch”). 

Nhưng thay đổi vẫn được tiến hành và đã thành công, để rồi nâng uy tín, tầm ảnh hưởng và quan trọng nhất là khả năng kiếm tiền của Champions League lên một tầm vóc mới.

Quá trình mở rộng, từ 16 lên 24 rồi 32 đội, cũng bị chỉ trích khiến giải đấu thiếu tính hấp dẫn, ưu tiên lộ liễu cho các đội mạnh và làm giảm tính bất ngờ. Nhưng rồi số đội vẫn tăng lên và bất chấp những lời kêu ca, khán giả càng đông, nhà tài trợ đổ về càng nhiều và két sắt của UEFA càng đầy.

Thất bại duy nhất của UEFA trong những cố gắng cải tổ Champions League có lẽ là khi tổ chức hai vòng bảng giai đoạn 1999-2003. Từ năm 2003 trở đi, giải đấu được ổn định với hình thức như hiện tại.

Những người chỉ trích, như Macintosh, cho rằng dưới sự lãnh đạo của UEFA, Champions League khiến bóng đá không còn là một trò chơi, một sự giải trí, mà chỉ là tiền bạc và những lợi ích vị kỷ. 

Nhưng trong bối cảnh kinh tế châu Âu đang rơi vào khủng hoảng và bóng đá chưa bao giờ bị che phủ bởi kim tiền như hiện tại, khi khắp lục địa già, từ Paris Saint-Germain ở Pháp, Malaga ở Tây Ban Nha đến Chelsea và Manchester City ở Anh, thành công và các đội bóng đẹp không phải là gì khác ngoài việc được xây dựng trên tiền bạc của những nhà tỉ phú.

Champions League: Chelsea, đội vô địch mùa 2011-2012, kiếm được 78,5 triệu USD ở giải đấu này. Manchester United cũng bỏ túi 45 triệu USD dù bị loại từ vòng bảng.

Europa League: Đội vô địch Atletico Madrid chỉ kiếm được 13,6 triệu USD, trong khi Fulham bị loại từ vòng bảng nhận 3,5 triệu USD.

UEFA: Cơ quan điều hành bóng đá châu Âu thu về 1,6 tỉ USD cho Champions League mùa vừa rồi và 360 triệu USD cho Europa League. 

Bóng đá là một trò chơi hấp dẫn. Nhưng một khi nó đã tạo ra, được nuôi sống và phụ thuộc vào tiền bạc, trên quy mô toàn cầu, thì việc nó phải trở thành một cỗ máy kiếm tiền cũng là điều hoàn toàn tự nhiên. Champions League hiện không còn là một giải đấu bóng đá nữa, mà đã trở thành cả một nền kinh tế sôi động. 

Các ông chủ dầu mỏ ở vùng Vịnh, những nhà tài phiệt Nga, các tỉ phú thể thao Mỹ, những nhà giàu mới nổi châu Á... từ khắp thế giới, những người giàu nhất, quyền lực nhất đổ xô về Champions League với giấc mộng đăng quang, tạo ra một đế chế bóng đá hay đơn giản chỉ là thú giải trí thượng lưu.

Nhờ tiền bạc và nhờ danh tiếng giải đấu, Champions League trở thành nơi tập hợp những ngôi sao sáng giá nhất, được trả lương cao nhất và có giá trị thương hiệu cá nhân lớn nhất trong thế giới bóng đá. 

Những ngôi sao như Cristiano Ronaldo, Lionel Messi, Wayne Rooney... cùng với các CLB của họ giúp UEFA thu hút hầu như mọi thương hiệu lớn cho quảng cáo và tài trợ. Nhưng quan trọng nhất vẫn là tiền bản quyền truyền hình khi giải đấu được hàng trăm triệu khán giả theo dõi mỗi tuần trên toàn cầu.

Yêu cầu giải trí, bóng đá đẹp, những kết quả bất ngờ và các câu chuyện cổ tích khi đó phải nhường đường cho sức mạnh kim tiền là điều dễ hiểu.

Ông Michel Platini hứng chịu phản đối dữ dội cho ý tưởng Champions League 64 đội - Ảnh: kanalbola.com

Không có chỗ cho bất ngờ

Mùa giải này, 13 trong số 16 tấm vé vào vòng đấu loại trực tiếp Champions League đã có chủ khi vẫn còn một lượt trận nữa vòng bảng mới khép lại, tức là chỉ còn 6/16 trận ở lượt cuối cùng thật sự còn ý nghĩa. 

Một số bất ngờ nho nhỏ đã diễn ra, như việc Chelsea đứng trước nguy cơ bị loại ở bảng E và có thể trở thành đội đương kim vô địch đầu tiên bị loại khỏi giải đấu. Tuy nhiên, những cái tên còn lại vào vòng 16 đội vẫn quá quen thuộc đến cũ kỹ: Real Madrid, Barcelona, Manchester United, Arsenal, AC Milan, Bayern Munich.

Mỗi năm, Champions League luôn có chỗ cho một vài đội bóng chầu rìa, như Shakhtar Donestk hay Schalke ở mùa này. Nhưng các đại gia không bao giờ vắng mặt.

Ý tưởng mở rộng của ông Platini sẽ là một đảm bảo nữa cho những đội bóng lớn nhất và giàu có nhất khi nhiều đội tham dự và những vòng bảng kéo dài giúp giảm bớt rủi ro cho họ trong các cuộc đối đầu trực tiếp. 

Thêm nữa, nhà điều hành bóng đá người Pháp có lý với việc dẹp bỏ Europa League, một giải đấu hạng hai nhàm chán ở châu Âu, nơi hầu hết các đội lớn không quan tâm và chỉ đưa ra sân đội hình hai. 

Tình hình của giải mùa này còn đáng nản hơn. Trong số 12 bảng đấu với 24 vị trí cho vòng nốc ao, chỉ còn lại bốn tấm vé chưa có chủ, tức là trong 24 trận của lượt cuối vòng bảng, 17 trận trở nên vô nghĩa. Khó có giải đấu nào đáng chán hơn thế.

Là một cổ động viên, bạn sẽ không muốn những vòng bảng kéo dài, bốn đội, hai lượt, sáu trận, để rồi những ông lớn luôn có cơ hội sửa sai mỗi khi vấp ngã. Bạn sẽ muốn những trận đá loại trực tiếp, đầy căng thẳng, mọi sai lầm sẽ bị trừng phạt trong 90, hay 180 phút, và cả hai đội phải vào cuộc với mong muốn tìm kiếm bàn thắng. 

Nhưng một thể thức như thế sẽ khiến số trận đấu giảm đi rất nhiều, điều không thể chấp nhận với UEFA và cả các đội bóng, bởi lẽ số trận đấu gắn liền với doanh thu từ mọi nguồn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận