Toàn cảnh thị trường phẫu thuật thẩm mỹ: Hái ra tiền

TTCT - Không chỉ các ngôi sao ca nhạc hay điện ảnh, với lượng khách hàng là người trẻ, công chức tìm đến ngày càng nhiều, ngành giải phẫu thẩm mỹ (GPTM) tại Việt Nam đã tăng trưởng một cách “thần kỳ” trong khoảng 5 năm gần đây.

Dân Việt Nam đang ngày càng chi nhiều tiền hơn để làm đẹp.

Một ca phẫu thuật nâng mũi - Ảnh: Thanh Đạm

Mặc dù gần đến ngày nghỉ lễ nhưng khoa phẫu thuật tạo hình và hàm mặt Bệnh viện 108 (Hà Nội) vẫn có bốn khách hàng nữ tới tham vấn nâng ngực. Chị Lê Thị Ngọc L., 29 tuổi - một trong số họ - là một giáo viên bình thường từ tỉnh Phú Thọ xuống.

“Tôi đã cai sữa con thứ hai được hơn một năm, muốn nâng cấp vòng 1 cho bằng chị bằng em nhưng không biết có ảnh hưởng gì không” - chị lo lắng tâm sự.

Khách trẻ đông gấp đôi

“Số khách hàng trẻ tuổi đi phẫu thuật thẩm mỹ gấp đôi so với trước”- bác sĩ Nguyễn Huy Thọ, chủ nhiệm khoa phẫu thuật tạo hình Bệnh viện 108, cho hay. Theo bác sĩ Thọ, khảo sát trên 176 phụ nữ mà chính ông đã đặt túi nâng ngực tại khoa này trong năm năm qua, có 10 người dưới 25 tuổi (trẻ nhất là 19 tuổi), 109 người (63%) 25-35 tuổi. Đặc biệt có tới 18% các cô đặt túi nâng ngực khi chưa có con. Về nghề nghiệp, đa số khách hàng là cán bộ viên chức, sinh viên, tiểu thương...

Trung bình một năm Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thực hiện khoảng 1.000 ca GPTM. Trong đó phẫu thuật nâng mũi, cắt mắt nhiều nhất, kế đến là nâng ngực, căng da mặt và hút mỡ. 

PGS Lê Hành - trưởng khoa phẫu thuật tạo hình-thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy - ước tính mỗi năm tại TP.HCM có khoảng 100.000 khách hàng đến GPTM các loại. Trong đó, có khoảng 6.500 phụ nữ đặt túi nâng ngực, đa số khách hàng là phụ nữ ở độ tuổi 20-35, kế đến là nhóm phụ nữ 35-50 tuổi, cá biệt có phụ nữ trên 60 tuổi.

Tỉ lệ khách hàng là người Việt Nam chiếm 75-80%. Khách hàng là công nhân, viên chức chiếm tỉ lệ 20%, thương gia chiếm 20%, người ở các tỉnh đến (nhiều người là nông dân) khoảng 30% (đối tượng này thường đi phẫu thuật sửa mũi, sửa mắt nhiều nhất); 30% khách hàng còn lại chủ yếu là các bà nội trợ ở độ tuổi 40-50. 

 Bác sĩ Trần Thiết Sơn, trưởng khoa phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), nhớ mãi một nữ khách hàng 25 tuổi. Cô gái khá xinh đẹp nhưng vẫn chưa hài lòng với ngoại hình của mình. 

“Cô ấy mang hình ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc Kim Tae Hee đến đưa cho tôi và nói muốn sửa bốn vị trí, trong đó có mắt và mũi để làm sao cho thật giống thần tượng. Tôi đã thuyết phục khách hàng rằng ngoại hình của cô ấy đã rất ưa nhìn, chưa kể việc phẫu thuật cho giống y chang thần tượng là rất khó, nhưng cô ấy không chịu”- bác sĩ Sơn kể.

Có đến 30% khách hàng đến Bệnh viện Xanh Pôn mang theo ảnh để mong được phẫu thuật giống ngôi sao, đa số muốn sửa 1-2 vị trí, chủ yếu là mũi và mắt, cá biệt có khách hàng muốn sửa 5-6 vị trí. “So với trước đây, số khách hàng sẵn sàng phẫu thuật để được hài lòng về bản thân cao hơn nhiều”- bác sĩ Sơn chia sẻ.

Giá đặt túi nâng ngực tại Hà Nội, với bác sĩ uy tín, khoảng 3.000 USD/ca, bao gồm cả phí bệnh viện và túi nâng ngực loại tốt. Mặc dù các bác sĩ thường “bí mật” về số lượng khách hàng, nhưng theo một chuyên gia dịch vụ thẩm mỹ tại Hà Nội, các bác sĩ thẩm mỹ uy tín thường làm ở bệnh viện công và làm thêm ở cơ sở tư nhân nên thu nhập rất cao.

 Thông thường vào hai ngày cuối tuần, một bác sĩ sẽ xếp lịch phẫu thuật cho 4-5 khách hàng. Mỗi khách hàng lại làm cùng lúc 2-3 dịch vụ, như nâng ngực thì sửa luôn rốn.

Một bệnh viện cấp quận như Bệnh viện Phú Nhuận cũng có khoa phẫu thuật thẩm mỹ với rất nhiều dịch vụ làm đẹp - Ảnh: Thuận Thắng

Chi không tiếc tay

Dù chưa có một thống kê cụ thể nào nhưng nhiều bác sĩ GPTM ước đoán tại TP.HCM đang có vài trăm thẩm mỹ viện (TMV) hoạt động. Dù chỉ một số ít TMV có giấy phép là phòng khám chuyên khoa GPTM và cũng chỉ được phép GPTM một số loại, nhưng hầu như TMV nào cũng nhận tư vấn và GPTM cho khách hàng có nhu cầu.

Tại TMV Ngọc Dung (đường Ba Tháng Hai, quận 10, TP.HCM), nhân viên tư vấn tên Bình giới thiệu giá hút mỡ tại đây 20-40 triệu đồng, còn chạy máy cho tan mỡ có giá 4-5 triệu đồng/lần và phải chạy 5-10 lần mới tan hết mỡ. Khi tôi nói muốn được phẫu thuật nâng ngực, Bình nhiệt tình tư vấn về các loại túi ngực, giá cả phẫu thuật, đường mổ... rồi nói chính cô sẽ khám luôn cho khách hàng và tư vấn nên đi đường mổ nào để đặt túi ngực cho phù hợp.

Khi tôi xin được gặp bác sĩ tư vấn, Bình nói phải có hẹn trước mới gặp được vì “bác sĩ đang bận mổ”. Còn khi được hỏi nếu phẫu thuật thì làm ở đâu, bác sĩ nào làm, Bình nói sẽ đưa chúng tôi đến mổ tại Bệnh viện VH, người mổ là bác sĩ Thành “đang làm việc tại Bệnh viện Bình Dân”. Chi phí trọn gói cho phẫu thuật nâng ngực ở đây là 2.250 USD.

Cùng ngày, chúng tôi đến TMV của bác sĩ Phan Quốc Vinh (đường Lê Hồng Phong, Q.10). Sau khi nghe chị L. nói muốn sửa lại mũi bị hỏng sau lần nâng mũi trước đó, một nhân viên tư vấn khẳng định “bác sĩ sẽ sửa lại phom mũi cho chị đẹp tự nhiên” với giá từ 7-9 triệu đồng tùy loại sụn đặt và được... bảo hành trọn đời.

Tại bàn tư vấn còn để sẵn bảng giá các loại phẫu thuật như nâng mũi theo model Hàn Quốc 6-8 triệu đồng; sửa lại ngực hỏng sau phẫu thuật nâng ngực là 52-58 triệu đồng, nâng ngực túi Mỹ 46-52 triệu đồng; lấy mỡ bụng và da thừa, tái tạo thành bụng 30-40 triệu đồng; treo ngực, thu nhỏ gọn ngực 30-35 triệu đồng... Khi khuyên tôi nâng ngực, nhân viên này nói: “Tháng này cơ sở làm ngực rất đông vì đang khuyến mãi, giá chỉ có 42 triệu đồng”.

Tại TMV XT (quận 1), sửa mũi bị hỏng bằng phương pháp cấy mỡ có giá khoảng 10 triệu đồng. “Muốn thon gọn từ trên xuống dưới cũng rất dễ. Giá hút mỡ bụng trên 1.300 USD, bụng dưới 1.700, mỗi hông 700, đùi ngoài 1.400, đùi trong 1.500, cổ nọng cằm 1.000, mặt 1.500 USD” - cô nhân viên tư vấn đoan chắc. 

Giá đặt túi ngực cũng từ 2.500-2.800 USD, còn cấy mỡ nâng ngực là 1.500 USD. Tất cả đều có thể sửa, miễn là bạn có tiền.

Theo ghi nhận của chúng tôi, giá GPTM hiện nay trên thị trường chủ yếu được tính bằng đôla và mỗi nơi thu một giá, tùy theo tên tuổi, tay nghề của bác sĩ. Theo một bác sĩ GPTM, giá cắt mắt, cắt mí hiện nay dao động 5-10 triệu đồng, nâng mũi bình thường 5-10 triệu đồng, nâng mũi model Hàn Quốc 25-30 triệu đồng, căng da mặt 30-35 triệu đồng, nâng ngực 2.200-3.000 USD, hút mỡ tạo hình bụng 50-60 triệu đồng, nâng mông 3.000 USD, độn cằm 5-10 triệu đồng, cắt lúm đồng tiền 3-5 triệu đồng, căng da mặt 30-40 triệu đồng...

Chờ đợi xét nghiệm tại khoa phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Một thị trường “ì xèo”

Trong vòng 5 năm trở lại đây, số TMV, trung tâm thẩm mỹ, viện phẫu thuật thẩm mỹ liên tục mọc lên như nấm. Trừ một số trung tâm thẩm mỹ hay TMV do chính các bác sĩ mở và có giấy phép hành nghề của Sở Y tế, còn đa số là không có giấy phép, không có chức năng chuyên môn hoặc thuê giấy phép của bác sĩ. Những cơ sở không phép này thường liên kết, hợp tác với một số bác sĩ chưa có tên tuổi, thậm chí không phải là bác sĩ vẫn nhận khách hàng có nhu cầu GPTM.

Với GPTM lớn như nâng ngực, căng da mặt... họ thuê phòng mổ của bệnh viện tư nhân đưa bệnh nhân vào mổ. Với những GPTM nhỏ như nâng mũi, cắt mắt, treo chân mày, làm lúm đồng tiền... họ làm ngay tại TMV dù không được phép. Nhiều khách hàng đi tìm dịch vụ GPTM thường chỉ tiếp xúc với nhân viên tư vấn hay bà chủ TMV, rất ít người được trực tiếp tham vấn với vị “bác sĩ này rất giỏi, rất hay” như quảng cáo của các cơ sở này.

“Một cơ sở GPTM thật sự do một bác sĩ có tay nghề làm chủ bao giờ cũng thông tin rõ ràng cho khách hàng về mọi rủi ro, tai biến có thể gặp phải khi GPTM. Vì vậy, khi đi GPTM khách hàng cần tìm hiểu kỹ cơ sở GPTM đó thế nào, phẫu thuật viên là ai, phải hỏi kỹ những rủi ro, tai biến gì có thể xảy ra vì không có bất cứ phẫu thuật nào tuyệt đối an toàn” - một chuyên gia trong ngành khuyên.

Với một kích cỡ thị trường như vậy, sự phát triển của ngành GPTM ở Việt Nam song hành với sự bùng nổ quảng cáo mời chào GPTM. Bên cạnh một lực lượng bác sĩ có tay nghề tầm cỡ đang ngày càng đông hơn, vẫn chẳng hiếm những tay lang băm mặc áo blu trắng. 

Rất giống với ngành công nghiệp giải trí, nơi nghệ thuật lăngxê của những ông bầu có thể biến một cô thôn nữ tối nay thành một “ngôi sao” vào sáng mai, ngành GPTM cũng không hiếm những bác sĩ “ngôi sao” nhờ chiến thuật giội bom quảng cáo trên mọi kênh. Song “sao” thật hay “sao” dỏm, rất ít khách hàng đi GPTM phân biệt được.

Có thể nói không ngoa rằng người ta đang nhìn vào ngành GPTM hiện nay chủ yếu qua quảng cáo, trong đó tình trạng quảng cáo quá sự thật, quá phạm vi chuyên môn rất phổ biến. Nhiều cơ sở thu hút được nhiều khách đến làm đẹp không phải vì tay nghề của bác sĩ mà do đa số khách hàng thấy cơ sở nào quảng cáo nhiều với những lời lẽ “có cánh” là tìm đến. 

Vì vậy mà những nơi như “trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ” của bác sĩ V. (đường Lê Hồng Phong, quận 10, TP.HCM) mới có thể quảng cáo bốc trời trên một số tạp chí về khả năng “chuyên chỉnh sửa hoàn hảo các trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ bị hư”, hoặc “nâng mũi, chỉnh sửa mũi hư: bảo hành trọn đời”, “nâng ngực: bảo hành trọn đời”.

Hay TMV A (đường Thủ Khoa Huân, quận 1) thản nhiên treo biển “bệnh viện đầu tiên và duy nhất Việt Nam độc quyền công nghệ hút mỡ toàn thân không phẫu thuật bằng laser pharaon lipo...”. 

Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ U (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) tuyên bố: “Nâng mũi ở đây đẹp nhất TP.HCM. Dù bạn đã nâng mũi ở đâu rồi bạn cũng sẽ đến U... để sửa mũi lại cho đẹp hơn. Thôi thì đến đó ngay, sửa một lần và đẹp mãi mãi...”.

Sợ đau đớn nên rất nhiều khách hàng tìm đến TMV M (đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh) - nơi cam kết: “Nhanh, chuẩn, chính xác tuyệt đối, cực mềm, lãng mạn, không đau. Sau 6-10 giờ bạn có bộ ngực đẹp về nhà sinh hoạt bình thường. Bảo hành chất lượng túi trọn đời”. 

Đương nhiên, họ luôn quên một điều tất yếu trong y khoa rằng không một bác sĩ GPTM giỏi nào dám đảm bảo 100% ca phẫu thuật đều cho kết quả như ý, chưa nói đến chuyện đảm bảo không có biến chứng.

Tại hành lang khoa phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), tôi gặp James, người Mỹ - chồng bệnh nhân N.T.H., 26 tuổi, ở quận Tây Hồ (Hà Nội). Ba năm trước, trong một chuyến đi chơi tới TP.HCM, chị H. nghe bạn bè rủ đã bỏ ra khoảng 70 triệu đồng bơm silicone lỏng nâng mông, hông, ngực và nay chịu những biến chứng nghiêm trọng.

 H. chỉ là một trong vô số nạn nhân của “trào lưu” rủ nhau đi bơm silicone làm đẹp, chịu những biến chứng khủng khiếp do rò dịch silicone gây biến dạng vùng được bơm.

Không nhiều người ở VN biết rằng cách làm đẹp nguy hiểm này đã bị cấm ngặt trên thế giới nên chuyện một nhóm 10-15 người rủ nhau cùng làm đẹp bằng silicone... vẫn không hề hiếm. Vì vậy, các khoa GPTM hoặc các TMV hiện nay đang “ăn nên làm ra” đồng thời cả hai loại dịch vụ: phẫu thuật làm đẹp và phẫu thuật sửa chữa những vẻ đẹp bị “hỏng”.

Theo ông Nguyễn Việt Cường - chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, Hà Nội hiện có 32 bệnh viện, phòng phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép.

Theo một khảo sát tại khoa phẫu thuật thẩm mỹ và tạo hình hàm mặt Bệnh viện 108, trong năm năm từ 2005-2010, có khoảng 600 phụ nữ đã được nâng cấp vòng 1 tại đây (trung bình 120 phụ nữ được nâng ngực/năm), chưa tính các loại phẫu thuật khác như gọt cằm, thẩm mỹ rốn, hút mỡ bụng... Tính cả 32 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ tại Hà Nội, mỗi năm có đến hàng ngàn phụ nữ đã được phẫu thuật nâng ngực. Tuy nhiên, rất khó ước tính con số chính xác do các bác sĩ có thể phẫu thuật tại bệnh viện, tại cơ sở riêng và không tiết lộ số lượng vì lo ngại bị đánh thuế!

Giá dịch vụ là một bí mật mà rất nhiều chủ cơ sở thẩm mỹ và cả các bác sĩ thẩm mỹ ngại tiết lộ, do còn phải cạnh tranh. Hiện phẫu thuật nâng ngực trung bình khoảng 55-60 triệu đồng/ca (khoảng 2.700 USD). Các ca thẩm mỹ cằm và rốn có giá vài triệu đồng/ca do không mất chi phí vật liệu. Một bác sĩ cho biết gần đây anh thực hiện phẫu thuật “4 trong 1” cho một khách hàng, gồm nâng ngực, mũi, cằm và hút mỡ bụng, chi phí khoảng 200 triệu đồng.

__________

Từ những cơ sở thẩm mỹ riêng lẻ, hoạt động chưa có tổ chức, mạnh ai nấy làm theo kiểu tự học, cha truyền con nối, đến nay ngành GPTM tại một đô thị lớn như TP.HCM đã phát triển rất mạnh và nói gì thì nói, đã nhanh chóng đáp ứng được những nhu cầu rất lớn của xã hội trong lĩnh vực làm đẹp.

Theo PGS Lê Hành, trước năm 1975 ngành GPTM so với các nước trong khu vực phát triển ở mức khá hơn cả Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia... và chỉ thua Nhật Bản, thu hút được nhiều khách ở các quốc gia khác đến GPTM. Tuy nhiên GPTM lúc đó làm còn lẻ tẻ, chủ yếu là tự học tự đào tạo, chưa có hội đoàn nghề nghiệp.

Vào thập niên 1990, ngành GPTM phát triển trở lại sau nhiều năm im ắng nhưng vẫn mang tính chất hoạt động riêng lẻ, mạnh ai nấy làm. Chỉ từ những năm 2000, nhu cầu phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ (PTTH-TM) tăng rất mạnh, một số bệnh viện (BV) công lập đã nhanh nhạy thành lập khoa PTTH-TM như BV Chợ Rẫy, BV Trưng Vương...

Sau đó hàng loạt BV chuyên khoa GPTM tư nhân, phòng khám chuyên khoa liên tiếp ra đời như BV thẩm mỹ Thanh Vân, BV chuyên khoa thẩm mỹ Sài Gòn, BV Hiệp Lợi, BV Ngọc Phú, BV Á-Âu...

Nhiều BV tư nhân cũng nhanh chóng thành lập khoa GPTM như BV Vạn Hạnh, An Sinh, Hồng Đức, STO Phương Đông... Sau đó, các BV công “nhập cuộc”, thành lập khoa hoặc đơn vị PTTH-TM như Nguyễn Tri Phương, Đại học Y dược, Gia Định, BV Răng hàm mặt TP, BV Mắt TP... 

Nay thì ngay cả một BV quận như BV Phú Nhuận cũng có khoa GPTM.

Năm 2007, Hội PTTM TP.HCM ra đời và đến nay có gần 100 hội viên chính thức. Năm 2009, khi Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và sau đó là Đại học Y dược TP.HCM thành lập bộ môn PTTH-TM thì hoạt động GPTM tại TP.HCM bắt đầu trở nên “chính quy”. 

Bộ môn PTTH-TM Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch hiện có 35 giảng viên chính thức là các bác sĩ GPTM đầu ngành, có tay nghề giỏi thuộc nhiều lĩnh vực, xây dựng được bộ giáo trình chuyên ngành PTTH-TM cập nhật những phương pháp, kỹ thuật GPTM hiện có trên thị trường.

Với hệ thống đào tạo này và sự xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở thực hành, ngành GPTM VN đã lôi kéo được thị phần về phía mình.

Trong một tổ chức nghề nghiệp như Hội PTTM TP.HCM, các hội viên chia sẻ kỹ thuật, phương pháp mới trong GPTM và phê bình nhau về những việc làm sai. 

“Trên thế giới không có nhiều trường đại học có bộ môn PTTH-TM như ở TP.HCM. Ở đây, sinh viên được dạy đàng hoàng tất cả các phương pháp sửa mũi, đặt túi ngực, hút mỡ bụng, cấy mỡ, tạo hình da, cấy tóc, xăm lông mày... - PGS Lê Hành nói - và được thực hành ở tất cả các bệnh viện có thực hiện PTTH-TM”.

Việc đón tiếp đối tác nước ngoài đến Việt Nam chuyển giao kỹ thuật cũng rôm rả hơn. Với những dạng GPTM thông thường, trình độ của bác sĩ Việt Nam được đánh giá không thua kém bác sĩ các nước, mà giá cả thì thật sự cạnh tranh. Vì vậy, Việt kiều ở nước ngoài về làm GPTM ngày càng nhiều.

Một bác sĩ GPTM thực giỏi phải có kiến thức y khoa cơ bản vững chắc, được đào tạo về thanh trùng, ngoại khoa. Vấn đề là đội ngũ bác sĩ của ngành GPTM hiện nay đến từ nhiều nguồn, từ bác sĩ đa khoa, nhi khoa đến cả bác sĩ... vệ sinh dịch tễ cũng nhảy sang GPTM. 

Vì thế, có bác sĩ rất giỏi, được đào tạo bài bản nhưng cũng có không ít người “đi ngang về tắt”. Đương nhiên, không hiếm bác sĩ coi trọng chuyện kiếm tiền hơn là tính thẩm mỹ và sự an toàn cho khách hàng.

Tất cả đang trong một cuộc đua rôm rả cho cái đẹp hình thể.

Một phòng khám GPTM phải đáp ứng những điều kiện sau (về nhân sự và cơ sở vật chất):

Người đứng đầu phải có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh, được đăng ký phòng khám GPTM.

Người làm công việc chuyên môn phải đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định... Buồng khám có diện tích ít nhất 10m2, buồng phẫu thuật có diện tích ít nhất 12m2, buồng lưu bệnh nhân có diện tích ít nhất 12m2...

Việc GPTM làm thay đổi đặc điểm nhận dạng đã được xác định trong CMND chỉ được thực hiện sau khi người có yêu cầu GPTM đã có đơn báo cáo với cơ quan công an nơi cấp CMND.

Phạm vi hành nghề phòng khám GPTM gồm: xăm môi, xăm mi, hút mụn, các dịch vụ chăm sóc gây chảy máu; cấy tóc; nâng gò má thấp, nâng sống mũi; xử lý các nếp nhăn mi trên, mi dưới, tạo hình mắt một mí thành hai mí; không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực, hút mỡ bụng, hút mỡ chi.

Theo phòng quản lý dịch vụ y tế tư nhân Sở Y tế TP.HCM, hiện tại TP.HCM chỉ có chưa đến 80 phòng khám GPTM được cấp phép hoạt động với phạm vi hành nghề cho phép như trên.

__________

Trong những năm qua, phong trào giải phẫu thẩm mỹ (GPTM) đã trở thành cơn sốt tại hầu hết các quốc gia. Và Hàn Quốc là dân tộc “điệu” nhất thế giới.

Bác sĩ thẩm mỹ tại một bệnh viện ở Budapest, Hungary chuẩn bị phẫu thuật hút mỡ cho một cô gái Thụy Điển sống ở Anh hôm 29-2-2012 - Ảnh: Reuters

Theo khảo sát của Hiệp hội GPTM quốc tế (ISAPS), trong năm 2010 có khoảng 3,3 triệu ca GPTM được thực hiện ở Mỹ, nhiều hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi nền văn hóa Mỹ vốn có tiếng là bị ám ảnh bởi vẻ đẹp ngoại hình.

Tuy nhiên, nếu tính bình quân đầu người, Hàn Quốc là đất nước “cuồng” làm đẹp nhất. 

Theo báo Chosun Ilbo, khảo sát của Hãng nghiên cứu thị trường Read & Leader năm 2009 cho thấy tổng giá trị thị trường GPTM Hàn Quốc, tính cả các cuộc phẫu thuật ở các cơ sở có đăng ký và không đăng ký, vào khoảng 3.000 tỉ won (2,553 tỉ USD).

Báo The Economist dẫn khảo sát năm 2009 của Hãng nghiên cứu thị trường Trend Monitor cho biết do mỗi dân tộc có một cách đánh giá sắc đẹp khác nhau, nên nhu cầu làm đẹp từng nước cũng có sự khác biệt đáng kể. Ví dụ, số lượng cuộc phẫu thuật chỉnh hông ở Brazil cao gấp bảy lần so với mức trung bình của 25 quốc gia khác. Người Hàn Quốc đặc biệt thích cắt mí và nâng mũi.

Dưới đây là danh sách bảy quốc gia và lãnh thổ “điệu” nhất thế giới do ISAPS đưa ra, tính theo tỉ lệ số lượng các cuộc GPTM trong năm 2010 trên dân số.

Hàn Quốc

Theo khảo sát của Trend Monitor, cứ năm phụ nữ ở thủ đô Seoul thì có một người từng “tút” lại nhan sắc. Trong năm 2010, tổng cộng 360.000 cuộc GPTM được thực hiện tại Hàn Quốc. Phổ biến nhất là hút mỡ, nâng mũi, cắt mắt hai mí. Các bác sĩ Hàn Quốc đã thực hiện hơn 44.000 cuộc phẫu thuật cắt mắt hai mí trong năm 2010. Theo báo Korea Herald, hiện nay phụ nữ Hàn Quốc còn chuộng kiểu làm đẹp “cực đoan” hơn là gọt xương gò má, chỉnh xương hàm...

Hi Lạp

Báo The Economist dẫn lời bác sĩ Malcolm Roth, chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ thẩm mỹ Mỹ (ASPS), bình luận việc Hi Lạp đứng thứ hai trong danh sách là một điều gây kinh ngạc nếu xét đến tình trạng èo uột của nền kinh tế nước này. Ở Hi Lạp, loại GPTM phổ biến nhất là nâng ngực. Trong năm 2010, có tới 592 cuộc phẫu thuật kéo dài dương vật diễn ra ở Hi Lạp, cao gấp 10 lần mức trung bình của các nước khác.

Ý

Quốc gia Địa Trung Hải đứng thứ ba với 815.745 cuộc phẫu thuật trong năm 2010. Bơm botox chống nhăn và hút mỡ là loại phẫu thuật phổ biến nhất. Dù vậy, giới chuyên gia quốc tế ngạc nhiên về việc Ý vượt qua Brazil và đặt vấn đề khảo sát của ISAPS có thể chưa chính xác.

Brazil

Quê hương của vũ điệu samba nóng bỏng đứng thứ tư trong danh sách, với hút mỡ và nâng ngực là loại phẫu thuật phổ biến nhất. “Xét trên khía cạnh văn hóa, người Brazil không hề e ngại việc GPTM - bác sĩ Roth cho biết - Thậm chí đó còn được xem là một biểu tượng của địa vị và tài sản”. Hồi đầu năm 2012, chính quyền Brazil quyết định khấu trừ thuế cho các cuộc GPTM tính từ năm 2004 để thúc đẩy ngành công nghiệp này.

Colombia

Tại quê hương của nữ ca sĩ tài sắc Shakira, hút mỡ là loại phẫu thuật phổ biến nhất với gần 90.000 ca trong năm 2010. Colombia cũng nổi tiếng với ngành công nghiệp du lịch GPTM, và đã thu hút nhiều du khách quốc tế đến đây làm đẹp. Bác sĩ Roth cảnh báo việc đi nước ngoài làm đẹp là một sự mạo hiểm. “Nếu có gì đó xảy ra, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều khi bạn không ở quê hương, không được chính bác sĩ của mình chăm sóc”.

Mỹ

Theo số liệu của ISAPS, 3,3 triệu ca GPTM diễn ra ở Mỹ năm 2010. Nhưng khảo sát của ASPS cho biết con số thực tế lên tới 13 triệu. Nhu cầu càng gia tăng khi nền kinh tế Mỹ dần vượt qua khủng hoảng. Hút mỡ và nâng ngực là hai loại phẫu thuật phổ biến nhất.

Đài Loan

Lãnh thổ Đài Loan xếp cuối cùng trong danh sách với 221.111 ca giải phẫu năm 2010. Người Đài Loan đặc biệt ưa chuộng việc sử dụng botox để giảm nếp nhăn trên da. Nền kinh tế thịnh vượng là động lực chính. Bác sĩ Garry Brody thuộc Viện Y tế USC cho biết GPTM cũng là một xu hướng thời trang ở Đài Loan.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận