Vladimir Putin nhiệm kỳ 3: Nhìn lại hành trình

TTCT - Trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 4-3 năm nay, ông Putin được 63,64% số phiếu, nhiều hơn so với năm 2000 (52,94%). Trong khi đó, ứng viên về nhì vẫn là ông Ghennady Ziuganov của Đảng CS Liên bang Nga chỉ được 17,18% số phiếu, ít hơn so với 29,21% số phiếu năm 2000.

Tổng thống Vladimir Putin (phải) trao đổi với Thủ tướng Dmitry Medvedev tại cuộc họp của Viện Duma ngày 8-5-2012, một ngày sau khi ông tuyên bố nhậm chức tổng thống - Ảnh: Reuters

Trước hết, nếu so sánh với cuộc bầu cử tổng thống mới đây ở Pháp với tỉ lệ đi bầu lên đến 80,35%, rõ ràng là với tỉ lệ đi bầu chỉ 65,25% ở Nga, tức xấp xỉ một phần ba tổng số cử tri đã vắng mặt, cử tri Nga ít “hứng thú” đi bầu tổng thống hơn so với cử tri Pháp. 

Nếu so với tỉ lệ đi bầu các năm 2000 khi ông Putin mới ra tranh cử lần đầu (68,60%), hay năm 2008 khi ông Medvedev ra tranh cử thay ông Putin (70%) thì cũng ít hơn. Có phải do họ không còn háo hức vì cho rằng ông Putin sẽ chắc thắng, không có bất ngờ ngược lại?

Không có đối thủ

Paul Roderick Gregory, một nhà Nga học của Viện nghiên cứu Hoover Institution (ĐH Stanford, Mỹ), của Trường kinh tế Cullen của ĐH Houston, và của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Berlin (Đức), trả lời trên tờ báo tài chính Forbes của Mỹ: “Ông Putin được giúp đỡ bởi sự thiếu khả tín của các nhân vật đối lập. Những nhà dân chủ già nua quen thuộc đã bị mất tín nhiệm do những thất bại trong thời kỳ Yeltsin. Còn các “chính khách - đại gia” thì bị xem như là những kẻ trộm” (1).

Thật vậy, ứng viên Đảng CS Liên bang Nga Ghennady Ziuganov năm 1996 thất cử trước ông Yeltsin do chỉ thu được 40,31% số phiếu ở vòng hai. Đến năm 2000, ông Ziuganov lại rớt ngay vòng một trước ông Putin với chỉ 29,21% số phiếu. Năm 2004, ông phải nhường cho Nikolaï Kharitonov, trẻ hơn bốn tuổi, ra tranh cử thay - ông này cũng rớt với chỉ 13,7% số phiếu. 

Đến năm 2008, ông Ziuganov lại ra tranh cử với ông Medvedev, lại thua, tuy cũng đã lên được 17,72%. Năm nay ở tuổi 68, ông Ziuganov tiếp tục thua trước một Putin vừa tròn 60 tuổi, với cũng chỉ 17,18% số phiếu!

Cũng thế, một ứng viên “thâm niên tranh cử” khác, Vladimir Zhirinovski, đã từng ra tranh cử từ năm 1990 (8%), đến năm 2000 chỉ được 2,7% trước một Putin chân ướt chân ráo bước vô chính trường, năm 2008 ngoi lên được 9,4% trước một Medvedev bị xem là “hình nhân” của ông Putin, năm nay lại tuột xuống 6,22% và cũng đã 66 tuổi (2). 

Tất cả những chính khách lão thành này, tiếc thay, lại đúng như ông Yeltsin đã mô tả trong diễn văn từ chức năm 1999: “Họ phải ra đi thôi!”.

Còn ứng viên gốc tỉ phú Mikhaïl Prokhorov trẻ thật đấy (mới 47 tuổi), xếp thứ 39 thế giới theo xếp hạng tỉ phú năm 2010 của Forbes, song lại khét tiếng là tài sản bỗng dưng mà kếch sù năm 1993 nhờ “phi vụ” mua lại Tập đoàn kim loại Norilsk Nickel cùng với bạn nối khố là Vladimir Potamine (năm 2007 hai người chia tay nhau vì ăn không đồng, chia không đều). Tỉ phú này vùng vẫy lắm cũng chỉ được có 3,85% tổng số phiếu (3). 

Hiện thân của nước Nga mới

Trong khi đó, ông Putin từ khi được ông Yeltsin “nhường ngôi” vào cuối năm 1999 lại là hiện thân của một nước Nga mới, khôi phục vị thế của mình. 

The World Savvy Monitor, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi chính trị thế giới phục vụ giảng huấn, đã giải thích vai trò này của ông Putin như sau: “Nhìn từ một phía này, chế độ tự quyền Putin là hiện thân của tính liên tục lâu dài trong quá khứ chuyên chế, tiếp theo sau một thoáng mở hé cửa sổ cho một số cải cách tự do. 

Từ một cái nhìn khác, ông Putin cùng các thân hữu của mình bị xem là đã vùi dập nền dân chủ mới ra đời của Nga. Tuy nhiên, trong một cái nhìn khác nữa, ông Putin lại được xem như là cứu nước Nga ra khỏi một phương Tây đang can thiệp vào công việc nội bộ người khác, và đang khôi phục vị thế siêu cường của nước Nga sau một giai đoạn nhục nhã và suy vong trong tay Yeltsin cùng đám “chính khách đại gia” thân phương Tây. 

Cuối cùng, một số người cho rằng phương Tây đang “mất” nước Nga do đã thất bại trong việc thông cảm và hậu thuẫn các cải cách của ông Yeltsin, hoặc đã không kịp đánh giá đúng đắn những toan tính của ông Putin” (4).

Mới hôm 11-3, tức một tuần sau bầu cử tổng thống ở Nga, Fareed Zakaria của CNN đã hỏi “cáo già” Henry Kissinger một câu tóm tắt tầm cỡ của ông Putin: “Henry! Ông đã gặp Vladimir Putin có lẽ nhiều lần hơn bất cứ viên chức lão thành nào của nước Mỹ, khoảng 20 lần gặp tay đôi. Ông nghĩ thế nào về Vladimir Putin? Ông ta có phải là một kẻ cướp hay không? Ông ta có phải là một nhà chủ trương hiện đại hay không? Ông ta thân hay chống phương Tây?”. 

Câu trả lời của Kissinger đã tôn vinh ông Putin hơn ai hết, đồng thời là một bắn tiếng hòa giải với một Putin - nhiệm kỳ 3: “Tôi không nghĩ ông ta là một người chống phương Tây. Mà là, trên tất cả, một người Nga yêu nước vốn cảm thấy bị lăng nhục bởi kinh nghiệm của những năm 1990 (dưới trào Yeltsin). Ông ta không chống phương Tây thật mà. 

Khi tôi gặp ông ta lần đầu, ông ta còn bận tâm cho việc làm sao có một quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ. Song ông ta rất nhạy cảm trước việc ông ta diễn dịch là can thiệp vào công việc nội bộ của Nga, và nhất là những gì mà ông ta diễn dịch là một vài xu hướng của Mỹ nhằm hậu thuẫn các đối thủ chính trị của ông ta để khuyến khích họ lật đổ ông ta. Song tôi tin rằng đối thoại vẫn còn có thể, và rằng trong một số vấn đề chuyên biệt, ông ta có thể trở thành một đối tác xây dựng”.

Câu chuyện khích bác nhau mà ông Kissinger nói đến là vụ “đôi co” miệng giữa ông Putin, khi đó là thủ tướng, với bà Hillary Clinton, ngoại trưởng Mỹ sau cuộc bầu cử Quốc hội Nga tháng 12 năm ngoái. 

Lần đó, ông Putin bực dọc trách: “Đầu tiên, bà ngoại trưởng phát biểu rằng các cuộc bầu cử đó là không trung thực và không sòng phẳng, cho dù bà ta chưa nhận được tài liệu, chứng cớ nào từ các quan sát viên bầu cử. Kế đến, bà ta bắt giọng bật đèn (xanh) cho một vài nhân vật trong nước chúng tôi. Họ nhận được tín hiệu và bắt đầu hoạt động sôi nổi với sự hậu thuẫn của Bộ Ngoại giao Mỹ” (5).

Chớ chọc giận Putin 3

Ba ngày sau cuộc phỏng vấn Kissinger trên CNN, một giáo sư công huân ĐH Stanford (Mỹ) viết một bài căn dặn: “Chính do bất trắc có thể dẫn đến trong khi lăng nhục đối thủ mà tôi đã luôn quan ngại việc xem thường nước Nga trong mấy năm qua. Giống như việc kết thúc Thế chiến thứ nhất (Pháp buộc Đức đầu hàng trong một chiếc xe lửa) đã đóng một vai trò quan trọng trong việc khởi động Thế chiến thứ nhì, chúng ta đừng để cho các kết thúc chiến tranh lạnh dẫn đến Thế chiến thứ ba. 

Nhà bình luận bảo thủ Patrick Buchanan đã trách rằng việc chúng ta lăng nhục nước Nga phần nào dẫn đến cuộc chiến tranh với Gruzia năm 2008. Việc Nga nộ khí xung thiên có thể hiểu được hay không? Suốt năm này tháng nọ, phương Tây đã cứ chà xát miết cái mũi của người Nga vào nỗi nhục thua cuộc chiến tranh lạnh và đối xử với nước Nga như là với nước Đức bại trận ngày nào. Trong suốt chục năm qua, một vài người trong chúng ta đã cảnh cáo sự điên rồ trong việc nhảy vào không gian (sinh tồn) của người Nga và nhảy xổ vào mặt họ. 

Năm 2007, nguyên đề đốc Ulrich Weisser, phụ trách sách lược và kế hoạch Bộ Quốc phòng Đức từ 1992-1998, cũng đã viết: Matxcơva cảm thấy bị khiêu khích bởi một số quốc gia thành viên mới của NATO ở Trung và Đông Âu. Các nước này tận dụng mọi cơ hội để chọc tức Nga do họ cảm thấy được NATO bảo vệ và được Mỹ hậu thuẫn. Làm nhục một đối thủ có thể trong ngắn hạn đem đến vài lợi ích, song về lâu về dài liệu có đáng đem sự sống còn của chúng ta ra đánh đố hay không?” (6).

Có thể hiểu tại sao ông Putin, trong một bài viết của ông đăng trên website của Chính phủ Nga hôm 27-2 năm nay, đã gằn giọng: “Nước Nga chỉ có thể được tôn trọng khi trở nên mạnh mẽ và đứng vững trên đôi chân của mình. Nước Nga đã luôn tự tiến hành một chính sách đối ngoại độc lập và vẫn sẽ tiếp tục như thế. Tôi tin chắc rằng chỉ có thể tiến đến an ninh thế giới trong cộng tác với nước Nga thay vì cứ tìm cách thúc ép nước Nga thụt lùi, làm suy yếu vị thế địa chính trị hay làm lung lay an ninh quốc phòng của nước Nga” (7). 

Dmitry Rogozin, một phó thủ tướng Nga lúc đó, cũng phụ họa: “Đến năm 2013, Nga sẽ có khả năng đóng sáu tàu ngầm và một tàu sân bay mỗi năm, còn hơn cả thời kỳ Liên Xô vốn chỉ đóng được năm tàu ngầm mỗi năm”.

NGUỒN:

(1) http://www.forbes.com/sites/paulroderickgregory/2012/01/29/russia-and-the-putin-rules-a-pessimistic-assessment/2/

(2) http://fr.wikipedia.org/wiki/Vladimir_Jirinovski

(3) http://fr.wikipedia.org/wiki/Mikha%C3%AFl_Prokhorov

(4) http://worldsavvy.org/monitor/index.php?option=com_content&view=article&id=395&Itemid=689

(5) http://www.nytimes.com/2011/12/09/world/europe/putin-accuses-clinton-of-instigating-russian-protests.html

(6) http://www.wagingpeace.org/articles/db_article.php?print&article_id=338

(7) http://premier.gov.ru/eng/events/news/18252/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận