Không hổ thẹn về một thời trai trẻ (*)

TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN 20/05/2012 03:05 GMT+7

TTCT - Đó là lời kết trong bài viết của một nhóm cựu sinh viên từng tham gia phong trào sinh viên học sinh Huế - một trong hai trung tâm của phong trào đấu tranh đô thị miền Nam thời chống Mỹ (cùng với Sài Gòn) với hồi ức về giai đoạn 1971-1972 - cao điểm của phong trào.

Sau nhiều năm chờ đợi, tập hợp các công trình nghiên cứu, ghi chép của các nhà nghiên cứu, người trong cuộc, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước... một hội thảo quy mô lớn nhằm tái hiện tầm vóc và ý nghĩa của phong trào đấu tranh của sinh viên - học sinh, trí thức, văn nghệ sĩ... tại các đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 được tổ chức tại Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) trong hai ngày 19 và 20-5-2012.

TTCT trích đăng một vài tư liệu, hồi ức và nhận định.

Biểu tình rầm rộ trên đường phố Huế năm 1971- Ảnh tư liệu do Nguyễn Duy Hiền cung cấp

Vào đầu thập niên 1970, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đã bị phá sản. Tranh thủ tình thế đó, Tổng hội sinh viên (THSV) Huế đã đẩy phong trào đấu tranh đô thị thành cao trào, tạo sự bất ổn thường xuyên trong lòng địch, làm suy giảm thế chính trị của chế độ Nguyễn Văn Thiệu, bóc trần dã tâm xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ.

Giai đoạn này có ba sự kiện nổi bật: đại hội sinh viên học sinh miền Nam (kỳ III) tại Huế ngày 28-7-1971, cuộc “biểu tình thầm lặng” ngày 18-8-1971 và cuộc đấu tranh chống trò hề bầu cử “độc diễn” của Nguyễn Văn Thiệu tháng 10-1971. Trong đó, cuộc đấu tranh vào những ngày tháng 10-1971 là hình ảnh trẻ trung, hào hùng không thể nào quên.

Chống trò hề bầu cử “độc diễn”

“Bức tranh đầy màu sắc của phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên ở các đô thị miền Nam mang những đặc điểm đậm nét và rất độc đáo vào toàn cảnh chiến trường miền Nam, như một bộ phận không tách rời, góp phần làm nổi bật vai trò, vị trí của một trong ba vùng chiến lược (vùng nông thôn, vùng đô thị, vùng rừng núi) và ba mũi giáp công (chính trị, vũ trang, binh vận) theo đường lối của Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Để duy trì Nguyễn Văn Thiệu, Mỹ đã giúp Thiệu loại bỏ các đối thủ và bày ra cuộc bầu cử “độc diễn” để tiếp tục “hợp thức hóa” vai trò tổng thống của Thiệu. Âm mưu này hết sức nguy hiểm vì “Thiệu còn, chiến tranh còn” nên THSV Huế đã phát động cuộc đấu tranh cương quyết tẩy chay cuộc bầu cử bịp bợm này trước và sau ngày 3-10-1971.

Cuối tháng 9 đầu tháng 10-1971, một “trạm chỉ huy” tạm thời của THSV Huế đã được thiết lập trên sân thượng Trường đại học Văn khoa, nhìn ra ngã tư đường Lê Lợi - Duy Tân (nay là Hùng Vương). Tại trạm chỉ huy có đặt một loa phát thanh lớn hướng về phía cầu Trường Tiền và chợ Đông Ba. Một bộ phận thường trực 24/24 giờ, viết bài và cho phát thanh qua loa tăng âm các nội dung chống Mỹ - Thiệu, đặc biệt lên án gay gắt cuộc bầu cử dối trá của Nguyễn Văn Thiệu cho công chúng nghe, nhất là vào giờ tan sở, công chức, người lao động, sinh viên, học sinh... đi về rất đông.

Hoàng Thị Thọ (nữ sinh Trường Đồng Khánh) được phân công đọc bài trong các buổi phát thanh với giọng đọc y hệt giọng của phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam (Hà Nội). Vì vậy, trong các báo cáo trình chỉ huy, mật vụ cho rằng “sinh viên mở đài Việt cộng cho đồng bào nghe”.

Ngày 1-10-1971, cả thành phố dậy sóng sau khi một biểu ngữ màu đỏ dài 50m mang dòng chữ “3/10 nhân dân Huế nhất định đập tan âm mưu của Mỹ duy trì Thiệu kéo dài chiến tranh” được căng lên trước bao lơn của Trường đại học Văn khoa Huế, nơi được chọn làm căn cứ chỉ huy cuộc đấu tranh. Cả một góc phố ở ngã tư Lê Lợi - Duy Tân đông nghịt đồng bào và học sinh, sinh viên. Nhiều cuộc biểu tình, mittinh trước và sau ngày 3-10-1971, do THSV tổ chức, chống bầu cử và phủ nhận kết quả bầu cử, nhất là sau khi Thiệu trơ trẽn tuyên bố “đắc cử”, đã làm mọi sinh hoạt của thành phố gần như bị tê liệt.

Khi sự phẫn nộ của sinh viên, học sinh và đồng bào Huế lên cao trào, trước nguy cơ bị dư luận thế giới lên án trò hề bầu cử, chính quyền bấy giờ quyết định phản công phong trào đấu tranh bằng vũ lực. Họ cho cảnh sát dã chiến tấn công “căn cứ chỉ huy” cuộc đấu tranh ở sân thượng tiền sảnh Trường đại học Văn khoa bằng lựu đạn cay, vây bắt và truy đuổi các sinh viên, học sinh đang “trực chiến” ở đó, đồng thời đàn áp mạnh tay các cuộc biểu tình.

Trước tình thế nguy cấp đó, THSV phải cho dừng các hoạt động đấu tranh, Ban chấp hành THSV và các sinh viên, học sinh chủ chốt của phong trào tạm thời rút lui “lánh nạn” ở các chùa Linh Quang, Vạn Phước, Tường Vân và tu viện Thiên An. Anh em được các nhà sư và linh mục che giấu, nuôi ăn một thời gian ngắn. Các lực lượng khác cũng tạm thời “án binh bất động” để tránh tổn thất về con người cho phong trào.

Khẩu hiệu chống Mỹ, chống bầu cử độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu trên tường Đại học Văn khoa và Đại học Khoa học Huế (nay là khách sạn Morin) - Ảnh tư liệu

Tuy cuộc đấu tranh chống bầu cử độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu bị dập tắt nhưng đã góp phần không nhỏ làm cho đông đảo cử tri tỉnh Thừa Thiên tỏ thái độ tẩy chay cuộc bầu cử. Mặt khác, đối với dư luận tiến bộ và các phong trào phản chiến trên thế giới lúc đó càng nhận diện rõ hơn thái độ ngoan cố của đế quốc Mỹ và tư cách hèn mạt của Nguyễn Văn Thiệu trong âm mưu kéo dài chiến tranh Việt Nam.

“...Chỉ có văn nghệ học sinh, sinh viên các đô thị mới biểu trưng nổi cho một khí thế chưa từng xảy ra ở các đô thị bị chiếm, văn nghệ được nâng thành một phong trào hẳn hoi cho quần chúng trẻ tuổi, một phong trào mang sức nặng và trang bị độ sắc nhọn đủ tự thân là phong trào cách mạng, một hình thái chiến đấu, một lực lượng đông đúc, rất khó tìm “đối tác” với phong trào văn nghệ học sinh, sinh viên các đô thị miền Nam thời đánh Mỹ ở các quốc gia bị chiếm đóng...

Văn nghệ học sinh, sinh viên các đô thị miền Nam thời chống Mỹ là một mắt xích trong tổng thể nền văn nghệ dân tộc Việt Nam. Nó xứng đáng ở vị trí ấy bởi vì nó đã chứng minh và nâng cao tâm hồn Việt Nam trong một giai đoạn, bởi nó thừa kế tinh anh của những người đi trước, của chiều dày văn hóa của tổ tiên và trên tất cả, bởi nó là Việt Nam, là hơi thở của lớp trẻ Việt Nam... Nó là lịch sử. Do là lịch sử, nó có sức sống riêng. Một thời và mãi mãi...”.

Nhóm Tìm hiểu văn sử - một tổ chức công khai, mang tính học thuật - đã tìm nhiều cách khai thác các đề tài về lịch sử và văn học để quảng bá tinh thần yêu nước, đấu tranh chống ngoại xâm, động viên giới trí thức hướng đến lý tưởng bảo vệ độc lập dân tộc, hưởng ứng công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam Việt Nam. Một cuộc triển lãm, một buổi diễn thuyết và phát hành tập san kỷ niệm 48 năm húy nhật nhà cách mạng Phan Chu Trinh đã mở đầu cho hoạt động của nhóm.

Anh chị em đã sưu tầm trên 100 ảnh và thư với chủ đề Phan Chu Trinh, trong đó giới thiệu hai bộ ảnh Bộ ảnh thứ nhất Tình cảnh nô lệ của đất nước thời kỳ Phan Chu Trinh thể hiện hình ảnh đói khổ của nhân dân, cảnh sĩ phu Cần Vương, Văn Thân mang gông cùm, bị hành quyết, cảnh nô lệ tủi nhục với những dòng ghi chú kích động, nói nửa xưa nửa nay. Bộ ảnh thứ hai là cảnh các tầng lớp nhân dân biểu tình trong lễ tang, lễ truy điệu Phan Chu Trinh, gợi lên sức mạnh của quần chúng xuống đường với biểu ngữ chống thực dân, với rừng người trùng điệp.

Đặc biệt là Trần Viết Ngạc đã sưu tầm được bức thư của Nguyễn Tất Thành gửi Phan Chu Trinh được lưu giữ tại gia đình cụ Phan ở Đà Nẵng. Thư được phóng lớn, treo ở vị trí trang trọng với lời chú thích công khai “Thư của Nguyễn Tất Thành gởi Phan Chu Trinh”. Điều thú vị là cảnh sát Sài Gòn vẫn không phát hiện Nguyễn Tất Thành là Bác Hồ. Ngược lại, trí thức và sinh viên, học sinh Huế đã được rỉ tai đến Trung tâm văn hóa Liễu Quán để xem bút tích của Bác Hồ thời còn trẻ.

Tác dụng của việc triển lãm bức thư Bác Hồ gửi Phan Chu Trinh đã góp phần giải tỏa một quan điểm được gieo rắc nhiều năm ở miền Nam là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh là những nhà cách mạng quốc gia, Hồ Chí Minh là cộng sản, hai thế lực đối lập như nước và lửa.

__________

(*) Tựa do tòa soạn đặt.

__________

Cuộc họp mặt vẻn vẹn trong 24 giờ nhưng đã tạo nên tiếng vang lớn của sinh viên Việt Nam và Hoa Kỳ cùng nhiều nước khác tại Sài Gòn tháng 7-1970. 

Phong trào sinh viên, học sinh Sài Gòn đấu tranh chống Mỹ - Diệm - Ảnh tư liệu

Những vụ bắt bớ, tra tấn sinh viên để buộc tội của cảnh sát và phong trào tuyệt thực, bãi khóa, biểu tình của nhiều trường đòi trả tự do cho học sinh, sinh viên bị bắt nổ ra rộng khắp ở Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt, Vạn Hạnh... kéo dài hơn ba tháng (tháng 3 đến tháng 6-1970) tác động mạnh mẽ đến trí thức sinh viên Việt kiều, trí thức sinh viên các nước trên thế giới, trong đó có trí thức sinh viên Mỹ. Chủ tịch Tổng hội sinh viên (THSV) Hoa Kỳ và các nước New Zealand, Hà Lan, Bỉ đã quyết định bí mật đến Sài Gòn bằng đường du lịch.

Sáng sớm 10-7-1970, cô Vũ Thị Dung - ủy viên liên lạc của Ủy ban liên lạc hải ngoại của THSV Sài Gòn - báo tin có phái đoàn sinh viên quốc tế đến Sài Gòn, đang ở khách sạn Continental. Lập tức phái đoàn THSV Sài Gòn gồm Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Thị Yến, Nguyễn Hoàng Trúc, Phan Công Trinh... đến gặp và họp bàn ngay về chương trình làm việc. Hai bên thống nhất kế hoạch: tối hôm đó tổ chức ngay hội thảo với chủ đề “Sinh viên thế giới và hòa bình Việt Nam” tại chùa Ấn Quang, sáng hôm sau mở Đại hội sinh viên thế giới kỳ I tại Đại học Nông lâm súc, sau đó tuần hành đến tòa Đại sứ Mỹ trên đường Thống Nhất, trao tuyên bố chung của đại hội.

Đêm hội thảo tại chùa Ấn Quang quy tụ hàng ngàn sinh viên, học sinh và đồng bào đầy kín hội trường. Nhiều đại biểu bạn và Việt Nam lên diễn đàn phản đối chiến tranh, đòi hòa bình tức khắc, đả đảo Nixon, đòi Thiệu từ chức, hòa giải hòa hợp dân tộc. Đại diện sinh viên Mỹ đốt thẻ trưng binh và đại diện sinh viên, học sinh Việt Nam trao tặng một cây tầm vông vạt nhọn sơn hai màu xanh đỏ (màu cờ giải phóng).

Trong hội trường có nhiều đại biểu Phật giáo, Thiên Chúa giáo, các trí thức, sinh viên học sinh, các ba má phong trào. Đặc biệt, một trong ba bà cụ ngoài 80 tuổi từng đi đầu trong các cuộc biểu tình là cụ Diệu Nhàn, đại diện các bà mẹ Việt Nam lên diễn đàn phát biểu đòi Mỹ rút quân, đòi Thiệu từ chức khiến đoàn sinh viên và trí thức nước ngoài rất xúc động. Phái đoàn sinh viên Hoa Kỳ rời đại hội giữa những tràng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.

Sáng hôm sau, ngày 11-7-1970, lúc 7g, hàng ngàn sinh viên học sinh, tôn giáo, trí thức, đồng bào, các ba má phong trào sinh viên, học sinh đã có mặt trong và ngoài hội trường Đại học Nông lâm súc. Trên bàn chủ tọa Đại hội sinh viên thế giới kỳ I, về phía quốc tế có Charles Palmer - chủ tịch THSV Hoa Kỳ và các chủ tịch THSV Úc, New Zealand, Hà Lan và GS George Wald (ĐH Harvard, Nobel y khoa vật lý năm 1967).

Phía Việt Nam có Nguyễn Văn Quỳ - cựu chủ tịch THSV Sài Gòn, Huỳnh Tấn Mẫm - chủ tịch THSV Sài Gòn, Nguyễn Hoàng Trúc - phó tổng thư ký THSV Sài Gòn, Hạ Đình Nguyên - chủ tịch Ủy ban phối hợp hành động sinh viên, học sinh miền Nam, Lê Văn Nuôi - chủ tịch Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn. Chủ tịch Huỳnh Tấn Mẫm đọc diễn văn khai mạc, sau đó đại diện sinh viên Mỹ, Úc, New Zealand, Hà Lan lần lượt lên phát biểu. Tất cả đều nhất trí đòi hòa bình tức khắc, quân đội Mỹ và đồng minh của Mỹ phải rút ngay ra khỏi miền Nam Việt Nam, đòi Nixon không ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu.

Vừa chấm dứt phần phát biểu ngắn gọn, cả hội trường hô to vang dội các khẩu hiệu: Hòa bình ngay bây giờ (Peace now), Quân đội Mỹ cút về nước (US go home), Đả đảo Nixon! (Down with Nixon), Đả đảo Bunker (Down with Bunker). Sau đó, họ đồng thanh hát bài Dậy mà đi rồi cùng nhau rầm rập xuống đường.

Hơn 5.000 người xuống đường vừa hát vừa hô to khẩu hiệu với khí thế mạnh mẽ chưa từng có. Vừa ra khỏi trường, đoàn biểu tình chia làm hai cánh. Cánh thứ nhất rẽ phải đi về phía ngã tư đường Cường Để (nay là Đinh Tiên Hoàng) - Thống Nhất (bây giờ là Lê Duẩn), mang theo một quan tài màu đỏ (với ý nghĩa là người Việt Nam chết vì chiến tranh) do hai sinh viên Úc và New Zealand khiêng, trên đó có ghi dòng chữ “Căm hờn lại giục căm hờn. Máu kêu trả máu, đầu kêu trả đầu!”.

Hai chủ tịch sinh viên Hoa Kỳ và Việt Nam đi bên cạnh chiếc quan tài, cầm bản tuyên bố chung dự định đến trao cho đại sứ Mỹ Bunker. Cánh thứ hai đi về phía ngã tư Cường Để - Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Cánh thứ nhất khi tới bên hông Trường ĐH Dược và cánh thứ hai qua khỏi ngã tư vào đường Hồng Thập Tự thì cảnh sát dã chiến Sài Gòn đàn áp thẳng tay. Họ bắn thẳng vào đoàn sinh viên, học sinh đủ loại phi tiễn, lựu đạn cay, lựu đạn ói mửa, xịt vòi rồng nước bẩn và dùng máy bay trực thăng bắn lựu đạn lửa gây phỏng cho nhiều người.

Không lâu sau đó, cảnh sát tấn công vào Trường Dược và Trường Nông lâm súc bắt hết các đại diện sinh viên và trí thức nước ngoài khác cùng với Charles Palmer và trục xuất về nước ngay chiều hôm đó. Họ bị buộc rời Việt Nam, nhưng vẫn mang được về nước cây tầm vông vạt nhọn sơn màu cờ giải phóng...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận