Tôi bắt gặp mình ở Việt Nam

BORISILIUKHIN 13/05/2012 19:05 GMT+7

TTCT - Gặp họa sĩ Boris Semionovich Iliukhin trong những ngày tháng 5 nóng bức ở Sài Gòn. Ở tuổi 65, cái nhìn về cuộc sống của ông luôn tươi mới. Ông đã dầm đủ hai cơn mưa rào đầu mùa ở Sài Gòn để cảm nhận “mưa Việt Nam”.


Bức tranh Trái tim tôi ở VN của họa sĩ Boris Semionovich Iliukhin

Đây là lần thứ hai ông đến VN. Cách đây năm năm ông đã đến Hà Nội, đi thăm thú nhiều nơi, rất thích Sa Pa, đã vẽ nhiều tranh về đề tài VN, về Văn Miếu. Mê phong cảnh và con người VN, thậm chí ông còn vẽ một bức tranh với tên gọi Trái tim tôi ở VN.

Ấn tượng ư? Ông dí dỏm kể ngày đầu ở Hà Nội ông thấy một xe máy chở gia đình năm người mà ông chồng vừa chạy xe vừa nhắn tin trên điện thoại di động, ông đã hết hồn. Nhưng hôm sau thấy một ông vừa chở vợ và một con nhỏ sau xe máy, vừa chạy xe vừa liếc đọc báo thì "tôi biết là không ai có thể chiến thắng được dân tộc này".

Họa sĩ Boris Semionovich Iliukhin - Ảnh: Thuận Thắng

Làm họa sĩ chân dung là số phận

Làm chủ ở trình độ bậc thầy mọi loại chất liệu như sơn dầu, màu nước, chì, tổng hợp... ông vẽ rất nhiều thể loại: tranh phong cảnh, tĩnh vật nhưng chủ yếu là tranh chân dung. 

Trả lời vì sao ông chọn tranh chân dung, Boris nói vui cả đời ông sinh sống ở miền Bắc, nên suốt cả mùa đông lạnh giá chỉ có thể ngồi trong nhà vẽ chân dung, chứ ra ngoài lạnh lắm. 

Đùa chút thôi, ông nói, chứ "làm họa sĩ vẽ chân dung là quà tặng trời ban cho, nhưng trước hết đó là số phận". Vì muốn vẽ được chân dung, ngoài tay nghề hình họa vững phải rung cảm được với chân dung, phải nắm được thần thái của nhân vật, phải tìm cho được bí ẩn riêng của nhân vật, điều mà họa sĩ phải giải mã, phải khai mở cho được. Chân dung phải sống động hơn người thực mới được.

Ông nói trong hội họa có hẳn lĩnh vực gọi là ikonographia, đó là lịch sử (của một giai đoạn, một quốc gia, một tôn giáo, một dòng họ...) được ghi nhận qua chân dung những nhân vật nổi tiếng. Nếu bức tranh chỉ giống người thực nhưng chưa toát lên thần thái nhân vật, hồn cốt, tinh thần của thời đại đó thì cũng chưa được.

Với quan điểm vẽ chân dung lịch sử này, Boris Iliukhin đã được nhà nước Liên Xô rồi Liên bang Nga đặt vẽ chân dung các vị tướng, các anh hùng. Trong hành trang của ông là hơn 1.000 chân dung những con người. Đặc biệt, ông thích vẽ... người già. Ông bảo trên mặt người già là cả một lịch sử, có thể đọc được từ đó rất nhiều về quá khứ, hiện tại, thậm chí có thể nhìn thấy cả nỗi đau hay niềm hạnh phúc, những tính cách có thể ẩn rất sâu nhưng vẫn lộ diện.

Vì sao các tranh chân dung của ông được ưa thích, chẳng hạn như mẫu tem chân dung tướng Kutuzov, vị tướng nổi tiếng thời Sa hoàng đã chiến thắng Napoleon, được công nhận là mẫu tem đẹp nhất của Liên bang Nga trong 20 năm trở lại đây?

 Ông Boris Iliukhin nói bí quyết là ở chỗ bất cứ ai cũng có mặt tối mặt sáng, mặt tích cực mặt tiêu cực, như âm với dương: "Có lẽ tôi luôn lẩy ra, nhấn vào nét tích cực, mặt sáng của tâm hồn nhân vật. Cũng có thể vì tôi không thích làm "bóng" lên bằng thủ pháp hội họa. Hãy để chân dung tự nói lên thần thái của con người đó. Bởi có những họa sĩ mà dù họ vẽ ai thì cũng là vẽ chân dung chính mình".

Bức tranh Văn Miếu

Vẽ VN bằng tâm hồn nhà thơ

Ngoài nghề chính là họa sĩ, Boris Iliukhin còn là nhà thơ với 10 tập thơ đã được in, nhiều bài được phổ thành những bản tình ca. Vậy việc chính của ông là hội họa hay là làm thơ? 

Ông nhìn ra xa và nói: "Khi vẽ, khi làm việc với toan, với màu, với cọ thì tôi buồn nhớ văn chương, nhớ thi ca lắm. Nhưng khi làm thơ thì tôi cảm thấy đầy đủ, mãn nguyện, thăng hoa hoàn toàn, không nhớ gì đến hội họa nữa cả. Tôi cho rằng tôi là nhà thơ nhiều hơn là họa sĩ. Việc đọc được ra tính cách, nét đẹp trong tâm hồn người khác chính là việc của thi sĩ mà".

Có lẽ ông đã vẽ bức tranh Trái tim tôi ở VN bằng tâm hồn của nhà thơ như thế. Bởi khi tôi chỉ vào người đàn ông trong bức tranh và hỏi có phải đây là người nông dân VN trong hình dung của ông không, ông cười bảo: "Không, tôi vẽ tôi đó".

Ông kể đã vẽ bức tranh sau khi trở về Matxcơva từ chuyến thăm VN đầu tiên. "Lần đó, được tham quan Tam Cốc (Bích Động) ở Ninh Bình, tôi thấy núi non bao bọc xung quanh như rồng phủ, đồng lúa dập dờn, dòng sông uốn lượn. Vẻ đẹp tinh khiết như hàng trăm, hàng triệu năm trước... Tôi thật sự sững sờ. Về nước mãi 2, 3 ngày sau trái tim tôi vẫn bồi hồi. Tôi muốn được sống ở đó như một người VN. Chỉ cần một mái lá nhỏ trên đầu, một mảnh ruộng đơn sơ, một lu nước, một khung cảnh tinh khôi đủ cho thi sĩ. Thế là tôi vẽ lại bức tranh".

Ông nói có cảm giác mình là người VN tự lâu rồi. "Thế nào là người VN?" - tôi hỏi. À, đó là những người biết yêu và biết vui với cuộc sống này. 

Boris Iliukhin bảo đã tiếp xúc với nhiều người Việt và nhận ra dường như văn hóa lâu đời của người Việt đã dạy người ta biết tin yêu cuộc sống: "Tôi hay bảo học trò sáng ra hãy nhìn vào gương và tập cười đi để vui cùng cuộc sống. Nhưng sang VN, tôi thấy không cần phải nghĩ tới điều đó. Những người VN tôi gặp dù khó khăn vẫn không quên nở nụ cười. Như sáng nay dạo phố Sài Gòn, tôi gặp người phụ nữ ôm giỏ bánh mì. Tôi biết cuộc sống của bà rất cơ cực nhưng khi thấy tôi, bà vẫn nở nụ cười".

Sau chút đăm chiêu, ông nói thêm: "Hay như khi vẽ mẹ Cửu, tôi nhận ra trên mắt, môi bà là những nếp đau khổ vô cùng tận. Nhưng mỗi khi tôi nhìn bà hoặc ai đó nhìn bà thì gương mặt bà ánh lên nụ cười và những nếp cay đắng như mờ đi...".

Khi giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Mã Thanh Cao gợi ý cho tôi vẽ bà mẹ VN anh hùng Phan Thị Cửu mà bảo tàng bảo trợ suốt đời, tôi thấy thú vị ngay. Đọc nhiều về lịch sử, văn hóa VN, tôi hiểu đây chính là nhân vật của thời đại, của lịch sử, người mang trong mình tất cả số phận bi hùng của dân tộc VN.


Họa sĩ Boris Semionovich Iliukhin vẽ chân dung mẹ Việt Nam anh hùng - Ảnh: Thuận Thắng

Ngoài chân dung, ông Iliukhin còn vẽ tranh phong cảnh. Phong cảnh Nga qua cái nhìn của ông thật tuyệt vời, thuần khiết. Có phải với tâm hồn thấm đẫm thi ca nên màu sắc trong tranh của ông trong suốt, bay bổng đến thế không? 

Boris Iliukhin sinh động: "À, họa sĩ có nhiều màu đấy, nhưng anh ta không được phép "bôi bẩn" bức tranh, anh ta không có quyền làm có người xem tranh thấy u tối, lộn xộn. Muốn thế anh ta phải nắm vững kỹ thuật... Thôi, tôi lại giảng bài rồi. Tóm lại, hãy cho người xem được thưởng lãm với đường nét, màu sắc bức tranh và được thăng hoa với cái hồn của nó".

Có 139 tác phẩm của họa sĩ Boris Semionovich Iliukhin tham gia triển lãm “Những người làm nên chiến thắng” (từ ngày 8 đến 17-5-2012) tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM nhân kỷ niệm 67 năm ngày chiến thắng phát xít. 

Ông Iliukhin là họa sĩ có 50 năm hoạt động nghề nghiệp, hội viên Hội Họa sĩ sáng tạo Liên bang Nga, viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Tem Liên bang Nga, là họa sĩ hàng đầu trong thể loại thiết kế mẫu tem chân dung, sáng lập viên Trường mỹ thuật tư thục Staraia Schola. 

Sau triển lãm, ông tặng toàn bộ các chân dung trong triển lãm cho Bảo tàng Mỹ thuật thành phố.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận