"Khai quật" trầm tích văn hóa biển

TTCT - Tôi cứ băn khoăn tự hỏi mãi, vì sao khi những bản tin thời tiết lại dùng từ “khẩn cấp” chỉ khi bão đổ vào đất liền và dùng từ “bão xa” khi ngay lúc ấy, cả ngàn ngư dân Việt Nam trên biển đã phải đối mặt và chịu thiệt hại về người và của?

Nơi biển cả mà từ đất liền, ta thấy là mênh mông khôn cùng, từ ngàn đời nay những ngư dân đã để lại một bề dày trầm tích văn hóa...


Thuyền bè trên sông Fai Fô (Hội An). Tranh phụ bản trong cuốn Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793) của J.Barrow


Dọc dài hơn 3.000km bờ biển từ Móng Cái đến Kiên Giang là hàng trăm ngàn kilômet vuông thềm lục địa, hàng trăm đảo, quần đảo lớn nhỏ. Vùng duyên hải Việt Nam là nơi làm ra loại gia vị độc đáo từ cá là nước mắm - gia vị chủ đạo để chế biến những thức ăn đặc biệt Việt Nam, theo một cách nấu cũng không nơi nào có: món kho!

Những cá kho, thịt kho, đậu kho, trứng kho, rau củ (trám, củ cải, măng...) cũng kho - loại thức ăn mặn mòi vị muối từ biển, có thể để dành bữa sau, ngày mai... cũng không bị thiu hỏng trong tiết nhiệt đới nóng nực. Và đấy chỉ là một trong vô vàn yếu tố văn hóa biển hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày của người dân ta.

Những dấu tích nguyên vẹn


Từ thời xa xưa, những tộc người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay đã biết khai thác nguồn lợi từ biển, thông thạo buôn bán, trao đổi bằng đường biển, phát triển nghề đi biển và tiến ra khai thác các đảo và quần đảo. Các đô thị ven biển cũng hình thành tính chất đa văn hóa, pha trộn, giao lưu và cởi mở...

Ta còn có thể nhận biết nhiều dấu tích văn hóa vật thể và phi vật thể trong “trầm tích” văn hóa biển - một phần quan trọng trong di sản văn hóa Việt Nam.


Tài liệu khảo cổ học cho biết đã có những di tích người nguyên thủy sinh sống ở các miền ven biển cách đây 6.000-3.000 năm, hình thành các văn hóa khảo cổ như văn hóa Hạ Long (Quảng Ninh), Cái Bèo (Hải Phòng), Đa Bút, Hoa Lộc (Thanh Hóa), văn hóa Quỳnh Văn (Nghệ An), Thạch Lạc (Hà Tĩnh), Bàu Tró (Quảng Bình)...

Các nền văn hóa ven biển này có nhiều yếu tố gần gũi với văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn ở miền núi và thung lũng, có niên đại 12.000-8.000 năm cách ngày nay. 

Dấu tích thức ăn của con người để lại là lớp vỏ ốc dày hàng mét trong các hang động miền núi, vỏ sò điệp tạo thành cồn dài hàng chục mét ven biển, trong đó còn có mộ táng, công cụ đá mài, mảnh gốm, bếp và than tro lẫn xương thú, xương cá... 

Động vật thủy sinh là nguồn thức ăn đạm động vật phổ biến của những lớp cư dân cổ. Những nhóm cư dân miền núi và ven biển này là những cộng đồng cư dân sinh sống bằng nghề trồng trọt sơ khai và khai thác sản phẩm tự nhiên từ rừng núi, từ sông, từ biển. 

Phải chăng sự thật lịch sử này đã được huyền thoại hóa thành truyền thuyết khởi nguyên của người Việt “con rồng cháu tiên”, con cháu nửa lên núi, nửa xuống biển khai phá mở mang đất - nước?


Bếp gốm dùng trên ghe xuồng (đồ tùy táng tìm được trong mộ chum ở Cần Giờ, TP.HCM). Ngày nay cư dân Đông Nam Á vẫn dùng loại bếp này


Vào khoảng nửa sau thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, hoạt động giao thông đường biển đã phát triển ở Việt Nam, tạo điều kiện cho việc đi lại, tiếp xúc, trao đổi giữa các nhóm cư dân ven biển nước ta với khu vực hải đảo Đông Nam Á.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trên mặt trống đồng Đông Sơn có khắc hình chiếc thuyền lớn với hình người cùng những nghi lễ, đầy đủ lương thực, vũ khí... chính là hình dáng của những con thuyền của tổ tiên ta vươn ra khai thác sông biển từ rất sớm.

Ở phía Nam, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung và văn hóa Đồng Nai ở vùng cửa biển Cần Giờ đã để lại nhiều dấu ấn của những đoàn thương thuyền đến từ Ấn Độ, như đồ trang sức bằng ngọc, bằng thủy tinh, bằng vàng... Dấu tích thương mại Trung Hoa là những đồng tiền Ngũ Thù, gương đồng, bình gốm thời Hán tìm thấy khá nhiều ở một số di tích khảo cổ ven biển.

Quan hệ buôn bán với Ấn Độ và Trung Quốc diễn ra ở vùng ven biển từ rất sớm, khoảng 1-2 thế kỷ trước Công nguyên. Đặc biệt đồ gốm trong mộ táng chum vò của văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đồng Nai rất giống đồ gốm trong các di tích mộ táng ở Philippines, mà các nhà khảo cổ cho rằng đó là bằng chứng của sự trao đổi sản phẩm và kỹ thuật sản xuất giữa cư dân vùng ven biển và hải đảo.


Hiện vật gốm thương mại của Việt Nam trên tàu đắm tại Cù Lao Chàm


Một nền văn hóa biển cởi mở

Đến đầu Công nguyên, các vương quốc cổ Phù Nam, Champa ở phía Nam hình thành và phát triển thành những vương quốc giàu mạnh nhờ khai thác thủy hải sản, lâm sản, nông nghiệp và nhất là nhờ có hệ thống cảng thị ven biển để buôn bán và làm dịch vụ cho con đường thương mại trên biển nối liền lục địa Ấn Độ đến lục địa Trung Hoa.

Ở phía Bắc, từ đầu thế kỷ thứ 10, quốc gia Đại Việt giành được nền độc lập tự chủ. Các triều đại Lý - Trần bắt đầu mở cảng Vân Đồn tiếp nhận thương thuyền nước ngoài. Đến thời Lê, Dư địa chí của Nguyễn Trãi còn nhắc đến các cửa biển Càn Hải, Hội Thống (Nghệ An), Hồi Triều (Thanh Hóa)... Từ thế kỷ 17, chính quyền Chúa Nguyễn Đàng Trong tiếp tục phát triển Đại Chiêm hải khẩu thành cảng thị Fai Fô - Hội An, xây dựng cảng Bến Nghé mở đường ra biển cho vùng Gia Định - Đồng Nai.

Từ khoảng thế kỷ 8-12, 13 và sau đó, biển Đông của Việt Nam không chỉ là nơi trung chuyển mà còn tích cực tham gia con đường thương nghiệp biển. Con đường tơ lụa, con đường gốm sứ trên biển nhộn nhịp quanh năm. Ven biển Đông Nam Á, khảo cổ học đã khai quật được nhiều tàu đắm chở hàng hóa xuất xứ từ nhiều nước.

Thương nghiệp đường biển mang đến Đông Nam Á sự du nhập tôn giáo và ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, hình thành các đô thị thương nghiệp (cửa biển, bến cảng) - những đô thị phát triển nhanh mà lụi tàn cũng nhanh một khi mất chức năng cảng thị; phát triển dịch vụ thương nghiệp, nghề đóng và sửa chữa tàu. Các đô thị ven biển cũng hình thành tính chất đa văn hóa, pha trộn, giao lưu và cởi mở.


Bình gốm tứ giác ven biển Quảng Ninh (văn hóa Phùng Nguyên 4.000-3.000 năm cách ngày nay) khắc vạch hoa văn sóng nước - Ảnh tư liệu


Tất cả những điều trên cho thấy từ thời xa xưa những tộc người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay đã biết khai thác nguồn lợi từ biển, thông thạo buôn bán, trao đổi bằng đường biển, phát triển nghề đi biển và tiến ra khai thác các đảo và quần đảo. 

Đường bờ biển dài chính là một lợi thế của Việt Nam: đây là “mặt tiền” nhìn, hướng ra biển Đông, một vùng giàu tài nguyên và là đường giao thông quan trọng của khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Khai thác lòng biển, thềm lục địa không chỉ có tài nguyên thiên nhiên, mà còn có tài nguyên văn hóa chứa đựng nhiều giá trị. Đó là việc ngành khảo cổ học phát hiện và khai quật di tích tàu đắm trong vùng biển nước ta, những con tàu chở đồ gốm xuất khẩu của Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, mà nay những cổ vật gốm này có giá trị không chỉ về lịch sử - văn hóa mà còn về kinh tế.

Ta còn thấy những di sản văn hóa phi vật thể như lễ cầu ngư và nhiều lễ hội khác, những phong tục tập quán lối sống của cư dân vùng ven biển chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa Đông Nam Á ... Tất cả đều góp phần tạo nên lớp trầm tích quý giá của truyền thống văn hóa - lịch sử nước Việt Nam đa dạng và thống nhất.

Bởi vậy nói đến văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á không chỉ là “văn hóa, văn minh lúa nước” mà còn là văn hóa biển: thương nghiệp, cảng thị, giao lưu. 

Do những hoàn cảnh lịch sử, nhiều quốc gia Đông Nam Á phát triển nông nghiệp trồng lúa với tộc người chiếm đa số cư trú ở trung du, đồng bằng. Văn hóa nông nghiệp trồng trọt dần trở thành chủ đạo, “văn hóa biển” còn lưu lại dấu ấn trong nhiều yếu tố truyền thống.

Truyền thống văn hóa biển của khu vực Đông Nam Á cũng cần được coi là cơ sở dữ liệu để nghiên cứu vấn đề lịch sử và pháp lý liên quan biển Đông. 

Cái nhìn từ góc độ lịch sử có thể coi là một “sự nhắc nhớ” về việc khai thác nguồn lợi của biển Đông không chỉ trong lòng biển, dưới thềm lục địa mà còn ngay trên mặt biển. Sự có mặt của những đội thương thuyền cũng như tàu đánh bắt cá xa, gần bờ thể hiện một cách cụ thể chủ quyền của mình ở vùng biển này.

Nên không thể không “đứng trước biển” với tâm thức của người sống nhờ biển, sống vì biển như đã sống nhờ đất, vì đất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận