TTCT - Thả cá ra sông để tái tạo nguồn thủy sản trong thiên nhiên đang trở thành phong trào thu hút người dân ở một số tỉnh miền Tây. Có nơi họ còn đứng ra mua cả chục hầm cá rồi chụp lưới mang đi thả.

Phóng to
Thả cá giống ra sông Tiền tại thị xã Sa Đéc hồi giữa tháng 12-2011 - Ảnh: Thiện Thanh

“Alô, chị Năm Bo phải không. Mai đi Hồng Ngự (Đồng Tháp) hen, mình qua đó coi chọn được hầm nào thì kêu người ta chụp lưới bắt hết cá rồi mang đi thả luôn. Bảy giờ sáng mai mọi người tập trung, góp tiền rồi xuất hành luôn...”.

Dứt cuộc gọi này, bà Út Hồng, 56 tuổi, chủ tiệm bán thức ăn chay ở Trung tâm thương mại Tân Châu (An Giang), tiếp tục bấm máy cho những “mối ruột” khác. Nhận tin, “mối” của bà Hồng lại rủ thêm họ hàng, thân hữu xa gần. Cứ thế thông tin về chuyến đi tái tạo nguồn thủy sản trên sông rạch nhanh chóng lan truyền theo cấp số nhân.

Rủ nhau đóng góp “của ít lòng nhiều”

Tảng sáng hôm sau, mấy chục người đã có mặt tại điểm hẹn. Vẫn những gương mặt quen thuộc, phần lớn là dân lao động, hộ mua bán, tiểu thương ở trung tâm thương mại và trên địa bàn thị xã Tân Châu.

“Vợ chồng tôi góp 500.000 đồng hen anh chị Út” - bà Hai Mạnh, chủ cửa hàng bán ống nước, “mở hàng”. “Tui không có nhiều, cho góp 300.000 đồng” - anh Phước bán đậu nành tiếp lời. “Còn tui mấy bữa nay không ai kêu đi nấu đám, xin góp 200.000 đồng” - chị Đẹp, đầu bếp, vừa tới đã lên tiếng... Người nọ tiếp người kia, tùy theo hoàn cảnh, điều kiện mà đóng góp. Cả những người bận việc mưu sinh không tham gia được cũng nhờ người quen mang tiền tới góp vô.

Theo danh sách đóng góp được ghi lại, trước giờ lên đường đã có 76 người hùn, tổng số tiền hơn 20 triệu đồng. Đoàn người di chuyển xuống phà Tân Châu, qua ấp 1, xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự. Điểm đầu tiên đoàn ghé lại là nhà ông Huỳnh Văn Đực.

Sau khi thương lượng giá cả, một nhóm thanh niên được cử ra cùng với vài lao động ở địa phương nhanh chóng bủa lưới. Bắt được bao nhiêu cá bỏ ngay vào giỏ, dùng xe máy chuyển ra đổ vào chiếc ghe chứa đầy nước cho chúng “hồi sức” trước khi mang ra thả giữa sông Tiền.

Phóng to
Người dân Tân Châu, An Giang mua cả hầm cá rồi dùng ghe chở ra thả trên sông Tiền - Ảnh: Thiện Thanh

Từ sáng tới xế chiều, đoàn đã mua và thả ra sông chín hầm cá đủ loại, đủ cỡ, tổng trọng lượng 3.437kg. “Thưa bà con, tiền mua cá chuyến này 34.240.000 đồng, so với số tiền chúng ta đã góp thì hụt mất hơn 13 triệu đồng...” - Út Cứng, người giữ sổ sách, thông báo. Vậy là thêm một đợt đóng góp nhanh được phát động.

Chị Thủy bán quần áo, anh Cường thợ xây nhà, chị Năm bán mắm, chị Trang bán khô, cha con ông Út Cứng chủ hiệu áo cưới Liên Hằng, gia đình chủ cây xăng Lý Quỳ, cây xăng Văn Hối và nhiều cá nhân khác lại tiếp tục vốc túi, góp tiền trả nợ. Các chủ hầm Năm Phấn, Bảy Chứa, Sáu Ngọn, Chín Sau, Ba Tưởng, Tám Hòa... thấy mọi người hào hứng với việc thả cá ra sông cũng vui vẻ góp vô dăm bảy ký cá rô, cá lóc gọi là “của ít lòng nhiều”.

Đó là một trong chín lần thả cá ra sông do nhóm tiểu thương và người lao động ở thị xã Tân Châu thực hiện trong hơn một năm rưỡi qua, mà gần đây nhất là vào cuối tháng 11 năm ngoái. Khởi xướng phong trào này là vợ chồng bà Út Hồng ngụ khóm Long Thạnh B, phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu.

“Một lần tình cờ nghe người chị dâu kể chuyện bà con ở quê chị hay phóng sinh cá, tui chợt nghĩ nếu phát động thành phong trào coi như vừa làm việc thiện, vừa giúp cá sinh sôi đầy đồng, đầy sông thì hay biết mấy. Khi tôi nói chuyện này, chị em buôn bán trong chợ và bà con láng giềng đã nhiệt tình hưởng ứng ngay” - bà Út Hồng nhớ lại. Tính từ lần thả cá đầu tiên (18-5-2010) tới nay, cả nhóm đã tìm mua gần 50 hầm rồi tổ chức chụp lưới hoặc tát cạn, bắt tổng cộng khoảng 30 tấn cá các loại đem thả hết ra sông.

Ông Nhan Hồng Huýnh (82 tuổi), chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tân Châu, thành viên cao tuổi nhất trong ban tổ chức các đợt thả cá, cho biết thêm: “Ngoài mục đích phóng sinh, giúp cá sinh sôi, chúng tôi còn chú ý tìm mua những hầm cá người ta nuôi bằng cách bắc cầu vệ sinh. Bắt cá xong anh em lựa lời tác động vào tâm linh, khuyên họ dỡ luôn cầu vệ sinh nhằm tái tạo cảnh quan môi trường nông thôn. Mừng là mấy nơi chúng tôi có dịp quay lại đều thấy người ta không còn bắc cầu trên ao nữa”.

Phóng to
Bà Út Hồng với con cá lóc nặng hơn 4,5kg chuẩn bị thả ra sông Tiền tại huyện Hồng Ngự - Ảnh: Thiện Thanh

Từ phóng sinh chuyển thành tái sinh

“Thả cá phải song hành với dưỡng cá, tuyệt đối không dùng phương tiện đánh bắt mang tính hủy diệt như điện, ngư cụ có mắt lưới nhỏ”

Thật ra phong trào thả cá ra sông đã được người dân miền Tây thực hiện từ nhiều năm qua. Thoạt đầu, người ta thả vào những ngày rằm, dịp lễ hội với ý nghĩa phóng sinh, dần dà trở nên phổ biến hơn như một hoạt động tái sinh nguồn thủy sản.

Ông Ba Phong, chủ cơ sở sản xuất giống thủy sản cặp bên quốc lộ 91, thuộc ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú (An Giang), cho biết: “Trước đây vào cao điểm mùa lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam (từ tháng giêng đến tháng tư âm lịch), nhiều khách hành hương trên đường đi lễ đã dừng chân lại cơ sở của tôi để mua cá phóng sinh. Nay thì chuyện thả cá không còn tập trung trong mấy tháng đó nữa mà rải đều cả năm. Có bữa hai, ba chục người tới mua cá, bán không kịp luôn”.

Trong khi đó, tại ấp Long Thạnh 2, xã Long Hòa, huyện Phú Tân (An Giang) từ cách đây ba năm, ông Hai Chánh, một chủ cơ sở ương giống thuộc hàng lớn nhất vùng, đều đặn mỗi tháng thả ra sông Tiền cả chục ngàn con giống cá dứa, tra, ba sa...

“Hồi trước cá nhiều lắm, chịu khó cầm cần câu ra mé sông một chút thì gia đình nghèo cũng có được một bữa ăn ngon lành. Bây giờ nguồn thực phẩm thiên nhiên ấy sắp mất rồi, mình có điều kiện thì góp một tay tái sinh nguồn thủy sản cho dân nghèo có cái mưu sinh” - ông Hai Chánh lý giải việc làm thầm lặng của mình.

Không chỉ thả cá đại trà, một số địa phương cũng đã nhắm tới việc phục hồi các loài cá quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng như cá hô, cá chài, cá rô biển, cá tra dầu...

Ông Đặng Ngọc Lợi, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho hay trong ba năm trở lại đây, tỉnh này cùng với Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ và các tổ chức quốc tế đã thả hàng chục ngàn cá giống ra sông Tiền, sông Hậu. Lần gần đây nhất là vào ngày 11-12-2011, hơn 20.000 con cá hô, cá chài đã được thả.

Tại xã An Hiệp, huyện Ba Tri (Bến Tre), giữa tháng 12-2011, dưới sự tài trợ của Đại sứ quán Đức, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam phối hợp với Viện Sinh học nhiệt đới đã tổ chức thả 150.000 con cá giống các loại và 100.000 con tôm giống ra sông Hàm Luông.

“Đây là việc làm rất có ý nghĩa nhằm khôi phục nguồn cá, vì theo ghi nhận của cơ quan chuyên môn, trữ lượng thủy sản tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long đã giảm 40-60% so với thời điểm trước năm 1975” - ông Hoàng Việt, điều phối viên Chương trình bảo tồn các hệ sinh thái nước ngọt của WWF Việt Nam, cho hay.

Cùng suy nghĩ này, GS Nguyễn Hoàng Trí, tổng thư ký Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển, nhiều năm gắn bó với các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhận xét: “Thả cá giống ra sông rạch là một trong những biện pháp quan trọng để tái tạo nguồn cá tự nhiên đang ngày càng suy giảm. Việc làm này cần tiến hành thường xuyên nhằm thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là ngư dân. Thả cá phải song hành với dưỡng cá, tuyệt đối không dùng phương tiện đánh bắt mang tính hủy diệt như điện, ngư cụ có mắt lưới nhỏ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận