Bất ngờ ở Myanmar

HỮU NGHỊ 30/10/2011 17:10 GMT+7

TTCT - Ngày 30-9, Tổng thống Myanmar Thein Sein loan báo sẽ đình chỉ việc xây dựng đập Myitsone có công suất 6.000MW ở đầu nguồn sông Irrawaddy (1) vì dân chúng lo sợ môi trường sinh sống ở khu vực xây đập và hạ lưu con sông sẽ bị phá hủy.

Phóng to
Dự án đập thủy điện Myitsone dài 150m, cao 152m, có công suất 6.000MW - Ảnh: internationalrivers.org

Quan ngại trên xuất phát từ việc con đập dài 150m, cao 152m, tích nước trong một hồ chứa có diện tích 766km2 ở cao trình 290m, chỉ cách dải đứt gãy Sagaing không đầy 100km.

Tác động môi trường: hai bản đánh giá

Theo International Rivers Network, CPI đã không nghiêm chỉnh trong thực hiện dự án, từ an toàn thiết kế đến di dời hàng vạn dân địa phương vốn thuộc các dân tộc thiểu số phải rời xa vùng đất của họ

Từng là thiếu tá phục vụ lần lượt trong hai sư đoàn đóng quân ở khu vực Sagaing này cách đây hơn 20 năm, ông Thein Sein thừa hiểu một con đập tích nước cỡ đó trên một địa tầng đứt gãy như thế chính là một quả bom hẹn giờ đối với người dân tộc Kachin đang sinh sống ở đây, mà thủ phủ Myitkyina của họ chỉ cách con đập 29km (2).

Chủ đầu tư chính, Tập đoàn Đầu tư năng lượng Trung Quốc (China Power Investment Corporation, CPI) đã thuê một viện khảo sát, thiết kế của Trung Quốc, Viện CISPDR tiến hành đánh giá tác động môi trường với sự tham gia của Hiệp hội Đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên Myanmar (BANCA). Mới đây, BANCA đã “bật mí” phần đánh giá của mình cho các tổ chức môi trường, trong đó có phần mâu thuẫn với báo cáo của CISPDR vốn được công bố trên mạng.

BANCA khuyến cáo xây hai đập nhỏ thay vì một đập Myitsone khổng lồ, trong khi báo cáo của CISPDR quả quyết rằng tất cả đều tốt. CPI đã không đợi các báo cáo hoàn tất để bắt đầu tái định cư dân chúng và xây dựng ngay từ tháng 12-2009, tức ba tháng trước khi báo cáo của CISPDR được chuyển đến cho CPI và BANCA chưa công bố báo cáo của mình (3).

Bảy con đập trên một dòng sông

Dự án thủy điện Myitsone được khai sinh từ cuộc gặp giữa tướng Than Shwe, chủ tịch Hội đồng Hòa bình và phát triển (tức Nhà nước Myanmar), với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Jakarta nhân Hội nghị thượng đỉnh Á - Phi tháng 4-2005. Đến tháng 3-2009, một thỏa thuận được ký kết xác định việc cung cấp điện cho mạng lưới truyền tải điện miền nam Trung Quốc (tỉnh Vân Nam), từ sản lượng của một chuỗi bảy con đập trên dòng sông Irrawaddy.

Một khi đập Myitsone này hoàn thành vào năm 2019, tổng công suất của bảy con đập trên sông Irrawaddy sẽ lên đến 13.360 MW, Tổ chức International Rivers Network chuyên theo dõi “số phận” các dòng sông cho biết. Cả bảy con đập đó do CPI làm chủ đầu tư chính với số vốn lên đến 20 tỉ USD.

Theo International Rivers Network, CPI đã không nghiêm chỉnh trong thực hiện dự án, từ an toàn thiết kế đến di dời hàng vạn dân địa phương vốn thuộc các dân tộc thiểu số phải rời xa vùng đất của họ. Ngay cả việc sử dụng công nhân cũng gây thắc mắc: trên tổng số 4.819 công nhân viên, công nhân người Myanmar là 1.440, số còn lại đến từ Trung Quốc (trong tương lai sẽ đông đến 40.000 người).

Số công nhân Trung Quốc thuộc các nhà thầu phụ là Tập đoàn China Gezhouba Group Corporation, Tập đoàn China Power Investment Corporation Materials and Equipment Co Ltd, và các công ty xây lắp thủy điện Sinohydro số 4 và số 11 (4).

Năm 2009, Tập đoàn CPI cùng với một công ty tư nhân “lạ lùng” của Myanmar là Asia World Company (AWC) và Điện lực Myanmar liên doanh thành một công ty trách nhiệm hữu hạn mang tên Irrawaddy Myitsone-Myintnya-MyintWan Hydropower Company Limited. CPI là một trong năm nhà sản xuất năng lượng lớn nhất Trung Quốc hoạt động trong các lĩnh vực điện hạt nhân, nhiệt điện, thủy điện, điện than.

Trước đó, tập đoàn này đã thành lập Công ty đầu tư năng lượng Vân Nam (Yunnan Power Investment Co Ltd), gọi tắt là Vân Đầu, để thừa lệnh CPI triển khai hoạt động xây dựng và vận hành các đập trên sông Irrawaddy sau này.

Còn AWC là tài sản của một “đại gia” người Myanmar là Tun Myint Naing, có vợ người Singapore nên lấy thêm tên Stephen Law. Chủ tịch AWC không ai khác hơn là Lo Sit Han, cha của đại gia này và từng là trùm ma túy ở thập niên 1970 trước khi bị một trùm khác là “tướng quân” Khun Sa hất chân.

Gia đình Stephen Law rất thân với gia đình Phó tổng thống Tin Aung Myint Oo nên công ty này không chỉ tham gia dự án thủy điện Myitsone mà cả dự án thủy điện Tasang, một dự án đường ống dẫn dầu và khí đốt, một dự án ở Kyaukpyu, tất cả đều liên doanh với các công ty của Trung Quốc (5).

Dự án thủy điện Myitsone một khi hoạt động sẽ dành 90% sản lượng điện để cung cấp cho Trung Quốc. Theo CPI, phía Nhà nước Myanmar được 10% sản lượng điện còn lại và được 20% lợi nhuận, ước tính khoảng 500 triệu USD/năm; 70% lợi nhuận còn lại, khoảng 1,75 tỉ USD/năm, chia cho Tập đoàn CPI vốn đã bỏ vốn đến 3,6 tỉ USD (tính ra chỉ hai năm đã thu hồi vốn).

CPI hào phóng tính ra rằng trong 50 năm đầu khai thác chuỗi bảy con đập trên sông Irrawaddy này, Chính phủ Myanmar sẽ được CPI chia cho 54 tỉ USD. Vấn đề ở chỗ 10% lợi nhuận còn lại, theo CPI, được chia cho các “trung gian”.

Làm bạn với mọi nước

Phó tổng thống Tin Aung Myint Oo, từng giữ chức bí thư thứ nhất Hội đồng hòa bình và phát triển của chế độ quân sự trước khi trở thành một trong hai đồng phó ổng thống vào tháng 3 năm nay, được xem thuộc nhóm ủng hộ dự án thủy điện (6), trong khi Tổng thống Thein Sein không ủng hộ.

Ngay trước khi ông Thein Sein sang thăm Ấn Độ và hội kiến Thủ tướng Manmohan Singh hôm 14-10, cố vấn của tổng thống, tiến sĩ Nay Zin Latt tuyên bố: “Myanmar hay bất cứ nước nào khác đều không nên quá dựa vào quan hệ với chỉ một nước, phải làm bạn với mọi nước”. Trước đó, tổng thống Myanmar đã ra lệnh thả 200 tù nhân chính trị đầu tiên.

Không rõ những “bất ngờ” này sẽ “thọ” được bao lâu khi trong số 23 tướng tá giải ngũ năm ngoái, không phải ai cũng có tinh thần cải cách như ông Thein Sein.

__________

(1) Burmese President Halts Myitsone Dam Project, The IRRAWADDY, Friday, September 30, 2011
(2), (3), (4) Dam, Lies and Statistics, The IRRAWADDY, Wednesday, October 5, 2011
(5)
www.irrawaddy.org/article.php?art_id=21748
(6) Irrawaddy dam test for Myanmar resolve, ASIA TIMES Sep 22, 2011

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận