Đừng để người bệnh mắc thêm bệnh tâm thần

NGỌC ANH (THỦ ĐỨC) 28/10/2011 18:10 GMT+7

TTCT - LTS: Tham gia loạt bài “Câu hỏi của một bác sĩ”, bác sĩ Đỗ Minh Tuấn đã tự “nội soi” lời ăn tiếng nói của một bộ phận thầy thuốc với bệnh nhân.

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

1. Về chuyên môn, bệnh nhân khó lòng “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, còn ăn nói ai cũng có thể nhận ra thầy thuốc đối xử với mình thế nào. Không quá đáng nếu gói gọn cách cư xử đó trong hai chữ “bề trên”. Tại sao, cái gì khiến một số thầy thuốc mắc bệnh xa dân, xa những người... nuôi sống họ? Thật trái khoáy khi người phục vụ lại quát “thượng đế”.

Không khó tìm câu trả lời: đặc thù nghề y liên quan đến sức khỏe, tính mạng khiến người hành nghề cứu người mặc nhiên ở “thế thượng”, còn người được cứu tự nhiên rơi vào “thế hạ”, thậm chí “thế kẹt” của kẻ có bệnh vái tứ phương. Hoàn toàn khác ông sửa xe, cho vàng không dám mắng khách vá xe đem nồi cơm đến cho mình.

Nhiều vị bác sĩ “quan cách” còn cho rằng vì mình giỏi. Bệnh nhân đến với ông ta mau khỏi bệnh, tính mạng bảo toàn thì chút... nạt nộ là cái giá chẳng là bao. Thử đến bác sĩ khác thân thiện, cười toét nhưng bệnh chữa hoài không khỏi cũng bằng không!

Ông ấy là ai?

Cách đây 20 năm, tôi đưa con đi Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị bệnh viêm màng não, cạnh tôi là một phụ nữ quê mùa cùng cảnh ngộ nhưng tình trạng con chị nghiêm trọng hơn. Bác sĩ điều trị của khoa có nhiều người nhưng ai cũng mong thấy “ông bác sĩ to cao, tay đầy lông” vì ông rất mát tay và hay bông đùa với mấy đứa nhỏ.

Chị nhà quê kể tôi nghe một chuyện, khi đưa toa cho chị mua thuốc trong quầy thuốc bệnh viện, ông nhắc đi nhắc lại một loại thuốc đã được hạ giá để chị không mua hớ. Sau đó ông còn kiểm tra xem có đúng chị đã mua thuốc với giá ông đã nói không. Vốn tính chân chất, chị kể tôi nghe chuyện đó hoài với thái độ vô cùng biết ơn và luôn hỏi rằng: “Ổng là ai mà tốt quá vậy, ổng phải là ông bụt, ông tiên mới đúng!”.

Thầy thuốc ai cũng thấm nhuần câu “sai nửa miligam cũng có thể chết người” nhưng với cả tràng quát vào tai bệnh nhân thì không lo bởi chẳng ai tử vong vì bị mắng cả. Khập khiễng nhưng lấy ví dụ... “bún mắng cháo chửi” ở Hà Nội. Lắm người cam lòng nghe thét lác để được thưởng thức món ngon. Với miếng ngon đã thế thì dễ hiểu tính mạng đủ sức nặng buộc người ta dằn lòng thế nào.

Cách đánh giá tay nghề bác sĩ của bệnh nhân cũng góp phần làm bệnh khó tính của nhiều thầy thuốc phát tác. Chẳng hạn, luật bất thành văn: “kẻ ăn to nói lớn thường làm to hoặc tiền nhiều, còn bác sĩ lớn tiếng thường là... bác sĩ giỏi (!)”. Không phải không có những bác sĩ cố tạo thần thái “người quan trọng” trước bệnh nhân vì cái lợi mà nó mang lại.

Chúng ta thường nghĩ bác sĩ sừng sộ do quá tải, nhưng thực tế ở cả những bệnh viện nhàn nhã không khó tìm thấy mấy vị luôn cau có. Thậm chí những thành viên khác từ y tá, hộ lý, lao công, bảo vệ cũng bị “phơi nhiễm” bệnh quát người. Ai từng khám bệnh, nằm viện, nuôi bệnh, đi thăm bệnh hẳn ít nhiều nếm trải kỷ niệm khó quên. Lỡ xớ rớ gần chỗ bà lao công lau sàn coi chừng ăn mắng như chơi. Nhiều bệnh nhân đúc kết hành trình khám chữa bệnh bằng câu Kiều mủi lòng: “Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu”.

2. Người ta nói nhiều việc dạy y đức chính khóa trong trường y, nhắn nhủ thầy thuốc xem y đức là môn học cả đời. Nhưng theo thiển ý, ai đó quyết định bước vào trường y, tự nguyện nhận chức trách cứu người một cách thật lòng thì xem như đã sẵn hồn phách y đức trong tim óc rồi, học hành sau đó chỉ là việc tiếp thu kỹ năng, kỹ thuật.

Chẳng có giáo án nào dạy “thương người như thể thương thân” được nếu anh ta bẩm sinh không có sở nguyện đó. Không vơ đũa cả nắm, nhưng hẳn không ít thí sinh thi vào trường thuốc hằng năm chỉ vì sức hút nghề nghiệp sáng giá, vì cuộc đầu tư đảm bảo. Nhiều tân sinh viên ngồi chưa nóng ghế giảng đường đã sắp sẵn hướng đi: “dùi mài kinh sử sáu năm, ra trường bằng ưu, xin vào bệnh viện lớn, sắm cái ống nghe và bắt đầu... kiếm tiền”.

3. Thầy thuốc không phải robot mặc blouse. Ai cũng có lúc điên đầu, có lúc không kìm được tức giận, có lúc ngôn xuất mất kiểm soát, nhưng nếu những “có lúc” ấy quá thường xuyên, trở thành hệ thống, không liên quan đến bận bịu, căng thẳng, và tệ hơn sau đó người phát ngôn chẳng còn thấy áy náy thì hẳn phải xem lại mình.

Thật ra, đôi khi thầy thuốc hành xử không phải với bệnh nhân không do chủ đích. Nhiều vị trời sinh không khéo lời ăn tiếng nói, gặp lúc quá tải, bực mình rất dễ làm mất lòng. Nhiều vị kiệm lời vì nghĩ có giải thích bệnh nhân cũng... chẳng hiểu nên tốt nhất nói gì nghe nấy, nhận toa, mua thuốc, tái khám và xong phận sự người bệnh.

Hiển nhiên, cuộc “tiểu phẫu” này không thể lý giải được toàn bộ vấn đề và xin lưu ý chúng không nhằm vào những người cố tình làm khó để nhũng nhiễu (ý đồ được đáp ứng, họ lập tức... hiền như ma xơ ngay) bởi bệnh của họ đã thuộc hàng “thầy chạy, bác sĩ chê”!

Nhiều bệnh nhân dù khỏi bệnh nhưng ra khỏi cổng bệnh viện lại mắc thêm tâm bệnh vì thái độ của thầy thuốc. Thương người trước - cứu người sau, lắm khi làm tốt vế trước, bệnh mười đã thuyên giảm tám, chín.

Thời đó...

Bệnh của mẹ tôi khá kỳ quặc. Ăn gì cũng nôn. Nôn cả mật xanh mật vàng. Khi trong bụng không còn gì thì nôn khan. Nhìn những lúc mẹ ôm bụng cong người nôn, lòng tôi quặn lên đau đớn. Đã có lúc mẹ tôi bi quan. Cha chết từ khi tôi mới mấy tháng tuổi, nay chỉ còn mẹ. Và tôi cũng đã nghĩ đến... việc phải cam sống cảnh mồ côi.

Mãi đến lần thứ sáu đi viện người ta mới tìm ra căn nguyên bệnh của mẹ tôi. Buổi chiều đó, một bác sĩ mời tôi lên phòng gặp ông. “Tôi chắc anh sẽ hiểu những điều tôi giải thích - ông bác sĩ nói - Bà cụ bị hẹp môn vị do hậu quả của bệnh đau dạ dày lâu năm”.

Vừa nói, ông vừa vẽ ra giấy hình cái dạ dày và vị trí môn vị - vì hẹp môn vị nên thức ăn và dịch dạ dày trào ngược, gây hiện tượng nôn. “Chúng tôi sẽ mổ, cắt đi hai phần ba dạ dày, nối từ chỗ này lên chỗ này. Bệnh bà sẽ hết. Ca mổ dự kiến vào sáng mai” - ông giải thích có vẻ cặn kẽ nhưng tôi cũng chỉ hiểu sơ sơ. Sau khi ký vào giấy cam kết, tôi nói khẽ: “Ngày mai là ngày bế giảng của chúng cháu. Nếu mổ...”.

Dường như hiểu nỗi băn khoăn của tôi, ông bác sĩ nói: ”Chúng tôi mổ cơ mà. Có phải anh mổ đâu? Anh cứ đi dự tổng kết như bình thường. Xong việc về luôn đây”. Đây là lễ tổng kết năm học cuối cùng đời học sinh phổ thông của tôi. Ngoài ra tôi là một trong bốn học sinh toàn diện của cả khối nên trong lòng háo hức chờ đón thời điểm lên nhận phần thưởng. Tôi không muốn bỏ buổi tổng kết này.

***

Sáng hôm sau, tôi cùng nhân viên bệnh viện đưa mẹ lên phòng mổ, rồi đến trường. Tổng kết xong, tôi vội vàng quay trở lại bệnh viện. Ca mổ đã xong. Quanh giường mẹ tôi rất đông người. Thấy tôi, các cô chú bác sĩ giãn ra nhường lối. Mẹ tôi vẫn còn hôn mê.

Ông bác sĩ giao việc cho tôi ngay: ”Mọi thứ ổn rồi. Bây giờ anh ngồi đây trông cụ, 15 phút một lần dùng xơ ranh rút máu trong dạ dày ra (mẹ tôi có một ống thông đặt qua đường mũi xuống dạ dày). Bao giờ thấy máu màu đen thì không phải rút nữa. Không có đồng hồ hả? Tôi cho mượn chiếc đồng hồ này mà theo dõi".

Nói rồi ông tháo chiếc đồng hồ trên tay đưa cho tôi. Tôi nhận việc một cách cẩn trọng và siêng năng. Chừng hơn 3g chiều thì mẹ tôi lơ mơ tỉnh. Tôi trút được nỗi hoảng sợ, nỗi âm thầm lo mất mẹ.

***

Một tuần sau mẹ tôi được xuất viện. Và chừng gần tháng sau tôi nhập ngũ. Rồi chiến tranh nổ ra ngày càng ác liệt. Tôi được cử đi hết chiến trường này đến chiến trường khác. Kết thúc chiến tranh, tôi trở về gặp lại mẹ. May thay sau lần mổ năm đó mẹ tôi khỏe hẳn, không còn đau ốm nữa.

Nhớ lại chuyện mổ của mẹ tôi, tôi càng thấy gia đình mình đã quá may mắn khi gặp được kíp mổ vô cùng trách nhiệm và hết lòng nhiệt tình. Mổ cho mẹ tôi mà không hề hạch sách, đòi hỏi hoặc gợi ý chút gì về chuyện bồi dưỡng, thù lao.

Thời đó, người của ngành y chưa có “lệ” trông chờ tiền bồi dưỡng mới nhiệt tình ra tay cứu giúp người bệnh. Thời đó, người nhà bệnh nhân cũng chưa có “tục” lo phong bao đút lót y bác sĩ để được nhận lại sự ân cần chăm sóc. Thời đó đất nước và nhân dân ta còn vô vàn khó khăn và rất nhiều thiếu thốn.

Nhớ lại chuyện này là để nhớ về một thời ngành y tế chúng ta từng có rất nhiều gương mẫn cán, trách nhiệm, nhiệt tình và vô tư, trong sáng với nghề, với người bệnh. Thời đó... tôi vẫn nhớ như in.

Kíp mổ cho mẹ tôi diễn ra từ khoảng 8g sáng ngày 31-5-1963 tại Bệnh viện Dân y tỉnh Ninh Bình. Ai đó trong kíp mổ cho mẹ tôi năm ấy nếu còn sống, xin thông qua báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần tin cho tôi biết. Tôi sẽ rất vui nếu có được cuộc gặp gỡ này.

__________

Tin bài liên quan:

Câu hỏi của một bác sĩ
Chuyện y đức nhìn từ những viên thuốc bị lột vỏ
Sự cố "Y2K" của tôi
Năm nay tôi dạy thêm
“Hệ miễn dịch” đang mỗi ngày một yếu

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận