"Dạy ít - Học nhiều" và "Thực học - Thực nghiệp"

TIẾN SĨ GIÁP VĂN DƯƠNG 23/10/2011 02:10 GMT+7

TTCT - Dự thảo chiến lược cải cách giáo dục của Việt Nam được công bố từ năm 2008, nay vẫn trong quá trình “thảo luận, lấy ý kiến hoàn thiện”. Cũng trong thời gian ấy, những láng giềng như Singapore và Malaysia đã và đang khởi động các chương trình cải cách giáo dục lớn.

Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia, có chung mục tiêu đưa nguồn nhân lực trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước. Có nơi bắt đầu bằng một chiến lược cải cách giáo dục đầy tham vọng, có nơi trợ lực cho những ý tưởng khởi nghiệp mạo hiểm, lại có nơi chăm chút giải quyết cả những vấn đề nhỏ nhất như công ăn việc làm của một công nhân. Ứng xử với con người - nguồn nhân lực, bao giờ cũng vậy, thành công hay không đều khởi đi từ những hành động thực tế...

“Giáo dục đại học đang lạc đường”
Đổi mới giáo dục nên gắn với yêu cầu thực tế

Phóng to

Malaysia hi vọng cải cách giáo dục sẽ giúp họ hiện thực hóa giấc mơ phát triển đất nước. Trong ảnh: học sinh tiểu học Malaysia trong giờ học ngoài trời ở công viên chim Kuala Lumpur - Ảnh: Cẩm Phan

Trong cuộc chạy đua phát triển, nhiều nước đã coi cải cách giáo dục nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như chìa khóa để vượt lên. Ở khu vực Đông Nam Á, ngoài Singapore là nước đã phát triển nhưng vẫn nỗ lực cải cách giáo dục để tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu, đáng chú ý là Malaysia bắt đầu từ cuối tháng 8-2011 đã chính thức khởi động chương trình cải cách giáo dục đầy tham vọng.

Singapore: Tài nguyên duy nhất là con người

Ngay từ những ngày đầu lập nước, năm 1965 các nhà lãnh đạo của Singapore luôn tâm niệm: tài nguyên duy nhất của đảo quốc này là con người và duy nhất con người. Thực tế Singapore là quốc gia phi tự nhiên nhất thế giới vì đất nước này không có bất cứ nguồn tài nguyên nào, kể cả thứ tối thiểu nhất là nước ngọt. Tất cả đều phải mua và lúc nào cũng ở trong tình trạng lo sợ: muốn mua nhưng người ta không bán!

Chính vì thế phát triển nguồn lực thông qua giáo dục được coi là chìa khóa duy nhất để Singapore phát triển. Từ một nước nghèo khi mới lập quốc, Singapore đã vượt lên sau bốn thập niên, trở thành một trong những nước có thu nhập bình quân tính theo đầu người cao nhất thế giới (43.867 USD/người năm 2010).

Kinh nghiệm này đã được ông Lý Quang Diệu, nguyên thủ tướng Singapore, chia sẻ nhân chuyến thăm Việt Nam năm 2007: Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế. Ông thẳng thắn nhận xét: Chất lượng nguồn nhân lực chính là “nút cổ chai” phát triển mà Việt Nam phải đương đầu.

Nhận định này tiếp tục được những người kế nhiệm ông chia sẻ, chẳng hạn trong một bài phát biểu gần đây, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng: Giáo dục là nền tảng duy nhất để thịnh vượng và phát triển bền vững. Ưu tiên chính của mọi quốc gia phải là cải thiện hệ thống giáo dục.

Do đặc điểm riêng về chủng tộc và tôn giáo phức tạp, việc cải cách giáo dục ở Singapore không hề dễ dàng. Cái khó đầu tiên mà hầu hết quốc gia không gặp phải nhưng với Singapore lại là vấn đề đau đầu là chuyện ngôn ngữ. Singapore có ba sắc dân chính, nói ba thứ tiếng khác nhau là tiếng Trung (người gốc Hoa), tiếng Malay (người gốc Malay) và tiếng Tamil (người gốc Ấn). Để tạo ra sự gắn kết cộng đồng, Singapore đã phải chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức để giảng dạy và làm việc.

Theo ông Lý Quang Diệu, đó là chính sách khó khăn nhất mà chính phủ ông từng áp dụng. Nhưng không vì thế mà Singapore nản chí trong việc cải thiện hệ thống giáo dục của mình. Vì lúc nào họ cũng tâm niệm rằng tài nguyên duy nhất họ có là con người, nên không còn cách nào khác phải phát triển giáo dục.

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, có ba mốc đáng nhớ đánh dấu nỗ lực cải cách giáo dục của Singapore. Mốc thứ nhất là vào khoảng giữa những năm 1980, sự chững lại của kinh tế Singapore trong năm 1985-1986 và bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đã thúc giục Singapore cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục theo hướng thị trường hóa để tăng khả năng sáng tạo của cả người học lẫn nhà trường. Điều này đã dẫn đến xu hướng mềm dẻo, tăng tự chủ và tăng tính cạnh tranh giữa các trường, điển hình là sự ra đời của một số trường phổ thông độc lập hoàn toàn với Bộ Giáo dục vào năm 1988 và các trường tự trị năm 1994.

Mốc đáng nhớ thứ hai là “Kế hoạch tổng thể về ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục” được đưa vào triển khai từ năm 1997, nhắm tới việc dùng công nghệ thông tin để cải cách phương pháp và nội dung giảng dạy nhằm tăng cường tính sáng tạo của học sinh.

Cũng năm này, thủ tướng Goh Chok Tong tiến hành cải cách giáo dục với triết lý mới: “Trường học tư duy, đất nước học tập”. Trong đó, “trường học tư duy” nhắm đến việc phát triển khả năng tư duy sáng tạo cho học sinh, còn “đất nước học tập” hướng đến việc tạo ra một xã hội học tập và coi học tập là một đặc trưng văn hóa quốc gia, ở đó sự sáng tạo và tinh thần đổi mới được cổ vũ và lan rộng trong mọi tầng bậc của xã hội.

Mốc đáng nhớ thứ ba là năm 2004, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi thực hiện giảm tải để tăng tính sáng tạo cho học sinh. Chủ trương này đã được gói gọn trong một khẩu hiệu dễ nhớ: “Dạy ít - học nhiều”. Điều này đã tạo ra một bước chuyển lớn trong hệ thống giáo dục: chú trọng chất hơn lượng, giảm nhồi nhét kiến thức để học sinh được sáng tạo, dành những khoảng trắng trong khung chương trình để nhà trường có thể đưa chương trình riêng của mình vào.

Chiến lược “Dạy ít - học nhiều” này đã “chạm được vào trái tim, cuốn hút được trí não của người học” và vươn đến những điều cốt yếu của giáo dục nói chung: “Tại sao dạy, dạy cái gì và dạy như thế nào?”. Nội dung và phương pháp giảng dạy đã thay đổi đáng kể. Thay vì học thuộc lòng, học sinh được khuyến khích và buộc tham gia các dự án nhỏ như thiết kế đồ chơi, học theo nhóm... để áp dụng kiến thức học được, rèn luyện tính độc lập, cải thiện kỹ năng giao tiếp và tăng khả năng hợp tác trong công việc.

Theo ông Lý Hiển Long, chìa khóa để tạo ra mọi thay đổi trong hệ thống giáo dục nằm ở một chi tiết mang tính kỹ thuật: Cải tiến quản trị giáo dục và tạo cơ hội thăng tiến cho giáo viên!

Malaysia: Giáo dục để hiện thực hóa giấc mơ phát triển

Cuối tháng 8-2011, Malaysia đã khởi động một chương trình cải cách giáo dục đầy tham vọng, mục tiêu là cùng với chương trình cải cách kinh tế giúp Malaysia trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2020. Quốc gia này đã đạt mức thu nhập bình quân 8.423 USD/người/năm (theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới năm 2010, nước có mức thu nhập cao nếu thu nhập bình quân tính theo đầu người đạt mức 12.276 USD/năm trở lên).

Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh cải cách kinh tế với “Mô hình kinh tế mới”, Malaysia đã xúc tiến cải cách giáo dục nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ đáp ứng được đòi hỏi của trình độ phát triển mới mà còn dẫn dắt sự phát triển đó để hướng đến việc đạt mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 15.000 USD/người/năm vào năm 2020, với lập luận: Không có vốn con người, không có nguồn nhân lực lành nghề và giỏi tiếng Anh thì không thể tạo ra bất cứ dịch chuyển nào trong kinh tế.

Cũng như Singapore, Malaysia có ba nhóm chủng tộc lớn là người Malay, người Ấn và người Hoa, nói ba thứ tiếng và theo ba tôn giáo khác nhau. Chính vì thế, chương trình giáo dục của Malaysia cho phép giảng dạy bằng cả ba thứ tiếng Malay, Hoa, Tamil ở bậc tiểu học. Ba chủng tộc này đều muốn có chính sách giáo dục có lợi nhất cho chủng tộc và tôn giáo của mình, nên việc tiến hành cải cách giáo dục luôn gặp khó khăn rất lớn.

Chẳng hạn năm 2003, chính phủ đã đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ dạy các môn toán và khoa học nhưng gặp phải sự chống đối của các nhóm giáo dục người Malay và người Hoa, nên đến năm 2010 đành phải trở lại việc dạy các môn này bằng tiếng Malay.

Nhưng do nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, Chính phủ Malaysia đã xúc tiến cải cách giáo dục với sứ mệnh “Phát triển hệ thống giáo dục đẳng cấp thế giới nhằm phát huy tối đa tiềm năng của cá nhân và hiện thực hóa giấc mơ phát triển của đất nước”, vì nhận thấy “giáo dục đang lạc hậu hơn so với các lĩnh vực khác”.

Điều này được thể hiện rõ nét qua các cải cách theo hướng “Thực học - thực nghiệp”, trong đó chú trọng các môn toán, tiếng Anh và khoa học, cải tiến phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục để nâng cao chất lượng, phát triển hệ thống trường cao đẳng - dạy nghề, thu hút sinh viên và giảng viên quốc tế đến giảng dạy và học ở bậc đại học...

Năm 1996, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, nhưng đến nay đã đi được hai phần ba chặng đường mà đích đến còn quá xa vời. Trong hoàn cảnh đó, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã nhiều lần khuyến cáo mạnh mẽ: Việt Nam phải cải cách giáo dục để phát triển, thất bại trong giáo dục là thất bại toàn diện, tuyệt đối...

Thực tế cho thấy những cải cách giáo dục của Việt Nam đều ở tình trạng manh mún, đối phó. Liệu có ai nhìn sang sự đẩy mạnh cải cách giáo dục của những người hàng xóm, dù đã đi trước ta rất nhiều nhưng vẫn không ngừng nỗ lực cải tiến để phát triển, với những kế hoạch vừa tổng thể vừa thiết thực như “Dạy ít - học nhiều” của Singapore và “Thực học - thực nghiệp” của Malaysia mà lo lắng, giật mình?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận