Giải mã thế giới tâm thức

TTCT - Nhờ sự phát triển bền bỉ của khoa học, nhiều sự kiện kỳ bí từng gây chấn động đã được nhìn nhận như các hiện tượng tự nhiên.

Nhưng những trải nghiệm cá nhân như giấc mơ hay tình trạng thoát xác vẫn còn khiến nhiều người tin vào một thế giới tâm thức linh thiêng nằm ngoài kiểm soát của con người. Những thành quả mới của ngành thần kinh học đã “tấn công” vào niềm tin đó như thế nào?


Hình ảnh của giấc mơ

Với các nhà nghiên cứu thần kinh, giấc mơ là một thử thách khoa học lớn. Nhờ công nghệ chụp ảnh não tân tiến fMRI, chuyên ngành nghiên cứu giấc mơ đã xác định được não bộ hoạt động 24/24 giờ, và giấc mơ là kết quả của những xung động thần kinh nhằm phản ứng lại những ký ức lưu trong não bộ khi con người còn tỉnh thức. 

Theo giáo sư thần kinh học Rosalind Cartwright thuộc Đại học Rush tại Chicago, “suy nghĩ của con người không bao giờ ngắt mạch (khi ngủ), chúng chỉ bước vào một trạng thái khác mà thôi”.

Những nghiên cứu dài hơi về nội dung giấc mơ cho thấy phần lớn các giấc mơ mô phỏng các tình huống từng xảy ra trong đời thực, thỉnh thoảng mới trộn thêm một vài thành tố ly kỳ. 

Giáo sư William Domhoff - thuộc khoa tâm lý học Đại học Santa Cruz tại California, nơi lưu trữ một ngân hàng dữ liệu gồm 25.000 hồ sơ về giấc mơ (www.dreambank.net) - khẳng định giấc mơ là cách con người mô tả lại cuộc sống hằng ngày một cách kịch tính hóa. 

Giấc mơ về quỷ dữ của một em bé 9-10 tuổi, chẳng hạn, là phản ứng trong lúc ngủ của tư duy đối với một cá nhân đáng sợ nào đó mà em từng gặp trong cuộc sống hằng ngày. 

Tuy nhiên, đối với một số nhà nghiên cứu giấc mơ khác, kịch tính hóa những sự kiện đời thường không phải là thuộc tính duy nhất của giấc mơ. Nhánh nghiên cứu trạng thái “tư duy trong mơ” cho rằng đo não không giúp con người hiểu được ngọn ngành sự vận hành của giấc mơ. 

“Mơ là suy nghĩ trong một trạng thái hóa sinh học khác - giáo sư Deirdre Barrett thuộc ngành tâm lý học tại Đại học Harvard nhận định - Những thành tố (làm nên giấc mơ) cũng phức tạp (hay tẻ nhạt) như những suy nghĩ lúc tỉnh táo, trong đó ngôn ngữ và logic đóng vai trò thứ yếu”. 

Theo các nhà nghiên cứu cùng lý thuyết này, đây là lý do làm các ý tưởng, cảm hứng hay phát minh được định hình trong giấc mơ. 

Những kết quả đo não dựa trên công nghệ fMRI gần đây cho thấy thật sự có cơ sở để hậu thuẫn cho lý thuyết “tư duy trong mơ”, đồng thời tiết lộ một chi tiết thú vị khác: ở trạng thái ngủ mắt chuyển động (REM, là trạng thái ngủ khi các nơron thần kinh hoạt động gần giống lúc thức nhất, cũng là trạng thái mơ trong khi ngủ), các vùng não hỗ trợ cho cảm xúc và hình ảnh vẫn vận hành, còn vùng não phụ trách việc sắp xếp các suy nghĩ một cách thận trọng lại rơi vào trạng thái nghỉ. 

Theo giáo sư Robert Stickgold - ngành thần kinh học tại Đại học Harvard: “Đó chính là trạng thái giúp sự sáng tạo được tăng cường - nói cho cùng, sáng tạo chỉ là quá trình sắp xếp các suy nghĩ theo một cách mới mẻ không đi vào lối mòn mà thôi”. 

Đây cũng là trạng thái tối ưu, theo các nhà khoa học thần kinh, cho việc tiếp thu thông tin mới: một thí nghiệm gần đây do giáo sư Stickgold tiến hành cho thấy khi bị đánh thức trong trạng thái REM, con người giải các câu đố nhanh hơn khi bị đánh thức trong lúc ngủ không mơ.

Nhạc sĩ Paul McCartney của nhóm Beatles lừng danh là một minh chứng điển hình của tư duy trong mơ: ông từng sáng tác nhạc phẩm Yesterday (Ngày hôm qua) trong một đêm mơ tháng 5-1965. Ông kể: “Tôi mở mắt ra với một khúc nhạc đáng yêu trong đầu, nghĩ bụng hay nhỉ, cái (khúc nhạc) này ở đâu ra vậy?”. McCartney vùng dậy, mở đàn piano, chơi lại khúc nhạc đang ngân nga trong đầu và phát triển thành một trong những bản nhạc được ưa chuộng nhất của thế kỷ 20. Dù vậy, ông từng thú nhận sự ngần ngại của mình: “Vì tôi đã mơ thấy khúc nhạc này, tôi không dám tin rằng chính mình đã viết ra nó!”.

Cơ chế của thoát xác

Là người đứng đầu Bệnh viện Đại học Zurich ở Thụy Sĩ, tiến sĩ Peter Brugger từng phỏng vấn hàng chục người sống và đọc tài liệu chất chồng hàng thế kỷ về trạng thái hồn lìa khỏi xác. Tất cả những người được phỏng vấn và lưu hồ sơ đều mô tả như nhau, ông nói: “Họ mất cảm giác về cơ thể của mình, cảm thấy mình như một luồng hơi bốc lên từ một cái chai, và thay vì rơi xuống đất thì lơ lửng trên trần nhà”. 

Trạng thái thoát xác này, suốt hàng trăm năm qua, là một trong những điều kỳ bí được các tín ngưỡng ghi nhận như một hiện tượng nối liền người trần với đấng vạn năng. 

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Brugger, sự thật đơn giản hơn rất nhiều: trạng thái thoát xác xảy ra khi bộ não mất khả năng tổng hợp ba loại cảm giác chủ đạo giúp con người làm chủ được cơ thể của chính mình - sờ thấy, nhìn thấy và cảm giác về tứ chi. 

Suốt thập niên vừa qua, Brugger và các nhà khoa học đồng hành đã sử dụng các công nghệ đọc não hiện đại nhất, kết hợp với việc cấy điện cực và phỏng vấn tâm lý những người tham gia thí nghiệm, để đưa ra lời giải về hoạt động của bộ não con người trong trạng thái thoát xác.

Một trong những kết quả nghiên cứu gần đây của nhà thần kinh học Thụy Sĩ Olaf Blanke, đăng trên tạp chí Khoa Học năm 2007, cho biết sự “chập mạch” của các dây thần kinh chịu trách nhiệm cung cấp thông tin về cảm giác là lý do con người mất khả năng cảm nhận cơ thể của mình. (Một trong những trục trặc ở cấp độ thấp của tình trạng chập mạch này là tình trạng say xe - trong khi mắt truyền tín hiệu cho não là cơ thể đang di chuyển theo chiều xe chạy, hệ thống tai trong lại truyền tín hiệu là cơ thể đang đứng yên một chỗ). 

Báo cáo của Blanke cho biết trong một thí nghiệm năm 2000, ông kích hoạt điện tại một vùng mang tên angular gyrus - vùng não chịu trách nhiệm nối kết thông tin hình ảnh và khả năng định vị cơ thể - trong não của một bệnh nhân bị động kinh. Bệnh nhân này ngay lập tức thông báo cảm giác thấy mình đang bay trên trần nhà nhìn xuống cơ thể nằm dưới đất. Khi ngắt điện kích hoạt, bệnh nhân trở lại trạng thái bình thường.

Trong một thí nghiệm khác, các nhà khoa học cho người tham gia thí nghiệm mang một loại kính đặc biệt giúp họ nhìn thấy hình ảnh của bản thân ngay trước mặt. Khi bị chạm vào lưng, những người mang kính “nhìn thấy” hình ảnh bản thân trong kính cũng bị chạm vào lưng, và cho biết họ không còn xác định được đâu là vị trí thật của cơ thể mình. 

Từ những kết quả này, tiến sĩ Brugger khẳng định tình trạng thoát xác là một ảo giác não do khả năng tổng hợp thông tin của các vùng thần kinh định vị bị triệt tiêu. 

Kevin Nelson, nhà thần kinh học thuộc Đại học Kentucky, cho biết thêm khi các vùng thần kinh định vị bị trục trặc, bộ não tạo ra ảo giác thoát xác trong nỗ lực giải thích việc bị tách rời khỏi cơ thể vật lý (thân thể) của mình.

Thoát xác không phải là hiện tượng hi hữu: 6% trong số 13.000 người được điều tra tại châu Âu cho biết đã lâm vào trạng thái này ít nhất một lần.

 Tỉ lệ này trong nhóm người suýt tử vong hoặc ở trong trạng thái nguy hiểm tính mạng cao hơn rất nhiều - các nhà leo núi ở độ cao rơi vào tình trạng nguy hiểm, những người bị tai nạn xe thập tử nhất sinh thường bị rơi vào trạng thái thoát xác, bắt đầu bằng cảm giác thời gian trôi chậm lại và hình ảnh trước mặt trở nên rõ ràng hơn. 

Theo các nhà khoa học thần kinh, trạng thái này là do cơ chế thích ứng cực độ của bộ não - một cơ chế giúp bộ não “tách lìa” khỏi cơ thể nhằm giúp con người vận động mà không hoảng loạn trong tình thế nguy kịch. Theo tiến sĩ Brugger: “Đây là cơ chế sinh học giúp con người tự vệ”. Cơ chế này được kích hoạt khi con người đối diện với những thay đổi quá nhanh chóng trong cơ thể như mất máu, trụy tim...

Các game thủ giải câu hỏi khoa học khó

Ai bảo trò chơi điện tử không có lợi? Chính những tay chơi game online trò Foldit - những người không am hiểu gì về hóa sinh - đã mất chỉ ba tuần để giải quyết bí ẩn của một phân tử vốn hành hạ các chuyên gia AIDS mất 10 năm qua.

Tháo enzyme này trên Foldit - Ảnh: Đại học Washington

Sửa đổi, chắp vá bằng các mô hình máy tính 3D, các game thủ đã có thể tìm ra cơ chế cuộn khúc cực kỳ phức tạp của một enzyme chủ chốt cho phép virut tương tự HIV thâm nhập. Biết được cấu hình này, các nhà nghiên cứu có thể tìm ra cách tấn công enzyme này với những cách trị liệu bằng thuốc mới.

Được phát triển tại Đại học Washington năm 2008, đây là một trò chơi video trong đó các game thủ chia thành từng nhóm đấu nhau trong việc tháo mở các chuỗi amino acid bằng các công cụ online. Trong khi kính hiển vi chỉ cung cấp một hình phẳng rối ren nhìn chẳng khác nào một đĩa mì spaghetti, thì các game thủ có được hình ảnh 3D và tháo gỡ enzyme này dễ dàng!

__________

(Dựa trên tài liệu chuyên đề Những bí mật của bộ não, tạp chí USNews & World Report)


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận