Sống giữa kỳ quan

BINH NGUYÊN 31/07/2011 21:07 GMT+7

TTCT - Từ lâu, người ta đã biết đến Phong Nha - Kẻ Bàng như một kỳ quan thiên nhiên với hệ thống hơn 300 hang động đẹp và lớn nhất thế giới. Ở giữa rừng già bạt ngàn của kỳ quan còn có những con người nhỏ bé đối đầu với thiên nhiên khắc nghiệt.

Phóng to
Bản Đoòng đơn độc giữa núi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng

Năm 2009, sau khi Hiệp hội Hang động hoàng gia Anh (BCRA) phát hiện hang Sơn Đoòng với công bố chấn động thế giới (hang động lớn nhất thế giới), người ta đã tìm ra một con đường mòn trong rừng sâu để đến Sơn Đoòng đi xuyên qua hang Én. Và chúng tôi cũng lần theo con đường độc đạo này.

Người đi qua dãy Trường Sơn

Trong cái nắng gay gắt của những cơn gió Lào tháng 6, sau nhiều giờ băng rừng, chúng tôi đến được bản Đoòng nằm cô quạnh và duy nhất trên con đường mòn xuyên rừng dẫn tới kỳ quan Sơn Đoòng. Bản chỉ có năm hộ gồm không quá 30 người. Hỏi thăm bà con là người dân tộc gì, thật bất ngờ khi người thì nói Vân Kiều, người lại cho mình là Ma Coong, còn trưởng bản bước ra tươi cười: “Tôi là Nguyễn Sỹ Tòa, người Kinh!”.

Ông Tòa, năm nay đã 62 tuổi, mời chúng tôi vào chiếc lán bằng lá tạm bợ ở rìa bản, vì “cái nhà sàn của tôi bị lũ cuốn trôi năm ngoái chưa cất lại được”. Quê tận ngoài Lệ Thủy, Quảng Bình, ông từng có thời gian dài sống ở Đồng Hới. “Cha tôi là cán bộ tỉnh Quảng Bình từ những năm chống Pháp, khi đi công tác vào vùng Cam Lộ, Quảng Trị thì gặp mẹ tôi, một sơn nữ người Vân Kiều và hai người nên vợ nên chồng sau khi tổ chức cho phép…” - ông kể.

Năm 1949 ông Tòa chào đời và được cha đưa về Đồng Hới sinh sống, mẹ ông vẫn ở lại Cam Lộ. Vào những năm 1960, cha ông Tòa đã là ủy viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh, có nhà riêng ở Đồng Hới. Năm 1966, sau một trận ném bom của máy bay Mỹ, cha ông bị trọng thương và mất sau đó.

“Cha mất, tôi nhớ mẹ, nhớ những ký ức về rừng núi nơi tôi được sinh ra, nên đã tìm lên miền núi Bố Trạch sống với những người Vân Kiều trên dãy Trường Sơn” - ông nói.

Ông không nhớ mình đã đi qua bao bản làng trên dãy Trường Sơn, hết Bố Trạch rồi lên Tuyên Hóa, Minh Hóa vào tận Hướng Hóa, Khe Sanh của tỉnh Quảng Trị. Hết sống với người Vân Kiều lại kết nghĩa anh em và chung sống với người Ma Coong, người A Rem, người Rục, người Mày…

Ở đâu ông cũng được kính trọng bởi ăn nói lưu loát và biết chữ, nhiều nơi đã bầu ông làm già làng, trưởng bản vì ít ai biết ông là người Kinh. Trong thời gian ở Hướng Hóa, ông đã gặp bà Hồ Thị Kà Rò, một phụ nữ Vân Kiều và lấy làm vợ.

Phóng to
Ông Tòa và bà Kà Rò trước ngôi nhà tranh tạm bợ ở bản Đoòng - Ảnh: Binh Nguyên

Công chúa rừng xanh

Năm 1990, ông đưa vợ con và một số hộ Vân Kiều, Ma Coong đến thung lũng Đoòng nằm sâu trong rừng để lập bản sinh sống. Vì nặng nợ với núi rừng nên những đứa con đầu ông đặt tên theo kiểu rừng xanh: Chim, Chóc, Chứa, Chan… Đến đứa út, thương con gái sau này mang tên chim thú sẽ khó lấy chồng, suy nghĩ mãi ông đã đặt tên là Nguyễn Thị Công Chúa.

Ông cười sảng khoái: “Cả khu rừng này không ai xinh bằng, nó chính là công chúa rừng xanh đó mà”.

Công Chúa càng lớn càng xinh đẹp, thu hút những chàng trai gan dạ nhất của hoang mạc đá vôi Kẻ Bàng thuộc những tộc người A Rem, Rục, Ma Coong… tình cờ đi qua bản. Khi Công Chúa lên 14 tuổi, có một chàng trai Vân Kiều ở Trường Sơn, Quảng Ninh tìm vào xin đặt sính lễ hỏi cưới, ông Tòa bảo: “Nó còn con nít, nếu mày thương nó thật lòng cứ để sính lễ lại đây, khi nào trưởng thành thì vào rước”.

Sính lễ là số tiền 1,2 triệu đồng được chàng trai Vân Kiều để lại mà ông chưa biết tên. Sau này nhiều người khác cũng tìm đến, họ ra sính lễ 2 triệu, rồi 4 triệu, 5 triệu đồng nhưng ông từ chối: “Tao cũng chưa biết tên, biết bản làng cái thằng rể tương lai, nhưng đã nhận sính lễ rồi thì mười năm nữa tao vẫn chờ nó vào rước Công Chúa”.

Đầu năm 2011, chàng “hoàng tử” Vân Kiều trở lại khi Công Chúa đã đủ tuổi lấy chồng và rước nàng về Trường Sơn. Ông chép miệng lắc đầu: “Ở rừng mấy chục năm nên tôi không nhớ là mình phải tìm một thợ chụp ảnh vào chụp đám cưới cho Công Chúa, tiếc thật!”.

Phóng to
Những đứa trẻ ở bản Đoòng - Ảnh: Binh Nguyên

Gian nan tìm thầy dạy chữ

Chúng tôi ngạc nhiên khi bản chỉ có năm hộ, trẻ con đếm chưa hết năm đầu ngón tay, vậy mà ngôi nhà sàn trước bản có tấm bảng đen với hai hàng ghế học trò. Ông Tòa giải thích: “Tôi thuê thầy giáo vào dạy chữ cho lũ trẻ con đấy mà”. Ban đầu thương con thương cháu không biết chữ sẽ khổ nếu sau này muốn hòa nhập với cộng đồng, ông Tòa đã vượt núi đến những bản Vân Kiều để tìm thầy giáo.

Gặp được thầy giáo trẻ, ông thuyết phục thầy vào dạy, đồng ý trả 1 triệu, 2 triệu đồng vì “lũ trẻ cần có chữ”. Nhưng chỉ dạy được không quá hai mùa trăng thì thầy chạy mất. Ông lại vượt núi ra tận UBND xã Tân Trạch để gõ cửa tìm thầy, đến lần thứ ba thì xã thương tình cử thầy giáo vào rừng. Ông đối xử với thầy như thượng khách, gà nướng heo quay chưa đủ, ông lại cắt rừng lấy mật ong, vào hang Én bắt chim về hầm lá thuốc cho thầy ăn tẩm bổ…

Ông Tòa nói: “Nhiều đứa trẻ thấy người lạ ở bên ngoài vào rừng là sợ lắm, nhưng lại thích được như người bên ngoài. Tôi nói với chúng muốn vậy phải biết cái chữ, vì không biết chữ người ta khinh như con vượn, con man”.

Phóng to
Cháu ông Tòa tự tập đọc trong “lớp học” giữa rừng - Ảnh: Binh Nguyên

Theo bà Kà Rò, các thầy giáo trẻ sợ vào đây không phải vì khó khăn, thiếu ăn thiếu mặc. Cái họ sợ chính là những trận lũ quét kinh hoàng có thể ập xuống bất cứ lúc nào, mà lũ trong thung lũng Đoòng mới thật khủng khiếp, nước dâng cao cuốn trôi tất cả.

Ông Tòa nhớ lại: “Đó là ngày 3-10-2010, lũ từ sông Rào Thương dâng lên rất nhanh, đàn bò 11 con, gia sản lớn nhất của cả bản, đang gặm cỏ ngoài bìa rừng đã bị cuốn trôi trong chớp mắt. Tôi chạy vội vào bản kêu mọi người chạy lên núi Ba Giàn cùng leo lên cây mít cổ thụ cao to. Tôi là người leo cuối cùng thì nước đã dâng đến tận cổ…”.

Cây mít rừng cổ thụ trên núi Ba Giàn đã cứu mạng gần 30 người dân bản Đoòng, nhưng nhà cửa, gia súc đều trôi biến theo dòng nước lũ.

Khi chúng tôi hỏi bao giờ mới nghĩ đến chuyện trở về phố, ông Tòa trầm ngâm một hồi rồi nói: “Cũng có nhiều người là bạn cũ vào tìm và kêu tôi về phố ăn ở cho đàng hoàng, nhưng tôi nói nếu muốn giúp tôi thì lo cho đám trẻ bản Đoòng được về xã ăn học là tôi cảm ơn, còn tôi và bà ấy đã coi rừng xanh là nhà của mình rồi, tôi không về đâu”.

Nhìn cảnh ông trông đứng trông ngồi người thầy giáo trẻ về xã mấy ngày chưa trở lại, rồi cái cách ông bàn với bà Kà Rò ngày mai ra kéo cái nhà sàn bị lũ cuốn trôi về dựng lại nhà, chúng tôi biết lời ông nói là chân thật.

Chia tay ông Tòa, chia tay bản Đoòng, vượt con dốc Ba Giàn cao ngửa mặt tìm đường về Trường Sơn Tây, chúng tôi vẫn thấy bóng ông thấp thoáng bên dưới thung lũng. Dáng người nhỏ xíu nhưng sao chiếc bóng ông lớn quá, lớn hơn cả đỉnh Phu-Et-Va ngàn thước cao của rặng núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận