Phía sau "làng thu nhập ổn định"

HOÀNG ĐIỆP 02/08/2011 02:08 GMT+7

TTCT - Từ năm 1995, công việc mua xe cũ về rã phụ tùng ra bán đã mang lại việc làm cho người dân làng Tề Lỗ (xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Tuy nhiên, mỗi ngày có đến hàng tấn bùn đất nhiễm dầu nhớt và gỉ sắt được thải ra mà không qua xử lý.

Phóng to
Rác sinh hoạt và rác thải xe đổ chung trong một hố rác - Ảnh: H.Đ.

Không ít người biết đến làng nghề Tề Lỗ như một điển hình làng nghề cho thu nhập cao, với sự xuất hiện của những gương mặt “ông chủ” trẻ ở một xã khá xa trung tâm huyện. Tuy thế, dường như ngoài việc kiếm được thật nhiều tiền, vấn đề ô nhiễm môi trường đã không được tính đến.

Luẩn quẩn vòng ô nhiễm

Ở Tề Lỗ chưa có nước sạch, các hộ gia đình đều dùng nước giếng khoan và trong đó khoảng 99% hộ mua máy lọc nước để sử dụng. Nguyên nhân, theo một cán bộ xã, nước ở đây đã bị ô nhiễm với mức độ ra sao chẳng ai rõ. Chỉ biết rằng toàn bộ đất cát dính dầu mỡ trong những chiếc xe, máy công trình, những đồ thải loại… đều được tống ra bãi rác dân sinh gần nghĩa địa và một phần ném ra bờ sông Phan.

Ông Nguyễn Đình Hói, trưởng ban quản lý làng nghề, ước tính với tốc độ phá dỡ xe và máy móc như hiện nay, mỗi ngày có hàng tấn đất cát nhiễm dầu nhớt và gỉ sắt được tống ra bãi rác. Khi hình thành khu công nghiệp, người ta đã tính đến việc xây dựng một khu xử lý rác thải, nhưng chưa biết đến ngày nào mới thực hiện được điều này.

Qua trao đổi với chúng tôi, dường như người dân đã thấm nỗi sợ ô nhiễm môi trường do chính mình gây ra. Họ thận trọng hơn trong phá dỡ cũng như dọn dẹp đống rác thải. Những bình ăcquy còn tốt hay đã hỏng được tập trung lại để bán cho những người buôn khác, mang về địa phương khác tái chế chì, sử dụng lại vỏ nhựa làm ăcquy mới.

Phóng to
Nghề “mổ xe” mang lại thu nhập ổn định cho dân làng, nhưng... - Ảnh: H.Đ.

“Người ta đổ axit trong bình ăcquy rồi tái chế chì ở Đông Mai, Hưng Yên chứ không phải ở đây. Đây chỉ là trạm trung chuyển thôi nên lượng axit đổ ra đất rất ít” - một người dân Tề Lỗ cho biết. Ngoài ra, họ hạn chế ô nhiễm môi trường bằng cách đưa các lò nấu thép phế liệu đến các xã lân cận như Đồng Văn, Hợp Thịnh, hình thành nên cái vòng ô nhiễm luẩn quẩn trong khu vực.

Tại Khu công nghiệp Đồng Văn nằm ven quốc lộ 2, các nhà máy nấu phôi thép tái chế mọc lên trong chục năm nay do những ông chủ, bà chủ từ trong xã Tề Lỗ xây dựng. Ban ngày các nhà máy chỉ mua sắt phế liệu, ban đêm mới nổi lửa nấu phôi thép.

Chị Nguyễn Thị Hương - xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc, bán hàng tạp hóa ngay cạnh Khu công nghiệp Đồng Văn - cho biết các nhà máy nấu thép tái chế hoạt động khoảng từ 21g đến 5g sáng, lúc đó giá điện rẻ và người dân đi ngủ nên ít ai để ý khói từ các lò nấu thép thải ra. Suốt cả vùng Đồng Văn (Yên Lạc) và Hợp Thịnh (Tam Dương), hằng đêm người dân phải ngửi mùi khí thải khét lẹt từ các lò nấu cùng những tiếng ồn của máy cán phôi thép.

Chị Hương cho biết nước uống ở đây bị nhiễm sắt đến nỗi trông nước thì trong, nhưng nếu làm đá thì nước đá có màu đục đỏ. Nghiêm trọng hơn, nếu nước chưa được xử lý qua máy lọc thì khi pha trà, nước đổi thành màu đen sì như nước cống. Như để minh chứng, chị Hương lấy một ít nước trà trong ấm rồi pha với thùng nước lã thì chỉ chừng chục phút sau, chén nước trà đã đổi từ màu xanh vàng sang màu chì.

Hàng trăm hộ dân ở đây ngày đêm ngửi mùi khói và ăn uống, tắm rửa bằng nguồn nước bị nghi nhiễm sắt và chì nhưng theo lời chị Hương, chưa bao giờ thấy cơ quan chức năng nào đến kiểm tra nguồn nước và cảnh báo về môi trường nơi đây.

Phóng to
Một ngày phá đục sáu chiếc xe mang lại gần 100.000 đồng tiền công - Ảnh: H.Đ.

Bệnh hô hấp và ung thư

Nhiều nhà cao tầng, nhiều biệt thự, nhiều doanh nghiệp đã mọc lên trong khu công nghiệp làng nghề Tề Lỗ. Người dân ở đây không lo thiếu việc. Từ lối vào xã đến từng hộ gia đình xuất hiện những bãi đỗ xe cũ, máy công trình rộng mênh mông cùng mùi dầu mỡ khắp đường làng, bởi ngoài khu quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề thì các hộ gia đình vẫn mang xe về nhà để phá dỡ, chất đống phụ tùng cả trong nhà lẫn ngoài sân.

Xe gắn máy cũ được một đội ngũ thợ chuyên đi thu gom và một nguồn khác là từ xe vi phạm bị thu giữ để lâu ngày thành xe hỏng.

Cách khu công nghiệp không xa là trạm y tế xã Đồng Văn. Chị Nguyễn Thị Phương, y sĩ của trạm, lật sổ ghi chép số ca đến khám chữa bệnh. Mỗi ngày có vài chục lượt khám, chủ yếu là người có bảo hiểm y tế, bởi người không có bảo hiểm y tế đi mua thuốc chứ không đến trạm. Bệnh được thống kê nhiều nhất là đường hô hấp: ngày 8-7-2011 có 17 ca khám bệnh thì 11 ca liên quan đến viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản và viêm phổi (chưa kể trẻ em dưới 6 tuổi).

Chị Phương cho biết trong xã có nghề mua và tái chế đồng nát nên môi trường của xã bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi mùi phế liệu và đốt dây lấy đồng. Còn về nguồn nước, ở các khu dân cư giáp Khu công nghiệp Đồng Văn người dân phản ảnh nước sinh hoạt bị nhiễm sắt.

Tại xã Tề Lỗ, ông Nguyễn Kim Mưu - y sĩ, 23 năm làm trạm trưởng - cho rằng chưa bao giờ số người chết vì ung thư ở Tề Lỗ nhiều như bây giờ. Năm 2009, cả xã có chín người chết vì ung thư, năm 2010 con số này đã tăng lên 11 người, trong đó chủ yếu là các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa.

Với 7.800 lượt người dân (trong tổng số hơn 8.000 dân) đến khám bệnh trong năm 2010, ông Mưu cho biết có đến 48% bị nhiễm bệnh về hô hấp, trong đó hàng trăm trường hợp bị mắc bệnh hô hấp mãn tính như viêm họng hạt (200 người năm 2009 và 300 người năm 2010).

Cùng nhận định như những đồng nghiệp bên Đồng Văn, ông Mưu cho rằng chính nghề mua và tái chế phế thải đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng khiến kênh 10, nguồn nước dẫn chủ yếu tưới tiêu cho đồng ruộng Tề Lỗ, luôn trong tình trạng nước thải đen sì và bốc mùi hôi thối.

Với phương châm không cái gì phải bỏ đi: săm lốp bán cho doanh nghiệp cao su; nhựa đường, vỏ nhựa bán cho các lò sản xuất, nghiền hạt nhựa (người dân ở đây gọi là nhựa “cóc cách”); phụ tùng xe bán cho những nơi sửa chữa…, tất cả đống rác thải công nghiệp đã được người Tề Lỗ phân chia rạch ròi thành sản phẩm hái ra tiền.

Tuy nhiên, bãi rác khổng lồ này đã, đang và sẽ tiếp tục là nơi tập trung những thứ rác công nghiệp không chỉ của Việt Nam mà rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác. Bởi khi chưa có những quy định rõ ràng và chế tài cụ thể cho việc thu hồi tái chế rác, chất thải và các sản phẩm thải bỏ ở Việt Nam, những bãi rác thế này hay những làng nghề tái chế chì, nhựa, nhôm… sẽ tiếp tục tồn tại, bất chấp nguy cơ ô nhiễm môi trường trầm trọng không chỉ cho thế hệ hôm nay mà cả mai sau.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận