Từ chuyện điều hành tỉ giá, nhìn về doanh nghiệp tư nhân

TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN 18/07/2011 22:07 GMT+7

TTCT - Giữa bức tranh với nhiều gam màu tối của kinh tế sáu tháng đầu năm 2011 như lạm phát cao, tăng trưởng kinh tế chậm, nhập siêu tiếp tục cao, đầu tư nước ngoài giảm, thị trường chứng khoán và bất động sản hầu như đóng băng, thì tỉ giá có lẽ là một nét sáng của điều hành kinh tế vĩ mô.


Sản xuất bao bì nhựa PP, PE tại Công ty cổ phần nhựa Tân Đại Hưng ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An - Ảnh: Thanh Đạm

Kể từ tháng 4-2011 đến nay, tỉ giá liên ngân hàng đã giao dịch nằm trong biên độ tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). NHNN cũng đã mua được nhiều tỉ USD để bổ sung vào dự trữ ngoại tệ quốc gia.

Tại hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) tháng 6 vừa rồi, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhắc đến con số bổ sung dự trữ ngoại hối thêm 0,9 tỉ USD, lên đến 13,5 tỉ USD trong tháng 5 của NHNN, và nhìn nhận “sự ổn định trong thị trường ngoại hối đã giúp giảm lợi tức nợ ngoài nước với chênh lệch lãi suất quốc gia của VN và chỉ số hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDs) thu hẹp khoảng 100 điểm cơ bản từ mức đỉnh hơn 400 điểm cơ bản hồi tháng 2 năm nay”.

Cho tới cuối tháng 2-2011, tỉ giá USD/VND liên ngân hàng lẫn tỉ giá trên thị trường tự do đều duy trì ở mức trên 21.500 kể cả khi NHNN điều chỉnh tăng tỉ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 18.932 lên mức 20.693 và thu hẹp biên độ giao dịch từ 3% xuống 1% áp dụng từ ngày 11-2. 

Mặc dù trong tháng 3 tỉ giá không còn tăng nữa nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, vượt trần biên độ tỉ giá của NHNN.

Tỉ giá ở mức cao trong quý 1-2011 chủ yếu là do yếu tố tâm lý của thị trường. Người dân và doanh nghiệp sốc trước việc đồng nội tệ bị NHNN hạ giá tới 9,3% nên tiếp tục có hành vi găm giữ USD. NHNN vẫn phải tiếp tục bơm ngoại tệ ra để đảm bảo thanh khoản ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng. Theo số liệu của IMF, dự trữ ngoại hối của VN đã giảm đến mức thấp nhất trong lịch sử vào tháng 2-2011, còn 11,54 tỉ USD.

Các biện pháp giúp tỉ giá ổn định

Bước đột phá trong việc điều hành tỉ giá là khi NHNN quyết định nâng mạnh các mức lãi suất chính sách đối với VND và dùng biện pháp hành chính yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động USD trên thị trường.

Lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất trên thị trường mở đều được điều chỉnh lên mức 12% vào giữa tháng 3 và 13% vào đầu tháng 4. Trong khi đó, trần lãi suất huy động USD đã bị áp giảm xuống còn 3% vào ngày 9-4-2011.

Việc tăng lãi suất VND và giảm lãi suất huy động USD đã khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trở nên rõ ràng. Thêm nữa, với việc tỉ giá không tăng thêm đã khiến một bộ phận người dân quyết định chuyển việc giữ ngoại tệ sang tiền đồng để hưởng chênh lệch lãi suất. 

Việc cơ quan chức năng bắt một số vụ mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do cũng có tác động nhất định tới hành vi giữ ngoại tệ của người dân.

Kết quả là từ cuối tháng 3 tỉ giá đã chính thức bước vào xu hướng giảm, tuy vẫn còn vượt trần biên độ của NHNN nhưng đã xuống dưới mức 21.000.

Sau đó, NHNN tiếp tục ban hành thêm một số chính sách ngoại hối để củng cố xu hướng giảm tỉ giá. Cụ thể, NHNN bắt đầu yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bán ngoại tệ; hạn chế lượng ngoại tệ nắm giữ khi được mang ra nước ngoài; giảm trạng thái ngoại hối của các ngân hàng thương mại; và quy định giảm quan hệ tín dụng sang quan hệ mua bán ngoại tệ.

Với các biện pháp đồng bộ trên, bắt đầu từ giữa tháng 4-2011 tỉ giá USD/VND đã giảm về trong biên độ. Các khách hàng cá nhân đã chuyển hướng bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại khiến nguồn cung tăng mạnh. Có thời điểm tỉ giá giảm về gần mức tỉ giá sàn xấp xỉ 20.500.

Khi thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng được cải thiện, NHNN đã mua vào được khoảng 2-3 tỉ USD ngoại tệ. Nhờ lực mua từ NHNN nên tỉ giá không giảm mạnh dù nguồn cung tăng nhiều. Các ngân hàng thương mại mua ngoại tệ về và bán lại cho NHNN để hưởng chênh lệch.

Những khó khăn trước mắt

Mặc dù tỉ giá sáu tháng đầu năm 2011 đã được đưa về vùng ổn định nhưng những nguy cơ bất ổn trong thời gian tới vẫn còn. Các yếu tố giúp tỉ giá ổn định chủ yếu có tính ngắn hạn hoặc mang hơi hướng hành chính. Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế vẫn chưa thật sự vững để hỗ trợ sự ổn định dài hạn của tỉ giá.

Chỉ số CPI sáu tháng đầu năm đã tăng 13,29% và nếu so với cùng kỳ năm trước thì chỉ số CPI đã tăng 20,82%.

Lạm phát cao trước sau gì cũng sẽ tác động khiến đồng nội tệ mất giá. Lạm phát của Việt Nam tăng mạnh trong hai năm 2007 và 2008 đã khiến VND bị mất giá từ mức 16.000 xuống mức 18.000 vào năm 2010 và 20.600 hiện nay, bất chấp việc NHNN cố gắng duy trì mức tỉ giá thấp trong các năm 2008 và 2009. 

Nếu như Việt Nam không kiềm chế được lạm phát trong thời gian tới thì mức tỉ giá ổn định hiện tại khó có thể duy trì.

Nhập siêu và suy giảm đầu tư nước ngoài cũng ảnh hưởng tiêu cực tới diễn biến của tỉ giá trong thời gian tới. Từ đầu năm tới nay, nhập siêu không có dấu hiệu giảm. 

Tính lũy kế sáu tháng đầu năm thì Việt Nam nhập siêu tới 6,65 tỉ USD. Đáng lưu ý là ngoại trừ tháng 6 nhập siêu giảm do xuất khẩu vàng, xu hướng vẫn là nhập siêu tháng sau cao hơn tháng trước.

Bên cạnh đó, FDI thực hiện trong sáu tháng đầu năm cũng chỉ đạt 5,3 tỉ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ 2010. Nếu như không tiếp tục giảm giá VND thì tình hình nhập siêu và đầu tư nước ngoài có thể tiếp tục diễn biến xấu hơn trong thời gian tới.

Cuối cùng là vấn đề lãi suất. Người dân thời gian vừa qua dừng găm giữ ngoại tệ chủ yếu là do lãi suất VND cao hơn đáng kể so với lãi suất tiền gửi USD. Tuy nhiên, mức chênh này khó có thể kéo dài mãi.

Việc duy trì lãi suất VND cao sẽ khiến hoạt động sản xuất bị đình đốn, thất nghiệp tăng cao. Tình hình này chắc chắn khó có thể kéo dài. 

Có thể cuối năm nay hoặc đầu năm 2012 Chính phủ buộc phải hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế ngay cả khi lạm phát vẫn ở mức cao. Khi điều này xảy ra, hấp dẫn lãi suất VND không còn nữa, người dân có thể quay trở lại găm giữ ngoại tệ để đầu cơ tỉ giá.

Nhìn trở lại doanh nghiệp tư nhân và công nghiệp phụ trợ

Mấu chốt của vấn đề VND mất giá nằm ở lạm phát của Việt Nam cao và liên tục nhập siêu. Với vấn đề lạm phát, chúng ta hi vọng Chính phủ có thể kiểm soát trong thời gian tới nhờ chính sách cắt giảm tổng cầu và thắt chặt tiền tệ.

Với vấn đề nhập siêu, gần như có sự đồng thuận về giải pháp là Việt Nam cần phải phát triển công nghiệp phụ trợ. Thật ra thì việc phát triển công nghiệp phụ trợ đã được đặt ra từ lâu. 

Tuy nhiên, từ trước tới nay Chính phủ hoặc trông chờ vào khu vực doanh nghiệp nhà nước hoặc tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài để giải quyết bài toán này.

Sự thất bại của chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ trong những năm vừa qua khiến chúng ta phải nhìn lại khả năng đảm nhiệm của khối doanh nghiệp nhà nước và đầu tư nước ngoài. 

Doanh nghiệp nhà nước thiếu động cơ kinh doanh nên khó có thể bền bỉ đầu tư để cung cấp những sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu cho thị trường với mức giá hấp dẫn hơn hoặc chất lượng tốt hơn.

Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tuy có khả năng công nghệ nhưng lại thiếu động cơ kết nối với các doanh nghiệp trong nước để cùng nhau tìm kiếm các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu. 

Doanh nghiệp nước ngoài luôn có sẵn các nguồn cung cấp từ công ty mẹ hoặc các đối tác nước ngoài nên hiếm khi chủ động tìm kiếm các đối tác trong nước.

Chỉ có doanh nghiệp tư nhân là thật sự có động cơ kinh doanh và có khả năng gắn kết với nhau. Đó là hai tiền đề quan trọng để chuyển hướng chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, lấy doanh nghiệp tư nhân trong nước làm trọng tâm thay vì doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp nước ngoài.

Đầu tư trong và ngoài nước đều giảm

Xu hướng sụt giảm trong thu hút đầu tư nước ngoài sáu tháng đầu năm vẫn chưa ngừng lại, theo Cục Đầu tư nước ngoài. Vốn giải ngân thực hiện các dự án, chỉ số quan trọng nhất thể hiện nguồn vốn được hấp thu vào nền kinh tế, từ đầu năm đến nay đạt 5,3 tỉ USD, kém cùng kỳ năm trước 100 triệu USD.

Trong khi đó, số vốn đăng ký cấp mới chỉ bằng 50% cùng kỳ năm ngoái, vốn tăng thêm từ những dự án cũ “giậm chân tại chỗ”, số dự án đang hoạt động được tăng vốn cũng chỉ đạt 57,6% so với năm ngoái.

Theo cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, sáu tháng đầu năm nay có chưa tới 40.000 doanh nghiệp (DN) được thành lập, giảm 2.000 DN so với cùng kỳ năm ngoái. Số vốn đăng ký của lượng DN trong nước này cũng chỉ đạt 232.000 tỉ đồng (cùng kỳ năm ngoái là 250.600 tỉ đồng). Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và đầu tư, sự sụt giảm này là hệ quả của lạm phát, lãi suất cao và chi phí đầu vào tăng mạnh.

Kết quả khảo sát của Phòng thương mại và công nghiệp VN (VCCI) về hoạt động kinh doanh của 360 DN cuối tháng 6 vừa qua cho thấy 70% DN vừa và nhỏ chịu tác động tiêu cực do tăng giá đầu vào, đặc biệt là giá điện, xăng… 

Trên 50% DN đang chịu lãi suất cho vay trên 18%/năm, trong khi chỉ khoảng 20% có thể chịu được mức lãi suất này. Khảo sát cũng cho thấy có tới 64% DN thực hiện việc rà soát, sắp xếp, cắt giảm và loại bỏ những dự án kém hiệu quả, lượng vốn bị cắt giảm đầu tư đến gần 26%.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận