Khi dân "thanh toán điện tử"

TTCT - Chỉ dùng thẻ ATM để rút tiền mặt, đặt mua hàng qua mạng rồi lại đến tận cửa hàng để trả tiền, phí nội mạng chồng phí ngoại mạng… những rắc rối ấy trong thực tế thị trường thanh toán điện tử hiện nay cho thấy nỗ lực khuyến khích người dân giảm bớt việc dùng tiền mặt trong thanh toán chưa đi đến đâu.

Phóng to
Thanh toán bằng thẻ tín dụng khi mua sắm - Ảnh: Thuận Thắng

Ở một nhà hàng Ý tại Hà Nội, bất kể thực khách là người xứ nào, khi thanh toán đều được thông báo sẽ tính phụ phí 3% nếu chi trả bằng thẻ tín dụng. Chủ nhà hàng nói ông không gặp vấn đề gì với những người khách nước ngoài, song những chủ thẻ VN “có người thắc mắc khoản phí và rút tiền mặt ra trả”.

Người dùng dè dặt

“Dùng thẻ trong siêu thị mà phải xếp hàng chung với những người chi trả bằng tiền mặt, tôi thấy chẳng có lợi lộc gì về mặt thời gian. Chưa kể mỗi siêu thị chỉ chấp nhận một số loại thẻ. Có lần vào Metro mua hàng, tôi phải trả lại gần nửa số hàng đã chọn chỉ vì siêu thị này không chấp nhận loại thẻ thanh toán của tôi, trong khi tiền mặt mang theo không đủ. Quá phiền hà”.

Sử dụng tiền mặt vẫn là một trong những phương cách thanh toán thông dụng của người dân VN trong mọi loại hình giao dịch, mặc dù các điểm chấp nhận thẻ đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều ở cả những trung tâm bán lẻ hiện đại đến những cửa hàng 24/7.

Báo cáo gần đây nhất của Euromonitor International (tháng 12-2010) tiếp tục khẳng định tiền mặt “vẫn là phương tiện thanh toán chính trong các giao dịch bán lẻ của người dân VN” với tốc độ tăng trưởng 18% trong năm 2010.

Ông Nguyễn Hòa Bình, giám đốc Công ty phần mềm PeaceSoft - công ty đang phát triển hệ thống ví điện tử cho thanh toán trực tuyến kết nối với các ngân hàng và các điểm chấp nhận, cho biết vài năm gần đây, tốc độ tăng trưởng ngành thẻ của mạng lưới ATM ở các ngân hàng đã được các ngân hàng chủ động điều chỉnh giảm xuống vì càng mở rộng mạng lưới càng lỗ.

“Điều này cho thấy thói quen của người VN khi sử dụng thẻ của các ngân hàng mới chỉ sử dụng một phần chức năng rất nhỏ của thẻ, chủ yếu trong giao dịch và rút tiền mặt tại các máy giao dịch tự động. Hai chức năng quan trọng của thẻ là thanh toán tại các điểm bán hàng offline và thanh toán trực tuyến tại các website bán hàng qua mạng chưa được các ngân hàng hiện nay chú trọng xây dựng” - ông Bình nói.

Ông Đinh Anh Huân, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế Giới Di Động, cho biết tại hệ thống siêu thị thegioididong.com và thegioidientu.com, doanh số thanh toán tại quầy bằng thẻ trung bình mỗi tháng 10 tỉ đồng, chiếm gần 3% tổng doanh số 350 tỉ đồng. Tại hệ thống siêu thị Co.op Mart, cách đây hơn một năm doanh số thanh toán bằng thẻ chỉ ở mức 0,2-0,3% tổng doanh thu, gần đây tăng lên được 2%. Ở hệ thống siêu thị Big C, doanh thu qua thẻ bắt đầu tăng nhưng hiện tại chỉ ở mức 2% tổng doanh thu.

Có đủ lý do ngại dùng thẻ mà nhiều người chia sẻ. Dễ bị ăn cắp thông tin, bị mất tiền… thuộc loại lo ngại hàng đầu. Khi có ý định làm thẻ, nhìn biểu phí dịch vụ, thấy đủ loại phí như phí tra cứu số dư, phí cấp lại mã PIN, phí cấp bản sao thông tin giao dịch…, trong đó phí rút tiền mặt có thể lên tới 4% (tối thiểu 40.000 đồng), phí giao dịch 2,75%…, chưa kể các thủ tục ngân hàng không phải lúc nào cũng dễ hiểu khiến ý định dùng thẻ mới nhen nhóm của nhiều người tắt lụi.

Vào thời điểm tỉ giá USD chênh lệch cao giữa ngân hàng và thị trường tự do, đã có ngân hàng thu phí chuyển đổi ngoại tệ tới 7%, thậm chí 10%, khiến khách hàng kêu trời. Lãi suất cho vay cũng là một vấn đề không nhỏ mà người dùng thẻ phải cân nhắc. Tùy theo ngân hàng nhưng hiện nay hầu hết đang ở mức 23-24%/năm. Ngoài ra, nếu dùng thẻ để rút tiền mặt thì khoản phí rút tiền mặt 4% cũng là con số ngán ngẩm khác.

Năm ngoái, một công bố về bảo mật ngân hàng điện tử từ Trung tâm an ninh mạng Bkis cho biết cả 20 ngân hàng kết hợp với họ để khảo sát về an ninh mạng đều đang tồn tại lỗ hổng an ninh mạng.

Trong đó có tới 93% xuất hiện lỗ hổng trên trình duyệt Internet Banking của khách hàng; 64% có lỗ hổng xác nhận với đối tượng bị tấn công là các chủ tài khoản trên hệ thống và các thao tác cá nhân; 80% có lỗ hổng từ hệ điều hành máy chủ thông qua việc chậm cập nhật các bản vá phần mềm...

Phóng to
Thanh toán thẻ qua một cửa hàng thời trang - Ảnh: Gia Tiến

Vẫn bủa vây tính phí

“Vướng mắc trong quá trình triển khai thanh toán điện tử trong dân rất nhiều, nhưng chủ yếu ở khâu tiếp cận khách hàng và cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng. Đơn vị chấp nhận thẻ thường ưu tiên thu bằng tiền mặt, lại không muốn nộp phí cho ngân hàng hoặc thu thêm phụ phí (mặc dù ngân hàng nghiêm cấm thu) của khách hàng, khiến khách hàng nhầm tưởng là ngân hàng thu thêm phí khi sử dụng thẻ… làm hạn chế dịch vụ. Các ngân hàng vẫn đang cạnh tranh nhau bằng mức phí chứ không phải cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ...

Việc hỗ trợ thanh toán điện tử không chỉ riêng Ngân hàng Nhà nước mà cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính (liên quan đến chính sách thuế), Bộ Công thương (liên quan đến việc nhập khẩu các thiết bị phục vụ thanh toán điện tử )”.

Báo cáo của Euromonitor International giải thích nguyên nhân chính khiến việc sử dụng tiền mặt trong giao dịch của người dân VN vẫn rất cao: “các nhà bán lẻ thu thêm phí đối với khách hàng muốn thanh toán qua thẻ, do đó làm giảm mong muốn thanh toán qua thẻ”. Việc thu phụ phí của các điểm chấp nhận thẻ được cho là khoản phí mà các điểm chấp nhận thẻ phải trả cho các ngân hàng phát hành thẻ (chi phí phát sinh khi kết nối với các tổ chức thẻ và tổ chức thanh toán).

Bà Lorijon Bacchi - giám đốc Tổ chức thẻ Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào - cho biết vài năm trước Visa có thành lập một hội đồng về phụ phí, tập hợp nhiều ngân hàng với nhau để nói rõ họ không muốn thu phụ phí. “Số ngân hàng thu phụ phí đang dần giảm, chúng tôi cũng đang cố gắng để loại bỏ việc thu phụ phí tại VN. Chúng tôi cũng cung cấp nhiều tài liệu đào tạo cho người bán lẻ nêu rõ vì sao không nên thu phụ phí của người sử dụng thẻ” - bà Lorijon Bacchi cho biết.

Theo bà Bacchi, tại các thị trường đang phát triển, số lượng giao dịch bằng thẻ ít không phải là điều bất thường do người tiêu dùng cần có thời gian để làm quen và cũng cần có thêm nhiều nơi mà người ta sử dụng được thẻ. Theo Visa, có tới 61% số liệu giao dịch tăng hằng năm, chứng tỏ việc người VN đang dùng thẻ thanh toán nhiều hơn. Về tốc độ phát triển thẻ, trong quý 1 năm tài chính 2010 (từ tháng 10 tới tháng 12), tốc độ 22% của VN là cao nhất so với các nước trong khu vực.

“Chúng tôi thấy VN là thị trường cực kỳ tiềm năng để phát triển: VN muốn áp dụng hệ thống thanh toán điện tử, số lượng người trẻ tuổi sử dụng Internet rất cao, các ngân hàng cũng muốn phát triển các hình thức cung cấp dịch vụ hiện đại” - bà Lorijon Bacchi nói thêm.

Chuyên gia công nghệ ngân hàng, ông Nguyễn Xuân Dũng khẳng định chuyện thu phí 2-3% trên giá trị mỗi giao dịch đối với người dùng thẻ là một sự “hiểu lầm”. Theo quy định của các tổ chức phát hành thẻ hiện hay, ngân hàng sẽ không thu khoản phí này từ chủ thẻ mà thu của điểm chấp nhận thẻ (POS).

“Ngoài khoản phí duy trì thẻ thường niên, hầu như chủ thẻ không phải trả thêm khoản phí nào. Khi thanh toán, nếu thấy đại lý thu thêm phí giao dịch, khách hàng có thể thông báo để tổ chức thẻ xử lý” - ông Dũng quả quyết. Dù vậy trên thực tế, nhiều cửa hàng, nhà hàng vẫn đẩy khoản phí này sang cho khách hàng chịu, có nơi còn thu lố lên 5%.

Những trường hợp bị thu hồi máy POS vì thu phí giao dịch của khách hàng như nhà hàng Ngon ở TP.HCM rất hiếm hoi. Các ngân hàng tuy dễ dàng phát hiện được hiện tượng này nhưng vì muốn mở rộng mạng lưới thanh toán thẻ nên chủ yếu chỉ áp dụng hình thức nhắc nhở.

Cũng theo ông Dũng, hiện chỉ có dưới 5 trên tổng số 30 ngân hàng hoạt động phát hành thẻ có lợi nhuận từ lĩnh vực này. Tuy lỗ nhưng các ngân hàng vẫn phải chấp nhận để tăng tiện ích nhằm phát triển khách hàng, hi vọng khi đã có thói quen sử dụng thẻ thì khách hàng sẽ giữ tiền trong ngân hàng. Các ngân hàng này cũng tìm cách mở rộng liên kết với các trung tâm thương mại, siêu thị để phát hành thẻ nhằm tăng thêm giá trị gia tăng và chia sẻ chi phí với đối tác.

“Khách hàng sử dụng thẻ thanh toán sẽ mang lại an toàn và tiện lợi cho cả khách và siêu thị. Chúng tôi sẽ có hình thức liên kết với ngân hàng để tăng tiện ích cho khách hàng thân thiết” - bà Lê Quang Thục Quỳnh, giám đốc marketing Saigon Co.op, cho hay. Nhưng nhìn chung, tiện ích để thanh toán qua POS và những chương trình khuyến mãi thật sự rộng rãi, đủ lực đẩy để xóa đi sự e dè của người dùng và thu hút họ vào các chương trình sử dụng thẻ vẫn chưa nhiều.

Phóng to

Chờ chính sách hỗ trợ

“Tôi không phản đối việc tính phí, nhất là khi tôi có thể sử dụng một công cụ thanh toán tiện lợi với các tính năng hiện đại và an toàn. Nhưng cách làm của các điểm chấp nhận thẻ và ngay cả các ngân hàng cung ứng dịch vụ này thực hiện từ trước đến nay không thuyết phục được tôi tin vào điều này. Nội việc thông tin mù mờ trong chuyện tính phí đã cho thấy điều đó. Ngoài ra là vấn đề bảo mật, tôi biết có những danh sách tài khoản cá nhân kèm chi tiết liên lạc của khách hàng bị lộ, thậm chí thành món hàng mua bán rất chạy cho các công ty làm quảng cáo. Thật sự tôi không muốn làm nạn nhân cho chuyện đó”.

Dù dự báo xu hướng sử dụng tiền mặt trong thanh toán vẫn sẽ còn khá cao trong ngắn hạn và nhiều người tiêu dùng vẫn thiên về sử dụng tiền mặt, song Euromonitor International vẫn cho rằng việc Chính phủ có chính sách trả lương qua tài khoản sẽ “làm cho số lượng tài khoản của nhân viên các công ty nhà nước tăng lên, do đó sẽ là một nền tảng vững chắc cho các ngân hàng phát hành thẻ đẩy mạnh việc thanh toán qua thẻ”.

Vấn đề là mặc dù có tới 49% cơ quan nhà nước đã trả tiền lương qua tài khoản vào cuối năm 2010, nhưng việc gia tăng số lượng thẻ ATM vẫn không thay đổi được thói quen của người sử dụng trong việc thanh toán qua thẻ.

Nhiều công - viên chức nhà nước coi việc “bị buộc phải mở tài khoản ngân hàng” là một phiền toái, phần lớn do chưa quen sử dụng những dịch vụ của ngân hàng. Kết quả là vào các kỳ lĩnh lương, những dòng người xếp hàng trước các máy ATM vẫn không giảm, người dùng thẻ thường rút hầu hết số dư họ nhận được trên tài khoản ngay khi lương được chuyển về.

Thực tế ấy cho thấy mặc dù có được một chính sách hỗ trợ rất tích cực của Chính phủ song các ngân hàng và tổ chức phát hành thẻ vẫn chưa tìm ra “cây gậy thần” cho giấc mơ mở rộng thanh toán điện tử. Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, phó chủ tịch Hiệp hội Thẻ VN, cho biết tổ chức này vẫn đang hi vọng một sự hỗ trợ khác từ Chính phủ.

“Nếu không có Chính phủ vào cuộc, tất cả nỗ lực của các ngân hàng phát hành thẻ chỉ là nhỏ lẻ. Chúng tôi cần sự ủng hộ của Chính phủ để khuyến khích người tiêu dùng thanh toán qua thẻ thông qua các chính sách như quy định trong đăng ký kinh doanh phải chấp nhận thẻ hay miễn giảm thuế cho các điểm chấp nhận thẻ” - bà Hằng nói.

Cần nhắc lại rằng việc mở rộng được số lượng tài khoản ATM cũng là nhờ một chỉ thị của Chính phủ (chỉ thị 20/2007/CT-TTg về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước).

Euromonitor International tính toán tại VN, nếu thị trường thanh toán thẻ phát triển đúng đắn trong năm năm tới thì có thể đạt đến 2 tỉ USD, tính cho riêng khối lượng giao dịch không dùng tiền mặt qua mạng (chưa bao gồm các giao dịch thanh toán tại các điểm bán lẻ). Ai cũng thấy giảm thiểu khối lượng tiền mặt lưu thông mang lại nhiều hiệu quả và lợi ích cho nền kinh tế nói chung, các ngân hàng cũng được hưởng lợi. Nhưng để thực hiện được việc này còn rất nhiều việc phải làm.

“Việc các ngân hàng kêu khó khăn trong duy trì hệ thống ATM và dự kiến sẽ áp một mức phí mới cho các giao dịch liên ngân hàng từ 3.300 đồng lên 5.500 đồng, nếu xảy ra sẽ là một tiền lệ không có tính chuyên nghiệp với các tổ chức tài chính.

Thứ nhất, việc nâng phí là không chấp nhận được với người sử dụng thẻ vì giao dịch thẻ bao gồm cả giao dịch nội mạng và giao dịch liên ngân hàng. Tăng phí sẽ không khuyến khích người sử dụng thẻ thực hiện các giao dịch liên ngân hàng, như vậy sẽ mất đi ý nghĩa của việc liên kết thẻ.

Việc tăng phí dựa trên tính toán lời lỗ của ngân hàng để duy trì hoạt động của một máy ATM là không thể hiện tính chuyên nghiệp, kinh doanh và tiếp thị vì ngân hàng là một tổ chức tài chính, tức cung cấp các sản phẩm liên kết, bán chéo, chấp nhận lỗ ở khoản phí này thì sẽ nhận được lãi là tiền gửi giá rẻ nên ngân hàng sẽ có lãi ở khâu cho vay từ số tiền gửi giá rẻ này. Ngân hàng ở các nước khác tính phí bằng 0 ở khâu này.

Các loại phí có hai ý nghĩa: thứ nhất là tạo thói quen tiêu dùng cho người VN, thứ hai là tạo ra đạo lý kinh doanh, tức là dịch vụ mang lại sự thuận tiện thì khách hàng phải mua tiện ích đó và khi đó thu phí mới hợp lý. Nhưng việc nâng phí phải kèm theo việc nâng cấp chất lượng dịch vụ. Mà ở đây, chất lượng dịch vụ lại đang có vấn đề như nuốt thẻ, lỗi phần mềm, lỗi phần cứng và cơ cấu tiền mặt rút ra không hợp lý cũng như hạn mức một lần rút thấp.

Việc quy định số dư tối thiểu trên một thẻ chính là một dạng phí mà các ngân hàng cần tính tới, thay vì nâng phí giao dịch thẻ liên ngân hàng. Ví dụ để số dư 50.000 đồng/thẻ đã bù được chi phí giao dịch này rồi. Vì vậy nếu dùng bài toán tận dụng số dư tốt, ngân hàng sẽ bớt căng thẳng khoản chi phí cho việc vận hành máy ATM.

__________

Cả nước hiện có 28,6 triệu thẻ thanh toán với 90% là thẻ ATM, hơn 280.000 ví điện tử được phát hành. Nhưng 80% doanh số giao dịch qua ATM chỉ để rút tiền, các ví điện tử hoạt động chỉ để chờ thời.

Phóng to
Khách hàng đăng ký sử dụng MobiVí để mua các loại thẻ và thanh toán hóa đơn - Ảnh: T.T.D.

Đến cuối năm 2010, cả nước đã có 11.000 máy ATM, hơn 50.000 POS (Points Of Sale - điểm bán lẻ chấp nhận thẻ). Ví điện tử tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng nay cũng có hàng chục đơn vị cung cấp loại hình thanh toán này.

Cũng vướng chuyện Phí

MobiVí có hơn 100.000 khách hàng đăng ký sử dụng, trong đó hơn 30.000 khách hàng sử dụng thường xuyên. Họ đã có được hơn 200 website chấp nhận thanh toán qua dịch vụ ví, nhiều khách hàng dạng “ông lớn” như taxi Mai Linh, FPT, Viettel, chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động, chuỗi cửa hàng bán lẻ G7Mart… Hiện tại, người dùng chủ yếu sử dụng MobiVí để mua các loại thẻ và thanh toán hóa đơn.

Ví điện tử là một tài khoản điện tử trung gian, kết nối với một tài khoản chính trong ngân hàng, chỉ chứa một lượng tiền mặt vừa đủ cho lần giao dịch, giúp người dùng mua sắm và đặt cọc hàng hóa trên mạng, trả phí các dịch vụ giải trí trực tuyến, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền - nhận tiền giữa các ví một cách an toàn…

Doanh số bán hàng trực tuyến của thegioididong.com và thegioidientu.com (hiện nay là dienmay.com) là 30 tỉ đồng/tháng nhưng chỉ có 5% là chuyển khoản, chuyển tiền bằng dịch vụ bưu điện, riêng ví điện tử gần như bằng 0%, 95% là thanh toán bằng tiền mặt khi giao hàng. Theo ông Đinh Anh Huân - phó tổng giám đốc Công ty CP Thế Giới Di Động, khách hàng vẫn không thích thanh toán trực tuyến nên đều lựa chọn đặt hàng trực tuyến nhưng thanh toán tiền mặt khi nhận hàng.

Để gầy dựng cộng đồng sử dụng ví, hầu hết các nhà cung cấp ví điện tử đều đi theo hướng hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ lớn như điện, nước, Internet, điện thoại… để thêm tiện ích thanh toán online. Tuy nhiên, với việc thanh toán hóa đơn, người dùng vẫn chuộng thanh toán thẳng bằng ATM hay dịch vụ Internet Banking của ngân hàng hơn việc đi đường vòng chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang trung gian là ví để thanh toán. Nhiều tài xế taxi của Hãng Mai Linh cho biết họ không biết cách nhận thanh toán qua ví điện tử như thế nào và cũng chưa gặp khách hàng nào đề nghị trả cước bằng ví.

Hàng loạt ví điện tử đang có mặt trên thị trường như Payoo, MobiVí, Ngân Lượng, Bảo Kim, MoMo… đều có mức đầu tư cao, chi phí vận hành lớn, người dùng thực tế ít. Nhưng chừng ấy trở ngại không làm giảm sự lạc quan của các doanh nghiệp phát hành ví.

Theo ông Trần Việt Vĩnh - giám đốc kinh doanh ví Ngân Lượng, doanh thu chủ yếu của ví là phí giao dịch và triển vọng của lĩnh vực này rất lớn nên công ty sẽ đầu tư mạnh cho tương lai. “Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam rất nhiều, họ không đủ tiềm lực đầu tư cho đội ngũ giao hàng, thu tiền tận nơi nên sẽ rất cần trung gian, đây là cơ hội của chúng tôi” - ông Vĩnh nói.

Không chỉ ngại thanh toán qua đường vòng từ chuyển tiền vào ví rồi từ ví chuyển đến người bán hàng, điều khiến người dùng ngại khi sử dụng ví điện tử vẫn là khoản phí phải trả khi giao dịch. Thông thường, phí giao dịch của ví là 1% (thấp hơn rất nhiều so với phí giao dịch của thẻ tín dụng) nhưng nhiều người dùng vẫn thấy tiếc.

Trong một lần tài trợ cho chương trình từ thiện của Hiệp hội Thương mại điện tử phía Nam, chủ một trang web trong tốp đầu website rao vặt Việt Nam đã từ chối đề nghị chuyển 5 triệu đồng qua ví điện tử vì tiếc phí và cử nhân viên mang tiền mặt đến nộp.

Tiềm ẩn rủi ro

Từ tháng 6-2011, cổng thanh toán trực tuyến quốc tế Paypal đã trực tiếp tham gia thị trường Việt Nam. Các giao dịch trong nước có thể sử dụng cổng thanh toán này nhưng sẽ phải chịu mức phí giao dịch từ 3-3,9%. Paypal hiện hỗ trợ 24 loại tiền tệ nhưng chưa hỗ trợ VND, do vậy các giao dịch nội địa thanh toán qua Paypal vẫn phải chuyển thành ngoại tệ và chịu phí chuyển đổi tiền tệ từ 1-2% tùy theo loại thẻ thanh toán sử dụng.

Nhưng theo các chuyên gia, ngoài những tín hiệu tốt, ví điện tử đang phát triển tự phát, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngành ngân hàng và xã hội, vai trò của ngân hàng đối với hình thức này chưa được đề cao. Hiện vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng cho mô hình này như vốn pháp định của doanh nghiệp là bao nhiêu để đảm bảo hoạt động của ví. Trong điều kiện đó, cộng đồng người tiêu dùng vẫn phải cùng nhau tự đánh giá và sàng lọc để chọn cho mình dịch vụ - sản phẩm có chất lượng và uy tín nhất. Và điều này thật sự không dễ.

__________

“Về mặt kỹ thuật, nghiệp vụ thì hệ thống thanh toán điện tử của các ngân hàng Việt Nam không quá thua kém so với khu vực và thế giới. Nhưng để phát triển với quy mô như ở các nước thì còn khoảng cách khá xa“. Ông Đặng Mạnh Phổ (giám đốc ban công nghệ Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV) nói:

Phóng to
Ông Đặng Mạnh Phổ - Ảnh: V.T.

Quy mô ở đây muốn nhấn mạnh đến số lượng người sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử (TTĐT) của ngân hàng còn rất hạn chế so với dân số. Ngay như việc sử dụng thẻ ATM, số liệu thống kê gần đây cho thấy còn đến hơn 80% số người dùng thẻ để rút tiền mặt, mới chỉ có gần 20% số người dùng thẻ ATM để chuyển khoản. Hoặc là nhìn vào ví tiền và thói quen của người dân VN cũng thấy điều này, sử dụng tiền mặt là rất phổ biến, còn thẻ vẫn nằm trong ví.

Lâu nay nhiều người cứ nghĩ thanh toán điện tử phức tạp lắm, vậy thì ngân hàng phải làm thế nào để nó càng đơn giản càng tốt, càng thuận lợi càng tốt.

* Vì sao chúng ta đi nhanh trong tiếp thu kỹ thuật, nghiệp vụ TTĐT, nhưng lại đi chậm trong việc mở rộng và phát triển lĩnh vực này trong xã hội?

- TTĐT có rất nhiều hình thức, trong đó có TTĐT liên ngân hàng, thanh toán bù trừ điện tử, các hình thức về dịch vụ ngân hàng qua Internet (Internet banking), dịch vụ ngân hàng qua điện thoại (mobile banking)…

Nói về thẻ thì có rất nhiều loại như thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng... Ngân hàng có thể đáp ứng khách hàng các dịch vụ, sản phẩm như nêu trên, nhưng bên cạnh các vấn đề thuộc về chuyên môn của ngân hàng, còn rất nhiều vấn đề khác cần được giải quyết nếu một nước muốn phát triển TTĐT. Trong đó có mối quan hệ giữa ngân hàng với các tổ chức, cá nhân có thể sử dụng dịch vụ TTĐT của ngân hàng, cũng như giữa các tổ chức, cá nhân đó với khách hàng của chính họ.

Ví dụ như ngân hàng đã sẵn sàng cho TTĐT, có thể thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, vé máy bay… và nhiều thứ hàng hóa, dịch vụ khác nhau. Vấn đề là nhiều người không muốn dùng TTĐT thông qua ngân hàng, họ chỉ muốn mua bán bằng tiền mặt. Khi ai đó mua bán bằng tiền mặt thì về lý thuyết họ không bị kiểm soát doanh thu, kèm theo đó không bị kiểm soát về thuế…

Người đi mua hàng hiện nay cũng chưa có thói quen sử dụng hóa đơn đỏ, người bán hàng chắc cũng thích nhận tiền mặt, vì nếu TTĐT qua ngân hàng thì có thể lộ ra câu chuyện bán hàng không xuất hóa đơn (VAT).

* Người dân chưa hào hứng lắm với TTĐT phải chăng vì nó chưa thật sự tiện lợi? Ngân hàng sẽ làm gì để khách hàng tin tưởng mà sử dụng các dịch vụ TTĐT nhiều hơn?

- Ở Mỹ ăn một que kem cũng có thể thanh toán bằng thẻ, còn ở ta thì nhiều khi tôi đi mua sắm muốn thanh toán bằng thẻ mà không được. Vấn đề của các ngân hàng nước ta hiện nay là làm thế nào để đưa các dịch vụ, sản phẩm của mình đến được với người tiêu dùng. Nếu anh có sản phẩm tốt mà không tiếp thị tốt thì rất khó để khách hàng tiếp cận được. Bản thân các ngân hàng phải tìm mọi cách để không ngừng hiện đại hóa, đa dạng hóa và tăng cường tính tiện dụng của TTĐT.

Một vấn đề khác khi đề cập đến TTĐT là phải có giải pháp bảo mật để tạo sự tin tưởng cho khách hàng. Thật ra đây là vấn đề chung với tất cả các ngân hàng, ví dụ trong dự án Internet banking và mobile banking của BIDV thì ngân hàng phải chi đến 1/3 kinh phí đầu tư cho bảo mật. Tăng cường bảo mật trong TTĐT là việc phải làm thường xuyên.

* Vừa qua các ngân hàng có đề nghị tăng phí ATM, liệu điều này có ảnh hưởng đến sự lựa chọn của người dân đối với loại hình dịch vụ này?

- Ngân hàng đầu tư rất nhiều vào hệ thống thẻ, ATM, POS… do vậy nếu đòi hỏi dùng miễn phí thì không công bằng. Dĩ nhiên thu phí là cần thiết nhưng cũng phải làm thế nào cho hợp lý, nghĩa là không được thu phí quá mức.

Nhiều ý kiến cho rằng hầu hết các ngân hàng đang áp dụng quy định số dư tối thiểu (buộc chủ thẻ phải để lại trong tài khoản ít nhất 50.000-100.000 đồng), theo đó các ngân hàng được sử dụng một lượng vốn (lãi suất thấp) tỉ lệ thuận với số thẻ phát hành.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đối với thẻ ATM thì khả năng quay vòng lượng vốn này là rất nhỏ vì số dư tối thiểu cũng như số dư khác đều không quá lớn (khách hàng thường không để nhiều tiền trong tài khoản), bản thân số vốn đó cũng được sử dụng làm tiền mặt để trong các ATM mà mỗi ATM cũng phải lên đến hàng trăm triệu đồng, rồi còn chi phí vận chuyển, kiểm đếm… số tiền đó nữa.

Do vậy, mức phí liên mạng 3.300 đồng được áp dụng từ năm 2007, đến nay nếu có nâng lên chút ít để phù hợp với tình hình trượt giá thì cũng có thể chấp nhận được. Còn đối với phí nội mạng thì không nên thu vì các nước cũng không thu loại phí này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận