Hành trình 10 năm hủy diệt của chất độc da cam

CAM LY LƯỢC DỊCH 28/06/2011 02:06 GMT+7

TTCT - Năm mươi năm sau ngày tổng thống Kennedy ký lệnh phát động chiến dịch rải chất độc da cam tại miền Nam Việt Nam, sử gia Mỹ David Zierler công bố hồ sơ chi tiết về hành trình 10 năm hủy diệt của loại chất độc này (1961-1970).

Bìa sách Phát minh hủy diệt môi trường...

Cuốn sách Phát minh hủy diệt môi trường: Chất độc màu da cam, Việt Nam, và những nhà khoa học làm thay đổi cách nhìn của chúng ta về môi trường (*) được đánh giá là một trong những tài liệu nghiên cứu giàu thông tin và toàn diện nhất về chất độc da cam cho đến nay.

Được sự đồng ý của tác giả, TTCT trích đăng trong hai kỳ một số nội dung của quyển sách.

Trưởng khoa thực vật thuộc Đại học Chicago, GS Ezra E.J. Kraus, là nhà khoa học Mỹ đầu tiên nhận ra tiềm năng quân sự của hóa chất diệt cỏ ngay từ khi nước Mỹ bắt đầu tham dự Thế chiến thứ hai. Ngày 17-2-1942, ông đã trình bày một báo cáo về khả năng sử dụng các chất diệt cỏ như một loại vũ khí quân đội trong cuộc họp tối mật của Ban tư vấn chiến tranh Mỹ.

Những đứa trẻ bị nhiễm dioxin - nạn nhân chất độc da cam - đang được nuôi dưỡng tại làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm

Thử nghiệm thành công từ Thế chiến thứ hai

Vào thời điểm đó, giới khoa học Mỹ vẫn còn đang trong giai đoạn khám phá tác động của các loại hóa chất này. Các dự án nghiên cứu trên diện rộng mà GS Kraus chủ trì được tiến hành trong thập niên 1940 đã kết hợp hai hóa chất 2,4-D và 2,4,5-T (chiếm 50% trong hợp chất da cam) và thử nghiệm thành công trong môi trường giả lập chiến tranh. Tuy nhiên, quân đội Mỹ đã không sử dụng hợp chất mới phát minh này trong suốt Thế chiến thứ hai.

Khoảng mùa thu năm 1961, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGP) đã tiến gần đến thế lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. Đứng trước khả năng thất bại trên mặt trận quân sự và ngoại giao ở nhiều nơi, đặc biệt là Cuba và Berlin, tổng thống Kennedy và nhóm cố vấn đối ngoại của mình bắt đầu tính đến việc phát động các chiến dịch quân sự công nghệ cao như một cách đối phó với sự mở rộng của khối các quốc gia cộng sản.

Các chất diệt cỏ do nhóm nghiên cứu của GS Kraus phát minh trong Thế chiến thứ hai trở thành vũ khí trọng tâm trong chiến lược chống chiến tranh du kích, với mục đích hủy hoại môi trường sống và nguồn lương thực của du kích MTDTGP trên toàn vùng nông thôn Nam bộ.

Hai mạch thông tin chính trong Phát minh hủy diệt môi trường... được trình bày bằng phương pháp xâu chuỗi các sự kiện, đối chiếu các hồ sơ giải mật với thông tin từ những người trong cuộc qua các cuộc phỏng vấn sâu. Mạch thông tin thứ nhất cung cấp cho người đọc bức tranh chi tiết về tiến trình ra đời, mở rộng và lụn bại của loại hình chiến tranh diệt cỏ mà Chính phủ Mỹ tiến hành tại miền Nam Việt Nam (1961-1970). 

Mạch thứ hai dẫn người đọc đến với phong trào phản đối loại hình chiến tranh phát quang này kéo dài suốt 10 năm của một nhóm nhà khoa học Mỹ dưới sự dẫn dắt của tiến sĩ Arthur Galston, người từng phát minh chất diệt cây cỏ là tiền thân của chất độc da cam.

Ngày 26-4-1961, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ Roswell L. Gilpatric trình lên tổng thống Kennedy một chương trình hành động, trong đó đề cập việc thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển đóng tại miền Nam Việt Nam, chịu trách nhiệm phát minh các kỹ thuật chống du kích, với lý do quân đội Mỹ thời đó không có đủ phương tiện theo dõi trên không để định vị lộ trình của du kích MTDTGP.

Hai tuần sau đó, chính phủ Ngô Đình Diệm thông qua kế hoạch này, và Cơ quan Dự án nghiên cứu cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ chính thức thành lập Trung tâm Thí nghiệm phát triển và chiến đấu (CDTC).

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của CDTC là tìm ra hợp chất hóa học để hủy hoại bề mặt rừng và các loại nông lương mà du kích MTDTGP tiêu thụ. Ở giai đoạn thử nghiệm, CDTC tiếp nhận lô hàng thiết bị và chất diệt cỏ đầu tiên vào ngày 10-7-1961. Sau đợt thử nghiệm thành công, giám đốc James W. Brown xác nhận hợp chất phát quang cây cỏ sẽ là thành tố chính trong chiến lược đối phó với chiến tranh du kích. “Không ai đánh giá cao lương thực và tầm nhìn bằng những kẻ bị mất hai thứ này” - ông nhấn mạnh.

Vỏ bọc của “chiến tranh diệt cỏ”

Ban đầu quân đội Mỹ dự kiến chỉ trang bị và huấn luyện cho lực lượng không quân Việt Nam cộng hòa (VNAF) tiến hành “chiến tranh diệt cỏ” (tạm dịch từ herbicidal warfare). Ngày 24-8-1961, tổng thống Diệm đích thân lựa chọn mục tiêu, và máy bay C-47 của VNAF tiến hành đợt rải hóa chất đầu tiên xuống vùng rừng miền Nam Việt Nam. Ông Diệm lập tức nhận ra sự lợi hại của loại hình chiến tranh này.

Trong buổi họp ngày 29-9 với đại sứ Mỹ Fredrick Nolting và trung tướng McGarr, tổng thống Diệm đề xuất tiến hành chiến dịch rải hóa chất trên diện rộng tại vùng cao nguyên Trung bộ để diệt nguồn lương thực mùa thu của du kích MTDTGP, nhưng không nhận được lời hứa hậu thuẫn chính thức từ phía Mỹ.

Tuy vậy, một tuần trước đó, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã đồng soạn thảo một văn bản trong đó phác thảo kế hoạch cấp kỳ để ngăn chặn sự sụp đổ của chính quyền Diệm. Kế hoạch này bao gồm một loạt chiến dịch quân sự chống du kích mà nếu thành công sẽ loại bỏ khả năng quân đội Mỹ phải gửi quân tham chiến trực tiếp. Văn bản này ghi rõ bốn mục tiêu của chiến tranh diệt cỏ theo đề xuất của CDTC:

1. Phát quang vùng rừng biên giới Lào - Campuchia - Bắc Việt Nam để loại bỏ “vỏ bọc” bảo vệ quân MTDTGP.

2. Phát quang một phần vùng đồng bằng Mekong (vùng D) được coi là khu vực mà quân du kích MTDTGP có nhiều căn cứ.

3. Phát quang các vùng trồng sắn được coi là nguồn lương thực của du kích.

4. Phát quang các vùng rừng đước được coi là nơi du kích ẩn náu.

Chiến dịch rải hóa chất dự kiến sẽ chấm dứt trong vòng 120 ngày, tiến hành trên một diện tích rộng bằng một nửa miền Nam Việt Nam, với tổng ngân sách 55,9 triệu USD. Tuy cuối cùng đề xuất này đã được thay thế bằng một đề xuất khác của Đại sứ quán Mỹ tại miền Nam - cùng quy mô nhưng chi phí chỉ bằng 1/10, văn bản nói trên cho thấy bước chuyển quan trọng trong chính sách chiến tranh của Mỹ tại miền Nam Việt Nam, đánh dấu việc “Mỹ hóa” loại hình chiến tranh diệt cỏ.

Tháng 11-1961, quân đội Mỹ đã sẵn sàng vận chuyển hóa chất và thiết bị sang Việt Nam, chỉ còn chờ lệnh của tổng thống Kennedy. Vào thời điểm đó, tổng thống Mỹ đã nhận được đề xuất của ban cố vấn đối ngoại của chính phủ, trong đó có ngoại trưởng Dean Rusk và bộ trưởng quốc phòng McNamara.

Tuy cả hai đều thừa nhận loại hình chiến tranh này có thể gây tranh cãi, ngoại trưởng Rusk khẳng định các chiến dịch rải hóa chất không vi phạm luật quốc tế và “là một chiến lược chiến tranh có thể chấp nhận được”. Đồng thời, ông McNamara yêu cầu tổng thống Diệm tuyên bố chính thức rằng chất phát quang cây cỏ không gây nguy hại đến con người hay thú vật.

Ngày 30-11-1961, văn bản chính thức mở đường cho chiến tranh diệt cỏ tại Việt Nam được ban hành trong đó ghi rõ:

“Tổng thống (Kennedy) đã phê chuẩn đề xuất của ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng về việc tham gia chương trình phối hợp rải hóa chất phát quang cây cỏ tại Việt Nam với quy mô chọn lọc và kiểm soát chặt chẽ, bắt đầu bằng việc phát quang các tuyến đường trọng yếu và tiếp tục bằng việc tiêu diệt nguồn lương thực, tuy nhiên chỉ thực hiện khi đã thiết lập được nguồn lương thực thay thế và hoàn tất phần căn bản của tiến trình tái định cư. Không phê chuẩn việc rải hóa chất ở khu vực D và vùng biên giới cho đến khi quân đội xác lập được tính hiệu quả của việc này”.

Đầu tháng 12-1961, dưới sự dẫn dắt của Trung tâm không chiến đặc nhiệm thuộc Không lực Mỹ, máy bay vận chuyển C-123 cất cánh từ nhiều căn cứ quân đội Mỹ, khởi đầu chiến dịch Bàn tay nông trại được triển khai trên khoảng 10.000 hecta đất miền Nam Việt Nam.

__________

(*): The invention of ecocide: Agent Orange, Vietnam, and the scientists who changed the way we think about the environment (NXB Đại học Georgia phát hành ngày 1-5-2011)

Kỳ 2: Cuộc chiến trong lòng nước Mỹ

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận