Ông tây lướt ván vớt rác trên sông mekong

DƯƠNG THẾ HÙNG 30/05/2011 21:05 GMT+7

TTCT - Một ngày giữa tháng 5-2011, người dân dọc bờ sông Cửu Long bỗng thấy một “thằng cha” da trắng có mái tóc vàng dài lượt thượt, đội nón kết màu vàng, đứng trên tấm ván lướt cũng màu vàng, tay cầm mái chèo lướt nhanh trên dòng sông xuôi về hạ nguồn.

Cứ vậy anh ta đi suốt từ Châu Đốc (An Giang) ra tới biển Đông (Trà Vinh - Sóc Trăng), đoạn dài 230km.

Phóng to
Trên chiếc ván buồm này, Rob Kidnie sẽ di chuyển 230km ra biển Đông - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Hầu như những ai thấy “thằng cha màu vàng” lướt ván trên sông đều ngoái lại nhìn, lạ lẫm. Đó chính là Rob Kidnie, người Úc, 35 tuổi, huấn luyện viên môn lướt ván ở bãi biển Sunny Beach (Mũi Né, Bình Thuận).

“Tôi hạnh phúc rồi”

Anh nói: “Tôi đi lượm rác dọc bờ sông Cửu Long, từ biên giới Campuchia ra biển Đông để kêu gọi mọi người đừng quăng rác và túi nhựa xuống sông”. Cùng đi với anh là một chiếc ghe chở Grahame Booker, nhiếp ảnh gia người Anh và Nguyễn Tiến Luân, thành viên CLB lướt ván của Rob.

Ở đoạn sông Châu Đốc, Rob tắm sông với mấy trẻ em và cho chúng leo lên tấm ván đứng thử. Bất chợt một vỏ chai nhựa trôi trên dòng nước, anh dùng mái chèo vớt lên. Rồi anh vớt thêm nhiều thứ rác khác như vỏ cơm hộp, vỏ dầu gội đầu, vỏ mì gói... đưa sang chiếc ghe của Grahame và Luân. Rob ra hiệu với tụi nhỏ “gom mấy thứ này lại bỏ vô thùng rác”. Tụi nhỏ có vẻ hiểu, vài em còn nói “ôkê” biểu lộ đồng tình. Bất ngờ trên sông xuất hiện một vật màu trắng nổi lềnh bềnh, Rob lại dùng mái chèo vớt lên. Đó là một miếng tã lót em bé.

“Có lẽ vùng này dân khá giả nên dùng tã lót hơi nhiều” - Rob nhận xét.

Trên bờ, nhiều người dân nãy giờ theo dõi Rob hình như “hơi” hiểu anh đang làm gì. Có người nói “nó điên”, nhưng cũng có người bảo “chắc nó đi bảo vệ môi trường”. Mọi người cười vui vẫy tay chào Rob. Có người giơ ngón tay cái lên và gục gặc đầu nhìn Rob ra vẻ tán đồng. Rob nói chỉ cần họ có phản ứng như vậy là “I am happy” (Tôi hạnh phúc rồi).

Từ Châu Đốc, Rob đứng ván bơi một mạch giữa nắng và gió về tới thị trấn Cái Dầu (huyện Châu Phú, An Giang) thì tạm nghỉ. Hôm sau, anh tiếp tục hành trình xuôi về TP Long Xuyên.

Ở đoạn sông giữa TP Long Xuyên, Rob tỏ vẻ thích thú khi nhìn thấy nhiều ghe xuồng chở khóm và dưa hấu. Tất nhiên anh cũng “bở hơi tai” vớt rác. Anh cũng lấy làm lạ với những xưởng sửa máy dọc bờ sông, nhưng lại khá phiền vì dầu nhớt thải ra nổi đầy. Chưa hết, trên đường về Cần Thơ qua Mỹ Thạnh, Ô Môn, Trà Nóc, Rob lo lắng khi đoạn sông này có quá nhiều bao bì rác.

Rob nhún vai: “Nếu mỗi vỏ bao bì đó bán được 1 đôla thì chắc tôi sẽ không cần phải làm gì hết trong suốt phần đời còn lại”.

Phóng to
Những bao bì nilông, rác thải được Rob nhặt lên ván buồm - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Hãy suy nghĩ trước khi quăng rác

Chúng tôi cùng Rob uống cà phê ở một địa điểm gần bến đò Cô Bắc (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) chuẩn bị hành trình về bến Ninh Kiều. Tranh thủ thời gian, Rob cùng Luân đi phát tờ rơi cho chủ quán và vài người khách. Nội dung nói gọn về mối nguy hiểm từ nhựa, bao bì, hộp xốp, ống hút; về ảnh hưởng của chúng đến môi trường, sức khỏe; thuyết phục mọi người hạn chế dùng bao nhựa.

Rob còn tặng mọi người những túi vải nhỏ xinh để đi chợ đựng đồ, khỏi phải lấy túi nhựa nữa. Nếu mọi người trở lại thói quen ngày xưa là dùng lá chuối, giấy để gói... sẽ hạn chế một lượng lớn túi nhựa thải ra môi trường.

Đa số người nhận tờ rơi đều liếc qua một cái rồi... ngó lơ. Tuy nhiên, Rob cho rằng vì họ đang bận bịu. Khi về nhà họ sẽ coi kỹ hơn và hi vọng ít nhiều mọi người sẽ “thấm” tác hại đem tới từ nhựa, nhất là khi đốt nó sinh ra khí độc dioxin tác hại tới sức khỏe, gây bệnh ung thư.

Khi thấy một cụ già quảy một bao lớn đựng những chai nhựa lượm dọc đường để bán ve chai, Rob chỉ tay vào cụ và nói: “Bà ấy đang làm một việc tốt và chúng ta rất cần có thêm nhiều người như vậy. Bởi vì nhựa có thể tái chế để sử dụng nhiều lần, như vậy đã hạn chế một lượng lớn đồ nhựa thải ra đường, trên sông rạch”. Anh nêu ý tưởng: “Sao không có ai nghĩ ra việc mua “ve chai” những thứ chai nhựa này như đối với mua đồ kim loại? Có lẽ những nhà sản xuất chai nhựa nên đứng ra mua lại, tái chế và tái sử dụng chúng thì hay hơn”.

Chúng tôi uống cà phê xong và chuẩn bị tiếp tục hành trình. Một cô gái tuổi học trò (có lẽ là con chủ quán) đến bên bàn dọn dẹp các chai nước. Cô đem chúng ra bờ sông định quăng nhưng tần ngần giây lát rồi đem vô, cất trong bọc nilông lớn. Cô nói: “Trước đây em thường quăng nó xuống sông, nay em đã suy nghĩ lại...”. Chúng tôi dịch lại cho Rob nghe. Anh hớn hở: “Ôi, thật hạnh phúc!”.

Rob cho rằng việc làm của cô gái đó là hiếm hoi và may mắn đối với anh. Không phải một sớm một chiều mọi người hiểu và thay đổi ngay ý thức. Cần phải có thời gian và nhiều chuyến đi như thế này.

Thông điệp “4R”

Rob Kidnie, 35 tuổi, là công dân Úc, năm năm qua làm hướng dẫn viên môn lướt ván tại Mũi Né, Phan Thiết. Hành trình 230km của Rob khởi đi từ Châu Đốc (An Giang) ra biển Đông (địa phận Trà Vinh - Sóc Trăng) là một phần trong thách thức Rob đặt ra cho chính mình: lướt ván dọc sông Mekong, đoạn chảy qua Việt Nam và đổ ra biển Đông. Suốt cuộc hành trình sẽ là những hoạt động nhằm thay đổi nhận thức cộng đồng về môi trường và thảm họa từ rác thải là nilông. Bạn có thể theo dõi hành trình này trên blog của Rob Kidnie: http://plasticawareness.weebly.com/-daily-blog.html.

Thông điệp mang bốn chữ R cũng nằm trong cuộc hành trình này. Đó là refuse - reduce - reuse - recycle. Tiếng Việt có nghĩa là “Nói không với túi nilông - giảm số lượng - tái sử dụng - tái chế”. Trên sông từ Ô Môn về Cần Thơ, lượng cá chết càng nhiều và váng dầu loang trên mặt nước cũng nhiều hơn. Lý do là nơi đây gần khu công nghiệp. Những nhà máy thật lớn mọc bên bờ sông, tất nhiên nước thải sẽ xả ra con sông này.

Rob khá lo lắng khi đáy tấm ván lướt trơn nhớt những thứ dầu cặn bám vô. Anh càng bức xúc hơn khi thấy những vỏ mì gói xuất hiện ngày càng nhiều. Đó là một trong những thứ Rob ghét nhất nhưng không thể không gặp chúng. Trong khi đó, trên khúc sông có rất nhiều người đang giăng lưới bắt cá. Rob lấy làm lạ trước hình ảnh tương phản này: gần khu công nghiệp vẫn còn có cá để đánh bắt sao?

Anh đưa tôi xem những hình ảnh đã chuẩn bị sẵn trên màn hình. Thật kinh khủng, đó là hình ảnh một đoạn sông Mekong bị tắc nghẽn vì ngập ngụa rác và chai nhựa, một bờ biển đầy rẫy túi nilông, một ngôi chợ quê đầy rác và chai nhựa với dòng chú thích “một cảnh tượng quen thuộc ở hầu hết các chợ quê”. Hình ảnh những bãi rác mà hầu hết rác thải hiện nay là nilông. Những túi nilông bay theo gió, giăng đầy trên cành cây, trôi dần ra biển, tập hợp thành những “hòn đảo nhựa” khổng lồ.

Rob đưa lên cả hình ảnh ghê sợ về xác những con chim biển, rùa biển bị chết, trong bụng chúng toàn mảnh đồ nhựa là bong bóng, dây thun, vỏ nắp chai, hộp quẹt gas... Có cả hình ảnh một con rùa bị dị tật ở giữa cái mai do bị một vòng nhựa tròng vô từ nhỏ. Khi lớn lên hai đầu mai rùa phình ra, ở giữa bị bó chặt như hình số 8. Rob hi vọng khi nhìn thấy những hình ảnh này, mọi người sẽ thay đổi nhận thức nhanh hơn, có tác động nhiều hơn với người xung quanh về tác hại của nhựa và giảm sử dụng nó.

Khi bài báo này lên khuôn, Rob cùng các đồng sự vẫn đang rong ruổi trên sông Cửu Long đi về hướng Sóc Trăng, Trà Vinh ra biển Đông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận