Hãy để sự trong xanh khiến ta mỉm cười

NGUYỄN VĨNH THÔNG 25/09/2010 12:09 GMT+7

TTCT - Lúc còn bé, ai trong chúng ta cũng từng băn khoăn, sợ hãi và ám ảnh trước cái chết. Khi trưởng thành, nỗi sợ hãi ấy không tồn tại nữa và ta mặc nhiên thừa nhận sự biến mất đó như một lẽ tất yếu, chẳng mấy khi ta bận tâm đến.

Thế nhưng bằng cách khai thác nỗi ám ảnh trước cái chết dưới góc nhìn của những đứa trẻ, Kazumi Yumoto đã kể cho ta một câu chuyện tinh tế về sự trưởng thành, lòng nhân ái và niềm vui sống.

Phóng to

Ám ảnh về cái chết

Kiyama là một cậu bé cao kều 12 tuổi, có phần hơi già dặn, sống trong một căn nhà buồn tẻ với người bố chẳng mấy khi ăn cơm cùng gia đình, mẹ chìm đắm trong rượu và im lặng. Wakabe là bạn cùng lớp với Kiyama và Yamashita, sống với mẹ ở chung cư, luôn khao khát có một người bố, biểu hiện khá khích động và hơi kỳ dị.

Sau khi bố mẹ ly hôn, Wakabe chìm vào thế giới của riêng mình, đã có lần định tìm đến cái chết. Yamashita tốt bụng, mập mạp, con của gia đình bán cá, mơ ước trở thành chủ tiệm cá, bị ám ảnh không nguôi về cái chết của người bà ở quê. Và chính cậu đã đem nỗi ám ảnh ấy truyền qua hai người bạn mình.

Mùa hè năm lớp 6 của Kiyama, Wakabe và Yamashita chừng như trôi qua êm ả nếu không có cuộc gặp gỡ kỳ lạ với ông cụ cô đơn hằng ngày ngồi nhà ăn cơm hộp, xem tivi, chẳng màng sự đời và có phần buông xuôi chờ cái chết.

Ba đứa trẻ quyết định làm một việc lạ đời là theo dõi ông cụ độc thân 80 tuổi, sắp gần đất xa trời để biết được một người chết đi như thế nào. Phi vụ bất thành, ông cụ trở thành người bạn lớn của ba đứa trẻ.

Với niềm tin lạc quan không gì là không thể, ba đứa trẻ đã giúp người bạn già sửa soạn lại cuộc sống. Chúng giúp ông cụ làm vườn, dọn những đống rác lưu cữu, buộc dây phơi, sơn tường, đi chợ bổ sung thực phẩm tươi. Chúng nhịn ăn trưa mua hạt giống hoa cúc cánh bướm. Chúng lên xe buýt đến viện dưỡng lão tìm một người mà chúng tin là vợ cũ của ông cụ...

Ông cụ bước ra khỏi sự đơn độc và nhịp sống nhàm chán hằng ngày. Ông đưa bọn trẻ đi chơi, đi bắn pháo hoa, cùng bọn trẻ ăn dưa hấu, dạy chúng cách gọt lê, viết chữ Hán,... nói cho chúng hiểu “Biết đâu già đi lại là một điều hay. Bởi vì càng nhiều tuổi, người ta lại càng nhiều ký ức.

Và rồi một lúc nào đó khi chủ nhân chết đi, những ký ức sẽ hòa lẫn vào không khí, tan vào mưa, thấm vào đất, tiếp tục tồn tại. Chúng sẽ trôi tới nhiều nơi khác, và không chừng cũng sẽ thử len lỏi vào tim những người khác nữa”. Thông qua bọn trẻ, một cách nào đó ông cụ đã trở về với đời sống thực tại cùng chút kiêu hãnh của một người thợ làm pháo hoa và câu chuyện buồn trong chiến tranh.

Hai cuộc hành trình

Hai cuộc hành trình song song ấy của bọn trẻ và ông cụ đã gặp nhau ở khu vườn mùa hạ xanh mát. Họ đã cùng nhau trải qua một mùa hè đáng nhớ. Và khi kết thúc, hè nhường chỗ cho thu, tất cả đều đã khác. Cảnh vật thiên nhiên khác với khu vườn nở đầy hoa cúc cánh bướm.

Ông cụ mất đi nhưng trước đó ông đã nỗ lực sống những tháng ngày không lặp lại. Với ba đứa trẻ, đó là câu chuyện về sự trưởng thành. Chúng đã đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời và học được những bài học cho riêng mình. Bài học đó có thể là chấp nhận một người khác, một sở thích trái ý mình, là ước mơ, sự dũng cảm hay đơn giản hơn là đi tiểu một mình lúc đêm khuya.

Dẫu sao, cả bốn con người ấy cũng đều đã mãn nguyện, đã tìm được cho mình những tư duy để neo đậu trong đời sống, đã gắn bó và sống hết mình trong mùa hè đầy hạnh phúc ấy. Tình bạn giữa họ đã giúp từng cá nhân chữa lành những nỗi đau sâu kín và vượt qua ám ảnh về cái chết.

Khi câu chuyện kết thúc, ta chợt hiểu ra rằng thông qua cái chết, Kazumi Yumoto đang nói với ta về giá trị thực của những khoảnh khắc được sống. Giống như “Ánh sáng luôn hiện hữu quanh ta, nhưng màu sắc của nó lại ẩn đi. Trong thế giới này có lẽ có vô vàn thứ đang ẩn nấp, vô vàn thứ ta không nhìn thấy được. Có những thứ giống như cầu vồng, thời tiết thay đổi chút là sẽ xuất hiện, nhưng cũng có những thứ phải trải qua một quãng đường rất dài ta mới có thể thấy nó”.

Quyển sách những tưởng dành cho trẻ em hóa ra ẩn giấu đầy triết lý, thâm trầm mà trong trẻo. Với giọng văn giàu xúc cảm và đầy nhạc tính, Khu vườn mùa hạ không là câu chuyện cho một lứa tuổi độc giả nào, mà đó là câu chuyện dành cho mùa hè. Giản dị nhưng đầy nghệ thuật, Kazumi Yumoto đã hòa kết những suy tư đậm chất phương Đông với niềm vui sống một cách thanh thoát.

Gấp sách lại, Khu vườn mùa hạ như vừa trao cho ta sự trong xanh và nhẹ nhõm khiến ta mỉm cười.

__________

Khu vườn mùa hạ - nguyên tác Natsu no niwa của Kazumi Yumoto, Nguyễn Thanh Hà dịch, Nhã Nam và NXB Văn Học phát hành, 2010

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận