Theo dấu chân tê giác Việt Nam: Nước đâu cả rồi?

KHỔNG LOAN - CẢNH TOÀN 26/06/2010 14:06 GMT+7

TTCT - Cuối tháng 2-2010 cũng là cao điểm của nắng nóng nên các đầm lầy khô dần. Các con tê giác sẽ phải sử dụng những con suối còn lại đâu đó trong rừng, và việc tìm kiếm phân của chúng càng trở nên khó khăn hơn.

Những người dân địa phương đi bắt cá trong khu vực tê giác sinh sống - Ảnh: WWF

Sau vụ phát hiện xác con tê giác ở vườn Cát Tiên đầu tháng 5, WWF VN đã xuất bản tấm bưu thiếp này

Đầu tháng 3, đã một vài tuần kể từ khi đoàn nghiên cứu tìm thấy phân tê giác mới, đến nay họ đã không tìm thấy dấu vết nào nữa dù đã tìm đến nơi được cho là có nhiều tê giác tụ tập. Vậy những con tê giác đã đi đâu? 

Các nhân viên kỹ thuật và người địa phương nói rằng chúng có thể đã di chuyển về hướng bắc và đông. Đi theo sự gợi ý đó, mọi người đã tìm thấy dấu chân tê giác dọc một con sông. Người dân địa phương cho biết con tê giác này đã đến đây hồi đầu tháng 2. Vì sao nó lại bỏ đi? Nước cạn chắc chắn không phải là lý do chính, vì khi các nhà khoa học thử đi xuống bãi đầm lầy thì nước vẫn còn đến thắt lưng của họ.

Giữa tháng 3, theo kế hoạch, họ đi về phía bắc khu rừng. Đoàn đi thuyền đến một khu làng dân tộc thiểu số. Nhưng cũng không có con tê giác nào ở đây. Sau đó, đoàn tìm đến một ngôi làng khác trong rừng. Những nhân viên kiểm lâm đi xe máy, còn Sarah và Simon đi bộ với hai chú chó của mình. 

“Con đường của khu rừng thật đẹp với tán lá rộng và cao cùng hàng tre xung quanh” - Simon viết trên blog. Đó là một phần khiến công việc của anh thật hứng thú. Mọi người đã ngủ một đêm ở ngôi làng này và hôm sau thì đi sâu hơn vào trong rừng - đó là khu vực kế cận nơi trước đó đã không tìm thấy dấu vết tê giác nào hồi tháng 12. Tiến sâu vào khu rừng, họ chỉ thấy mỗi dấu chân của bò rừng, nai Sambar và heo rừng.

Cuối tháng 3, cao điểm của mùa khô, đoàn chia ra tìm đến các khu vực ẩm ướt còn lại. Sarah và chó Bruiser dành nhiều thời gian để tìm kiếm ở đầm lầy, nơi người dân tộc thiểu số thường đến bắt cá. Sarah tìm thấy một vài dấu chân khá cũ, nhưng không tìm thấy bãi phân nào. Thay vào đó, mọi người tìm thấy nhiều dấu chân của bò tót và phân của chúng gần nơi đoàn cắm trại.

Kết thúc toàn bộ chuyến khảo sát, Sarah và Simon thu được 22 mẫu phân. Những mẫu phân này được gửi tới ĐH Queens ở Ontario, Canada để xét nghiệm ADN và phải đến cuối năm nay mới biết kết quả. “Mọi người cứ liên tục hỏi chúng tôi ước chừng có bao nhiêu con tê giác có thể ở đó, chính chúng tôi cũng không biết nữa!” - Simon viết. 

Trong những tháng khảo sát, đoàn của Sarah và Simon đã tìm thấy và tiêu hủy những chiếc bẫy do thợ săn đặt quanh đầm lầy vì biết các loài động vật hoang dã thích tập trung ở đây. Những con tê giác (nếu) còn lại ở VN hiện đang bị giới hạn sinh hoạt trong một khu rừng nhỏ chỉ 4.000-5.000ha mà xung quanh đó hầu hết là đất nông nghiệp và nhà ở. Trước đây, những con tê giác thường tìm đến dòng sông chính trong rừng vào mùa khô. 

Ngày nay, những con đập cùng những ống hút bùn ồn ào đang được xây bên cạnh dòng sông để cung cấp đất cho những dự án phát triển rất đáng lo ngại. Những khu vực thấp ẩm ướt vốn rất quan trọng đối với tê giác hầu hết đã biến thành đồng lúa. 

Loài tê giác không có được môi trường yên ổn để sinh sống, ngay cả khi chúng ở trong rừng. Các nhà bảo tồn luôn cho rằng sự suy giảm chất lượng môi trường sống khiến nỗ lực khôi phục loài này cực kỳ khó khăn. Đầu tháng 6, WWF VN đã xuất bản bưu thiếp có hình bộ xương con tê giác một sừng vừa được tìm thấy. Liệu nó có phải là con tê giác cuối cùng ở VN hay không? Hi vọng là không.

WWF đã hỗ trợ VN bảo vệ và bảo tồn tê giác từ năm 1998. Tháng 5-1999, lần đầu tiên ở VN bẫy ảnh thu được hình ảnh hai con tê giác Java tại vườn quốc gia Cát Tiên. Tê giác ở mục “Cực kỳ nguy cấp” trong Sách đỏ năm 2009 của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế. Tê giác có thể sống 30-45 năm trong điều kiện hoang dã. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận