"Cần có phân khoa Mekong cho Đại học Cần Thơ"

TTCT - Hàng chục con đập đã và đang xây dựng trên dòng chảy chính ở thượng nguồn (phía Trung Quốc) và hạ nguồn con sông Mekong đang dư luận các nước thuộc hạ lưu con sông, trong đó có VN, đặc biệt lo ngại.

Phóng to
Bác sĩ Ngô Thế Vinh bên con đập Mạn Loan (Trung Quốc) - Ảnh do nhân vật cung cấp

TTCT đã có cuộc phỏng vấn qua email với bác sĩ Ngô Thế Vinh (Mỹ), người đã dành thời gian đi dọc con sông dài hơn 4.000km này và có nhiều tác phẩm viết về số phận đang kêu cứu của con sông.

Hiểm họa không xa

* Không nhiều người có điều kiện đi thực tế chiều dài cả con sông Mekong như ông. Cảm xúc của ông khi đi suốt dọc con sông thế nào?

- Cảm xúc mạnh mẽ nhất là chuyến đi Vân Nam tới đập Mạn Loan là đập đầu tiên chắn ngang dòng chính thượng nguồn sông Mekong, khởi đầu một chuỗi đập bậc thềm Vân Nam, gây đe dọa trên toàn lưu vực kể cả vùng ĐBSCL của chúng ta.

* Các con đập chẳng phải bất ngờ hiện ra. Ông thấy các con đập này ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống của người dân hai bên bờ?

- Đúng vậy. Kế hoạch khai thác sông Mekong đã có từ hơn nửa thế kỷ trước khi Liên Hiệp Quốc thành lập Ủy ban sông Mekong, nhưng kế hoạch bị gián đoạn do cuộc chiến tranh VN. Với Trung Quốc, tuy các dự án xây đập đi sau hàng thập niên nhưng họ đã tới trước với bốn con đập hoàn tất. Hậu quả lâu dài là nông dân và ngư dân trong lưu vực sẽ mất nguồn thu hoạch lúa và cá, mất cả cuộc sống trong lành, để rồi thế hệ con cháu họ sẽ phải bỏ đất quê hương đi tìm kế sinh nhai ở những vùng khác. Đây là điều tôi và nhóm Bạn Cửu Long rất quan tâm từ hơn một thập niên qua và từng có nhiều dịp lên tiếng.

* Nhiều người cho rằng hiểm họa thiên nhiên từ việc sông Mekong không được chảy tự nhiên là “còn lâu mới xảy ra”. Ông sẽ nói gì với họ?

- Hiểm họa ấy không xa vời. Từ một con sông đang thiếu nước, nay nguồn nước ấy còn bị hãm lại trong những hồ chứa thượng nguồn. Chẳng hạn như ở Thái Lan, quận Chiang Khong ở phía bắc từ năm 2004 phải chịu cảnh thiếu nước, thiếu cá khiến ngư dân Thái phải than thở nếu Trung Quốc cứ xây thêm đập thì sông Mekong chỉ còn là một con lạch.

Còn ở Lào: do Trung Quốc thường xuyên đóng các cửa đập để giữ nước khiến tháng 3-2004 chưa bao giờ mực nước sông Mekong xuống thấp đến như vậy, tổ chức du lịch Lào phải hủy những chuyến du ngoạn trên sông vì các khúc sông quá cạn. Ở Campuchia: đầu năm 2004 là thời gian gần như tuyệt vọng, lũ về thấp hơn, nước sông Tonle Sap chảy ngược vào Biển Hồ trễ hơn và cũng chấm dứt sớm hơn. Rừng lũ thiếu nước, cá không đủ thời gian tăng trưởng và chưa bao giờ mùa thu hoạch cá nghèo nàn đến như vậy.

Riêng VN bị mất nguồn cá đổ xuống từ Biển Hồ, không còn những cơn lũ ngọt đổ về đem theo phù sa và cả rửa phèn cho đất, hậu quả là nước mặn lấn sâu hơn vào ĐBSCL. Sẽ không có giống lúa và cây trái nào sống được trong vùng biển mặn ấy.

* Có ý kiến cho rằng Ủy ban sông Mekong cần phải là một diễn đàn để thu nhận ý kiến. Gần đây, ủy ban đã mở một trang web để nhận phản hồi về việc xây dựng 11 con đập mới vùng hạ lưu. Liệu ông có ý kiến gì không?

- 11 con đập này đang còn là những dự án, nhưng chuỗi đập Vân Nam đã là một hiện thực. Ngay sau tin đập Tiểu Loan cao nhất thế giới hoàn tất thì phúc trình của Liên Hiệp Quốc đã báo động về tác hại của chuỗi đập Vân Nam như một “mối đe dọa duy nhất và lớn nhất” đối với hệ sinh thái sông Mekong. Cũng để thấy rằng Ủy ban sông Mekong sẽ bị vô hiệu hóa nếu không có Trung Quốc tham gia và hợp tác.

Xây dựng “tinh thần sông Mekong”

Chuỗi đập Vân Nam - hồi chuông báo tử

Theo Fred Pearce - tác giả cuốn sách Khi những dòng sông cạn, vào đầu thập niên tới chuỗi đập Vân Nam sẽ giữ lại hơn nửa lưu lượng nước sông Mekong. Không còn dòng chảy tự nhiên, sông Mekong ngày thêm cạn dòng và không bao giờ phục hồi được nữa. Aviva Imhof, giám đốc truyền thông Mạng lưới sông quốc tế, đã nhận định: chuỗi đập Vân Nam sẽ gây ra những tác hại vô lường nơi vùng hạ lưu, gây rối loạn toàn hệ sinh thái sông Mekong tới Biển Hồ. Nó như hồi chuông báo tử cho nguồn cá vốn là thực phẩm của hơn 60 triệu cư dân sống ven sông.

* VN là quốc gia cuối nguồn, cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn để bảo vệ sông Mekong. Quan điểm của ông thế nào?

- Tôi nghĩ không chỉ VN mà các nước chịu ảnh hưởng phải có tiếng nói chung. Sẽ không thể có tiếng nói mạnh nếu chỉ hướng tới bảo vệ quyền lợi cục bộ của mỗi quốc gia và đó là tình trạng hiện nay. Tranh giành nhau ở hạ lưu mà nhắm mắt trước những thiệt hại giáng xuống từ thượng nguồn là tắc trách. Không thể bảo vệ sông Mekong từng khúc đoạn mà phải như một toàn thể.

* Như ông gợi ý cần có phân khoa sông Mekong thuộc Đại học Cần Thơ hoạt động như một cơ quan nghiên cứu. Xin ông giải thích thêm ý tưởng này, có cần thiết không?

- Tôi nghĩ rất cần thiết. Là quốc gia cuối nguồn, VN sẽ gánh chịu tất cả hậu quả tích lũy do sự suy thoái của sông Mekong. Trung Quốc sẽ không từ bỏ kế hoạch điện khí hóa của họ, cũng như dự án 11 con đập hạ lưu, do áp lực ghê gớm của tập đoàn tư bản xây đập, trước sau sẽ từng bước tiến hành. Nhưng những “khiếm khuyết và thiếu an toàn” trong mỗi dự án đập ấy phải được biết tới để theo dõi và bổ sung, điều ấy đòi hỏi một đội ngũ chuyên viên liên quốc gia có trình độ và tấm lòng thiết tha với vận mệnh sông Mekong.

Đại học Cần Thơ cần kết hợp như một “think tank” có tầm vóc quốc tế, cấp thiết trở thành trung tâm nghiên cứu giảng dạy nhằm cung cấp nguồn chất xám cho cả lưu vực. Phải xem đây là một kế hoạch đầu tư dài hạn để xây dựng “tinh thần sông Mekong” như mẫu số chung trong toàn bộ các kế hoạch hợp tác và phát triển vùng. Đó là chiến lược bảo vệ môi sinh với “nhiều trí tuệ và cả tầm nhìn xa”. Có một cái giá xứng đáng phải trả để bảo vệ mạch sống của hàng bao nhiêu triệu cư dân sống bằng nguồn nước và nguồn tài nguyên sông Mekong.

Nói nguy cơ, tức vẫn còn thời gian

* Theo ông, đã trễ chưa để cứu sông Mekong?

- Tôi không bi quan. Nguồn tài nguyên phong phú của sông Mekong chỉ đứng thứ hai sau sông Amazon. Do nhu cầu phát triển, không thể có ảo tưởng giữ mãi sự trinh nguyên của dòng sông như thời hoang dã. Nguồn tài nguyên ấy sẽ được khai thác nhưng không vì lợi nhuận ngắn hạn mà biến Mekong thành một dòng sông chết.

Do biến đổi khí hậu và hiện tượng “hâm nóng toàn cầu” nên không phải chỉ có sông Mekong mà tất cả con sông thế giới đều thiếu nước, nay cộng thêm yếu tố nhân tai như ngăn sông xây đập bất kể hậu quả ra sao thì viễn tưởng một thảm họa môi sinh là không thể tránh. Phải có cách nhìn thực tiễn để thấy được “phần nửa ly nước đầy thay vì nửa vơi” để từ đó vững tin phấn đấu bảo vệ dòng sông bằng cách giảm thiểu tổn thất.

Tôi tâm đắc câu văn được khắc tại công viên nước nổi tiếng Sea World San Diego với ý nghĩa phổ quát trong nỗ lực bảo vệ hệ sinh thái của hành tinh này: “Nói có nguy cơ là còn thời gian, còn tiêu vong là vĩnh viễn”. Tôi liên tưởng ý nghĩa ấy đối với sông Mekong. Không sớm nhưng không bao giờ là quá trễ để cứu lấy những gì còn lại trên dòng sông này cho các thế hệ mai sau.

* Người dân bình thường có thể làm gì để góp phần vào bảo vệ sông?

- Trước khi nói có thể làm gì, người dân cần được thông tin, biết những gì đã và đang diễn ra trên sông Mekong.

* Xin cảm ơn ông.

Người kêu cứu cho dòng Mekong

Bác sĩ Ngô Thế Vinh rất quan tâm các biện pháp bảo vệ môi sinh của đồng bằng sông Cửu Long. Ông đã sưu tầm nhiều tư liệu quý liên quan đến hơn 4.000km dòng Mekong, từ Tây Tạng đổ xuống biển Đông. Nhiều bài viết rất tâm huyết của bác sĩ Vinh được đăng tải trên nhiều tạp chí, đặc biệt bài Thêm con đập mẹ Xiaowan (Tiểu Loan), sông Mekong trước nguy cơ (Thế Kỷ 21 số 145, tháng 5-2001), cung cấp cho bạn đọc trong và ngoài nước thêm thông tin không chỉ về bước khởi đầu của đập Xiaowan/Tiểu Loan mà còn về những tác hại có thể xảy đến cho môi sinh của hàng chục triệu người sống dọc dòng sông do chuỗi 14 con đập bậc thềm Vân Nam (Mekong Cascade) gây ra.

Trước viễn cảnh rất u tối về môi trường của đồng bằng sông Cửu Long do tác động nhân tạo của những đập thủy điện cao lớn nhất thế giới và của thiên nhiên, bác sĩ Vinh đã kêu cứu trước dư luận VN và quốc tế bằng các bài viết và hai quyển sách mới Mekong - dòng sông nghẽn mạch và Mekong - dòng sông câm nín. Dù không sống ở VN nhưng hiểu biết và tâm tư của ông luôn gắn với dòng sông.

Dòng sông Mekong bị bức tử, nguy cơ cận kề
Cần xây dựng “kịch bản” đối phó tình trạng thiếu nước sông Mekong
Sông Mekong - bản tình ca nghiệt ngã?
Bàn thảo về an ninh nước cho sông Mekong
Thu thập ý kiến về các dự án thủy điện trên sông Mekong
Ủy hội sông Mekong: Lập trang web nhận phản hồi về các dự án xây đập thủy điện
Cận cảnh những cơn hấp hối bên dòng Mekong

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận