Mưa 30 tháng 4

NGUYỄN VĂN THỌ 09/05/2009 00:05 GMT+7

TTCT - 1. Ngày 27-4-1975, đại đội 37 ly hai nòng của tôi được lệnh tập trung về Hố Bò chuẩn bị phối thuộc với sư 320 sẽ “nhổ” Đồng Dù, một cái gai khá lớn, nơi một sư đoàn đối phương án ngữ cửa ngõ vào Sài Gòn.

Phóng to

Bấy giờ cũng chẳng ngụy trang nữa, chúng tôi hành quân, nổ súng liên miên. Suốt hơn tháng từ cao nguyên đánh xuống, tôi thèm ngủ vô cùng. Trên đường các đơn vị di chuyển như mắc cửi và tinh thần binh sĩ lên rất cao. Tôi còn nhớ khi xe của trung đội tôi dừng lại, chuẩn bị vào Hố Bò tập kết, có đoàn xe chở đầy bộ binh chạy ngược lại. Trên xe ấy, một chiến sĩ gọi lớn: “Có ai Hà Nội không?”.

Tôi đứng giữa đống đạn dược, bao đồ trong thùng xe: “Tớ đây!”. “Cậu ở đâu?”. “Chợ Dậu (Chợ trời)”. Lập tức xe kia rào rào: “Tớ Hàng Đào đây”, “Tớ Lò Sũ đây”... Một người lính rất trẻ bên xe kia ném vụt sang tôi cái đồng hồ, rồi hai ba người liệng theo rào rào dăm ba gói Rubi xanh - quân tiếp vụ. Tôi lúng túng quá. Hôm đánh Buôn Ma Thuột tôi nhặt được chiếc kính Cơn (*) gọng vàng 17 cara, vội tháo ngay chiếc kính đang đeo, nhoài người tay với đưa phắt sang bên kia. Một cánh tay giơ lên đón nó... Xe kia vọt đi. Tự nhiên tôi nhớ nhà thế.

Chiều chạng vạng, trời tháng tư đầy những đám mây xám nặng nề bay trên đầu. Không khí nặng, u ám. Chúng tôi chuẩn bị chiến đấu tới khuya. Thi thoảng vùng trời phía tây Sài Gòn lại lóe sáng. Từng quầng lửa dài sáng rực lên chớp nhoáng và tiếng nổ rền rì vọng về. Tôi biết các đơn vị ở các cánh quân khác đang đua nhau “bóc” các vị trí để tiến về Sài Gòn. Sắp về Sài Gòn rồi! Sắp hòa bình rồi!

2. Đêm ấy, chúng tôi giấu pháo trong rừng cao su. 21 giờ, một trận mưa rất lớn ập xuống. Mưa rào đổ như có ai xối nước xuống tăng võng. Sấm chớp liên tục rất thấp trên thảm rừng. Rồi có vệt xanh lét đánh sát võng tôi. Kế tiếp có tiếng đoành rung chuyển cả khu rừng! Tôi giật mình lăn trên võng xuống mặt đất sũng nước theo phản xạ. Vệt sét xanh chói lòa vạch sát sàn sạt võng tôi nằm. Tia sét ấy đã đánh chết ngay Nguyễn Văn Hội, người làng Đông Trù, Đông Anh, Hà Nội. Chiếc võng của Hội treo cách tôi nửa mét. Trời ơi! Hội! Hội! Tôi thét lớn bên thi thể anh. Mới đêm qua anh ấy còn hỏi: “Hòa bình rồi, xong trận này anh về đâu?”. Cú sét kinh hồn đánh trúng Hội. Chúng tôi cấp cứu Hội dưới mưa. Không kịp rồi. Nơi ngực, chỗ con tim của cậu nông dân chiến đấu bao nhiêu năm, liều thân mong rửa đi những ăn năn hối hận nơi quê nhà, có một miếng tím ngắt bằng bàn tay.

Trong balô anh ấy còn nguyên bốn hộp sữa được chia từ hôm chiếm được Buôn Ma Thuột. Quân Tây nguyên đói khát lắm mà cậu ta không động tới một lon sữa. Chắc Hội để dành định gửi về quê cho người chị dâu của cậu ấy chăng? Trong mưa tầm tã, tôi và đồng đội quàn cho đứa em. Tôi là người duy nhất biết được chuyện bất hạnh của gia đình Hội, nghẹn ngào gói bốn hộp sữa vào tấm nilông. Mưa Sài Gòn cứ tầm tã rơi suốt đêm tới sáng, muốn ngủ mà chẳng hề chợp mắt!

Trinh sát cao xạ từ xưa thường đi lén trong đêm, khảo sát nơi cắm pháo trước một trận đánh. Đánh Sài Gòn lần này kiểu thần tốc nên chúng tôi đi cùng cánh bộ binh và thiết giáp, bỏ qua Đồng Dù, thọc thẳng vào Sài Gòn. Tổ của tôi có ba người, một chiến sĩ vô tuyến đeo máy phát 25W và một trinh sát viên. Cậu trinh sát viên trẻ lắm. Đi trinh sát bằng ôtô, xe ken giữa đội hình hành tiến của cánh quân đánh thẳng vào Sài Gòn, tức là chấp nhận nguy hiểm, làm mục tiêu lộ thiên cho đối phương ngắm bắn.

8g đêm ngày 29-4-1975, lệnh xuất kích! Trời đen kịt. Xe bò qua một cánh đồng rất rộng. Những ruộng khô nẻ, trong ánh đèn gầm mờ mờ lúa đã gặt trơ gốc rạ. Con đường vào Sài Gòn được công binh cắm gậy, bẹ chuối trắng báo tiêu. Cứ như thế tiến, ì ì, chậm chạp, xe nọ nối xe kia trong đêm. Tới mờ sáng, xe leo lên đường nhựa, rồi cứ thế thọc qua huyện lỵ Củ Chi và thẳng tiến hướng ngã tư Bệnh viện Vì Dân. Tôi là người ở Hà Nội từ khi lẫm chẫm, từng sống mái với Hà Nội những năm 1965-1968 ác liệt, từ khi đi B toàn ở rừng nên cứ mỗi lần trông thấy đường nhựa lại bồi hồi kỳ lạ. Cứ đăm đăm nhìn xuống đường nhựa. Đôi khi xe dừng một vài giây, tôi nhảy xuống sờ tay lên mặt đường, áp mặt, má cọ xuống đường. Cái thằng lính thành phố nó như thế, ngây ngất cả cái mùi khen khét của nhựa đường. Trong lòng khi ấy xúc động lắm. Ơ, đường nhựa Sài Gòn và Hà Nội chẳng khác nhau tí nào.

Tôi hỏi cậu lính trẻ, má bung búng, đầy lông tơ: “Có sợ không?”. Cậu im lặng một lúc rồi nói: “Em theo anh!”. Tôi gật đầu: “ừ, em cứ bám sát anh nhé!”. Thú thật đêm qua tôi cũng thao thức và suy nghĩ sau cái chết của Hội. Tôi tự hỏi không biết trận này tính mạng mình ra sao? Ai muốn chết vào lúc này?! Chẳng ai muốn mình là người lính cuối cùng gục xuống, nhất là khi ai cũng biết chỉ còn một thời gian rất ngắn là chiến thắng, là hòa bình, là được sống. Cái xe Jin 130 to như cái nhà, chạy chềnh ềnh giữa ban ngày ban mặt, chỉ một phát M79 là tất cả thành tro bụi! Lần đầu tiên tiến quân giữa ban ngày, mạng sống như treo trên sợi tóc. Nhưng không thể khác được, bởi chúng tôi là người lính!

3. Bấy giờ đã sang ngày 30-4, trời Sài Gòn đầy những đám mây đen và trắng. Mây ung ủng mọng nước, nặng nhọc bay trên đầu. Tới đoạn qua Hóc Môn rồi qua chiếc cầu lớn là vào tới Sài Gòn, quãng Trung tâm huấn luyện cảnh sát quốc gia, đạn bắn ra vèo vèo. Chúng tôi cùng nhiều chiến sĩ ở đoàn khác hợp tác nhau bắn trả, đẩy lùi, tiêu diệt dăm tốp đối phương ngoan cố.

Đây là đoạn tôi đã kể trong bút ký Phát đạn cuối cùng, cũng như tường thuật trong phim tài liệu Ngày cuối cùng của chiến tranh. Người lính VNCH trong nhóm chống trả bắn người của quân ta, bị bắn trả bị thương, lại được tha mạng vì hòa bình. Không biết sau đó anh ta đã ra sao khi tôi hạ lệnh cho một binh sĩ đối phương chăm sóc và tìm cách đưa anh ta đi viện Sài Gòn.

Bao nhiêu năm rồi tôi vẫn không quên giờ phút ấy! Không quên cặp mắt hoảng loạn của chiến tranh, của anh, một sinh viên bị đôn lính, trước họng súng của tôi. Cái tích tắc giữa sống và chết, cái tích tắc đúng khi tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng đã cứu mạng sống anh ta. Không, cả bài hát Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phát ngay trên đài Sài Gòn trưa đó đã biến phát đạn cuối cùng, định kết thúc cuộc đời người sinh viên bị đôn lính, thành phát đạn cho hòa bình.

Trưa ngày 30-4 lịch sử chúng tôi tới ba bốn nơi trong địa phận đơn vị tôi sẽ quản lý để cắm mốc chuẩn bị đón trung đoàn. Ngay trên đoạn đường tới trường đua Phú Thọ khi ấy vắng ngắt, tôi nhìn thấy trên mặt đường một chiếc bát có nguyên một con cua bể đã luộc chín đỏ. Đói quá. Nhìn con cua trên mặt đường mà thèm. Bao nhiêu năm tôi chẳng bao giờ biết mùi vị cua bể luộc hay cua làm nem. Cái hình ảnh chiếc bát có con cua luộc vàng ấy theo tôi bao nhiêu năm sau đó.

Rồi chiều tới, người Sài Gòn từ đâu đổ oà ra phố. Tôi chưa khi nào vào một thành phố sau một trận chiến như vậy. Ở Khung Seđon, ở Buôn Ma Thuột... sau khi đánh nhau, dân tan tác chạy, thành phố vắng ngắt. Còn ở đây dân Sài Gòn từ đâu ùa ra chật chen đường phố.

Tôi ngẩng lên nhìn trời Sài Gòn. Trời xanh và những đám mây tháng tư trắng phớ sung sũng nước vẫn bay nhởn nhơ. Đôi khi mưa rào rào như đùa chơi, rồi lại tạnh.

Hòa bình rồi! Hòa bình rồi! Những dòng người cuồn cuộn trở về nhà. Những khuôn mặt tuy còn lạ lẫm nhưng ánh lên điều gì trước đây vài ngày còn chất chồng đau khổ lo âu. Các cháu nhỏ tới ngắm nghía “ông Việt cộng”! Ở một ngã tư, một tốp các cô áo dài trắng mang bánh mì, nước ngọt và chia nhau tới xe chúng tôi mời. Bao nhiêu ngày trong rừng chẳng bao giờ thấy bóng dáng một thiếu nữ. Giờ nhìn họ ai cũng đẹp như tranh. Một cô đưa cho tôi một chiếc bánh kẹp thịt. Tôi đón cái bánh mà ngơ ngẩn nhìn. Đôi mắt cô đen và trong. Tóc cô nhanh nhánh buông xõa hai bờ vai. Vài ngày sau tôi mới biết các tốp học sinh sinh viên ấy tự phát ra đường phố chào đón hòa bình. Những người lính trước đây là đối phương, bấy giờ trong giây khắc đất nước hòa bình chẳng còn là địch hay ta nữa.

Các em nghĩ đánh nhau suốt chắc “các ông bộ đội miền Bắc” đói, các “anh Hà Nội” đói và tự phát quyên góp mang cho chúng tôi bánh mì và nước uống. Tôi ăn ngấu nghiến chiếc bánh mì có thịt và rau. Mưa Sài Gòn rào rào chợt tới. Tôi ngửa mũ hứng chút nước mưa Sài Gòn, lần đầu tiên trong đời hôm ấy tôi liếm hết những giọt mưa ngòn ngọt trong vắt của ngày 30-4: mưa Sài Gòn.

Bao nhiêu năm rồi. Sau chiến tranh tôi phiêu bạt khắp nơi trên thế giới. Nhưng cứ từ tháng ba tôi vẫn ngồi nhớ lại. Những khuôn mặt đồng đội đã ngã xuống vì đất nước. Những cảnh ngộ, người mất kẻ còn ở thời điểm ấy của lịch sử. Những áng mây xám và trắng trên bầu trời Sài Gòn. Tà áo dài trắng của em gái Sài Gòn và đôi mắt người Sài Gòn ngày 30-4 năm ấy! Em gái ơi, bây giờ em ở đâu? Ngày 30-4, cái thời điểm mà sau bao nhiêu năm cuộc chiến dai dẳng, đất nước đã sang trang. Ngày chấm dứt chiến tranh với những áng mây bay nhởn nhơ mang mưa móc mới về, mở oà vào một kỷ nguyên thống nhất và hòa bình...

______________

(*) Kính nhãn hiệu Mỹ (American) khi đó gọi tắt là “kính Cơn”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận