"Kê" mà không "khai"

TRẦN QUANG THẮNG 16/12/2007 23:12 GMT+7

TTCT - Trong cuộc “Đối thoại về phòng chống tham nhũng năm 2007” giữa Chính phủ và đại diện các nhà tài trợ quốc tế lớn, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã nói: “Càng công khai, minh bạch càng kiểm soát được tham nhũng”.

Đó cũng là khẳng định của Đảng, Nhà nước trước đây, hiện nay và cả trong tương lai đối với vấn đề hết sức nhạy cảm này. Tuy nhiên, để thực hiện thành công việc công khai, minh bạch trong lĩnh vực quản lý nhà nước sẽ mất khá nhiều thời gian, công sức và chắc chắn không dễ dàng gì.

Chỉ riêng việc công khai các bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức cho đến nay vẫn bị “đắp mô”. Có người viện lẽ tài sản của mỗi người ít nhiều mang tính riêng tư và có quyền được tôn trọng. Điều này có thể đúng với người dân thường, nhưng với cán bộ công quyền khi đã tự nguyện tham gia guồng máy nhà nước thì phải chấp nhận từ bỏ một số quyền riêng tư. Cán bộ, công chức bắt buộc phải kê khai ngay khi mới bước chân vào cơ quan nhà nước và bắt buộc phải công khai bản kê khai này ở đơn vị, cơ quan mình làm việc; ai được dân bầu phải công khai với dân; vị nào được Quốc hội (QH), HĐND bầu phải công khai với QH, HĐND... Đó là điều hợp lý và cần thiết!

Một đại diện của nhà tài trợ đã nói rằng: “Luật pháp VN chưa có cơ chế đủ mạnh để xác minh tính trung thực của bản kê khai tài sản, thu nhập. Mà bản kê khai không xác minh được tính trung thực thì thực chất chỉ là... một tờ giấy”. Nhận xét này không phải không có một phần sự thật. Luật phòng chống tham nhũng qui định bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức được quản lý theo qui định về quản lý hồ sơ cán bộ; việc tiết lộ thông tin của hồ sơ xác minh bị nghiêm cấm. Nghĩa là bản kê khai tài sản không khác gì một “bí mật quốc gia”, chỉ một số rất ít người có thẩm quyền được quyền tiếp cận.

Trong lần bầu cử QH khóa 12 qua, một vị lãnh đạo cấp cao của MTTQ VN đã than: “Đến MTTQ cũng không được biết bản kê khai tài sản của những người ứng cử thì làm sao có thể giới thiệu cho dân”. Như thế, chắc chắn người dân không bao giờ thấy được trắng đen của bản kê khai tài sản. Đã thế, luật còn buộc người dân trưng ra bằng chứng khi muốn tố cáo cán bộ, công chức kê khai gian dối. Điều này là vô cùng khó, vì làm sao biết được cán bộ, công chức đó đã kê khai như thế nào khi bản kê khai không được công khai?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận