22/05/2007 18:44 GMT+7

Tuổi trẻ nên có thần tượng

NGUYỄN THỊ TÂM, Giám đốc công ty ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt
NGUYỄN THỊ TÂM, Giám đốc công ty ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt

TTO - Còn nhớ những năm tháng chiến tranh, "Thép đã tôi thế đấy" là quyển sách gối đầu giường, với Paven là thần tượng của bao thanh niên lúc bấy giờ.

BPrUtGeT.jpgPhóng to
Nhân vật Paven (trái) trong bộ phim "Thép đã tôi thế đấy" do Trung Quốc sản xuất

Hàng vạn chàng trai xung phong ra tuyến lửa mà không hề sợ cái chết vì sống theo lý tưởng của thần tượng Paven.

Nhưng, có thần tượng không có nghĩa là ăn, ngủ, thở cùng với thần tượng.

Mỗi người sẽ có cách xây dựng riêng cho mình một kiểu thần tượng, với bạn này thì thần tượng là người bạn cùng vui, buồn với họ, chia sẻ mọi trạng thái tâm lý với thần tượng một cách lặng lẽ, bên lề cuộc sống của thần tượng, mà không cần viết một lá thư, tặng một bông hoa, thậm chí chưa một lần gặp mặt... Còn bạn khác thì đặt thần tượng vào một góc sống trong trái tim mình,ở đó thần tượng soi sáng cho bạn cách thức suy nghĩ, nhận biết cuộc sống qua những câu nói, phẩm chất nhân cách và những thành tựu mà thần tượng đạt được.

Chúng ta cần phân biệt khái niệm hâm mộ (fan) hay là sự yêu thích, quý mến, đứng về phía... với khái niệm thần tượng. Giữa việc thích, mến mộ với sự tôn sùng, say mê, xét về cường độ cảm xúc khác xa nhau.

Nhiều bạn trẻ hay nhầm lẫn giữa thích, hâm mộ chỉ là một trạng thái cảm xúc, với sự tôn sùng, say mê, là một quá trình tâm lý ổn định, có ý thức, trong cuộc sống, nhiều bạn trẻ dễ cho rằng thần tượng của mình là ca sĩ A, người mẫu B, diễn viên C... Thực ra, họ chỉ mến mộ, thích theo một trào lưu nào đó thôi. Trong khi, một người được coi là thần tượng, có một ý nghĩa lớn lao, ảnh hưởng lên toàn bộ đời sống tinh thần, nhân cách, lối sống, sự thành bại của cả cuộc đời con người.

Quan sát cuộc sống ta thấy, hầu hết những người thành đạt đều có thần tượng cho riêng họ, theo cách của họ, sự tôn sùng thần tượng cũng tùy theo tính cách, thói quen sống, văn hóa của từng người.

Bản thân việc xây dựng cho mình một thần tượng là tốt, nhưng ta cần phân biệt thần tượng với si mê, si mê là khi con người mù quáng, mất ý thức và trở nên cuồng tín.

Quá mê thần tượng sẽ hành động không suy nghĩ, mê muội, và sẽ đánh mất chính mình.

Mỗi cá nhân là một thế giới nội tâm riêng biệt với những đặc điểm tâm lý rất khác nhau, vì thế mỗi người sẽ có một cách thức sống không giống nhau.

"Xã hội văn minh là một xã hội có các cá thể trọn vẹn, tức là mỗi cá nhân là một cá thể , bởi con người ai cũng sợ nhất sự giống nhau, trên thực tế con người luôn tồn tại một cách khác nhau". (Nguyễn Trần Bạt - Không gian tinh thần)

Hãy thử tưởng tượng, nếu mỗi người không có khả năng để nhận ra sự khác biệt của nhau như là một cá thể độc lập, thì khủng khiếp như thế nào.

Nên chăng các bạn trẻ hãy xây dựng cho mình một tiêu chí sống trước, sau đó tìm một thần tượng cụ thể có cùng tiêu chí với mình, để hướng tới. Như vậy ta vừa có một hình ảnh rõ ràng, mục tiêu cụ thể, mà vẫn không đánh mất chính mình, tính cá nhân của mình.

Đời sống của thần tượng

Vì thần tượng là một đối tượng có đời sống, một con người cụ thể, có cá tính, nhân cách, vị thế, tình cảm và tài năng... nói chung là có đời sống tâm lý của họ, bản chất tâm lý người là bất toàn, nên thần tượng không toàn năng để lúc nào ta cũng ngưỡng vọng họ như một huyền thoại, họ là người, vì vậy họ cũng có nhu cầu, ước muốn, những sai lầm... đời thường.

Khi thần tượng sống đời sống trong mắt người hâm mộ, đó là đời sống của sự thăng hoa, của tài năng và hào quang... không nên thần thánh hóa thần tượng của mình. Do đó, khi ta say mê một thần tượng, ta nên ý thức rõ đặc điểm nào, tính cách, lối sống, thành tựu, tài năng gì ở thần tượng làm ta kính phục, say mê. Khi tôn sùng thần tượng là ta bị thuyết phục bởi một đặc tính nào đó, phù hợp với lối sống, cách nghĩ của ta, và mọi việc chỉ nên dừng lại ở giới hạn, không nên đi sâu, xem xét, soi mói vào những ngóc ngách khác của đời sống thần tượng.

Nói chung thần tượng là hết sức cần thiết cho mỗi con người, nhưng phải luôn xác định rõ đâu là giới hạn của đời sống một thần tượng trong lòng mỗi chúng ta.

Sự kiện "cuồng mộ" thần tượng Lưu Đức Hoa của cô gái trẻ Trung Quốc - Dương Lệ Quyên, dẫn đến cái chết của cha cô, như giọt nước làm tràn ly.

Đó có phải chỉ là "chuyện hoang đường ở xứ người"? Nhiều bậc phụ huynh, nhiều bạn trẻ giật mình, hiện tượng cuồng nhiệt và cuồng mộ thần tượng thực sự đã và đang chi phối đời sống của một bộ phận tuổi teen chúng ta. Cần những cái nhìn và định hướng như thế nào trước vấn đề nhạy cảm này?

Tuổi teen, nên hay không nên chọn cho mình một thần tượng? Thần tượng - có phải là một việc... vô bổ và mang lại những hệ quả xấu không lường trước? Thần tượng như thế nào là đúng đắn?

Chúng tôi rất mong đón nhận những ý kiến chia sẻ của các bạn cho diễn đàn: Thần tượng - nên hay không? Ý kiến tham gia diễn đàn xin vui lòng gõ font tiếng Việt có dấu, gửi về tto@tuoitre.com.vn hoặc bấm vào đây

NGUYỄN THỊ TÂM, Giám đốc công ty ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên