Thầy thuốc chốn núi đồi - Kỳ 2: "Đội đỡ đẻ lưu động"

ĐÌNH DÂN - PHI LONG 08/07/2010 14:07 GMT+7

TT - Giữa bóng đêm dày đặc, một người đàn ông chạy thục mạng dưới cơn mưa tầm tã đến bên ngôi trạm xá xập xệ, giọng run lên: “Cứu vợ, cứu con tôi với cán bộ ơi...!”. Chiếc đèn dầu hoa kỳ được thắp lên, túi thuốc nhỏ vắt chéo qua vai, cô y sĩ trẻ Tòng Thị Piếng tức tốc lên đường.

Phóng to

“Đội đỡ đẻ lưu động” (từ trái qua): y sĩ Piếng, y tá Miên và y tá Sương - Ảnh: Đình Dân

Kỳ 1: Vượt mặt tử thần

“Đội đỡ đẻ lưu động”

“Con đường dẫn đến nhà sản phụ Lò Thị Hing ở đội 18 ngày hôm đó sao xa vô cùng. Ấy chỉ là một lối mòn trâu bò đi. Trời tối om, thêm mưa to nên được nửa đường chiếc đèn cũng tắt”, y sĩ Piếng kể. Mò mẫm mấy lần lăn nhào xuống bờ ruộng, đến được nhà sản phụ người chị đã ướt nhẹp, chỉ túi thuốc vẫn khô ráo. Sản phụ đang nằm vật trên chõng tre rên hừ hừ trong căn nhà trống hoác, dột nát tứ tung... Một đêm thức trắng với ca sinh khó của chị Piếng lại bắt đầu như thế. Đến 5 giờ sáng hôm sau một bé gái chào đời... Đó là một trong những ca của “Đội đỡ đẻ lưu động” của xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên.

Thanh Chăn là một xã biên giới diện đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Năm 1988 trạm y tế được thành lập và đóng ở một gian trong cửa hàng hợp tác xã với mái tranh vách đất. Hồi đó trong xã chỉ có hơn 100 nóc nhà, chủ yếu là dân tộc Thái, Tày, Nùng. Họ không đến trạm xá để khám bệnh và sợ y tá, bác sĩ với cái kim tiêm. Họ không cho y tá đụng vào con cái trong những đợt tiêm phòng. Người chồng thích vợ mình sinh đẻ tại nhà hơn là đến trạm xá để người khác đụng vào. Ba thành viên của trạm xá: y tá Quàng Văn Sương, y sĩ Tòng Thị Piếng và y tá Lê Thị Miên dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng vẫn rất bối rối.

“Chúng tôi trăn trở nhiều lắm. Dụng cụ y tế và điều kiện chữa bệnh cho bà con quá thiếu thốn, người dân nhận thức còn thấp mà mê tín thì nhiều. Đặc biệt thời gian đó chưa có kế hoạch hóa gia đình nên các ca sinh đẻ rất nhiều. Người dân lại chỉ quen sinh tại nhà nên tỉ lệ tử vong cao”, chị Piếng trăn trở. Những câu hỏi: “Làm sao để bà con dân bản tin tưởng vào người của trạm y tế?” cứ quanh đi quẩn lại trong đầu các thầy thuốc. Rồi họ tìm ra sáng kiến: thành lập “Đội đỡ đẻ lưu động”. “Người dân chưa biết tìm đến mình thì mình tìm đến họ”.

Đội gồm ba người là y sĩ, y tá thuộc trạm xá. Họ mời thêm một số cộng tác viên ở địa bàn làm vệ tinh thông tin. “Không phải ca sinh nào người dân cũng tự giác gọi mình. Những cộng tác viên ở địa bàn sẽ trực tiếp báo tin cho mình”, anh Sương nói. Thế là cứ mọi nơi mọi lúc, khi trời mưa bão hay lúc nửa đêm, đội đỡ đẻ lưu động sẵn sàng băng đường rừng hiểm trở tìm đến nhà sản phụ. Vừa đỡ đẻ vừa tuyên truyền người dân công tác vệ sinh, loại bỏ hủ tục trong việc sinh đẻ. “Cả đội bị cuốn vào công việc. Chúng tôi thay nhau bám trụ ở trạm 24/24 giờ”, chị Miên nói.

Thử thách đầu tiên của đội là cuộc chiến với các hủ tục của bà con dân tộc. Trong đó có tục “đẻ kéo dây” của người Thái. Khi trong nhà có người chuyển dạ, thay vì đưa đến trạm xá thì gia đình sản phụ dùng một sợi dây thừng chắc buộc lên xà nhà, nối tay của sản phụ với dây thừng bằng chiếc khăn piêu. Để sản phụ ngồi xổm, một tay buộc với dây thừng một tay chống đầu gối. Đội đỡ đẻ lưu động đã gặp rất nhiều ca như vậy vì ở đây dân tộc Thái là đông nhất. Anh Sương kể: “Thời gian đầu chúng tôi không thể can thiệp vì đó là tục lệ của bản làng, nên buộc phải tìm cách hỗ trợ sản phụ trong tư thế “đẻ kéo dây”. Trong trường y chúng tôi không dạy đỡ đẻ kiểu này. Đặc biệt khi em bé trồi ra mình phải kịp thời đỡ cho khéo...”.

Năm 2004, sản phụ Lò Thị Định là một người nghèo ở đội 1, xã Thanh Chăn. Nhà chị như một túp lều trống hoác giữa đồng hoang. Đã đến ngày sinh nở mà chẳng có thứ gì. Lúc em bé sinh ra không có lấy cái tã lót, chị Piếng và chị Miên phải cắt hai chiếc áo blouse trắng tinh để làm tã cho bé. Cả hai chiếc áo ấy họ chỉ mới mặc vài lần khi đi họp trên huyện.

Sau khi chị Định sinh xong, chị Piếng và chị Miên chạy tới chạy lui theo dõi sức khỏe hai mẹ con. Thấy nhà túng thiếu, hai chị trích từ phần lương ít ỏi của mình mua trứng, sữa cho hai mẹ con. Giờ đứa con chị Lò Thị Định đã lên 5 tuổi. Mỗi lúc nhà đi rừng kiếm được gì ngon con bé lại mang xuống trạm xá biếu các chị. Giờ đây nhiều người lui tới trạm xá biếu anh chị mớ rau rừng, dăm ba con cá bắt trong suối và họ gọi các chị là “ân nhân của gia đình”, “ân nhân của bản làng”. Cái may mắn ở trạm xá này là họ có đến ba người cho một đội, nhiều nơi khác chỉ đơn độc một người...

“Ông đỡ” đơn độc trên Chà Tở

Từ thành phố Điện Biên đi vào xã Chà Tở nhanh nhất cũng mất một ngày đường. Những cung đường cua tay áo hiểm trở với vực sâu, núi thẳm là đặc trưng vùng này. Trạm y tế của xã là một ngôi nhà cấp bốn nằm chênh vênh dưới triền núi. Ở đó “ông đỡ” Lò Văn Inh vẫn trầm lắng như thân cây cổ thụ bên con dốc Yên Ngựa. Những gia đình người Mông, người Thái vẫn xôn xao kể cho con họ nghe về câu chuyện “ông đỡ” đã kéo mày ra, cướp mày khỏi tay con ma làng...

Khi chúng tôi đến nhà, chị Tào Thị Ánh vừa ngồi dệt vải vừa nhìn đứa con với cặp mắt trìu mến. Cách đây sáu năm “ông đỡ” Lò Văn Inh đã cứu sống cả hai mẹ con trong ca sinh ngược. Khi đó vào Nậm Củng chưa có đường, một mình anh Inh vượt dốc Yên Ngựa hiểm trở để vào cứu hai mẹ con. “Dốc cao lắm. Mình lội bộ phồng cả chân. Đi mệt lắm nhưng cứ nghĩ tới cảnh người ta đang vật vã vì đau đớn mình lại đi nhanh hơn”, anh Inh nói. Chị Ánh vừa vuốt ve thằng con bụ bẫm vừa kể cho con nghe: “Khi đó mà không có bác Inh là tao với mày đi theo Giàng rồi”. Thằng bé cười, đôi mắt lúng liếng.

Cách đây một năm đường vào các bản không có, anh Inh và những người trong trạm phải lội bộ mất cả ngày đường mới tới được những bản xa như Xìn Thàng, Nậm Chua, Hô Củng... Có lần anh tới nơi thì sản phụ đã sinh xong. Anh chỉ kịp đỡ nhau thai và vệ sinh cho đứa trẻ.

Chúng tôi theo chân anh Inh vượt các con dốc cao đầy hiểm trở đến các bản xa nhất của người Mông, người Thái, đâu đâu dân bản, cả trẻ con lẫn người già, đều tiếp đón anh như vị đại ân nhân của bản làng. Trưởng bản Lò Văn Cheng còn đòi mở tiệc rượu để đón “ông đỡ”. Có một bà mẹ vừa thấy anh Inh liền kéo thằng con, nói với: “Đây ông lôi ra đây. Giờ cao to vậy rồi nè. Chào ông đi...”.

----------------------------------------------

Chuyện từ Mường Tè, Lai Châu: những y tá, y sĩ phải chạy vạy mượn tiền đưa bệnh nhân lên tuyến trên, nhưng nhiều khi có được tiền thì trở tay không kịp...

Kỳ tới:Nỗi niềm Ka Lăng

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận