Cách xử sự thể hiện trình độ văn minh của xã hội

HIẾU TRUNG 17/06/2014 23:06 GMT+7

TTCT - “Đảm bảo quyền bình đẳng cho người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) rất quan trọng đối với xã hội.

Ông Tobias Barrington Wolff - Ảnh: Hiếu Trung

Việc tạo cơ hội cho họ hòa nhập với cộng đồng, lập gia đình, nuôi dạy con cái, theo đuổi cuộc sống hạnh phúc là cách hiệu quả để tạo ra một xã hội phát triển hài hòa. Đó là điều quan trọng nhất” - giáo sư luật Mỹ Tobias Barrington Wolff (*) nói với TTCT khi ông đến Việt Nam đầu tháng 6 này.

* Ông có thể cho bạn đọc biết thêm về luật pháp quy định hôn nhân đồng giới tại Mỹ?

- Năm 1996, Quốc hội Mỹ thông qua và tổng thống Bill Clinton ký ban hành luật “bảo vệ hôn nhân” (DOMA), từ chối công nhận hôn nhân đồng tính. Các cặp đôi đồng tính kết hôn hợp pháp theo luật pháp bang không được chính quyền liên bang công nhận và họ sẽ không được hưởng các quyền lợi về thuế, tài sản theo luật liên bang. Khi luật DOMA có hiệu lực, chưa một bang nào tại Mỹ ra luật cho phép hôn nhân đồng giới. Đây thực tế là một đòn phủ đầu chính phủ thực hiện nhằm ngăn chặn hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, sau đó một số bang tại Mỹ bắt đầu công nhận hôn nhân đồng giới.

Tháng 6-2013, Tòa án tối cao Mỹ xét xử vụ kiện của góa phụ Edie Windsor và ra phán quyết khẳng định DOMA vi phạm hiến pháp Mỹ, vi phạm phẩm giá con người, coi người đồng tính là “công dân hạng hai”. Kể từ đó, các cặp đồng tính kết hôn hợp pháp theo luật pháp bang được chính quyền liên bang công nhận. Sau đó, nhiều vụ kiện chống lại luật cản trở hôn nhân đồng giới cũng diễn ra ở các bang khác. Nhiều phiên tòa ra phán quyết ủng hộ hôn nhân đồng giới. Tính đến nay đã có 20 bang tại Mỹ công nhận hôn nhân đồng giới.

Ngày 27-5-2014, dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, trong đó đề nghị chuyển điều khoản cấm hôn nhân cùng giới thành “nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”, đồng thời bỏ đi điều 16 quy định về việc chung sống giữa những người cùng giới tính.

Trung tâm ICS (Equal rights for LGBT) - một tổ chức người LGBT ở Việt Nam - gửi một bản kiến nghị tới Quốc hội, đề nghị bỏ điều khoản Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. (Điều 8, khoản 2 về điều kiện kết hôn), đưa trở lại điều 16 hoặc hoãn lại việc thông qua dự luật này vào ngày 19-6-2014 để nghiên cứu và cân nhắc thêm vấn đề này.

* Người dân châu Á thường nghĩ rằng người Mỹ nói riêng và người phương Tây nói chung có quan niệm cởi mở về vấn đề này. Vậy tại sao ở Mỹ lại có sự phản đối nặng nề đối với hôn nhân đồng giới?

- Sự phản đối hôn nhân đồng giới ở Mỹ chủ yếu xuất phát từ lý do tôn giáo, bởi tôn giáo chủ đạo ở Mỹ là Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên điều này cũng không hoàn toàn chính xác. Trên thực tế ở Mỹ có rất nhiều người theo đạo Thiên Chúa ủng hộ hôn nhân đồng giới và sự bình đẳng trong hôn nhân.

Theo quan điểm của tôi, một trong những yếu tố chống đối sự bình đẳng dành cho người LGBT xuất phát từ mặc cảm giới tính và thiên hướng tính dục. Ở Mỹ, một số người phản đối người LGBT và hôn nhân đồng giới mạnh mẽ nhất lại là những người cảm thấy xấu hổ với thiên hướng tính dục của chính bản thân mình.

Tôi tin rằng một trong những bài học mà người LGBT đem lại cho thế giới chúng ta là học cách trưởng thành về tính dục và vượt qua mặc cảm với chính bản thân. Khi đối thoại với những người LGBT nhiều nơi trên thế giới, tôi nhận ra rằng cảm nhận chung của họ là buộc phải chấp nhận sức ép của cộng đồng, chấp nhận thông điệp mặc cảm và tội lỗi về thiên hướng tính dục mà cộng đồng đổ lên đầu họ.

Cộng đồng người LGBT đã phát triển những công cụ, nguồn lực để phản kháng thông điệp mặc cảm, tội lỗi đó. Đó là cơ chế tồn tại của người LGBT nhưng cũng là bài học quý giá cho thế giới.

* Những người phản đối cho rằng hôn nhân đồng giới hủy hoại truyền thống hôn nhân gia đình. Điều đó có đúng không?

- Đây là lý do những người phản đối ở Mỹ thường hay viện tới rằng hôn nhân đồng giới gây phương hại mô hình hôn nhân truyền thống. Tôi làm luật sư về quyền dân sự trong nhiều năm và tham gia nhiều vụ kiện liên quan đến LGBT, chưa bao giờ gặp một cặp vợ chồng bình thường nào nói rằng cuộc hôn nhân của họ sẽ đổ vỡ vì một cặp đôi đồng tính ở đâu đó kết hôn hợp pháp.

Cũng chẳng có ai nói rằng họ sẽ nghĩ khác về hôn nhân hay gia đình họ sẽ rối loạn vì một cặp đồng tính ở khu phố gần nhà kết hôn với nhau. Những người phản đối viện ra lý do này để bảo vệ cho một ý tưởng cũ kỹ. Nhưng hôn nhân đồng tính không ảnh hưởng đến các cuộc hôn nhân thông thường hay các gia đình. Điều ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân và gia đình của chúng ta là cách chúng ta đối xử với người thân của mình.

* Một số người phản đối cho rằng người đồng tính thường có nhiều bạn tình, có quan hệ tình cảm ngắn ngủi, không bền vững, do đó không cần kết hôn. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?

- Chúng ta nên phân biệt các thông tin trung thực và không trung thực về người LGBT. Bởi những người phản đối không ít lần đưa ra những quan điểm xuyên tạc, bôi nhọ họ, khiến cộng đồng và xã hội bị lạc hướng. Tôi xin lấy một ví dụ cụ thể. Ở Mỹ, giáo sư luật Lynn Wardle thuộc Trường Luật J. Reuben Clark thường xuyên viết bài phân tích về người LGBT. Có lần ông ấy viết một bài chỉ trích rằng người đồng tính có quan hệ không bền, nhiều bạn tình nên hôn nhân đồng tính là không cần thiết, họ không nên lập gia đình và nuôi dạy con cái.

Ông ấy trích dẫn một nghiên cứu nói rằng người đồng tính có quan hệ tình cảm trung bình chỉ khoảng 18 tháng và trong thời điểm nào cũng có nhiều bạn tình. Tuy nhiên khi xem xét kỹ, tôi phát hiện ông ấy dùng nghiên cứu của một nhóm chuyên gia HIV ở Amsterdam (Hà Lan). Khi đó, họ khảo sát một nhóm thanh niên đồng tính có nguy cơ nhiễm HIV cao. Họ hoàn toàn không đại diện cho toàn bộ người đồng tính nam và nữ trên thế giới.

Trên thực tế, nhiều khảo sát ở Mỹ về gia đình và trẻ em cho thấy khi một cặp đôi có quan hệ lành mạnh, chăm sóc tốt cho con cái, có nguồn lực tài chính thì việc cặp đôi đó là người đồng tính hay người bình thường hoàn toàn không quan trọng. Nhiều người thường đưa ra giả định bởi họ thiếu thông tin cần thiết hoặc không trung thực. Điều quan trọng là chúng ta phải tìm hiểu và xác minh những thông tin kiểu này.

* Vậy công nhận hôn nhân đồng giới có lợi cho xã hội như thế nào?

- Vấn đề là người LGBT tồn tại, các cặp đôi đồng tính tồn tại. Và họ sẽ tiếp tục tồn tại dù pháp luật có quy định như thế nào đi chăng nữa. Vấn đề đặt ra không phải là việc người LGBT và các gia đình đồng tính có tồn tại hay không. Có hàng triệu người LGBT ở Mỹ và tôi tin có rất nhiều người LGBT ở Việt Nam. Những người phản đối nghĩ rằng nếu không đề cập đến hôn nhân đồng giới hay bình đẳng giới tính thì người LGBT sẽ biến mất, vấn đề sẽ được xóa đi. Điều đó là không tưởng. Người LGBT có một chỗ không thể xóa bỏ trong cộng đồng.

Đảm bảo quyền bình đẳng cho LGBT rất quan trọng đối với xã hội. Việc tạo cơ hội cho họ hòa nhập với cộng đồng, lập gia đình, nuôi dạy con cái, theo đuổi cuộc sống hạnh phúc là cách hiệu quả để tạo ra một xã hội phát triển hài hòa. Đó là điều quan trọng nhất. Người LGBT phải được tạo cơ hội bình đẳng như mọi người.

Sẽ là không thể chấp nhận được và vô cùng tai hại nếu người LGBT và gia đình họ không được đối xử công bằng, bị xem là công dân hạng hai trong xã hội. Một chính phủ không thể cách ly một bộ phận của cộng đồng và nói đơn giản rằng các người sẽ là công dân hạng hai mãi mãi.

Một nhà thông thái từng nói rằng: “Không gì xuất phát từ con người là xa lạ đối với bản thân tôi”. Chúng ta phải thừa nhận rằng người LGBT cũng là những con người trong xã hội, trải nghiệm của người LGBT là một phần của trải nghiệm con người. Người LGBT là một phần của cộng đồng. Khi nhận thức được điều đó, chúng ta sẽ biết cách ứng xử bình đẳng đối với họ.

Hơn nữa, cách xã hội ứng xử với người LGBT phản ánh liệu xã hội đó có đối xử với tất cả người dân của mình một cách bình đẳng và tôn trọng hay không. Đó là thước đo đánh giá sự hiện đại và văn minh của một xã hội. Bởi người LGBT là một phần của cộng đồng, họ phải được tham gia hòa nhập vào cộng đồng. Điều đó sẽ có lợi cho mọi người.

Xin cảm ơn giáo sư.

Tôi rất ấn tượng với những điều được nghe và thấy tại Việt Nam. Sự phát triển đó không dễ đạt được ở nhiều nơi khác và nó không xảy ra một cách tự động. Những thay đổi lớn ở Việt Nam cho tôi biết rằng ở đất nước của các bạn có rất nhiều người chủ động suy nghĩ và trăn trở về những câu hỏi cơ bản đối với xã hội. Đó là họ muốn sống trong một xã hội như thế nào và tương lai của xã hội đó.

Tôi được biết Quốc hội Việt Nam đang xem xét chuyển điều khoản cấm hôn nhân đồng giới thành không công nhận hôn nhân đồng giới và bỏ quy định về việc chung sống giữa người đồng giới. Điều đó có thể xuất phát từ truyền thống. Theo tôi, vấn đề cơ bản là không nên áp đặt một quan niệm lên mọi người, dù quan niệm đó xuất phát từ tôn giáo hay truyền thống và văn hóa.

(*): Chuyên gia Tobias Barrington Wolff là giáo sư luật của Trường Luật ĐH Pennsylvania và thành viên Viện Luật pháp Mỹ. Ông là cố vấn về chính sách đối với người LGBT trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2007-2008 của Tổng thống Barack Obama.

Trong chuyến thăm TP.HCM mới đây, giáo sư Wolff đã nói chuyện về chủ đề bình đẳng hôn nhân và những nguyên tắc pháp trị tại Mỹ sau đạo luật “Bảo vệ hôn nhân” cấm kết hôn đồng tính tại Mỹ với các giảng viên, sinh viên Học viện Hành chính quốc gia và ĐH Luật.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận