Thật đấy, không ảo đâu!

KIM DUY 30/03/2014 08:03 GMT+7

TTCT - LTS: Tham gia loạt “Ôi, boomerang”, TTCT giới thiệu những trải nghiệm trên thế giới ảo nhưng để lại không ít hậu quả trong đời thực cho... ”khổ chủ”.

Thế giới ảo & thực: “Đụng” phải một con dao hai lưỡi...
Ôi, boomerang!

Phóng to
Minh họa: Trương Tiến Trà

1. Chuyện của một người tôi quen, cách đây khoảng hai năm.

Chị chơi blog (một trang mạng xã hội của Việt Nam) với một nhóm quen biết ngoài đời thật và quen từ mạng. Viết entry, tâm sự, chia sẻ những bài thơ mới làm, những tấm hình đi chơi đâu đó. Thỉnh thoảng offline cà phê, đi dã ngoại... Vào bình luận, ngày đôi ba lần, riết thành thân nhau. Qua chữ nghĩa cảm giác càng thân hơn, thậm chí còn thổ lộ chuyện riêng tư nhất.

Con người khó giấu được mình qua thời gian. Dù là trên mạng, nhưng theo dõi sẽ biết người ấy thế nào. Tai hại là những lời khen. Ai không thích khen. Thế nhưng, từ lúc có nhiều người khen chị cứ nghĩ vì mình xứng đáng được khen. Tâm lý “sao” xuất hiện. Một ngày nọ chị lỡ lời, có những bình luận hơi khó nghe với các bậc đàn anh. Vậy là cuộc chiến bắt đầu, kẻ “ném đá”, người bênh vực.

Khổ nỗi, khi “ném đá”, họ (có tên thật, có nặc danh) lại lôi những khuyết điểm của chị lâu nay (vì lịch sự bỏ qua). Người vào can gián, mong mọi người bình tĩnh, giữ hòa khí, chơi trên mạng vui là chính sao đến nỗi này. Người hùng hổ làm cho ra lẽ, dốt mà bày đặt lên mặt dạy khôn thiên hạ, lâu nay thấy khen cứ tưởng thật mà không biết là khen “đểu”!

Mạng ảo mà khiến mất ăn mất ngủ, nộ khí xung thiên. Cả ngày, chị không chỉ vào mạng viết entry hay bình luận phản bác lại mà còn tốn bao nhiêu cuộc điện thoại tìm đồng minh, giãi bày, kể cả nói xấu đối thủ. Đi chơi cũng không yên, bên kia vừa đưa lên một entry tấn công chị, lập tức có người gọi điện báo chị ngay. Vậy là bỏ hết, vội vã về nhà mở máy tính.

Hết tranh luận lại bốc điện thoại nói chuyện hàng giờ với đồng minh. Cuộc chiến bất phân thắng bại cho đến khi có người đứng ra dàn hòa.

Tưởng chuyện chỉ có thế, qua rồi thôi, bản chất con người nói chung vốn mau quên, tuy có rạn nứt nhưng chín bỏ làm mười, coi như rút kinh nghiệm đối nhân xử thế, dè chừng, bình luận chừng mực hơn... Không ai nghĩ đến hậu quả.

Con trai chị đang ăn nên làm ra, gặp đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, một ngày đối thủ phát hiện chị có thời gian bị bêu xấu trên mạng. Chỉ cần gõ vài từ khóa trên Google. Đòn tấn công bắt đầu, hạ uy tín đối thủ bằng tư cách (ảo), mẹ của tay giám đốc đó không ra gì, một thời gian bị đánh hội đồng trên mạng. Con chị không ngờ tình thế đảo ngược khi bên kia chơi xấu như vậy, mang về chì chiết mẹ.

Nỗi ân hận muộn màng. Chị thấy có lỗi với con. Đã không giúp đỡ con thì thôi sao lại gây khó khăn cho con chỉ vì tính hiếu thắng của mình trên mạng ảo? Internet nhân bản lan nhanh, làm sao xóa sạch dấu vết bây giờ? Năn nỉ một vài đối phương (cũ) gỡ bỏ entry, bình luận... Tuy nhiên có người trả lời mất password rồi, không vào được để xóa (cũng có thể họ cố tình không xóa).

Giờ đây, những người biết chuyện gõ các từ khóa tìm kiếm trên Google, những tranh luận ấy vẫn còn.

2. Chuyện của tôi. Tôi tham gia fb từ năm 2009, bạn bè hơn 2.000, với quan niệm chơi tỉnh táo và có chọn lọc thông tin. Một ngày, tôi nhận được điện thoại và tin nhắn của bạn bè rằng có kẻ giả mạo tên tôi tạo một tài khoản fb và xin kết bạn với họ.

Sau khi kiểm tra và thông báo trên fb, tôi gửi báo cáo sai phạm và nhắn tin hỏi kinh nghiệm từ người bạn đã từng bị giả mạo fb. Ngay sau đó những bạn bè đã lỡ confirm nick giả mạo đó nhắn cho tôi là kẻ đó xin số điện thoại họ và gọi điện. Bạn tôi (sau khi đọc thông báo của tôi) trả lời ngay, bộ muốn mượn tiền hả, thế là đầu bên kia cúp.

Cảm giác bực bội khi rơi vào trường hợp này hoàn toàn có thật, không ảo chút nào. Nhưng đã chấp nhận cuộc chơi công khai, đành phải chịu và tìm cách “gỡ” như thông báo cho bạn bè, kiểm tra xem kẻ giả mạo có add thêm bạn bè nào của mình không để nhắn tin đến bạn cảnh giác, liên tục báo cáo sai phạm...

Tìm hiểu kỹ trang đó, tôi cũng chỉ là một trong nhiều nạn nhân, có lúc “kẻ giấu mặt” còn giả mạo là fb của một vị quan chức có số bạn bè đến 5.000. Tôi không biết nạn nhân sau tôi sẽ là ai?

Những câu chuyện trên đây chỉ là những hạt cát bé tí trong sa mạc thế giới ảo.

Mới thấy những gì hiện ra trên màn hình máy tính hoàn toàn có thể là thật (nếu ảo thì cũng chỉ vì giấu mặt mà thôi). Mạng ảo cũng như ngoài đời thật, thận trọng, cảnh giác là cần thiết, bởi những điều ảo đó đều được thiết lập nên từ bàn tay con người thật (tốt/xấu, thật/giả vô chừng)!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận