Trong chiếc áo không của cha mẹ mua cho

LÊ HUỲNH ANH THY 03/12/2013 09:12 GMT+7

TTCT - LTS: Bài viết của Rio Lam (xem TTCT số đề ra ngày 24-11-2013)đã nhận được phản hồi của không ít bạn trẻ “9x đời đầu” (như các bạn tự gọi chính mình). TTCT giới thiệu hai trong số những ý kiến đa chiều này.

9x - Những đứa con thành thị

Phóng to
Minh họa: Bích Khoa

Chúng ta những kẻ thiển cận và yếu đuối
Không biết chờ đến ngày mai
Chúng ta muốn hôm nay ngay ở nơi này
Cuộc đời chân thực”

Lưu Quang Vũ

Khi người ta trẻ, người ta hay nghĩ nhiều về sự trưởng thành và ở độ tuổi của chúng tôi, những đứa con 9x, chúng tôi hay nghĩ về sự trưởng thành với một nỗi u hoài bàng bạc khó tả. Tôi không rõ tại sao chúng tôi lại buồn nhiều đến thế nhưng tôi chỉ biết rằng chúng tôi, những cô nhóc cậu nhóc kiên định là thế, táo bạo là thế nhưng cũng rất đỗi nhạy cảm và dễ tổn thương.

Chúng tôi thích gặm nhấm sự ám ảnh khi xem xong một series phim buồn, thích vu vơ hát theo một giai điệu của The Beatles khi ngồi vắt vẻo trên tầng thượng ngắm nhìn cả thành phố lúc 5 giờ sáng, thích nghĩ về sự trưởng thành như một quy luật tất yếu và nghiệt ngã.

Trong suy nghĩ của tôi, trưởng thành tức là cởi bỏ lớp quần áo xưa cũ, khoác lên mình tấm áo mới, nhưng lần này chiếc áo ấy không phải do cha mẹ mua cho bạn mà bạn phải tự sắm cho riêng mình, cái mà mang nét đẹp chỉ riêng bạn có.

Trưởng thành là khi bạn chấp nhận cất vào tủ áo chú gấu Teddy ngày nào bạn tâm sự hằng đêm, là chấp nhận rằng đôi khi kết thúc có hậu như trong truyện cổ tích là điều không thật, là ngừng huyễn hoặc bản thân rằng hoàng tử sẽ tìm được công chúa chỉ bằng một chiếc hài nàng đánh rơi, là ngừng hi vọng rằng cứ hễ bạn khóc thì bà tiên sẽ xuất hiện và ban phép mầu cứu lấy cuộc sống bạn...

Nhưng cũng chính lúc ấy, lúc mà bạn đã rũ bỏ hết bao mầu nhiệm thần tiên vốn từng nuôi dưỡng tuổi thơ thì đó là lúc bạn dễ bị tổn thương nhất. Bạn bắt đầu hoài nghi về cuộc đời, bắt đầu sợ nó, bạn tự hỏi không biết mình sẽ đi về đâu giữa những giao lộ người tấp nập, gấu bông và búp bê cũng chẳng thể “lắng nghe” những câu chuyện bạn kể được nữa. Vậy là bạn bơ vơ và lạc lối.

“Bản thân tôi không cổ vũ việc khai sáng tâm hồn bằng mạng xã hội vì xét cho cùng, nó chỉ có tác dụng vuốt ve cái tôi cô đơn của bạn”

Nhưng có một điều mà chúng tôi tự hào vì bản thân mình đã làm được. Đó là chúng tôi biết rẽ ngoặt và tìm cho mình một con đường khác. Có sao đâu chứ, chẳng phải trưởng thành là quá trình bạn đi tìm con người thật của chính mình hay sao?

Phải, chúng tôi nghĩ mình cần phải đi lạc, cần phải đánh đổi, cần phải hi sinh, cần phải cho đi để tìm ra một phần hồn nào đó trong mình mà chúng tôi nghĩ là mình xứng đáng nhất.

Bản thân tôi không cổ vũ việc khai sáng tâm hồn bằng mạng xã hội vì xét cho cùng, nó chỉ có tác dụng vuốt ve cái tôi cô đơn của bạn, khiến mọi người tung hê bạn như một biểu tượng của sự thời thượng, sành điệu hoặc giả chăng nếu bạn cảm thấy chán và cuộc sống của bạn vô vị thì với một màn hình máy tính và những comment vô thưởng vô phạt, bạn cũng sẽ dần trở nên ảo tưởng rằng bản thân mình là thế này, con người mình mang tính cách thế kia thôi!

Xét cho cùng, quan niệm về cái gọi là “cao lớn phổng phao” của một con người hoàn toàn tùy thuộc vào cách anh ấy hoặc cô ấy nhìn nhận chính bản thân mình chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào cách nhìn của ai khác (kể cả cha mẹ).

Một con người đã lớn khôn là một con người nhận thức rõ sự trưởng thành toát ra từ trong chính tâm hồn mình, là một con người chủ động nắm bắt từng hơi thở của cuộc sống đang cuồn cuộn chảy trong huyết quản, trong từng nhịp đập trái tim, là một con người biết hoài niệm về quá khứ (suy cho cùng, chẳng nên chối bỏ hoàn toàn những gì thuộc cái tôi xưa cũ mà hãy xem nó như một món quà nho nhỏ mà đấng sinh thành đã tặng cho bạn.

Khi buồn và cô đơn, bạn có thể mở nó ra ngắm nghía, chiêm nghiệm để rồi khi đóng nó lại, bạn sẽ trở lại là bạn của hiện tại, trở về với cuộc sống ồn ào đời thường nhưng cũng không kém phần thú vị), nhưng đồng thời cũng hãy biết buông tay đúng lúc để giành lấy những cơ hội từ cuộc đời “chân thực” mà tạo hóa đã ban cho.

Có thể chúng tôi trải qua nỗi buồn, nỗi cô đơn khi không ai hiểu mình nhưng chúng tôi biết đó là quy luật, là một trải nghiệm mà đời người chỉ có một lần và hãy nhìn nhận nó ở góc độ rằng rồi đây bạn sẽ can trường hơn, mạnh mẽ hơn và quan trọng hơn cả là nhớ hãy là chính mình, đừng là một ai khác. Đó là cái mà bạn đem sự trưởng thành của mình ra đánh đổi, vì thế hãy sử dụng nó một cách khôn ngoan.

_____________________

Trưởng thành theo cách của mình

Trong sự lớn lên của chính bản thân mình, điều tôi nhận ra là ba mẹ đã “trưởng thành” thay cho tôi nhiều hơn là mình nghĩ.

Được “tưới nước” quá nhiều

Có một ngày nào đó khi đi qua tuổi 18, bạn nhận ra tự lập vẫn là một khái niệm xa vời không tưởng? Chúng ta sẵn sàng chi sang cho mọi sở thích cá nhân bằng tiền của ba mẹ, nhưng dành số tiền tự mình kiếm ra để có thể đóng học phí là điều không dễ dàng.

Chúng ta có thể than phiền hàng giờ vì sự quản lý của ba mẹ, từ những chuyện nhỏ nhặt như đi chơi về quá khuya, phòng ốc bữa bãi, đến những chuyện to lớn như học hành, tình cảm; nhưng để có thể tự tin chọn cho mình một cuộc sống tự lập, về tài chính lẫn tinh thần, là một sự quá ngưỡng.

Khi tôi nói điều này với bạn mình, Vân (22 tuổi), cô bạn tôi, không ngần ngại đáp lại: “Cứ còn ở với ba mẹ thì hưởng thụ thôi. Khi nào đi làm rồi tính”. Nhưng cũng với câu chuyện đó, khi tôi chia sẻ với người anh trai 28 tuổi của mình thì anh bảo: “Còn sống với ba mẹ thì không bao giờ trưởng thành được”.

Khi viết những điều này, tôi chợt nhớ đến cách mà ba tôi chăm sóc từng cây con trong vườn. Những cây mới sinh trưởng không bao giờ được tưới nước cho nó. Ông nói cần phải tập cho chúng đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết, cây nào yếu không sống nổi sẽ bị nhổ bỏ ngay từ đầu. Nếu không, thế hệ cây tiếp sau sẽ vì thế mà ngày càng yếu đi.

Với ý nghĩ đó, điều làm tôi cảm thấy hụt hẫng trong sự lớn lên của chính mình là luôn được “tưới nước” quá nhiều bởi gia đình. Rõ ràng, những đứa con 9x thành thị như chúng tôi không có nhiều cơ hội để tự lập. Chúng tôi không có nhiều lần trong thời trẻ của mình gặp phải những va vấp, chấn thương tinh thần lớn lao nào, vì gia đình đã vạch ra mọi giới hạn nguy hiểm.

Mà điều cốt lõi nhất để trưởng thành có lẽ là những trải nghiệm, và nếu không tự lập thì điều này cũng trở thành vô nghĩa. Bạn không thể phát biểu “kiếm tiền khó lắm” nếu như bạn chỉ được nghe ba mẹ than vãn về nó mỗi khi bạn tiêu hoang, mà không phải vì bạn đã dành cả mùa hè đi làm thêm ngày đêm để có nó.

Chính vì thế, trong sự trưởng thành của mỗi thế hệ, tôi vẫn có niềm tin vào sức mạnh của khả năng độc lập. Chỉ khi bạn ý thức được rằng chúng ta sẽ phải tự lập trong suy nghĩ và cả hành động, tự khắc chúng ta sẽ lớn, sẽ phải trưởng thành thôi.

Một hành trình nhiều khiếm khuyết

Tôi quan niệm giữa việc lớn lên và việc trưởng thành có một khoảng cách phân biệt. Điều đó lý giải rằng không có nghĩa khi bạn lớn lên như một sự thay đổi tất yếu về mặt sinh lý thì bạn cũng sẽ trưởng thành hơn. Chính vì vậy sự trưởng thành có thể đến ở bất kỳ độ tuổi, thời kỳ nào trong cuộc đời của bạn mà không dự báo trước.

Nếu mãi mãi trong cuộc đời mình, bạn không biết làm gì để trưởng thành thì bạn chỉ có thể dừng lại ở việc lớn lên. Trưởng thành giống như một vạch kẻ trên đường đua, bước qua ranh giới đó bạn sẽ bước sang một chặng mới trong cuộc đời. Vì thế, điều quan trọng chính là cách chọn lựa để được sống, được va vấp, được trải nghiệm.

Có những người bạn xung quanh tôi luôn nghĩ rằng mình đã trưởng thành nhưng thực tế thì không. Bạn có thể đi phượt xuyên biên giới, có thể sống tự lập một mình ở một nơi xa lạ, có thể tự chu cấp tài chính cho bản thân... nhưng tất cả cũng chỉ là hoạt động bên ngoài sự trưởng thành của chính bạn.

Thực tế, trưởng thành, theo tôi, là sự chiêm nghiệm có ý thức về hành động của bản thân. Sự trưởng thành bản thân nó vốn dĩ không cần sự thể hiện với thế giới. Thế nên, đừng đánh đồng việc phải làm như thế này hay thế kia mới là trưởng thành.

Tuổi trẻ của một 9x thành thị như tôi và bạn bè tôi cần một sự diễn tiến tự nhiên của cuộc sống. Ở đó, chúng tôi sẽ trải nghiệm sự trưởng thành của chính mình bằng bản năng hơn là kế hoạch. Sẽ hay hơn nếu người lớn chỉ đưa ra những định hướng thay vì những đánh giá chủ quan; tốt hơn nếu truyền đi niềm tin cho chúng tôi rằng “cứ đi rồi sẽ tới”, thay vì đưa ra một danh sách báo động đỏ về những hiểm nguy rình rập.

Một hành trình trưởng thành hoàn hảo theo tôi phải là một hành trình có nhiều khiếm khuyết. Bởi có ngây thơ mới tin rằng con người có khả năng tránh được những tai nạn. Mọi con đường đều không bằng phẳng, nên những khó khăn là điều hiện hữu tất yếu.

Tôi tin không chỉ riêng tôi mà rất nhiều bạn bè của mình thường hay bị gia đình so sánh với những bạn trẻ ở nông thôn, bằng những câu như: “Bằng tuổi chúng bây, mấy đứa ở quê đã như thế này như thế kia...”, hoặc không thì so sánh với những người thành công trong cuộc sống. Nhưng sau tất cả những so sánh đó, tôi không nghĩ nó sẽ giúp tuổi trẻ chúng tôi có cái nhìn chín chắn hơn về bản thân, nếu không nói chán nản hơn.

Vậy thì hãy để cho chúng tôi được trưởng thành theo cách của mình. Đó có thể không phải là sự chọn lựa để trở thành tốt nhất. Nhưng tôi không tin khi bạn cố gắng bắt chước việc trở thành ai đó sẽ giúp bạn thành công hơn việc được trở thành chính mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận