Cuộc sống của chúng tôi sau thảm họa Fukushima

TTCT - LTS: Sau loạt hồ sơ “Nhật: Fukushima và Olympic 2020” (TTCT số ra ngày 22-9), TTCT nhận được bài viết của GS Michiko Yoshii chia sẻ về cuộc sống của người Nhật sau thảm họa này. TTCT trân trọng giới thiệu.

Phóng to
Hoạt động giải trí của Fukushima Ise-Shima no Kai

Những ngày vừa qua ở Nhật, hệ thống truyền thông tiếp tục đưa tin về việc 300 tấn nước nhiễm phóng xạ rò rỉ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Do tôi từng sống bên ngoài nước Nhật trong vòng 23 năm, trong đó 12 năm tại Việt Nam (từ năm 1993-2005), và chỉ trở về nước Nhật từ tháng 8-2008, tôi xin chia sẻ cùng quý độc giả về cuộc sống hằng ngày của tôi và gia đình - như một ví dụ đặc trưng của người dân Nhật - sau thảm họa “3 trong 1” từ ngày 11-3-2011.

Chạy trốn

Tôi và gia đình sống ở tỉnh Mie, miền trung nước Nhật, cách Tokyo 300km và cách Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 500km về phía tây nam. Khu vực này cũng bị động đất nhưng nhẹ, 3 độ Richter, không có thiệt hại. Sóng thần cao 2m có gây thiệt hại cho việc nuôi thủy sản nhưng không có thiệt hại về người dù là bị thương hoặc nhà ở.

Nghe tin về thảm họa Fukushima, họ hàng tôi ở khu vực Tokyo chạy trốn tới nhà chúng tôi ở. Trong khi đó chúng tôi tìm cách về Việt Nam vì gia đình tôi luôn coi Việt Nam như là quê hương. Lúc đó Chính phủ Việt Nam đã giúp dân Việt Nam và gia đình tại Nhật về nước, lo giúp vé máy bay chỉ với giá 200 USD/người/chuyến.

Cuối tháng 3-2011, cả gia đình tôi (gồm chồng tôi người Việt, tôi người Nhật, con gái 16 tuổi và con trai 11 tuổi) đều được về Việt Nam. Nhân đây, tôi chân thành cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện giúp chúng tôi về Việt Nam.

Đầu tháng 4, năm học mới bắt đầu (theo tổ chức giáo dục của Nhật), con trai tôi vô được trường Nhật tại TP.HCM và ở lại với bố. Trường lúc đó bất ngờ đông học sinh vì nhiều gia đình cũng đưa con về Việt Nam, đặc biệt là các bà mẹ người Việt đưa nhiều cháu lai Việt - Nhật về nước. Riêng tôi vài ngày sau lại cùng con gái về Nhật ở, gia đình chia đôi như Lạc Long Quân và Âu Cơ...

Về Nhật với con gái, cuộc sống của chúng tôi không dễ dàng chút nào. Vào tháng 4-2011, rau cải vùng đông bắc Nhật bị phát hiện nhiễm phóng xạ mạnh, nhưng lúc biết tin thì nhiều người đã ăn rau rồi. Cùng tháng, nước ở thành phố Tokyo bị nhiễm phóng xạ, bị cấm uống. Nước suối đóng chai không còn để bán, kể cả khu vực tôi ở, vì người ta mua để gửi cho bà con ở vùng Tokyo.

Vào tháng 5, phát hiện thịt bò của cả nước Nhật bị nhiễm phóng xạ vì bò ăn cỏ của khu vực đông bắc. Khi biết được tin đó, người ta cũng đã ăn thịt nhiều rồi...

Sau vài tuần ở lại Ise để “tự rửa” phóng xạ, các em lên tàu trở về Fukushima

Hai nồi cơm riêng

Khi bị nhiễm, phóng xạ vào phá tế bào của cơ thể người, đặc biệt trẻ con và phụ nữ có thai vì cơ thể của họ đang thời kỳ phát triển để có nhiều tế bào mới, nhưng những người trên 50 tuổi dùng thực phẩm nào cũng ít nguy cơ hơn. Vì vậy trong gia đình mình, tôi đã phải mua thức ăn, nấu ăn theo một cách mới: khi mua rau thì chọn của khu vực địa phương miền trung, tây hoặc nam.

Mua hai loại gạo: một loại từ miền nam, tin là sạch và mắc tiền cho các cháu; một loại khác của địa phương cho bố mẹ vì nghe nói tại địa phương nơi chúng tôi ở người ta cũng đã pha gạo địa phương vào chung với gạo Fukushima. Thịt bò thì mua của Tasmania (Úc), thịt gà mua của Brazil, thịt heo của Mỹ, cá của Chile hoặc châu Âu, bạch tuộc của Morocco, tôm của Việt Nam...

Ở nhà, tôi nấu hai nồi cơm riêng: một nồi cho hai cháu với gạo miền nam, một nồi cho bố mẹ và tôi với gạo địa phương. Sau khi chồng và con trai tôi trở lại Nhật vào mùa hè năm 2011, chồng tôi đi chợ mua nhầm rau vùng bị nhiễm phóng xạ, vậy là từ đó rau trữ trong tủ lạnh cũng phải chia làm hai loại, mỗi loại có dán nơi xuất xứ để phân biệt loại nào dùng cho người lớn và loại nào dùng cho người trẻ tuổi. Chẳng hạn, cùng là dưa leo nhưng dưa leo vùng đông bắc dành cho bố mẹ và dưa leo vùng phía nam dùng cho hai cháu.

Thông qua các cơ quan truyền thông Nhật, nhiều nhà khoa học, bác sĩ nói rằng bị nhiễm một lượng phóng xạ “ít” thì không sao. Nhưng người dân chúng tôi đã có kinh nghiệm, bởi khi nào họ cho mình biết là có vấn đề nghĩa là sự việc đó đã xảy ra từ lâu rồi. Bố mẹ phải tự mình đề phòng, bảo vệ sức khỏe của con cái mình mà thôi... Như vậy, có 300 tấn nước phóng xạ rò rỉ hay không, chúng tôi cũng đã bỏ ăn cá Nhật từ lâu rồi.

Trong thời gian sống và làm việc tại TP.HCM, tôi đã có dịp quan tâm đến vấn đề trẻ em đường phố và nghiên cứu vai trò của các tổ chức xã hội, đoàn thể Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Tôi cũng thấy được điều tương tự mà các tổ chức xã hội Nhật Bản đang nỗ lực làm để bảo vệ trẻ em Nhật sau thảm họa này.

Tự “rửa” phóng xạ

Hiện tại các cháu tại Fukushima vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều cháu trở nên quá mập vì thiếu vận động (quanh quẩn trong phòng, bên ngoài nồng độ nhiễm phóng xạ cao không ra chơi được). Có nhiều trường hợp cha mẹ ly dị vì cha ở lại Fukushima làm việc, mẹ và con cái di dời đi nơi khác hoặc nhiều cháu bị ngược đãi vì cha mẹ bị stress... Tại đó, rất nhiều cháu vẫn đang rất cần được bảo vệ và chăm sóc.

“Nhà trẻ mầm non di động” là một nhà trẻ tư nhân do bà Taeko Henmi tổ chức tại thành phố Fukushima. Thành phố này có 280.000 dân, cách Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi 60km. Nơi đây theo chính phủ thì mức độ nhiễm phóng xạ “không cao”, gia đình nào không có điều kiện di dời thì bị bắt buộc ở lại chung với trẻ em.

Nhưng thực tế về sau chúng tôi biết được chính nơi này cũng có độ nhiễm phóng xạ tương đương khu vực nhiễm xạ cao do nhà nước quản lý - có nghĩa là tương đương trong một phòng nghiên cứu phóng xạ: không ai được ăn uống, ngủ nghỉ trong đó, ra khỏi phòng phải thay quần áo.

Nhà trẻ di động của bà Taeko Henmi hằng ngày tập trung trẻ vào buổi sáng, cho trẻ lên xe buýt đi 50km, vượt qua một dãy núi cao đến tỉnh kế cận là Yamagata, nơi ít nhiễm phóng xạ, cho trẻ ở lại đó sinh hoạt, học tập, vui chơi cả ngày, buổi chiều đưa các em trở lại Fukushima. Kinh phí di chuyển mỗi ngày do các tổ chức xã hội đài thọ.

Fukushima Ise-Shima no Kai là một tổ chức xã hội khác có trụ sở tại tỉnh Mie, cách Fukushima 500km về hướng tây nam. Tổ chức này cũng đưa trẻ em bị nhiễm phóng xạ ra xa khỏi khu vực có mức độ phóng xạ cao trong vòng vài tuần nhằm giúp trẻ bị nhiễm phóng xạ có thời gian đào thải phần nào chất phóng xạ từ trong cơ thể.

Trong vòng vài tuần cách ly môi trường bị nhiễm phóng xạ, trẻ được đi biển tắm, lên núi chơi, nướng thịt ngoài trời và tham gia các hình thức dã ngoại khác... Nhiều tổ chức xã hội khác trong và ngoài nước Nhật cũng làm tương tự và đều tự lo kinh phí đi lại và sinh hoạt, chăm lo đời sống cho trẻ suốt thời gian trẻ tự “rửa” phóng xạ.

Vào tháng 5-2011, Chính phủ Nhật đưa ra tiêu chuẩn giúp đỡ để di dời theo độ nhiễm phóng xạ là 20mSv/năm. Thật ra chỉ những ai ở trong khu vực có độ nhiễm phóng xạ tương đương hoặc cao hơn mới được nhà nước giúp đỡ di dời. Tiêu chuẩn này ngang với tiêu chuẩn nhân viên làm trong nhà máy điện hạt nhân: được bồi thường nếu bị ung thư. Trong khi khu vực bị nhiễm xạ cao vẫn có trẻ em, phụ nữ mang thai phải chịu sống trong đó.

Sau khi các phụ huynh ở Fukushima đến Tokyo biểu tình, cuối cùng chính phủ phải đưa ra lời hứa: “Chúng tôi sẽ cố gắng rửa nhà trường, rửa sân chơi để mức độ phóng xạ xuống dưới mức 1mSv/năm”.

Vừa qua, Olympic 2020 được quyết định tổ chức và sẽ diễn ra tại Tokyo. Tôi nghĩ không nhiều người biết rằng ngay tại Tokyo, rất đông gia đình đã phải chịu cảnh ly tán: bố ở lại Tokyo làm việc trong khi mẹ và các con đến những nơi khác ở, như chạy về hướng nam hoặc tây nam, đến các tỉnh như Okinawa, Fukuoka, Okayama, Mie... Sự phân chia gia đình giữa bố với mẹ và các con nay vẫn còn tồn tại.

Từ năm 2008, tôi và gia đình quyết định trở lại sống ở Nhật do công việc tôi được đảm nhận trong một đại học ở tỉnh Mie. Nếu biết trước sẽ xảy ra một sự cố do nhà máy điện hạt nhân như thế, chắc chắn chúng tôi đã chọn ở nơi khác để sống, mặc dù đó là quê hương, gốc gác của mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận