Theo chứ không bị dắt

TTCT - Việc người lớn phải... xuống nước với con trẻ là điều cần thiết. Thời hiện đại bây giờ, nếu cha mẹ không chủ động mở lời với con cái thì rất khó con cái tìm tới cha mẹ, bởi có nhiều thứ thú vị cho chúng quan tâm hơn những lời giáo huấn khô khan.

Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?

LTS: Tham gia loạt Câu chuyện cuộc sống “Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?” (xem TTCT số ra ngày 3-6), tình cờ chúng tôi nhận được hai ý kiến đầu tiên từ hai lứa tuổi khác nhau.

Xin trích giới thiệu cùng độc giả.

Tôi đang đi qua thời... tuổi teen tuyệt vời!

Tôi đúc kết những điều trên từ trường hợp con gái lớn. Ngày còn nhỏ cháu mê các thần tượng là những ngôi sao ca nhạc, điện ảnh Đài Loan, Hong Kong... Suốt ngày thấy cháu bận bịu cắt dán hình diễn viên, lơ là việc học hành tôi thường la mắng cháu và thậm chí xé hay đốt những cuốn sổ, báo, tạp chí của cháu.

Rồi cháu vào đại học, đi học xa nhà. Vào thăm cháu, tôi tá hỏa khi thấy phòng trọ của cháu dán đầy hình ảnh những nhân vật là thần tượng một thời của cháu. Cháu có thể dùng hết tiền ăn của cả tháng để mua sticker những nhân vật hoạt hình hay báo, tạp chí có hình diễn viên điện ảnh, ngôi sao ca nhạc... cắt, dán vào vở, hộp bút...

Điều này khiến tôi hiểu ra cháu đã có một thời quá thiếu thốn việc thể hiện sự yêu mến thần tượng của mình do bị cấm đoán. Và khi xa nhà, được tự do cầm tiền trong tay, cháu phải thực hiện cho bằng được đam mê này. Mãi đến năm thứ 3, con tôi mới thoát khỏi cái bóng những thần tượng của tuổi teen ngày trước. Tuy nhiên, thậm chí giờ đây đã đi làm tôi vẫn thấy cháu thích đọc truyện tranh, coi phim hoạt hình và vẫn say mê khi nói về Jackie Chan...

Rút kinh nghiệm từ con gái, tôi bắt buộc phải cùng với con trai đi qua tuổi teen của cháu một cách vui vẻ và rất... bạn bè (dù cách nhau 36 năm). Trên Facebook tôi “add” những bạn bè của cháu và theo dõi diễn biến trên lớp học cũng như trong đời sống ảo của chúng. Con tôi tập beatbox, tôi phải tra Google tìm hiểu kỹ về nghệ thuật này để trao đổi với cháu; cũng như biết cháu đang theo dõi bộ phim nào, hay đang chơi trò chơi nào, nâng cấp level nào...

Từ đó mới có thể nói chuyện được với con mà nó không chán và có thể khai thác nhiều thứ từ tâm tư nguyện vọng của cháu. Tôi cảm thấy mình trẻ trung và đang đi qua thời... tuổi teen rất tuyệt vời!

Đến ông/bà cũng phải... teen!

Khi con cái còn nhỏ, ông bà, cha mẹ hay nói ngọng nghịu theo con trẻ để chơi với chúng. Thế thì tại sao khi chúng lớn hơn lại không theo cách nghĩ của chúng để tìm được tiếng nói chung?

Một trong những lý do tôi thích phim Hàn Quốc là hầu như phim nào cũng có đầy đủ ba thế hệ trong một gia đình. Ông bà có mâu thuẫn của ông bà, cha mẹ có việc của cha mẹ và con cái cũng có những tranh luận của chúng. Mới thấy để dung hòa cả ba thế hệ, bây giờ qua rồi việc người lớn áp đặt con cái mà đôi khi lại nhờ vả chúng rất nhiều.

Điều đơn giản nhất chúng ta thường thấy đó là khi con cái còn nhỏ, ông bà, cha mẹ hay nói ngọng nghịu theo con trẻ để chơi với chúng. Thế thì tại sao khi chúng lớn hơn lại không theo cách nghĩ của chúng để tìm được tiếng nói chung.

Ở thời đại mà trình độ công nghệ ngày mỗi tân tiến thì đối với người già, việc tiếp cận công nghệ hiện đại không thể theo kịp bọn trẻ. Cách tốt nhất là phải dựa vào chúng. Mẹ tôi năm nay 78 tuổi vẫn có thể sử dụng iPad một cách thuần thục để coi hình ảnh hay đọc sách điện tử. Việc chat voice qua webcam với bạn bè cách nhau nửa vòng trái đất đối với bà là chuyện nhỏ!

Người ta cũng thấy rằng giờ đây ngày càng nhiều người già biết sử dụng máy tính để lướt web, chat, trao đổi qua các trang mạng xã hội như Facebook, Yahoo, Multi... post hình, comment... Những thứ đó đã kéo dài tuổi thọ và giúp họ có những ngày vui sống, không cô đơn, bớt suy nghĩ nhiều đến bệnh tật hay ngồi buồn rầu chờ đợi hoàng hôn sụp xuống.

Vấn đề ở đây không phải là bọn trẻ sẽ dắt chúng ta đi mà là chúng ta nên đi theo chúng, đó là cách tốt nhất để xâu lại sợi chỉ gia đình vốn đã rất mong manh. Đó là quy luật của cuộc sống, người lớn đừng trở thành lực cản mà phải là bạn đồng hành với con trẻ.

Thêm nữa, với kinh nghiệm từng trải, khi theo chúng người lớn sẽ biết nơi nào có ổ gà, ổ trâu hay hầm hố, vực sâu mà nhắc chúng phải cẩn thận, chú ý để không bị sa lầy! Cần phải nhạy bén theo trẻ và có tầm nhìn xa hơn. Hãy cứ nghĩ đơn giản rằng trẻ là vui, là sức sống, là ngày hôm nay, là món quà mà thượng đế ban cho mỗi gia đình.

---------------------

Mô hình tiếp biến văn hóa theo chiều ngược - khi những niềm tin và giá trị mà các bậc cha mẹ theo đuổi không là gương soi cho con mình như tác giả Lê Thanh Hải đề cập, đâu chỉ là “độc quyền” của cộng đồng người Việt ở Ba Lan.

Tôi chứng kiến điều này ở Mỹ gần như hằng ngày.

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Tôi có một người bạn sống ở Mỹ, có bố mẹ vừa từ Việt Nam sang. Từ ngày bố mẹ sang ở chung bạn mất vui hẳn, có đi chơi với bạn bè thì tới 7g tối là mẹ gọi điện nhắc về nhà. Xin lưu ý là bạn tôi đã 22 tuổi, sắp tốt nghiệp đại học nhưng vẫn bị bố mẹ kiểm soát rất chặt chẽ. Một lần bạn xin chuyển qua tiểu bang khác để tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ, mẹ bạn khóc hết nước mắt bảo con muốn học cũng phải học gần nhà, ở chung với gia đình chứ không đi đâu xa cả.

Quá mệt mỏi, bạn tôi dành dụm tiền tìm cách chuyển ra sống riêng.

Khi con trẻ là đại diện cho gia đình

Chuyện của bạn chỉ là một trong nhiều thí dụ tiêu biểu cho những trục trặc trong cơ cấu gia đình do điều kiện xã hội thay đổi. Ở nhiều gia đình Việt định cư tại Mỹ, những đứa con trở thành thông dịch viên bất đắc dĩ và thậm chí là người đại diện cho cha mẹ mình. Mọi công tác trao đổi với các dịch vụ như hãng bảo hiểm xe cộ, đặt hẹn bác sĩ, đặt chỗ trong khách sạn khi đi chơi xa... đều do những đứa con đảm trách.

Khi một sự cố xảy ra, ví dụ như xe của gia đình bị hỏng giữa đường, thì đứa con, nhờ vốn hiểu biết về văn hóa và ngôn ngữ, là người duy nhất biết cách giải quyết. Ở một số gia đình, sự đảo lộn về trật tự này phần nào làm giảm đi sự nể trọng của những đứa trẻ dành cho cha mẹ. Chưa kể khi bắt đầu trưởng thành, họ trực tiếp tham gia các quyết định hệ trọng của gia đình, sẵn sàng gạt đi ý kiến của cha mẹ nếu cảm thấy không phù hợp.

Trong khi các bậc cha mẹ chủ yếu chỉ giao lưu với các bậc cha mẹ khác, hoặc những người bạn người thân cùng độ tuổi với một lượng kinh nghiệm chung mang tính cộng đồng, những đứa con liên tục cập nhật sự hiểu biết của chúng với thế giới phát triển không ngừng ở bên ngoài, không bị thu gọn trong khuôn khổ người Việt với người Việt nữa.

Ví dụ như nhà vừa sắm một chiếc xe mới và bàn về mua bảo hiểm cho xe. Hai bậc cha mẹ sau khi nghe từ phía của họ hàng (những người đã sống ở Mỹ lâu hơn) thì có ý chọn hãng A (vì phần lớn gia đình người Việt khác đều chọn hãng này). Trong khi đó đứa con tìm đọc các điều khoản dịch vụ của hãng A và so sánh với những hãng khác để tìm ra lựa chọn tối ưu, hoặc hỏi ý kiến những người bạn Mỹ có kinh nghiệm trong việc mua bán bảo hiểm xe cộ, đề nghị chọn hãng B.

Mâu thuẫn xảy ra, đứa con không phục khi cha mẹ chúng đưa ra lựa chọn thiếu cơ sở lý tính. Các bậc cha mẹ không thể thuyết phục con cái mình khi dưới mắt chúng, họ là người “lạc thời” trong thế giới mà họ sống.

Xin làm cái... tivi

Nhưng trong thời đại mà công nghệ đang thay đổi cuộc sống của ta mỗi ngày, mô hình tiếp biến văn hóa theo chiều nghịch đâu chỉ là câu chuyện của cộng đồng người Việt. Tôi có một cô giáo người Nga, và câu chuyện của cô cho thấy sự thay đổi cơ cấu xã hội này rất phổ biến. Cô kể trong một bài tập luận văn đề tài tự do, một học sinh phổ thông ở Matxcơva đã nói mơ ước lớn nhất của em là trở thành cái... tivi.

Bởi trong gia đình em, đây là vật được nhiều người “sùng bái” nhất, có thể “trò chuyện” với tất cả và cho lời giải đáp cho rất nhiều câu hỏi. Đó là nơi gia đình của em trải qua ngày nghỉ, cũng là cái làm cho gia đình bần thần, lo âu khi đột nhiên bị hỏng hay mất kênh nào đó. Cha mẹ đi làm suốt, cái tivi trở thành bạn không chỉ của em mà còn của cha mẹ những lúc hiếm hoi ở nhà. Nó trở thành “người thầy” thứ hai của em, thay vì cha mẹ.

Để đối phó với tình trạng mà báo chí Nga gọi là “chip hóa người thầy”, trong hàm ý những người dẫn dắt tinh thần cho trẻ em giờ không còn là thầy cô, người lớn, mà đã là những phương tiện kỹ thuật, công nghệ hiện đại; một số nhà sư phạm Nga đang đề nghị đưa giáo lý, ở đây là tinh thần của Chính thống giáo, vào giảng dạy trong nhà trường.

Họ cho rằng chỉ có tinh thần của tôn giáo mới có thể lấp đầy khoảng trống do tiến bộ công nghệ quá nhanh mang lại, rằng thiếu cốt lõi tinh thần này thì họ sẽ chỉ tạo ra một xã hội của “những người no nê mà ngu dốt”. Dĩ nhiên đó cũng chỉ là một cuộc vận động của thiểu số. Cái lớn hơn cần nói là nguy cơ một sự kế tiếp thế hệ có khả năng đứt gãy bởi cơ cấu xã hội đã thay đổi trong khi kỹ thuật và công nghệ phát triển vũ bão.

Có lẽ đã qua rồi thời quan hệ cha mẹ, con cái, người lớn và trẻ em được xử lý theo cách “cá không ăn muối cá ươn”...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận