Anh em Dardenne và cam kết thẩm mỹ

VŨ ÁNH DƯƠNG 30/05/2014 05:05 GMT+7

TTCT - Các chủ nghĩa, trào lưu nghệ thuật thể hiện sự độc đáo của mình ở những quy tắc thẩm mỹ trong việc xử lý hiện thực.

Đánh thức người xem

Jean - Pierre Dardenne và Luc Dardenne - Ảnh: Christine Plenus/ Sundance selects

Trong điện ảnh, các nhà làm phim chủ nghĩa hình thức xúi giục các sự kiện nổi loạn, nhào nặn hiện thực thông qua các thủ pháp điện ảnh như montage (dựng nối), mise-en-scène (dàn cảnh), mise-en-shot (lấy cảnh quay). Trong khi đó, các đồng nghiệp của họ ở chủ nghĩa hiện thực chủ trương bám theo các chi tiết đời sống, ghi chép hiện thực bằng cú máy dài, tiêu cự dài.

Không kịch tính hóa chuyện kể, tước bỏ cái nhìn toàn tri của máy quay, vậy điều gì làm nên sức quyến rũ trong những bộ phim của Abbas Kiarostami, Jia Zhangke (Giả Chương Kha), Cristian Mungiu, Jean-Pierre Dardenne và Luc Dardenne - những nhà hiện thực đương đại?

Hãy cùng xem, suốt hai thập kỷ qua, chủ nghĩa hiện thực đã chào đón những nhà làm phim tài liệu về địa hạt phim truyện, phụng sự và làm vẻ vang nó như thế nào qua phong cách của anh em đạo diễn người Bỉ Jean-Pierre và Luc Dardenne.

Sáu bộ phim của anh em Dardenne từ Lời hứa (The promise), Rosetta, Con trai (The son), Đứa bé (The child), Sự im lặng của Lorna (Lorna’s silence) đến Cậu bé đi xe đạp (The kid with a bike) đều gợi nhắc đến những truyện ngắn tối giản của Raymond Carver ở khả năng đẩy xung đột đến tận cùng, khả năng tự sự chủ quan, bao quát mọi vấn đề.

Những chuyện phim thường tập trung vào một nhân vật chính với vài ba nhân vật phụ trong những mối quan hệ đang phân hủy, trong một môi trường bấp bênh thách thức sự vi phạm đạo đức, sự tồn tại của con người.

Các nhân vật thường xuất hiện trong điều kiện tồn tại tối thiểu như những kẻ ngoài lề xã hội: mặc bộ đồ duy nhất, ăn đồ ăn nhanh ngoài đường, giấu tiền bạc trong một hốc đất, đi vệ sinh nơi công cộng và thường ngất xỉu. Họ không có những phút tự vấn hay bộc lộ cảm xúc.

Vấn đề của họ là làm thế nào để sống, có việc làm và được công nhận như một con người: gã thanh niên Igor giúp mẹ con người da đen nhập cư tìm chồng trong khi chính anh đã chôn cất người chồng đó trong The promise, cô gái trẻ Rosetta tố cáo bạn trai để giành lấy việc làm của anh tại quầy bán bánh trong Rosetta, người thầy dạy nghề mộc cho cậu thiếu niên đã giết con trai mình trong The son, gã trộm cắp đã bán rồi tìm cách chuộc lại đứa con 9 ngày tuổi của mình trong The child, Lorna có mang với hôn phu giả trong Lorna’s silence, cậu bé Cyril từ vị trí bị mất mát trở thành kẻ lấy trộm trong The kid with a bike.

Chọn cách kể giới hạn (theo điểm nhìn của nhân vật chính), cao trào của những bộ phim nằm ở các khoảnh khắc phản tỉnh, sự thật được tiết lộ, cái chết khước từ ước muốn chết. Những sự kiện được tạo ra ngẫu nhiên, vì thế nó trớ trêu như cuộc đời và gắn kết với cuộc sống của nhân vật nhiều hơn, cũng chân thật hơn những tình tiết cài cắm thường thấy trong phim Hollywood.

Những bộ phim luôn kết thúc đột ngột, sự dang dở tạo ra dự cảm không hay cho số phận nhân vật. Không lên giọng, không dạy đời, không khuôn sáo, tự sự trong phim của anh em nhà Dardenne không phải trò chơi trí tuệ, đích đến của nó nhất định là những cú rớt cảm xúc của người xem.

Dù lấy cảnh quay có thể coi là đặc trưng của nghệ thuật điện ảnh, là công tác số một của đạo diễn thì anh em Dardenne vẫn bỏ qua việc này trong phim của mình. Việc bỏ qua này được hiểu là cách làm bộ phim như một hiện thực được ghi lại chứ không phải một đời sống được tạo ra, mà trong đó mọi chi tiết sắp đặt trước máy quay đều phải góp nghĩa. Họ dùng máy quay vác vai hoặc cầm tay.

Việc dùng máy quay cầm tay từng được ghi nhận là một thủ pháp cốt yếu của “Làn sóng mới” (ở Pháp) hay “Dogme 95” (ở Đan Mạch), nhưng trong phim của Dardenne nó tạo nên một sự chuyển hóa đắc địa với nội dung.

Hình thức quay và nội dung ghi hình gặp nhau ở cảm giác chông chênh của đời sống, sự lo lắng không đoán định của sự kiện. Nhân vật không biết được chuyện gì sẽ xảy ra, máy quay không làm chủ được nội dung, và vì thế nó chỉ còn cách chơi trò đuổi bắt. Máy quay đi theo nhân vật, lúc thì lấp ló rình mò, lúc thì cận cảnh áp sát. Nhân vật của Dardenne không có tiếng nói trong xã hội, lời nói của họ bị rơi vào sự im lặng, lãng quên, vì thế máy quay đã nâng đỡ họ.

Chính máy quay đã nói trung thực về sự bức bối của môi trường sống, sự bất lực của con người. Vì vậy người xem có cảm giác như thể chính mình đang quay bộ phim này.

Điều thú vị trong phong cách mang tên Dardenne còn ở việc không mồi cảm xúc cho khán giả bằng nhạc nền. Không có những hiệu ứng âm nhạc hay giai điệu chủ đề... Thay vào đó, tiếng động trong phim đóng vai trò vô cùng quan trọng: tiếng hiện trường công xưởng, tiếng xe cộ, tiếng đi lại, tiếng thở... tất thảy đều có khả năng tạo ra một sự song trùng về cảm giác váng vất, khó chịu của nhân vật và người xem.

Liên hoan phim Cannes từng vinh danh anh em Dardenne với hai giải Cành cọ vàng cho RosettaThe child. Đến Cannes năm nay với Two days, one night (Hai ngày, một đêm), họ “thi thố” cùng các đạo diễn chủ nghĩa hiện thực kỳ cựu như Mike Leigh với phim Mr. Turner, Ken Loach với Jimmy’s Hall.

Two days, one night xoay quanh nhân vật Sandra, người phụ nữ trẻ nhờ sự giúp đỡ của chồng mình, chỉ trong hai ngày cuối tuần cô phải thuyết phục đồng nghiệp từ bỏ khoản tiền hoa hồng nếu không muốn mất việc. Với sự tham gia của “bông hồng Pháp” Marion Cotillard, anh em Dardenne vẫn sử dụng “bí kíp” quen thuộc: mang đến sự nhận thức về con người bằng việc kéo khán giả sống cùng nhân vật.

Mười tám năm với bảy phim dài, đều đặn ba năm sản xuất một phim, phong cách “tiệm cận” hiện thực của anh em Dardenne được định hình ngay từ phim đầu tiên The promise (1996) và tái diễn trong các phim tiếp theo. Các đồng sự quay phim, dựng phim, các diễn viên cũng theo anh em Dardenne từ phim này đến phim khác.

Việc duy trì này không chỉ đơn giản là thực hành những quy tắc thẩm mỹ mà còn là sự cam kết có tính kỷ luật của cách kể. Cách kể ấy mang đến một trải nghiệm kép: “tin” vào hiện thực để cảm động, đồng thời “không tin” để thưởng thức những món nghề của nhà làm phim.

Phóng to
Marion Cotillard

Kể từ lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh năm 1994, nữ diễn viên khả ái Marion Cotillard luôn tạo được dấu ấn bất kể cô đảm đương những vai diễn khác nhau như thế nào: từ ả gái điếm đảo Corse trong Thế chiến thứ nhất (phim A very long engagement), kiều nữ găngtơ ở Chicago những năm 1930 (Public Enemies), bác sĩ dịch tễ (Contagion), đến huấn luyện viên cá voi bị mất cả hai chân (Rust and bone).

Thế nhưng ở phim lần này của anh em nhà Dardenne trong Liên hoan phim Cannes lần thứ 67, dấn ấn của Cotillard nằm ở phẩm chất quý giá nhất của cô: chất giọng. Cô từng vào vai ca sĩ Édith Piaf (La môme) với giọng mũi ngân vang đến ám ảnh, mang lại cho cô giải Oscar nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, hay mới đây vào vai một người Ba Lan nhập cư đến Ellis Island trong phim của James Gray. Còn ở Two days, one night, cô hóa thân thành một nữ công nhân mang đặc giọng Bỉ.

- Bài 3: Bất ngờ mang tên Xavier Dolan?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận