Phú Quốc: thiên đường sắp mất?

TTCT - Với những bãi biển tuyệt đẹp, Phú Quốc được tạp chí du lịch Condé Nast Traveler (*) xếp thứ ba trong số bảy điểm du lịch biển trên toàn thế giới du khách “nên đến trước khi quá muộn”. Những nguy cơ tiềm tàng đe dọa du lịch Phú Quốc được tạp chí này liệt kê là tình trạng xâm thực bờ biển, ô nhiễm, mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu, việc xây dựng quá mức... TTCT ghi nhận một trong những đe dọa này: ô nhiễm môi trường.

Cửa biển sông Dương Đông khu vực Dinh Cậu đưa nước từ núi rừng Hàm Ninh trôi ra biển trên chiều dài chừng 15km. Dọc theo con sông có vài ngàn hộ dân sinh sống. “Mặc dù chúng tôi có tuyên truyền cho người dân, nhưng tất cả mọi thứ đều thải xuống sông” - ông Nguyễn Phú Nam, trưởng Phòng Tài nguyên và môi trường Phú Quốc, nói.

Phóng to
Khi triều xuống, rác từ sông Dương Đông phơi ra ngay trước thắng cảnh Dinh Cậu - Ảnh: Quang Vinh

Video clip: "Thiên đường sắp mất" - Nguồn: TVO

Mỗi sáng, ông Ngô Văn Giao, 82 tuổi, nhà ở khu phố 4, thị trấn Dương Đông, dậy sớm ra cửa sông tập thể dục rồi vớt nhặt rác nổi bỏ vào bao. Ông nói: “Mỗi ngày chừng một giờ lượm vớt đồ mủ, tôi kiếm hai chục ngàn đồng. Lát trời sáng có bảy tám người cũng ra đây như tôi”.

“Ra biển hóng gió đi, sạch rồi!”

Khi trời rực nắng, xuất hiện bốn người trên chiếc canô màu trắng dùng vợt vớt rác. Khi chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp, người vớt rác cười ngạc nhiên: “Tụi tui vớt rác chứ có phải vớt vàng đâu, lạ lẫm gì mà chụp hình”. Họ thuộc tổ vớt rác của Ban quản lý công trình công cộng Phú Quốc. Rác đủ chủng loại: lon bia, chai lọ, bao nilông, rau cỏ, xác cá... Một giờ sau, từng mét bờ biển được làm sạch nhưng trên mặt nước, rác từ sông Dương Đông vẫn ùn ra từng giề dơ hôi. Hai anh Hùng và Sáu, thành viên tổ vớt rác, trườn mình sát mặt nước cố móc hết rác trong các khe đá bờ biển. Coi như xong ca sáng.

Thế nhưng đến giữa buổi chiều, rác từ dòng Dương Đông lại đùn về, tổ vớt rác lại cấp tập thu dọn. Đến xế chiều, chúng tôi nhận được điện thoại của anh Hùng: “Ra biển hóng gió đi, sạch rồi!”. Người vớt rác cầm ly thả hồn sau một ngày vất vả. Anh thích thú ngắm nhìn hàng trăm cư dân, du khách đang đắm mình vào sóng biển.

Một du khách da trắng dáng vẻ hóm hỉnh đến từ bang California (Mỹ) nói: “Biển Phú Quốc ấm bốn mùa tắm lúc nào cũng được, nhưng tắm lúc sạch buổi chiều vẫn đông vui hơn lúc sáng có rác”. Quan tâm cụ thể hơn, ông Nguyễn Thành Long, Việt kiều gốc Phú Quốc, bức xúc: “Tôi thấy rác nhiều trên bãi Dương Đông nên đi tìm người dọn dẹp và sẽ bồi dưỡng. Nơi đây dinh Cậu, chùa Bà, đình miếu có rác dơ trước mặt chịu không được”.

Phóng to
Vớt rác trước cửa sông Dương Đông - Ảnh: Quang Vinh

Rác ai nấy biết

Từ bốn năm trước, rác đã lềnh mặt sông và tổ vớt rác hưởng lương khoán ra đời từ ấy. Bây giờ lãnh đạo đang tính lập thêm một tổ vớt rác nữa, nghĩa là đầu tư cho hốt rác, còn ai xả rác xử lý thế nào thì chưa được quan tâm.

Chúng tôi theo ông Nguyễn Văn Khóa (Út “cà rem”) - tổ trưởng tổ vớt rác trên sông, đi suốt hành trình rác của ông. Tại chợ cá, chúng tôi hỏi một chị: “Rác chợ cá bỏ đi đâu?”. Chị hai tay bụm mặt nói: “Gom lại rồi quăng xuống sông lẹ lắm à. Có người vớt rác tụi tui mới quăng rác đó!”.

Hôm sau đi vào các khu dân cư, các con rạch, chúng tôi thấy rác cũng lềnh mặt nước. Tại xóm nhà sàn trên rạch Ông Trì, một chị chủ nhà nói: “Rác nhà ai nấy biết, trước nay cứ thải xuống rạch, rạch chảy ra sông”. Rạch Ông Trì, rạch Cầu Gãy, rạch Somaco đều đông đúc dân cư, là nơi vô số rác và nước đen đổ ra sông Dương Đông.

Ông Trần Quốc Khanh, giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và du lịch Phú Quốc, kể tại một cuộc hội thảo phát triển môi trường bền vững ở Phú Quốc, một giáo sư Mỹ mới đến Phú Quốc ba ngày nhận định Phú Quốc có không khí trong lành, rừng biển, người dân thân thiện. Nhưng ông nói bao nilông xả nhiều quá và nhiều xe máy không đạt tiêu chuẩn khí thải dẫn đến ô nhiễm môi trường.

Trước khi đưa canô qua cầu phao tạm xa chợ Dương Đông, tổ vớt rác còn phải moi rác lưới cước đang bịt một cống nước đen. Ông Út “cà rem” giải thích: “Lưới cước, bao nilông, tấm xốp và nhiều thứ chất thải luôn dày đặc trên sông trong những ngày có hàng ngàn ghe đánh bắt cá vào đây trú ngụ nghỉ trăng. Chỉ cần mỗi ghe quăng xuống sông một bó rau muống, một bọc nilông là chết tụi tui rồi. Có khi họ còn quăng rác trúng vào đầu tui!”.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, giám đốc Ban quản lý công trình công cộng Phú Quốc, cho biết những lúc cao điểm có khoảng 2.000 ghe tàu neo đậu trên sông Dương Đông, bình quân mỗi ghe có ba người. Tất cả vật thải của khoảng 6.000 người đều bỏ ra sông Dương Đông trong khoảng 10 ngày. Chưa kể những ghe tàu đậu ngoài biển cũng thả rác trôi vào bãi biển và sông Dương Đông. Ông Ngọc ước tính lượng rác thải thu gom ở thị trấn Dương Đông và An Thới là 140m3/ngày, riêng sông Dương Đông đoạn từ cầu Hùng Vương ra cửa biển Dinh Cậu mỗi ngày thu gom bình quân 4m3. Ông nói: “Hiện chúng tôi có hai chiếc ghe vớt rác, nhưng chỉ hoạt động một chiếc do kinh phí eo hẹp”.

Ngược dòng Dương Đông, chúng tôi đến khu vực ấp Suối Đá, tổ 7 (thị trấn Dương Đông) có dòng kênh đen hôi mà người dân nói là bị Công ty Masan sản xuất nước mắm xả nước thải thẳng ra sông. Cả đoạn kênh dài khoảng 3km từ nhà máy Masan đổ ra sông nặng mùi xác mắm cá nồng nặc trong thời gian dài. Mỗi khi trời mưa, chất thải lại đùn ra sông dữ dội hơn. Bị người dân ấp Suối Đá phản ứng, công ty đã ngừng xả chất thải nhưng ở miệng ống cống vẫn còn những giề bọt trắng. Theo ông Nguyễn Moon - nguyên phó chủ tịch huyện, khó có thể tái sinh dòng nước sạch trong thời gian một năm theo như lời hứa của lãnh đạo công ty đã được phổ biến ra dân.

Trên hành trình theo dòng sông Dương Đông, người dân cho chúng tôi biết còn nhiều cầu tõm, nhiều nhà máy, ụ tàu, bãi vật liệu, nhà hàng lớn nhỏ đang ngày đêm thải phần dơ bẩn của mình xuống dòng sông. Đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Dương Đông, sau lưng resort Sài Gòn - Phú Quốc không có hệ thống thoát nước nên vào mùa mưa, nước từ trên núi, nước sinh hoạt của người dân đổ tràn xuống resort kéo theo rác thải, nước bẩn, đất đá. Để hạn chế, resort làm một mương hở để dẫn nước xuống biển!

__________

(*) Condé Nast Traveler là một ấn phẩm thuộc Condé Nast Publications Inc., một trong những tập đoàn xuất bản thành công nhất thế giới, hiện quản lý 16 tạp chí nổi tiếng toàn cầu như Vogue, Architectural Digest, Glamour, Mademoiselle, GQ, Vanity Fair, Gourmet, Bon Appetit, House & Garden... Riêng Condé Nast Traveler có số lượng phát hành 800.000 bản mỗi kỳ (hằng tháng) và phát hành rộng khắp, có ở Việt Nam.

__________

Theo ông Nguyễn Quốc Bình - giám đốc trung tâm quan trắc môi trường Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang, kết quả quan trắc nước biển ven bờ Phú Quốc ba năm trở lại đây cho thấy: chất lượng nước chủ yếu bị ô nhiễm bởi tổng chất rắn lơ lửng và vi sinh.

Phóng to
Chất thải từ chợ cá tuồn thẳng qua hai ống cống được đặt sát bờ sông Dương Đông - Ảnh: Quang Vinh

Kết quả khảo sát cho biết hàm lượng nitrat tại khu vực cống đổ vào sông Dương Đông lên đến 4,3mg/l, nước sông đã bị ô nhiễm hữu cơ cao, giá trị BOD5 lên đến 34mg/l và COD là 59mg/l, tổng coliform là 24.000 MPN/100ml. Các thông số trên đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép theo QCVN 10-2008/BTNMT.

Đối với môi trường nước ven biển dọc tuyến Bà Kèo (thị trấn Dương Đông), cảng An Thới (thị trấn An Thới), cảng Bãi Vòng (xã Hàm Ninh), sở nhận định hàng loạt hoạt động của khách sạn, khu du lịch và của cầu cảng đã làm tăng ô nhiễm hữu cơ cao qua các thông số: BOD5 từ -4-29mg/l, COD từ 5,5-40mg/l, tổng coliform là 19.000-24.000 MPN/100ml. “Nước thải của các tàu thuyền khách và vận chuyển đều thải trực tiếp xuống biển. Vấn đề đáng lo ngại nhất là lượng dầu mỡ rò rỉ từ các tàu thuyền và dầu máy của các chủ tàu gây ra ô nhiễm dầu mỡ” - ông Đoàn Hữu Thắng, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Kiên Giang, nói.

Chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt

Theo Ban quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc, đã có 46 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch được cấp phép trong tổng số 219 dự án được chấp thuận chủ trương.

Tại các thị trấn ở Phú Quốc, nước thải được thu gom vào hệ thống cống chung và thải trực tiếp ra môi trường. Hệ thống thoát nước này vẫn chưa được hoàn thiện. Nước thải ở Dương Đông được thu gom qua hệ thống cống chung cùng với nước mưa rồi xả ra sông. Tại An Thới và các thị tứ khác, nước thải được xử lý qua bể tự hoại hoặc xả trực tiếp vào cống thoát nước. Theo đánh giá của Sở TN&MT, các bể tự hoại do các hộ gia đình xây dựng nên hiệu quả xử lý chưa cao.

Dọc bờ biển khu phố 7, thị trấn Dương Đông và nhiều khu vực bãi biển khác, một loạt khách sạn, resort xả nước thải trực tiếp ra biển, chỉ một số ít cơ sở lớn có đầu tư hệ thống xử lý nước thải cục bộ bằng công nghệ xử lý sinh học. Tuy nhiên, công tác kiểm tra theo dõi chất lượng nước thải sau xử lý chưa được nghiêm ngặt. Theo phản ảnh của nhiều người dân ở khu phố 7, nhiều hôm nước thải chảy ra biển bốc mùi hôi thối, đen ngòm gây mẩn ngứa cho du khách tắm biển. Ngoài ra, nước thải tại các bệnh viện qua hệ thống thu gom cũng chưa được xử lý đúng quy định trước khi thải ra môi trường.

Năm 2008, UBND tỉnh Kiên Giang có thành lập đoàn kiểm tra về việc chấp hành môi trường của tất cả các nhà nghỉ, khách sạn, resort lớn nhỏ trên đảo Phú Quốc. Đợt kiểm tra này cho thấy nhiều nhà nghỉ, khách sạn chưa có phương án bảo vệ môi trường, chưa có hệ thống xử lý nước thải.

“Chúng tôi đang chuẩn bị thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra quy mô lớn, xem việc chấp hành bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch trên đảo có chuyển biến hay không. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý mạnh tay” - ông Vũ Ngọc Phước, phó chánh thanh tra Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang, nói. Xung quanh việc Công ty Masan gây ô nhiễm môi trường (do không có hệ thống xử lý nước thải và nước thải vượt tiêu chuẩn môi trường), ông Phước nói ban giám đốc sở đang chuẩn bị đối thoại trực tiếp với công ty này và sau đó sẽ có hướng xử lý cụ thể.

Tuy nhiên, xử phạt doanh nghiệp thì dễ, xử phạt hộ gia đình rất khó - theo ông Nguyễn Phú Nam, trưởng Phòng TN&MT Phú Quốc. “Quan trọng là thay đổi ý thức người dân, từ đó chuyển sang hành động” - ông Nam đề nghị và cho biết thêm huyện đang thí điểm kế hoạch thu gom rác đến tận gia đình và xin chủ trương không sử dụng túi nilông.

Tỉ lệ chất thải rắn ở Phú Quốc được thu gom chiếm khoảng 60% khối lượng rác phát sinh trong dân. Do chưa có nhà máy xử lý rác nên rác thu gom được đổ tạm tại bãi rác ở xã Cửa Dương và thị trấn Thới An. Mùa mưa xử lý bằng việc dùng hóa chất khử mùi, còn mùa khô thì đốt. “Hiện sức chứa hai bãi rác đổ tạm này đã hết, chúng tôi đang xin thêm hai bãi tạm khác để di dời, trong khi dự án xây dựng hai nhà máy xử lý rác chưa khởi động” - ông Nguyễn Văn Ngọc, giám đốc Ban quản lý công trình công cộng Phú Quốc, nói.

Theo quy hoạch đến năm 2030, ở Phú Quốc sẽ xây dựng hai khu vực xử lý rác thải rắn ở xã Cửa Dương và Hàm Ninh, mỗi khu vực rộng 25ha. Dự báo đến năm 2020 rác thải toàn đảo là 400 tấn/ngày.

Nhà máy xử lý nước thải: đã có thí điểm, nhưng...

Tháng 3-2008, sau khi tỉnh Kiên Giang chấp thuận chủ trương dự án xử lý nước thải tại Phú Quốc, chủ đầu tư là Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thuận Thảo bắt tay vào xây dựng thí điểm nhà máy xử lý nước thải tại thị trấn Dương Đông với công suất 300m3/ngày. Sau bảy tháng đi vào hoạt động, kết quả đem lại rất khả quan. Nước thải qua xử lý tốt hơn tiêu chuẩn loại A, có thể sử dụng lại trong tưới cây, tưới sân golf...

Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng thực hiện dự án còn chậm do đến tháng 5-2010 mới có quy hoạch tổng thể. Ông William Moon, giám đốc người Hàn Quốc phụ trách dự án của Công ty Thuận Thảo, cho biết hiện đang bàn việc ký hợp đồng với Ban quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc. Dự án được đầu tư 340 triệu USD theo hình thức BOT, chia làm hai giai đoạn: từ nay đến năm 2020 và 2020-2030.

Theo dự báo đến năm 2020, tổng lưu lượng nước thải của Phú Quốc là 41.000m3/ngày, năm 2030 là 72.000m3/ngày. Quy hoạch tổng thể về xử lý nước thải đến năm 2030 của Công ty Thuận Thảo cho biết sẽ xây dựng năm nhà máy xử lý nước thải ở thị trấn Dương Đông (công suất 30.000m3/ngày), khu du lịch Bãi Dài (4.000m3/ngày), khu đô thị Hàm Ninh, Bãi Vòng (3.000m3/ngày), đô thị An Thới, Bãi Trường (25.000m3/ngày) và khu du lịch Mũi Đất Đỏ (4.000m3/ngày). Trong đó ưu tiên các nhà máy ở thị trấn Dương Đông và khu đô thị An Thới, Bãi Trường.

Ngoài ra còn có ba nhà máy xử lý nước thải công nghiệp. Tuyến cống thu gom nước thải dài 140km vòng quanh đảo đi qua các khu vực chính, những nơi có địa hình phức tạp thì xử lý cục bộ ngay tại dự án.

* Ông NGUYỂN THÀNH NHƠN (phó giám đốc resort Sài Gòn - Phú Quốc): Khách bất bình trả phòng

Những hôm mưa lớn rác thải tràn ngập bãi biển, có ngày chúng tôi thu gom 2-3 tấn đem đi đổ. Rác chủ yếu từ sông Dương Đông tràn qua. Resort phải chế một chiếc thuyền vớt rác ở khu vực bãi biển của mình, mỗi ngày kéo được 400-500kg rác. Do rác thải nhiều, có khách du lịch bất bình trả phòng đi ngay. Doanh nghiệp bị thiệt hại nếu vấn đề môi trường không sớm được xử lý triệt để.

* Ông RONAN (quản lý resort Mango Bay): Nếu chính quyền “cầm cờ”, chúng tôi sẽ ủng hộ

Chúng tôi luôn giữ bờ biển sạch sẽ, phơi và đốt rác hằng ngày. Resort chúng tôi có hầm chứa nước thải và cũng tham gia chương trình những khu du lịch xanh. Tôi đi nhiều nơi làm việc và ở Phú Quốc đã bốn năm. Phú Quốc đang phát triển du lịch sinh thái biển, chất lượng cao nhưng rác thải ngày càng nhiều. Năm đầu tiên đến Phú Quốc tôi thấy rác 1 thì bốn năm sau tôi thấy rác tăng lên 4. Những “vật lạ” trôi dạt vào biển không phải từ thiên nhiên mà từ con người. Mango Bay là khu du lịch sinh thái, gần gũi với thiên nhiên để bảo vệ môi trường, nhưng tôi nghĩ nếu một mình đơn lẻ thu gom rác thì không xuể. Nếu chính quyền “cầm cờ” đi trước trong việc bảo vệ môi trường, chúng tôi sẽ ủng hộ nhân lực và kinh phí.

Theo tôi, giải quyết ô nhiễm môi trường ở Phú Quốc là một thử thách lâu dài. Trong quãng đường dài đó cần phải có sự kiên trì và hợp lực giữa chính quyền - doanh nghiệp - người dân. Quan trọng là phải thay đổi nhận thức về việc vứt rác ra môi trường và nhận thức bảo vệ môi trường, phát triển du lịch Phú Quốc.

* Ông TRẦN NGỌC NGÀ (phó giám đốc resort Thiên Hải Sơn): Nhắc du khách gìn giữ môi trường

Năm 2005, khi xây dựng resort chúng tôi đã có hồ xử lý nước thải, tuy công nghệ thấp. Du khách ngày càng đông nên đầu năm 2010 chúng tôi nâng cấp hệ thống xử lý nước thải trị giá 1,6 tỉ đồng. Hằng ngày nhân viên resort dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác ở khu vực bãi biển của resort. Khi đưa khách du lịch đi lặn ngắm san hô, câu mực, nhân viên đều nhắc họ giữ gìn môi trường, không xả rác ra biển. Tuy môi trường sông Dương Đông đã được cải thiện khi có ghe vớt rác, nhưng nhiều du khách vẫn than phiền rác từ nơi khác trôi dạt vào bãi biển, nhất là khi luồng gió thay đổi, biển động rác vào nhiều.

* Anh TÂM (hướng dẫn viên du lịch): Du khách lắc đầu

Rất nhiều lần đưa đoàn khách nước ngoài đi tham quan thị trấn Dương Đông, họ chăm chú chụp hình tiểu thương chợ Dương Đông thải nước rửa, nội tạng cá, tôm... và rác xuống sông. Họ còn lắc đầu chỉ trỏ những “bè” rác kết vào nhau lềnh bềnh khắp mặt sông, nhiều người bịt mũi bước nhanh. Tôi không biết phân trần ra sao, chỉ biết cúi mặt xấu hổ.

Phóng to
Thuyền của ngư dân thị trấn Dương Đông (huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang) ra khơi - Ảnh: Huy Hùng

* Ông đánh giá thế nào về vấn đề môi trường trên đảo Phú Quốc?

- Có những vấn đề thuộc lịch sử. Chẳng hạn ở thị trấn Dương Đông, An Thới, dân cư nơi đây đã có từ lâu đời và hình thành tự phát nên chưa có quy hoạch và nước thải chưa được xử lý. Còn rác thải chỉ mới thu gom tập kết nhưng chưa xử lý triệt để. Tuy nhiên, khi quy hoạch phát triển du lịch thì các khu dân cư, đô thị cũ sẽ được cải tạo, chỉnh trang. Về vấn đề môi trường trên đảo Phú Quốc, Chính phủ đã ban hành quyết định 137, phê duyệt đề án tổng thể bảo vệ môi trường trên đảo Phú Quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Theo đề án này, trên đảo Phú Quốc có đến 16 dự án ưu tiên thực hiện, trong đó 11 dự án do UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì, còn lại do Bộ TN&MT.

* Vậy đề án đã triển khai như thế nào và có giải quyết được vấn đề môi trường hiện nay chưa, thưa ông?

- Mặc dù quyết định 137 phê duyệt từ tháng 10-2008, nhưng mãi đến tháng 7-2010 Bộ TN&MT mới triển khai. Vì vậy, các dự án không triển khai đúng như kế hoạch được. Tuy nhiên, chúng tôi đã chủ động chỉ đạo Sở TN&MT tích cực chuẩn bị triển khai ba dự án. Cụ thể, đó là dự án truyền thông nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường kết hợp với quảng bá sản phẩm du lịch trên đảo Phú Quốc, dự án quy hoạch tổng thể rừng ngập mặn phục vụ mục đích phát triển bền vững đảo Phú Quốc và dự án điều tra khảo sát đề xuất phương án sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sông Cửa Cạn.

* Sông Dương Đông hiện đã bị ô nhiễm trầm trọng. Tỉnh có biện pháp gì để “cứu”?

- Trước đây mỗi lần tôi tiếp xúc cử tri tại huyện Phú Quốc, bà con cũng phản ảnh vấn đề ô nhiễm sông Dương Đông. Theo quan sát thực tế của tôi, phía hạ lưu đoạn đổ ra Dinh Cậu đã xảy ra ô nhiễm, nguyên nhân chính là do rác thải sinh hoạt. Chúng tôi đã chỉ đạo ngành môi trường phối hợp với UBND huyện Phú Quốc tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dọc hai bờ sông. Nếu phát hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường thì xử lý nghiêm.

Phóng to
Ông Lâm Hoàng Sa - Ảnh: Tấn Thái

* Được biết đảo Phú Quốc đã có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn, nhưng vì sao đến nay vẫn chưa triển khai?

- Chúng tôi đã giao cho nhà đầu tư là Công ty Tâm Sinh Nghĩa thực hiện dự án đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn 200 tấn/ngày tại xã Hàm Ninh. Chủ đầu tư cam kết hoàn thành thủ tục đầu tư vào quý 4-2010. Hiện nay tiến độ còn chậm do vướng khâu giải phóng mặt bằng và hệ thống đường giao thông vào nhà máy chưa đảm bảo cho xe vận chuyển rác tập kết.

Bên cạnh đó, các dự án đường giao thông đang được đầu tư xây dựng, song song là xây dựng hệ thống thoát và thu gom nước thải. Khi hệ thống cống thu gom hoàn chỉnh sẽ đầu tư bước tiếp theo là nhà máy xử lý nước thải.

* Vừa rồi tạp chí du lịch toàn cầu của Mỹ (Condé Nast Traveler) đưa ra lời cảnh báo môi trường Phú Quốc bị ô nhiễm. Ông có quan tâm đến lời cảnh báo này?

- Tôi chưa nắm được đầy đủ thông tin này nên không biết họ nhìn nhận môi trường Phú Quốc bị ô nhiễm ra sao. Nếu đúng, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe. Đối với chúng tôi, dù có cảnh báo hay không thì vấn đề môi trường được chúng tôi đặc biệt quan tâm từ nhiều năm nay. Ở Phú Quốc có những khu vực “nhạy cảm” với môi trường như các bãi tắm, khu bảo tồn biển, rạn san hô, thảm cỏ biển, sông Dương Đông... Vì vậy chúng tôi luôn theo dõi sát sao diễn biến môi trường nước, rác thải, không khí...

Hiện Phú Quốc đang trong giai đoạn xây dựng và cải tạo nên có những vấn đề về môi trường chưa được giải quyết triệt để. Tất cả sẽ được giải quyết căn cơ khi hạ tầng xây dựng đồng bộ, các dự án bảo vệ môi trường sẽ đưa vào hoạt động.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận